Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Báo cũ (10): GIẤC MƠ DÂN CHỦ



GIẤC MƠ DÂN CHỦ

Đôi lời cùng bạn đọc.
Đây là bài báo Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, đăng trên báo Chính Luận, vài tháng trước khi miền Nam hoàn toàn đươc giãi phỏng. Bạn thử đọc rồi so sánh với hiện tình bạn đang sống. Giới Việt kiều di tản vượt biên thì cứ bảo rằng trước đây miền Nam có dân chủ, nên đòi chế độ CSVN phải lặp lại sự dân chủ bằng cách cho đa đãng. Thiện mỗ bảo là không, chỉ là hình thức giả tạo. 


          Nếu trong cuộc sống yêu đương, các cô các bà đã có lần mộng tưởng đến "tiếng sét ái tình", thì chúng tôi cũng đã có lần ước mơ độc lập tự do dân chủ đến với nước nhà. Giấc mơ của một đứa bé lên 10, vào thời kỳ bừng dậy của dân tộc năm 1945, nó thiết tha đẹp đẻ làm sao!
Ba mươi năm sau, thử lấy "cái thước tương đối" mà đo, thì hai chữ độc lập, tự do có thể nói là tàm tạm được thực hiện, mặc dầu độc lập dưới sự cố vấn (của ngoại bang) và tự do trong sự hạn chế hoặc trong sự xô bồ tuỳ theo lĩnh vực ta nhìn vào. Còn giấc mơ dân chủ ? Đây là điều đáng suy gẫm, và cũng là đề tài của bài báo ngày hôm nay.

Quý vị cứ thử làm một cuộc phỏng vấn tất cả các bạn bè, từ người làm lớn cho chí người làm bé, thì không ai là không mong muốn nước Việt mình có một nền dân chủ thật sự. Nhất là các vị đang tại vị, các vị đang lấp ló nhãy vào chính trường, thì lại càng hô hào to là ta phải kiện toàn dân chủ. Vì dân chủ là "kiểu áo thời trang" chính trị để ăn nói, để khoác lên người.

Nhưng trong thực tế, nền dân chủ của ta nó khác xa, nó thế nào quý vị có thể thấy. Nói theo kiểu chơi chữ thì chúng ta đang có một nền "CHỦ DÂN" thì đúng hơn. Xin hiểu cho rằng là cái cung cách "chủ nhân ông" nó đang ngự trị trên miền Nam này. Cái cung cách trên nó có một đặc tính rất ư là quan liêu: ra lệnh là phải răm rắp tuân hành, không bàn cãi chi ráo trọi. Giống như ở "nhà binh" vậy. Dân không có quyền tranh luận gì hết, mà phải theo cái thuyết "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy". Chỉ có một dịp được thực tập dân chủ, là khi dân được "lùa" đi bầu, khi người ta cần cái lá phiếu của người dân, và thằng dân thì cần cái thẻ cữ tri phải xuất trình kèm theo thẽ căn cước. Thế thôi.

Quý vị sẽ không ngạc nhiên cho lắm, khi quý vị đi sâu vào đời sống tâm linh của quý vị, của những kẽ xung quanh, của bạn bè, của giới chức công quyền, v.v.. Quý vị sẽ tìm thấy tiềm ẩn trong chúng ta là đầu óc quan liêu, chỉ chờ có cơ hội là phát triển ra ngoài. Chúng tôi xin quý vị đi sâu vào từng lĩnh vực.

Thứ nhất là điểm khởi hành: trong gia đình của quý vị, chúng ta đã hành động thế nào với con cái, nhất là đối với đầy tớ, gia nhân trong đời sống hằng ngày trong gia đình chúng ta. Có nhiều vị trong những buổi tiệc trà với bạn bè, hoặc trong những dịp biểu dương tài ăn nói chính trị, thì "xỗ" ra toàn những lời sặc mùi dân chủ, nhưng khi về nhà thì coi những chị vú anh tài của mình như những "con vật" sinh ra để mình sai khiến, không hề đếm xỉa xem họ có một đời sống riêng tư cho họ hay không, hay là chỉ coi họ như những tên nô lệ. Có nhiều anh tài xế làm việc với chủ 365 ngày trên 365 trong một năm. Chúa nhật, ngày lễ gì cũng phải túc trực phục vụ ông bà chủ và các cô cậu chủ. Các quan lớn nhà binh (dù cho đã giãi ngủ, và có thể đang lớn tiếng đòi hỏi dân chủ) đã có "lính gia nhân" là nguồn nhân lực phục dịch không tốn tiền, vì đã có bộ quốc phòng tài trợ, và được phục vụ 24 tiếng trên 24. Ba ngày Tết chưa chắc đã được "chuồn về" cúng kiến ông bà, hú hí với vợ con trong dịp xuân về, vì mắc lo "ứng chiến 100%" tại gia đình các quan lớn.

Nếu gia đình là môi trường đào tạo con người, con người sau này có thể lãnh đạo quần chúng, thì thử hỏi chúng ta đã đào tạo con cái chúng ta trong chiều hướng dân chủ hay chưa? Thực tâm mà xét, thì phải công nhận là chúng ta đang đào tạo một lớp người quan liêu, trưởng giả, kênh kiệu thì đúng hơn. Những cái cảnh mà trước mắt con cái, chúng ta đồng hoá người ở trong nhà với con kiki, thì tài nào sau này ra làm lớn, con cái chúng ta chả xem thân phận dân đen chả ra gì. Thường ngày đi làm việc, lộ trình dẫn chúng tôi qua những trường "de luxe" (quí phái)
Regina Mundi, Taberd, và St Paul xem cái cảnh xe cộ bóng loáng đưa rước con cái quý vị, chúng tôi cứ tự hỏi và thắc mắc là với cái cung cách sống thế này, các "cậu ấm cô chiêu" sẽ cảm xúc thế nào trước thân phận nghèo hèn của thằng dân. Từ thuở tấm bé đã không có sự hoà mình với con cái quân công (1) thì làm sao nói chuyên dân chủ sau này. Khi họ ở vị trí lãnh đạo họ sẽ coi con cái "quân công", chả hơn gì con cái mụ vú, anh tài trong nhà.

Nếu quý vị có dịp qua ở thử các nước châu Âu là những xứ tư bản hạng nặng, quý vị sẽ thấy là toàn thể con nít (và sinh viên) lội bộ đi học hoặc đi ô tô buýt, sang giàu nghèo hèn gì cũng thế, mùa đông lạnh cắt da cũng thế. Không có cái chuyện cưng con thuê tài xế lái xe riêng chở con đi học. Mà cũng không phải người dân châu Âu không cỏ "xế hộp" riêng cho mình. Chẵng qua là họ muốn tập cho con cái ngay từ thưở ấu thơ sự chịu đựng khó nhọc, tánh khắc phục khó khăn, và nhất là sự hoà đồng với con cái mọi người khác, nghĩa là tập cho con cái ngay từ tấm bế, tinh thần tập thể, tinh thần dân chủ. Chứ không phải cái tinh thần ăn trên ngồi trốc, cái tinh thần xe xuống ngựa đã có người hầu kẽ hạ, cái tinh thần vị kỷ cá nhân như ở VN.

Nói cách khác, là nếu ngay từ trong lòng gia đình, chúng ta không làm cuộc cách mạng tinh thần,  đem cái tinh thần dân chủ thực thi đối với gia nhân, thì còn khuya mới có dân chủ trên cái đất nước này. Đành rằng chúng ta có tất cả các định chế dân chủ chả thua gì đàn anh Hoa Kỳ, nhưng đấy chỉ là cái mã cãi lương bề ngoài mà thôi. Nếu không có cái tinh thần dân chủ thúc đẫy bên trong, thì các định chế dân chủ được đặt ra chỉ là cái vỏ bề ngoài để trình diễn mà thôi.

Bây giờ, chúng ta thử xem qua chúng ta đã hành xữ thế nào ở công sở và ở tư sở.

Đầu óc quan liêu, và tinh thần trưởng giả nó lại càng thể hiện mạnh mẽ trong các cơ quan hành chánh, trong các xí nghiệp, và trong các hội đoàn: qua bằng cấp, qua chức vụ. Tinh thần coi trọng bằng cấp nó đã ăn sâu vào đầu óc chúng ta, do cái chế độ quan trường xa xưa để lại. Không có gì làm chúng tôi bưc mình bằng là hở một chút là chúng ta, y như một cái máy, bao giờ cũng gọi kẻ trước mắt chúng ta bằng chức tước của họ: dạ thưa anh kỹ sư, chào ông tiến sĩ, dạ thưa anh chủ tịch. Nhiều khi tham dự các buổi họp, tôi không khỏi "xí nẹt" người ta gọi nhau bằng những chức tước dài lê thê: một điều là dạ thưa ông tổng giám đốc, hai điều là dạ trình ông phụ tá tổng giám đốc.

Chúng tôi tưởng tượng cái cảnh nếu chúng ta bỏ đi cái cung cách gọi nhau bằng chức tước, thì có lẻ chúng ta sẽ tiết kiệm 30% thời gian hội họp dành cho hành động cụ thể, và tinh thần dân chủ từ đó có thể phát triển thêm lên. Nhiều khi chúng tôi tủi hổ đau buồn khi chứng kiến cái cảnh những ông công chức hoặc tuỳ phái già lụ khụ khúm núm ra điều sợ sệt trước một "anh" giám đốc đang còn trẻ măng, tuổi chưa quá 30, nhưng đổ đạt ở ngoại quốc với những bằng to tướng. Và ông giám đốc "măng sữa" kia có vẽ hể hả vì quyền vụ của mình được thể hiện qua cái khúm núm sợ sệt của thuộc hạ. Những cái cảnh suy tôn Ngô Tổng Thống, hoặc câu chuyện ông bộ trưởng đi thụt lùi trước mặt ông Diệm, té chổng gọng vì đụng phải cái chậu bông sau lưng, làm cho chúng tôi phân vân là những di tích quan liêu còn lại nặng nề trong đầu óc giới trí thức lãnh đạo như thế, thì làm sao mà nói chuyện dân chủ.

Phải chăng uy quyền lãnh đạo đã chuyển từ cái quyền do thiên mệnh của thời quân chủ qua cái quyền do bằng cấp đem lại, rồi chúng ta gọi thế là dân chủ, trong khi thật ra chúng ta chả thay đổi chi ráo trọi về cái hình thức lãnh đạo, hợp với tinh thần dân chủ.

Nói đến chức vụ là không thiếu chuyện nực cười. Vô hình chung, cái óc quan liêu trưởng giả, làm cho chúng ta đồng hoá những dấu hiệu bề ngoài với thể diện quốc gia, thể diện cơ quan mà ta đang hành xữ: chủ tịch thượng viện là phải đi xe Mercedes, chứ xe Peugeot 504 không thể hiện đúng thể diện quốc gia trước mắt người ngoại quốc.

Trong khi ấy, người ta chả làm gì hết để cho bớt cái cảnh bùn lầy nước đọng ở các khu nhà lá xóm lao động. Thế nào là dân chủ khi "bên này" được cỗ vủ thắt lưng buộc bụng để đóng góp cho phía "bên kia" tha hồ chi tiêu cho những cái xa xỉ dưới chiêu bài thể diện quốc gia. Dân chủ thế nào được khi mà người "bị trị" (administré) và người "nắm quyền cai trị" (administrateur) không cùng chiến tuyến tư tưởng, không cùng một tinh thần, đồng sàn mà dị mộng.

Nếu bỏ ra ngoài các nước Phi Châu, thì có lẻ VN là nước có công xa dành cho giới chức chánh quyền và công ty quốc doanh đã đến một tỉ lệ rất cao. Từ một ông chủ sự quèn quèn đã có công xa riêng, đôi khi còn kèm theo tài xế riêng. Như vậy, đừng ngạc nhiên cho lắm khi một ông lớn cỡ bự có tài xế "cát kết" trắng, y phục trắng, biệt thự có lính hoặc nhân viên an ninh canh gát ngày đêm. Ở các nước Âu Mỹ đâu có cái cảnh rềnh ràng tiền hô hậu ủng còi hụ đèn chớp mỗi khi các quan lớn ra đường.

Rồi đến Tết nhất, cái hình thức chúc tụng, quà cáp, biếu xén của cấp dưới đối với các quan lớn cấp trên, phải chăng đây là hình thức dân chủ. Chắc là không. Đây là tinh thần gia nô, tinh thần triều cống của thời đô hộ xa xưa để lại thì đúng hơn. Ngày xưa, tình thầy trò thắm thiết. Tết nhất rũ nhau đến chủc Tết thầy cô là một hình ảnh đẹp đẽ, cảm động. Còn bây giờ đây, đi chúc Tết thầy cô mà không có quà quí giá thì sẽ bị đì quanh năm, làm như cái quyền giáo huấn là cái quyền nhận quà biếu xén.

Nói tóm lại, là khi địa vị đã đem lại những cái quyền, những hình thức làm nỗi bật cái địa vị của mình, thì cái đầu óc quan liêu, và đầu óc tự tôn cứ thế mà tăng lên, lúc ấy việc thực thi dân chủ chỉ là câu nói đầu môi chót lưỡi, không có một tác dụng chi cả.

Nói là dân chủ, nhưng dân chúng có bao giờ được tham khảo về các chánh sách kinh tế, tài chính, xã hội, giáo dục, quốc phòng đâu. Vì các quan lớn đã có bằng cấp to bảo đảm rồi, nên cỏ thể nói là "biết hết, biết hết", có thể độc đoán lấy quyết định khỏi cần thằng dân ngu khu đen xía vô. Nên đã có những dự án, những chương trình, những biện pháp, những chính sách "cả vú lấp miệng em". Kết quả ra sao, thì ai cũng biết, chả cần nhắc lại làm chi.

Ở một nước thực sự dân chủ, Thuỵ Sĩ chẵng hạn, một dự án nhỏ như xây một hồ tắm, một viện dưỡng lảo, một nhà máy, thì hội đồng xã, quận huyện đều đem ra trưng cầu ý kiến người dân. Nhưng trước khi đem ra trưng cầu ý kiến, thì dự án, chương trình, chính sách phải được đưa ra phổ biến trên báo chí với tất cả các chi tiết liên quan đến kỹ thuật, chi phí, lợi ích đem lại, và danh tánh các nhà thầu tham gia vào dự án, chương trình. Và phải được phổ biến 3, 4 tháng trước khi đưa trưng cầu dân ý. Lẽ dĩ nhiên là trong khoảng thời gian này, sẽ có những cuộc tranh luận công khai tại một hội trường nào đó, với thành phần tham dự gồm mọi thành phần: kẻ chống đối, người tán thành đều có quyền nói lên tiếng nói của mình. Một khi dân chúng từ chối một dự án nào đó, thì dự án phải được sửa đổi trình lại. Chúng tôi còn nhớ là ở Thuỵ Sĩ, có nhiều dự án xây xa lộ phải được đưa ra trưng cầu dân ý 3, 4 lần mới xong. Phải chờ gần 2 năm sau mới được toàn dân Thuỵ Sĩ thông qua. Như cách đây vài tháng, dân TS được kêu gọi cho ý kiến về việc dân thợ thuyền chuyên gia nước ngoài vào TS làm việc. Phong trào Schwarzenbach cỗ vũ cho việc tống cỗ tất cả ngoại nhân đang làm việc tại TS ra khỏi TS. Nhưng rốt cuộc dân chúng TS đã bỏ phiếu chống chánh sách cực đoan Schwarzenbach này.

Với cái thể thức hoạt động dân chủ như thế, cái tệ hại các nhà thầu thông đồng với các ông lớn trong chính quyền sẽ giảm thiểu. Sẽ không có cái cảnh cất cầu nỗi trước chợ Bến Thành chỉ để cho con nít và các cặp tình nhân dạo chơi. Sẽ không có những cuộc "tử thủ" xe lam trước cuộc tấn công của xe buýt, hoặc những phản đối của hãng xe buýt này đối với hãng xe buýt nọ, về lộ trình, về bảng số xe, v.v.. Nói là dân chủ, nhưng dân chúng có bao giờ được tham khảo trong các chánh sách thành lập và hoạt động của các công ty quốc doanh. Chỉ khi nào nó thúi như hũ mắm, lâu lâu nó xì ra, thì lúc này dân chúng mới biết được là chánh phủ đã đầu tư 1.070 tỉ bạc cho 72 công ty quốc doanh để đem về chưa tới 1% tiền lãi mỗi năm (2). Ở cái xứ sở này, nghe toàn những chuyện thúi ruột.

Trong việc giao dịch với thế giới bên ngoài, chúng ta cũng thiếu cái tinh thần dân chủ: vào một công sở để xin một việc gì, bao giờ chúng ta cũng tìm cách sử dụng chức tước, địa vị để được ưu tiên cứu xét, bất kể người xung quanh ta đến trước đang chờ đợi được giãi quyết.

Điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là ở VN khi vào các cơ quan công quyền hành chánh, nếu ta không "chìa cái chức kỹ sư" ra, thì công việc tiến hành một cách chậm chạp, lúc ấy mới thấm thía cái thân phận con giun con dế của dân đen "vô hình", nhưng khi ta nói là kỹ sư, bạn với sếp này sếp nọ thì hình như có một phép lạ gì đó, mọi cánh cữa mở toang, ta được tiếp đón niềm nở.

Ở cạnh nhà hàng xóm, thì ta ráng vặn radio, TV thật to, bất chấp giấc ngủ của người xung quanh, mặc dù đã quá 10 giờ đêm. Nếu có ai trách móc con cái ta mất dạy, phá phách, thì ta nhân danh chức vụ địa vị để hăm doạ, chơi luật rừng. Chắc quý vị cũng đã nghe nói đến nạn phá phách của con cái các ông lớn ở các cư xá sĩ quan hoặc tại các cư xá cao cấp của các ông lớn. Đủ thấy là cái tinh thần dân chủ của lớp thượng lưu xuống dốc một cách thảm hại.

Nói tóm lại, mặc dù nhìn bề ngoài, chúng ta có tất cả các cơ cấu, định chế dân chủ, nhưng từ trước đến giờ các ý niệm dân chủ, vì tình thế đưa đẩy, là do bên ngoài áp đặt lên chúng ta, mà không có sự "đồng thuận" của chúng ta. Các nhà cách mạng tiền bối, các vị khoa bảng tốt nghiệp ở ngoại quốc về, cứ tưởng rằng nước người ta tiến bộ là nhờ có dân chủ và có kỹ nghệ, rồi cũng bắt chước may cái áo dân chủ trùm lên cho dân Việt. Nhưng thật ra, người Việt mình chưa biết học cái tinh thần dân chủ, cũng như chư biết làm kỹ nghệ. Cũng đừng vội trách người dân Việt, vì chả ai dạy họ cả, muốn học dân chủ phải tự thắng mình, tự bỏ đi cái óc quan liêu, trưởng giả của kẻ làm lớn, tự bỏ đi các hành động khúm núm, gia nô của kẻ làm nhỏ. Cái dân chủ không tự nhiên do người ngoài đặt lên mâm dâng hiến cho chúng ta, mà phải do ta tìm hiểu, học hỏi và tranh đấu. Không phải chỉ đọc trong sách vở là đủ. Phải đem áp dụng vào đời sống hằng ngày, vào đời sống cộng đồng. Đấy chính là điều từ trước đến giờ, chúng ta chưa đưa vào thực hiện. Thành thử, khi nhìn lại các định chế dân chủ (hành pháp, lập pháp và tư pháp) được đặt ra, chỉ là để nhìn cho có lệ, để có dịp phân bua với thế giới là mình cũng có dân chủ như ai: toà lập pháp (ám chỉ quốc hội được đặt ở Nhà Hát Lớn Sài Gòn) được đặt ra để làm gì? Phải ngán ngẫm nhận thấy đây chỉ là toàn chuyện gấu ó, chưỡi nhau như mỗ bò, chĩa súng hăm doạ nhau, tố nhau nào là "ăn phân" (3) hoặc là gia nô. Nói là làm luật, mà tố nhau chơi luật rừng, nghĩ cũng buồn. Cơ quan tư pháp, thì dựa trên mã bề ngoài (xem con người có sạch nước cản hay không để mà xữ, như vụ ông già Bến Tranh (4)) để mà xữ, thì làm sao dân chủ khỏi tũi lòng.

Các vị trí thức khoa bảng đổ đạt ở ngoại quốc về đã giúp gì cho nền dân chủ nước nhà? Có lẽ chả giúp gì hết ! Thật thế. Nếu ta nhìn vào cái khung cảnh trưởng giả sống khi còn bé ở quê nhà,  rồi đi du học, hưởng thụ tất cả các tiện nghi vật chất ở Âu Mỹ, thì khi về lại VN chỉ có tinh thần "chuyên viên" lại kèm theo tính tự cao tự đại, cộng thêm cái tinh thần đòi hưởng thụ cao độ như khi ở ngoại quốc, thì làm sao mà "đi khai trí" dân chúng được. Có vị nào ở Pháp về dám mở mắt con sen mình, bằng cách bảo rằng con sen ở Pháp nghĩ ngày Chúa Nhật, làm việc chiều 6 giờ là nghỉ, phải trã lương tối thiểu SMIC theo luật định, phải đóng bảo hiểm xã hội và đóng thuế lợi tức cho sen, v.v.. Chắc là không. Nếu làm như thế thì ai phục dịch. Chúng tôi thường nhận thấy là sinh viên VN du học ở xứ người, thì chỉ biết bù đầu vào học, hoặc chơi bời. Chứ ít khi chú tâm quan sát lối sống của người ngoại quốc, tìm hiểu xem cái lối sống cộng đồng người ngoại quốc ra sao, quan sát lối sống tập thể, cách giãi quyết các vấn đề ở xí nghiệp ra sao. Họ chỉ biết học để giựt cho được cái mãnh bằng, to chừng nào tốt chừng nấy, để khi về nước có một chỗ ngồi cao sang. Nhìn cái cung cách sống của sinh viên VN ở hãi ngoại, chúng tôi có thể khẵng định không sợ hồ đồ, là trí thức VN đi xa mà chả đem về cho đất nước một tí gì về việc xây dựng tinh thần dân chủ cho dân chúng, đây là chưa nói đến sự đóng góp gì về kỹ nghệ hoặc kinh tế (5).

Đến đây, chúng tôi đi đến một kết luận: là theo sự nhận xét của chúng tôi, thật sự chúng ta không có những hành động dân chủ: những chuyện lũng cũng trong mọi cơ quan công quyền, hoặc ở xí nghiệp vân vân,chẵng qua là sự khiếm khuyết tinh thần dân chủ của mọi tầng lớp chúng ta, chứ không cứ gì là chánh phủ, nhất là trong lớp trí thức thượng lưu. Chúng ta đừng chờ đợi gì từ chính phù. Chính phủ cũng chẵng qua là chúng ta cả. Nếu chúng ta không "lột xác" thì đừng chờ đợi gì cả. Đôi khi trong chúng ta, mọi người thường có cái cao vọng là: khi nào chúng ta ngoi lên được chức tổng trưởng, thủ tướng, hoặc tổng thống, thì chúng ta mới có thể làm được cái này, sữa đổi cái nọ, v.v.. Trong khi chờ đợi "cờ đến tay", ta là một chủ sự quèn, một phó giám đốc nhỏ, ta không làm gì được, trong thời buổi nhiễu nhương này, nên ta ở nhà thì tha hồ bóc lột sức lao động của con sen chị vú anh tài, ở sở thì chèn ép hách dịch với nhân viên thuộc hạ. Ta tiếp tục tham nhũng và hối mại quyền thế nếu có thể được, tự nhủ rằng cái mức độ tham nhũng của ta quá nhỏ nhoi, chả thấm tháp gì so với sự tham nhũng 9 tý bạc thuế Phân Suất Quân Bình của một ông cựu tổng trưởng nọ. Chúng ta tự bảo rằng chỉ khi nào chính phủ toàn người sạch sẽ hữu hiệu và đầy tinh thần dân chủ, thì ta "tốp" tham nhũng. Chắc quý vị cũng hiểu là quý vị đang tự dối lòng: vì với tình trạng trên, chúng ta cũng chỉ là những người hình thức đang nằm mơ một "vận hội mới". Và có lẽ chỉ là giấc mơ Đào Nguyên.

Phần chúng tôi, thì chỉ mơ ngày nào đó, chúng ta sẽ có một lớp người giống như Trạng Quỳnh đã dám vênh mặt đối đáp trước mặt vua: Trời nắng chang chang Người trói Người. Nhân phẩm của thằng con nỉt bị trói ở truồng quì dưới đất và nhân phẫm của ông vua ngất ngưỡng trên yên ngựa là như nhau: đấy mới thất ý chí dân chủ.

Trong khi chờ đợi, quý vị thử làm một cú: cho sen nghĩ ngày Chúa Nhật về thăm gia đình, cho anh tài về thăm gia đình hú hí với vợ con trong 3 ngày Tết, cho chị giúp việc lên lương. Quý vị thử họp thuộc hạ dưới quyền, tuyên bố từ nay không nhận biếu xén quà cáp trong dịp Tết sắp đến. Mà hãy coi chừng, người ta sẽ bảo quý vị là điên, là khùng.  Nếu quý vị không ngán bị kêu như thế, thì cứ thử xem.

Tục ngữ Đức có câu: "wie man sieh bettet, so lieg man", nghĩa là "chúng ta dọn giường thế nào, thì ráng ngủ thế ấy". Nếu ta muốn nằm đất thì ráng chịu đau lưng. Nếu chúng ta nhu nhược để cho cái giường ta đầy rận tham nhũng sinh sôi nẩy nở, thì ráng chịu cho chúng cắn, chứ đừng bắt chước một số người chỉ chờ rục rịch cái giường VN bất ổn, thì chạy vù qua "giường Thuỵ Sĩ" xin nằm nhờ (và tự nhủ là mình thức thời).

Ghi chú: (1) quân công: tắt chữ quân nhân và công chức; (2) các tập đoàn quốc doanh XHCN VN làm ăn cũng chả hơn gì các công ty quốc doanh VNCH, dựa trên số tiền lãi đem về trên số tiền đầu tư; (3) ám chĩ các vụ nhập phân bón nông nghiệp; (4) Ám chỉ vụ một ông già ở Bến Tranh, Mỹ Tho tố cáo ông Thiếu tá Quận Trưởng đã tham nhũng. Một đêm, người ta dàn cảnh VC giết ông già Bến Tranh, và vụ xữ ông thiếu tá quận trưởng cũng cho qua thiếu nhân chứng; (5) trong Dương Quang Thiện blog, Thiện mỗ đã cỏ nhiều bài về các vấn đề này.


DƯƠNG QUANG THIỆN - 16/6/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét