Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014


ERP CỦA THIỆN MỖ: NỮA ĐƯỜNG ĐỨT GÁNH...

Chắc bà con đã biết : từ đầu tháng 11/2013, Thiện mỗ đã cho khởi công một dự án ERP tin học hoá xí nghiệp (dự kiến là miễn phí khi cho chạy phổ biến trực tuyến - on line - trên mạng). Bà con nghe nó hoành tráng lắm. Tuy nhiên, khi biết được (khi đọc trên FB hoặc trên blog của Thiện mỗ) khá nhiều người quen cho Thiện mỗ là điên điên khùng khùng, khó lòng thành công. Họ nghe nhiều người nói là có nhiều công ty đeo đuỗi ERP 5, 6 năm liền, tốn tiền khá bộn, mà chưa đâu vào đâu, Thế mà Thiện mỗ nhất quyết làm cho được trong vòng một năm, mặc dù tuổi đã qua 80 rồi. Họ quả quyết đây là một sứ mệnh bất khả thi (mission impossible).

Thiện mỗ đã mời được 3 giãng viên tin học giúp viết chương trình, với một cô thạc sĩ tài chính kế toán cố vấn mảng kế toán trong dự án. Các giãng viên này đã có nhiều năm giãng dạy cũng như kinh nghiệm đầy mình về lập trình, với trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và kỹ sư, nên Thiện mỗ chắc mẫm trong bụng là thế nào chỉ trong vòng một năm là xong dự án, như Thiện mỗ dự tính.

Nhưng ai học được chữ ngờ !!! Đúng là già đầu rồi mà vẫn còn ngây thơ. Để tuần tự, Thiện mỗ kể cho mà nghe, bỏ qua mọi tự ái vô duyên nếu có.

Theo nguyên tắc trong ngành tin học, thì phãi nghiên cứu, phân tích vấn đề mình muốn tin học hoá, sau đó thiết kế giãi pháp mới, rồi cuối cùng cho thi công theo một ngôn ngữ lập trình nào đó. Phần mềm Thiện mỗ chọn thi công là Access 2013 của Microsoft. Trong trường hợp này, Thiện mỗ chỉ đòi hỏi thi công theo Access 2013. Các phần phân tích thiết kế Thiện mỗ đã làm xong, được viết rõ ràng in ra sách. 

ERP mà Thiện mỗ muốn thực hiện là phần cốt lỏi cho việc quản trị của một xí nghiệp bỏ đi những phần mà Thiện mỗ gọi là "râu ria", thường gồm 8 module, mỗi module là một business function. Ta có thể kể các module: (1) Inventory Control (tồn kho); (2) Order Processing (xử lý đơn đặt hàng); (3) Purchase Order (đơn hàng nhà cung cấp); (4) Cash & Bank (quỷ tiền mặt và ngân hàng); (5) Account Receivable & Account Payable (công nợ khách hàng & nhà cung cấp); (6) Payroll (lương bổng); (7) Fixed Assets (tài sản cố định); (8) Accounting (kế toán).

Mỗi xí nghiệp, khi muốn đưa tin học vào để quản lý công việc của mình, thì trước tiên phải cho tin học hoá 8 module cốt lỏi ERP kể trên. Kết quả của việc tin học hoá 8 module cốt lỏi ERP này là việc hình thành một căn cứ dữ liệu (database) duy nhất, tích hợp, kịp thời, chính xác, mà các chức năng của xí nghiệp có thể sử dụng trong công việc nghiệp vụ của mình.

Ngoài phần cốt lỏi ERP, ta có thể thêm 5 module cao cấp như sau: (1) Quản Lý Sản Xuất (Manufacturing Management - MM); (2) Giá Thành Sản Phẩm (Cost Accounting - CA); (3) Quản Lý Chuỗi Cung Ứng (Supply Chain Management - SCM); (4) Quản Lý Nguồn Nhân Lực (Human Resources Management - HRM); (5) Quản Lý Quan Hệ Khách Hàng (Customer Relationship Management - CRM). Khi ta đã tin học hoá xong 8 module cốt lỏi ERP, ta có thể tin học hoá 5 module cao cấp kế tiếp.

Cách đây gần 50 năm, khi Thiện mỗ từ Paris (Pháp) về VN tháng 7/1965, đem theo bà vợ giáo viên người Thuỵ Sĩ, thì Thiện mỗ đã làm việc cho công ty IBM France, với chức vụ Kỹ sư Hệ thống (System Engineer). Nhiệm vụ của Thiện mỗ ở VN là điện toán hoá (tin học hoá) các hệ thống thông tin (HTTT) của phần lớn các cơ quan nhà nước VNCH, chẵng hạn Ngân Hàng Quốc Gia, Bưu Điện, Quan Thuế, Sài Gòn Thủy Cuộc, Điện Lực Việt Nam, v.v.. Các module phải điện toán hoá phần lớn là 8 module kể trên, nhưng cách đây 50 năm người ta không gọi là ERP như bây giờ cho oai. 

Vào thời ấy (1965-1975), máy tính cỡ lớn, như IBM 360/370, giá rất mắc, từ 700.000 đô đến hơn 3 triệu đô, nên không công ty nào có tiền mua đứt máy tính như ta bây giờ. Do đó, công ty IBM mới cho thuê máy tính trả tiền thuê theo tháng, nếu không bằng lòng thì có thể trả lại máy. Tiếng tăm của công ty IBM dựa trên việc công ty khách hàng trả lại máy nhiều hay ít. Nhiệm vụ của công ty IBM là cung cấp và bảo trì máy theo đúng hợp đồng, cung cấp phần mềm hệ điều hành và phần mềm ngôn ngữ RPG, cũng như đào tạo thảo chương viên (lập trình viên bây giờ) TCV cho công ty, và cuối cùng phân tích thiết kế các ứng dụng quãn trị xí nghiệp phối hợp với thảo chương viên của công ty đã qua đào tạo. Thời ấy, không có kỹ sư tin học do đại học cung cấp, IBM tự mình trắc nghiệm nhân viên công ty khách hàng, chọn ra người rồi mở khoá đào tạo ngôn ngữ RPG cho vào khoảng 30 người, cho 5-7 công ty trong thời gian 3 tháng,và vào buỗi tối từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối, 6 ngày/tuần. Vì thời gian khi ký hợp đồng thuê máy cho tới khi máy được sản xuất ở Mỹ về là 12 tháng (chứ không như bây giờ ra tiệm mua là cỏ máy liền), nên nhiệm vụ của Thiện mỗ là (1) trắc nghiệm tuyển sinh rồi đào tạo TCV trong vòng 3 tháng; (2) cùng với TCV ra trường của mỗi công ty lo phân tích từng ứng dụng một; (3) bắt TCV viết ra các chương trình RPG theo các ứng dụng, rồi cho trắc nghiệm các chương trình này. Nói tóm lại, trong khoảng thời gian 9 tháng, Thiện mỗ phải làm thế nào với TCV của công ty khách hàng viết và thử nghiệm từng hệ thống một. Sau khi máy tính về, thì phải cho chạy song song trong 3 tháng hệ thống máy tính và hệ thống bằng tay để so sánh sửa sai nếu có, và xem có đem lại hiệu năng và lợi ích như đã ghi trong hợp đồng hay không. Nói tóm lại, chỉ trong vòng 12 tháng tất cả các hệ thống quản lý xí nghiêp phải được đưa vào hoạt động. Không có chuyện thông cảm khi hệ thống vượt quá deadline.

Từ 7/1965 đến 11/1969 (ngày tôi rời IBM qua đầu quân cho hãng bia BGI (nay là Sabeco) trung bình tôi tin học hoá 4 đến 6 công ty mỗi năm, và đào tạo trên cả trăm TCV. Năm 1989, khi thôi việc tại Sabeco, vì bất đồng với ban giám đốc, tôi về nhà mở công ty SAMIS, viết sách tin học và mở lớp tin học, đào tạo TCV ứng dụng sử dụng FoxPro. Trong thời gian này, SAMIS đã chuyển đổi hệ thống IBM già cỗi, 30 năm, của Sabeco qua máy vi tính sử dụng ngôn ngữ FoxPro trong vòng 6 tháng, cũng như tin học hoá hệ thống hành chánh cùa UBND huyện Bình Chánh trong thời gian chưa quá 6 tháng. Nói tóm lại, suốt 50 năm hành nghề tin học, các HTTT mà Thiện mỗ tin học hoá và đưa vào hoạt động chưa bao giờ kéo dài quá 1 năm. Thế mà...

Chính trong tâm trạng lạc quan (tếu?) này, Thiện mỗ suy nghĩ đến việc khởi động dự án ERP. Dự án này Thiện mỗ đã ra công soạn thảo về mặt phân tích thiết kế, đã viết ra sách, theo từng module một. Coi như là xong nữa đoạn đường. Do đó, dành 12 tháng thi công 8 module đã được phân tích thiết kế xong, Thiện mỗ coi như là phần thắng trong tay. Do đó, Thiện mỗ đã viết hai bài báo trên blog của Dương Quang Thiện về "Làm thế nào tin học hoá..." và "BIS ERP là gì?". Hai bài báo này được đọc nhiều nhất.

Thế là ngày 11/11/2013 Thiện mỗ cho khởi công module Order Processing (OP) với 3 giãng viên đại học về tin học: một tiến sĩ, một thạc sĩ và một kỹ sư tin học. Chỉ cậu thạc sĩ là biết Access 2007, cả 3 dạy Java như là ngôn ngữ tin học. Do đó, khởi đi Thiện mỗ giao module OP cho cậu thạc sĩ thi công, còn 2 cậu kia tìm sách học Access trong khi chờ đợi. Vì 3 cậu giãng viên này không biết mô tê gì về quản trị xí nghiệp. Các khái niệm về hoá đơn, tồn kho, tài sản cố định đối với các vị này rất là mơ hồ mới mẻ. Sau 3 ngày giải thích về module OP thì Thiện mỗ giao cho cậu thạc sĩ bắt đầu thi công viết chương trình, còn hai cậu kia tìm hiểu Access 2013.

Sau 2 tháng, cậu thạc sĩ cho biết là đã làm xong OP và có thể làm một demo. Thiện mỗ, cho mời 2 chuyên gia tin học, một làm tại một công ty triễn khai openERP, một chuyên gia khác dạy marketing ở đại học kinh tế để thực hiện việc phản biện. Theo 2 chuyên gia phản biện là công trình đã đạt chuẩn. Bạn để ý là Thiện mỗ làm việc rất quan liêu, không tìm hiểu trước hoạt động thực sự của module, mà chỉ tin tưởng vào lời của các chuyên gia phản biện. Do đó, Thiện mỗ phải trả giá cho sự quan liêu này.

Sau đó, Thiện mỗ giao module kế tiếp, Inventory Control (Tồn Kho), cho cậu thạc sĩ, còn module OP vừa làm xong, thì lại giao cho 2 cậu tiến sĩ và kỹ sư viết ra sách để chuẫn bị lên mạng dạy online. Sau 3 tháng, nghĩa là qua tháng thứ 5, (tuần thứ 21) cậu thạc sĩ bảo cho tôi biết là đã viết xong module Inventory, và muốn làm demo. Lần này, Thiện mỗ không muốn thành một ông quan liêu, nên yêu cầu xem phần mềm trước khi demo cho các người khác xem. Kết quả việc khảo sát là hoàn toàn sai lạc so với bản phân tích thiết kế của Thiện mỗ lúc ban đầu. Phần viết ra sách của module OP cũng sai bét. Thế là ngay buỗi sáng, ngày 14/4/2014, Thiện mỗ buộc lòng ra lệnh phá bỏ tất cả các chương trình của 2 module mà 3 người đã làm trong 5 tháng qua. 5 tháng qua coi như công toi. Thiện mỗ bảo là họ đang đi lạc như trong sa mạc mà không biết. Nếu Thiện mỗ không quan liêu ngay từ tháng thứ 3, thì có thể tiết kiệm 3 tháng.

Cuối ngày sau đó, cậu thạc sĩ viết cho Thiện mỗ một lá thư như sau:

Kính thưa bác,
Sau những chỉ dẫn của bác ở buổi làm việc sáng nay, cháu nhận ra một vài điều:

-   Cháu tưởng cháu đã hiểu những phần cháu đã đọc và làm qua: Sales Order, Purchase Order, Inventory, thế nhưng thực sự không phải là vậy.

-    Cháu bị cái “lối mòn tư duy” nó dẫn lối, nghĩa là với những kiến thức cháu thu lượm được trước giờ thông qua: học từ trường, đọc trên mạng, nghe người ta nói, xem phần mềm của người khác, cháu cứ thế nhắm mắt nghĩ rằng mình đã hiểu rõ về các module quản lí bán hàng, mua hàng và tồn kho này, và nghĩ đơn giản rằng: (cái này giống như các thầy đã dạy cháu, cháu không có ý định đổ thừa) có bán hàng, mua hàng là khắc có cái tồn kho, cái tồn kho là hệ quả của bán hàng và mua hàng (và không cần cài riêng một module). Vì chủ quan và cứ theo cái tư duy tuyến tính đó, cháu đã trình bày ra cho bác một kết quả tệ hại.

-     Khi bác bàn về cái màn hình nhập liệu cho nghiệp vụ nhập hàng vào kho của riêng module Inventory, cháu bị giật mình. Vì trước giờ, cháu lại không hình dung ra là cái màn hình này thuộc về module Inventory, mà cháu cứ nghĩ Inventory khởi nguồn từ Purchase Order, và cứ từ đó cháu đi. Cho dù cháu đã đọc tài liệu của bác, nhưng chỉ sáng nay thôi, cháu mới chợt nhận ra cháu đã lướt qua và không hiểu, nhận thức được hết những điều bác đã ghi rành rành trong phần Quản lí tồn kho.

-    Sáng nay thật sự cháu hoang mang, vì nghĩ rằng mình đã hiểu sai khá nhiều thứ ở module Inventory và có thể ở các module khác nữa. Chiều nay, cháu bắt đầu bình tĩnh hơn, và giở ra đọc lại kĩ càng, chậm rãi từng trang trong module Inventory bác đã viết, để có thể hiểu chính xác về hệ thống này.

-    Vừa đọc, cháu vừa tự nhủ, cố gắng vứt bỏ những cái gì đã biết trước đó (mà thực ra là biết chưa tới đầu tới đuôi, biết kiểu chắp vá), không để nó ảnh hưởng đến những cái gì mình đang đọc, đang nạp vào đầu.

-   Sau khi đọc lại xong module Inventory cháu sẽ viết ra một số câu hỏi nhờ bác giải đáp, trước khi cháu tiến hành thi công lại module này.

Cháu biết rằng không thể chậm trễ những công việc đang làm, nhưng cũng kính xin bác bỏ qua cho những sai lầm của cháu. Cháu cũng xin bác cho thêm thời gian để cháu vừa học, vừa cài đặt, vì như cháu tự nhận cháu chỉ là người chăm chỉ thôi, chứ thiếu hẳn cái sự thông minh và nhanh nhẹn như người ta. Cháu hiểu rằng chưa khi nào cháu có cơ hội lớn như lúc này, được làm trên những hệ thống thông tin thật sự, với những kiến thức thực tế được dẫn dắt bởi bác, một chuyên gia đầu ngành. Cháu sẽ luôn cầu thị học tập và làm việc, không chỉ vì cho riêng cháu, mà là vì những mục tiêu lớn lao hơn: ngày nay học tập, ngày mai giúp đời.
Còn cậu tiến sĩ, đưa ra kiến nghị dưới đây:

Kiến nghị
   * Mong bác theo dõi chặt chẽ hơn công việc của nhóm để kịp thời điều chỉnh hướng đi. Thời gian qua rõ ràng là có sự khác biệt giữa ý tưởng của bác và việc làm của nhóm. Đây là điều nhóm không mong muốn, nhưng nhóm xin nhận trách nhiệm về tiến độ cũng như các sai sót vừa qua.

Qua tháng thứ 6 và tháng thứ 7, tiến độ thi công vẫn ì ạch, nên ngày 11/6/2014 Thiện mỗ tuyên bố chấm dứt hợp tác với nhóm giảng viên. Lý do: viết chương trình chậm, và không an toàn. Hình như các vị này không biết tiêu chí đo lường trong ngành tin học, trong ứng dụng là : tốc độ và 0 sai sót (zero error).

Đấy, các bạn thấy cái kiểu ERP nữa đường đứt gánh của Thiện mỗ như thế nào.

Trong đầu óc của Thiện mỗ cũng đã đi tới những kết luận xem ra rất tiêu cực, đối với sự kiện nữa đường đứt gánh ERP của Thiện mỗ, không tốt, nên đành ngưng lại đây, cho ERP "yên mồ yên mã"

DƯƠNG QUANG THIỆN - 13/6/2014 - 10:19PM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét