Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Báo cũ (5). LÀM THẾ NÀO KỸ NGHỆ VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI TIẾN LÊN



LÀM THẾ NÀO KỸ NGHỆ VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI TIẾN LÊN


Tác giả có đôi điều:
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 5 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 8/12/1974, chỉ cách 4 tháng trước biến cố 1975. Bạn đọc xong bài báo này rồi đem so sánh hiện tình của nước nhà, sau 40 năm dưới mái nhà XHCN để rồi tự rút tỉa ra kết luận thích ứng cho mình. Còn nay, tính đến 2013, nhiều việt kiều hải ngoại cho rằng là sau 40 năm dưới mái nhà XHCN, kỹ nghệ VN chưa cho ra một sản phẩm nào ra hồn nổi tiếng như với Samsung của Hàn Quốc hoặc Sony, Toyota của Nhật, v.v.. . Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.

Làm dân một nước chậm tiến, ai lại không mơ được trực tiếp tham gia vào việc kỹ nghệ hoá nước nhà. Nhưng ước vọng là một chuyện, mà thực tế lại là một chuyện khác. Khi đem đọ thực tế với ước mơ, mới thấy sự thật "phũ phàng", nên chúng tôi mới cho trình bày trên báo Chính Luận bài báo "Người Việt Nam có thể làm kỹ nghệ, thương mại được không?" (1*). Viết bài báo trên, chúng tôi mong muốn giới kỹ nghệ gia và giới chuyên viên thay đổi thái độ làm "kỹ nghệ".
Chúng ta có đủ yếu tố để thành công, nhưng chúng ta thực thụ xắn tay áo làm việc như trâu. Chúng ta vẫn còn giữ thái độ làm ăn kiểu chụp giựt, kiểu ngồi mát ăn bát vàng, hưởng thụ nhiều hơn là cố gắng.
Bài báo ngày hôm nay cố gắng tìm hiểu một khía cạnh khác của vấn đề: giả dụ giới kỹ nghệ gia và giới chuyên viên hiểu ra vấn đề và thay đổi thái độ, thì thử hỏi kỹ nghệ VN có cơ hội tiến lên không? Chúng tôi phải thú thật là chưa tìm ra câu trả lời dứt khoát, một sự khẳng địng rõ ràng: có thể hoặc không có thể. 
Trong khi chờ đợi, chúng tôi thử viết ra những cảm nghĩ rời rạc về kỹ nghệ VN mà chúng tôi đã quan sát trong nhiều năm qua.

1. Điểm thứ nhất đáng nêu ra, mà ai cũng biết rõ ràng là chúng ta chưa có một chính sách rõ ràng mạch lạc về kỹ nghệ. Nếu một ông bộ trưởng bộ QGGD dám tuyên bố chính sách giáo dục của ta là vô chính sách, thì phía kỹ nghệ chả hơn gì. Mà cơ quan đẻ ra chính sách kỹ nghệ là bộ Thương Mại Kỹ nghệ thì ai cũng biết "búa rìu dư luận" đối với các ông đầu não liên tiếp của bộ này ra sao rồi ! Chính sách kinh tế của chúng ta từ nhiều năm qua chẳng khác nào cái "robinet" (vòi nước), khi tắt khi mở, tắt mở liên hồi, kỹ nghệ gia VN chẳng biết mô mà mò. Không có một chính sách liên tục, mai thế này, mốt thế nọ, bất nhất liên hồi.
Nhiều kỹ nghệ gia có thiện chí, muốn làm cái gì đó cho đất nước, đã lỡ dại nghe chính phủ xúi đầu tư vào một kỹ nghệ nào đó mà chính phủ khuyến cáo cổ vũ. Kỹ nghệ vừa bắt đầu sản xuất thì rụp một cái, bằng một thông báo cho phép nhập cảng món hàng đang sản xuất nội địa. Người Việt mình thì đã quen cái tính "vọng ngoại". Hàng ngoại vừa rẻ vừa bền, thế là đồ nội địa đi đong. Kỹ nghệ gia thiện chí đành nhìn bao nhiêu vốn liếng tiêu tùng. Thiện chí thành thối chí.
Trong những năm mà ngoại tệ dồi dào (do viện trợ Mỹ cung cấp và do tiêu xài của lính Mỹ tại chỗ) người ta tha hồ cổ vũ thoả mãn cái "cầu" của dân chúng bằng cách nhập cảng hàng hoá tiêu thụ xả dàn, và cho xây dựng những xí nghiệp "thuộc loại ngọn" chế biến sơ sài sống trên nguyên liệu nhập cảng. Bây giờ, ngoại tệ khan hiếm cạn dần (do Mỹ cúp viện trợ và quân đội Mỹ rút đi), bao nhiêu đoàn đi cầu viện ra đi nay đã về tiu nghỉu. Và những nhà kinh tế gia xưa kia, nay hô hào là ta phải tự túc tự cường, và nhất là kêu gào kỹ nghệ phải chuyển hướng. Thay vì kỹ nghệ đại qui mô lấy nguyên liệu ngoại quốc làm căn bản, nay lui về tiểu công nghệ dùng nguyên liệu nội địa. Nói thì dễ, nhưng bắt tay vào việc là muôn vàn khó khăn. Đâu phải dễ dàng gì đành bỏ hàng tỉ đồng đầu tư vào một nhà máy, rồi quay qua một ngành mà tương lai rẩt là mù mịt.
Ngoài ra người ta cổ vũ đầu tư, rồi người ta đưa ra một chính sách thuế khoá kỳ lạ để giết lần. 
Theo chúng tôi nghĩ, là chúng ta phải có một chính sách kỹ nghệ rõ ràng, thực tiễn và liên tục kéo dài 20, 30 năm. Chứ không thể theo tuỳ hứng của từng ông tổng trưởng. Chúng tôi lấy một thí dụ bên Nhật. Trong mấy chục năm qua, dù cho Mỹ kêu gào thế nào đi nữa, chính phủ Nhật cũng quyết dùng hàng rào thuế quan đánh thật nặng vào máy điện toán Mỹ, và không cho công ty điện toán Mỹ sản xuất tại Nhật, chẳng qua là Nhật muốn bảo vệ ngành điện toán non trẻ của mình, có thời giờ bành trướng ngành điện toán của mình. Và trong hai năm nữa, Nhật sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong ngành điện toán đối với Mỹ cũng như đối với châu Âu trên thị trường quốc tế.
2. Điểm thứ 2 mà chúng tôi thấy là không ổn trong chính sách kinh tế VN: là tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh. Có lẽ chúng ta đang ở vào thế giới tự do, và có đàn anh Hoa Kỳ hỗ trợ hểt mình, nên chúng ta bắt chước cái không khí tự do cạnh tranh tại Hoa Kỳ cũng như tại các nước khối Tự do. Ngoài ra, cái nguyên tắc này rất phù hợp với cái cá tính sặc mùi cá nhân chủ nghĩa của dân tộc Việt mình. Đã từ lâu, chúng tôi gọi cái tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh là tự do đi vào chỗ chết. Và theo chúng tôi biết, là các nước tiên tiến, kể cả nước Mỹ, người ta cũng đang xét lại nguyên tắc trên, theo kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng năng lượng vừa qua : người ta sáng mắt ra vì là nguồn năng lượng, và tài nguyên thiên nhiên của thế giới không còn là vô tận. Như thế, thì không thể vô ý thức phí phạm nguồn tài nguyên, năng lượng kể trên, mà không đi nhanh đến tận thế, tự huỷ. Mà động cơ chính thúc đẩy sự phí phạm là sự tự do cạnh tranh. Tại sao người ta bỏ hàng tỷ MK để nghiên cứu chế tạo ra một chiếc xe mà người ta chỉ sử dụng trong vòng 2-3 năm rồi bỏ? Loại xe này cạnh tranh với loại xe kia. Tại sao người ta tiêu hằng tấn bột giấy, để cho ra những tờ báo dày cả trăm trang (toàn quảng cáo) không thời giờ đọc, để rồi kêu gào thiếu giấy, vì tốc độ phá rừng cung cấp bột giấy không ăn khớp với tốc độ tiêu thụ giấy. 
Trở về Việt Nam: chúng ta ai cũng biết chúng ta đang sống ăn xin, sống nhờ vào viện trợ Mỹ. Ngoại tệ khan hiếm, và ta nhập cảng xi măng để làm gì? Để cất building cho Mỹ thuê, để cán sân trượt patin. Thấy hai ngành này ăn tiền, tha hồ kinh doanh, tha hồ cạnh tranh. Kết quả thế nào ta đã thấy: tự do đi vào chỗ chết. 
Ngoại tệ khan hiếm, nhưng ta vẫn theo nguyên tắc tự do cạnh tranh: ta tha hồ cho thành lập công ty đông lạnh tôm xuất cảng, và tha hồ nhập cảng máy móc thiết bị đông lạnh: kết quả ta tự do siết cổ nhau bằng cách neo giá, và không biết bao nhiêu công ty đã vỡ nợ. Nếu có vị nào lẩm cẩm ngồi tính tổng số ngoại tệ nhập cảng máy móc thiết bị đông lạnh đem so với tổng số ngoại tệ do bán tôm, thì sẽ thấy là ta thua thiệt: ngoại quốc bán được máy móc thiết bị, đồng thời ăn được tôm giá rẻ.
Trong một buổi hội thảo, ông TGĐ Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ đã lên tiếng than rằng đã có nhiều công ty phá sản, và nhiều công ty khác đang trên đà phá sản, ngán ngẩm ngồi nhìn hàng tấn thiết bị bất động: vì thiếu nguyên liệu, vì mãi lực dân chúng giảm, vì lạm phát, ...bao nhiêu công ty đã giảm hoạt đông, và ngưng hoạt động. Và trước tình trạng vỡ nợ của nhiều ngành hoạt động, thì chính quyền nói chung, và bộ KN/TM nói riêng, ai cũng có vẻ thờ ơ, lạnh nhạt, hứa cuội. Chúng tôi có cảm tưởng như chính quyền nhắn nhủ với giới kỹ nghệ gia rẳng: "khi ăn nên làm ra, các anh có kêu chính phủ chia bớt lời của các anh đâu, các anh còn tính trốn thuế là đằng khác. Bây giờ lỗ lã, các anh kêu gào giúp đỡ tài trợ..." Xét cho cùng bên nào cũng có lý cả.
Nhưng cuối cùng thì quốc gia thua thiệt, thua đậm là ở chỗ trong thời gian qua, ngoại tệ đổ vào ào ào mà không vận dụng đúng chỗ để đầu tư vào kỹ nghệ "gốc" đem lại lợi tức về lâu về dài, thì lại dồn đem đầu tư vào những kỹ nghệ dịch vụ như xây villa, building cho Mỹ thuê, mở phòng tắm hơi, quán bar mua vui cho quân đội Mỹ.
Chính trong cái không khí tự do kinh doanh tự do cạnh tranh kéo theo cái tự do xài phí, tự do tiêu thụ làm cho ta chết cứng như bây giờ. Các nhà tư bản, tiền kiếm ra một phần đổ vào đầu tư xây villa, building giờ đây bỏ trống khi quân đội rút lui, một phần khác đem giấu cất ở ngoại quốc, còn dân chúng tiền kiếm ra được đổ vào mua xe hơi, TV, tủ lạnh, quạt máy, honda, v.v..
Trong tình thế chậm tiến hiện thời của nền kinh tế VN, tình trạng thiếu ngoại tệ, thiếu kinh nghiệm kỹ nghệ, chúng ta không thể nhân danh tự do kinh doanh, tự do canh tranh, mà để giới có tiền muốn làm gì thì làm. Chỉnh phủ không thể cổ vũ suông, khuyến khích vô trách nhiệm, mai làm cái này, mốt làm cái nọ, cái đi sau chửi cha hoặc phá sản cái đi trước, v.v.. Một gia đình nghèo, không thể nhân danh sự bình đẳng trong học vấn, để đi vay mượn cho tất cả con cái đều được đi học. Trái lại, phải dồn mọi nỗ lực vào đứa con nào thông minh có khả năng cho nó ăn học để sau này có khả năng ăn nên làm ra, giúp đàn em sau này. Một số khác đành phải hy sinh bỏ học, đi làm giúp đỡ gánh nặng gia đình. Nước Việt ta cũng giống như gia đình nghèo kia. Tư bản ta có rất hạn chế. Nên không thể phân tán mỏng, để làm những việc vô ý thức.
Đã từ lâu, người ta có cảm tưởng là cần phải có một nền kinh tế chỉ huy, mà ta gọi là chỉ huy sáng suốt. Có lẽ người ta sợ lầm tưởng với kiểu kinh tế chỉ huy kiểu CS, nghĩa là chỉ huy tập trung độc tài. Cho nên mới dùng từ chỉ huy sáng suốt, nghĩa là cũng chỉ huy tập trung nhưng mà sáng suốt, không độc tài kiểu CS. Nhưng giới hạn của từ sáng suốt cũng rất mơ hồ: làm thế nào để phân biệt một biện pháp sáng suốt với một biện pháp độc tài. Đấy là điều khó. Có lẽ thấy cái khó khăn phức tạp của một nền kinh tế chỉ huy sáng suốt, và có lẽ không muốn mang vào thân cái chữ "độc tài" (bị ám ảnh bởi chữ độc tài của Ngô Đình Diệm để lại) nên người ta mới để cho tự do: tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh, tự do ma giáo, v.v..
Trong cái không khí đòi hỏi tự do, đòi hỏi ngôn luận như hiện thời, chúng tôi tự hỏi có nên đặt vấn đề tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh hay không? Theo chúng tôi nghĩ là nên lắm, vì trong tình trạng thiếu ngoại tệ, thiếu kinh nghiệm làm kỹ nghệ, ta không thể tiếp tục phung phí tiền bạc, thời giờ để làm những kỹ nghệ không đâu vào đâu cả: chúng tôi rất buồn lòng khi thấy trong thiếu thốn ngoại tệ mà ta đem tiền đi nhập nhựa dẻo PVC để làm trò chơi bằng nhựa cho con nít vô bổ, hoặc làm những cái nia cái thúng bằng nhựa, trong khi ngành nia thúng đan bằng tre nguyên liệu nội địa thì để cho mai một dần. Theo chúng tôi nghĩ, các kỹ nghệ gia, thương gia, những người tha thiết với nền kỹ nghệ nước nhà, nên ngồi lại với nhau hội thảo với chính quyền để tìm ra một đường hướng lâu dài bền vững cho nền kinh tế nước nhà. Những chính sách và biện pháp phải được cam kết và được tôn trọng bởi đôi bên, một khi đã được chấp thuận. Chứ không thể tuỳ hứng nhất thời của một ông tổng trưởng hay bởi một cú thông cáo của bộ TM/ KN mà mọi nỗ lực từ trưởc bị hủy bỏ tiêu tùng không thương tiếc.

3. Điểm thứ ba: mà chúng tôi nhận thấy là kỹ nghệ gia không được hướng dẫn làm ăn. Nếu ở đại học, sinh viên không được hướng nghiệp (học cái gì? Học ở đâu? Ra trường có việc ùam hay không?) thì trong TM/KN, kỹ nghệ gia cũng không được hướng dẫn trong việc đầu tư, trong việc qủan trị. Chúng tôi được biết, có nhiều người có tiền, nhưng không biết dùng tiền làm gì bây giờ. Họ nghe ngóng tin đồn những ngành nào hốt bạc là a đầu vào đầu tư, để rồi vỡ nợ. Thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào là tâm trạng chung của đa số kỹ nghệ gia VN. Vì vậy mà ở VN có những mùa đầu tư quái đản: mùa nuôi gà nuôi chim cút, mùa siêu thị, mùa mở ngân hàng, mùa xây sân trượt patin. Bây giờ là mùa xuất cảng tôm đông lạnh, mùa xuất cảng đồ gốm sơn mài, mùa lên rừng phá rừng đốn gỗ, v.v.. Có nhiều người có tiền, mà đầu tư hùn hạp làm ăn chẳng khác nào mụ bán cá ở ngoài chợ. Thiển cận ơi là thiển cận.
Thỉnh thoảng phía chính quyền, cũng như phía nắm quyền cấp tín dụng, người ta hô hào, cổ vũ kỹ nghệ gia nên đầu tư ngành này, ngành nọ. Kỹ nghệ gia, như chim gặp phải ná vì nhiều lần "vỡ nợ", thì đã thối chí. Những người còn có gan, khôn hơn, xin tín dụng ngân hàng. Giới chửc xét cấp tín dụng là những tài năng trẽ đỗ đạt ở Âu Mỹ về. Cái ngộ nghĩnh là những dự án trên là do các chuyên viên tài ba kể trên nghiên cứu và cũng do họ xét cấp tín dụng. Thành thử ngạc nhiên cho lắm khi giáo sư Hách bảo rằng đa số các dự án được cấp tỉn dụng rơi vào tay ba tàu Chợ Lớn. Người Việt mình chả xơ múi gì. Chẳng qua là các chú chệt chịu chi tiền nhờ các chuyên viên lỗi lạc tài ba kể trên nghiên cứu dự án. Lẽ dĩ nhiên các chuyên viên lỗi lạc kể trên ở trong ruột các cơ quan duyệt xét tín dụng biết rằng phải trình bày dự án theo hình thức nào để dự án có thể chui trót lọt khi cứu xét.
Chúng tôi không gọi là hướng dẫn kỹ nghệ gia, mà là đầu độc kỹ nghệ gia là đúng hơn. Nếu ta nhìn vấn đề một cách toàn vẹn, thì ta thấy rằng: nền kỹ nghệ phát triển đem lại lợi tức đều đặn, tạo công ăn việc làm cho dân chúng, đóng góp thuế cho ngân sách quốc gia, đem lại sự ổn định cho xã hội. Nếu ngược lại ta hướng dẫn kỹ nghệ gia về những dự án hình thức, để dễ phá sản, thì chính ta là người phá hoại nền kinh tế quốc gia. Chúng ta đang tự giết chúng ta. Chúng ta đang ngồi trên chiếc thuyền nan, tự đâm đáy thuyền mà không hề biết. Viết đến đây, chúng tôi liên tưởng đến hai công ty bán máy điện toán ở VN. Công ty đầu bán một máy điện toán cho một công ty đa quốc gia. Cố vấn hướng dẫn thế nào, mà một năm trời, hệ thống chạy cà ạch cà đụi, công ty tiêu tốn trên 600 triệu đồng (= 10 triệu MK). Công ty thứ 2, cũng bán một hệ thống điện toán cho một ngân hàng. Dự án do công ty này nghiên cứu. Thế mà, khi máy về được lắp đặt xong trong tháng 7/1974, thì vỡ lẽ ra là máy thiếu khả năng, nên buộc lòng phải dạm bán. Mà đâu phải rẻ gì. 70 triệu bạc, chứ đâu phải nhỏ nhoi gì. Kết luận của hai câu chuyện kể trên là: những người cố vấn kỹ nghệ gia, thương gia thường chỉ thấy cái lợi nhỏ của mình, hay của công ty mình, mà quên quyền lợi của người mà mình cố vấn, và nhất là quyền lợi quốc gia. Cố vấn để bán hai hệ thống điện toán là cả 400.000 MK, ngoại tệ của nhà nước mất toi, không dùng được. Quốc gia thiệt thòi là thế. Lợi dụng sự mù tịt về điện toán của ban giám đốc để cố vấn bán những hệ thống điện toán là cả một sự thiếu lương tâm nghề nghiệp.
Chúng tôi thiết nghĩ là đến lúc phải thành lập một viện nghiên cứu Kỹ thuật, Thương mại và Quản trị. Viện phải hoàn toàn độc lập, do tư nhân quản lý, và vô vị lợi, sống hoàn toàn trên dịch vụ nghiên cứu. Hiện thời, có nhiều người có tiền, nhưng thiếu kinh nghiệm kỹ nghệ, hoặc quản trị. Hoặc có những kỹ nghệ gia lúng túng trong việc quản trị, không kiếm đâu ra những cố vấn rành nghề, để nhờ cố vấn nghiên cứu những dự án quản trị hợp lý, hoặc huấn luyện nhân viên về một ngành chuyên môn. Theo kinh nghiệm cho thấy, thì ở VN, riêng ngành điện toán, thì cấp chỉ huy rất mù tịt về ngành điện toán, về khả năng máy điện toán, và về khả năng ứng dụng máy điện toán vào quản trị xí nghiệp. Nên khi nghe những kỹ sư mại bản (bây giờ ta gọi là sales engineer) của các công ty điện toán, tán hưu tán vượn về một loại máy nào đó, thì cho đặt thuê hoặc mua đứt hệ thống máy này. Chỉ đến khi máy về, thì mới vỡ lẽ ra là ông chủ sự, hoặc ông chỉ huy cấp trên ù ù cạc cạc về ngành điện toán, chuyên viên thì mới ra lò thiếu kinh nghiệm, nghĩa là đủ thứ lủng cà lủng củng. Trong khi ấy, hằng tháng phải trả 4,5 triệu bạc tiền thuê máy, để cho ra những kết quả sai tùm lum. Một phí phạm vô tưởng.
Một thí dụ khác là việc lục đục của dự án xây dựng nhà máy in bạc của Ngân Hàng Quốc Gia trong tháng 8/1974 vừa qua, với kinh phí đầu tư là 5 tỉ bạc. Dự án được khởi sự nghiên cứu từ 1969. Và NHQG đã gởi đi nhiều chuyên viên thượng thặng chu du nhiều nước để nghiên cứu dự án. Nghiên cứu thế nào, mà cuối tháng 5/1974, Hội Đồng Quản Tri NHQG giao cho một công ty Mỹ American Bank Notes Company thực hiện dự án. Nhưng điều trớ trêu là khi sắp đặt bút ký hợp đồng, thì được biết cái máy VN đặt mua chưa hề tồn tại, nghĩa là chưa được bán ra cái nào cả, đang ở dạng nguyên mẫu (prototype), và nhất là công ty Mỹ trên đang trong vòng khánh tận. Những dữ kiện trên có được là do một công ty Thụy Sĩ cạnh tranh cung cấp, công ty De La Rue Giori tiết lộ bằng một văn thư gởi cho Thống đốc NHQG. Điểm đáng nêu ra ở đây là: một dự án đồ sộ tốn gần 5 tỉ bạc thì không thể nghiên cứu kiểu chơi chơi như mua một chiếc xe hơi, một chiếc du thuyền. Đành rằng HĐQT có thể mù tịt về kỹ thuật, nhưng chuyên viên không thể lơ mơ trong việc nghiên cứu dự án.
Tóm lại là phải có một viện nghiên cứu dự án một cách đàng hoàng. Có đầy đủ phương tiện và nhân sự để nghiên cứu. Ngoài ra, nếu được thành lập, thì là nơi có thể thu hút nhân tài có khả năng nghiên cứu đang mai một tại đại học.
Viện có thể là gạch nối giữa xí nghiệp và đại học. Xí nghiệp của ta hiện thuộc loại cỡ nhỏ, không dám chi tiền cho những kỹ sư, tiến sĩ xuất sắc. Và nếu có chi thì cũng sử dụng họ trong những công viêc tạp nham không phù hợp với chuyên môn tài năng của họ, phí phạm tài năng. Nếu làm việc ở viện, họ có thể nghiên cứu nhiều dự án cho nhiều xí nghiệp. Ngoài ra, viện là nơi thu hút nhiều chuyên viên cho nhiều ngành nghề khác nhau. 
Một dự án có thể đòi hỏi nhiều ngành nghề khác nhau - đa ngành, mà xí nghiệp không tài nào có đủ. Một kỹ sư ở xí nghiệp không thể bao quát mọi vấn đề, không thể nhìn thấy đủ khía cạnh của vấn đề. Thành thử, một dự án mà chỉ có 1 hoặc 2 chuyên viên nghiên cứu là sẽ hỏng bét.
Ngoài ra, theo thiển ý, thì viện nghiên cứu kỹ thuật trên phải hướng dẫn: sự bành trướng xí nghiệp không những về mặt kỹ thuật mà về mặt quản trị. Đối với chúng tôi, mặt kỹ thuật đôi khi có thể vượt qua dễ dàng, nhưng mặt nhân sự là cốt tử, nhưng xí nghiệp có vẻ lơ là. Kỹ nghệ thiếu những người có khả năng nhưng không được sử dụng đúng chỗ. Nếu viện là nơi thanh lọc tài năng hướng về kỹ nghệ, thì đây là điều tốt cho kỹ nghệ.
Nói tóm lại, theo cái nhìn của chúng tôi, thì viện nghiên cứu kỹ thuật, thương mại và quản trị là gạch nối giữa đại học (là kẻ có tài) và kỹ nghệ (là nơi có tiền). Viện sẽ giúp các nhân tài tốt nghiệp có khả năng, có kinh nghiệm, có cơ hội phát triển đầu óc sáng tạo. Viện sẽ giúp các xí nghiệp nghiên cứu các dự án rẻ tiền hơn, đàng hoàng và bảo đảm chất lượng hơn.
Một loại viện nghiên cứu kể trên có thể tìm thấy ở ngoại quốc: ở Thụy Sĩ là viện Institut de Batelle ở Geneve, ở Mỹ là viện Institute of Future ở Connecticut, ở Tây Ban Nha là viện Sociedad es Studio Escientifico de los Problemas de la Industria, el Commercia y al Administracion ở Madrid.
Cuối cùng, chúng tôi mong mỏi là nếu một viện nghiên cứu như thế được hình thành, thì nó phải đưa ra những dự án khả thi, chứ không phải những dự án hình thức để trình diễn như trong thời gian qua. 
Để kết luận bài báo này, các kỹ nghệ gia, các kẻ có tiền, các chuyên viên có tài, muốn thực thụ làm kỹ nghệ, thương mại, họ chỉ có thể thành công nếu có một chánh sách kinh tế liên tục, được lồng trong một nền kinh tế chỉ huy đồng thuận, đồng thời phải được hướng dẫn thật tình, mà Viện Nghiên Cứu là "vật xúc tác" giữa người có tiền và kẻ có tài.
Kỹ nghệ VN có cơ hội tiến lên hay không, là điều chúng tôi thường tự hỏi. Hỏi mà chưa được trả lời thỏa đáng, dầu cho viết đến cuối bài này.

Dương Quang Thiện
Kỹ sư Điện toán IBM
Sài Gòn ngày 8/12/1974

Ghi chú :

(1*) Bài báo cũ số 1, tái xuất bản trên Dương Quang Thiện blog.

Đã gửi từ iPad của tôi

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Báo cũ (4) VIỆT NAM : TU NGHIỆP TẠI NGOẠI QUỐC



VIỆT NAM : TU NGHIỆP NGOẠI QUỐC TRONG CHÍNH SÁCH DU HỌC HIỆN NAY 

Tác giả có đôi điều:
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 4 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 11/6/1974. Bạn đọc bài báo này rồi đem so sánh hiện tình của nước nhà, sau 40 năm dưới mái nhà XHCN để rồi tự rút tiả kết luận. Còn nay, tính đến 2013, Nhà Nước XHCN đã cho đi du học (đúng hơn là "tị nạn giáo dục") 100.000 sinh viên với chi phí lên đến 3 tỷ đô/năm. Với vào khoảng 300.000 nhân tài đã tốt nghiệp đang tha phương cầu thực ở nước ngoài thì khi đọc bài báo dưới đây của miền Nam VN trước 1975, thì không biết bạn sẽ nghĩ gì. Có người sẽ bảo chúng ta đã vào WTO, nên phải chuẩn bị các thanh niên ra thành những công dân quốc tế. Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.

Trong những bài báo trước đăng ở Chính Luận (số 2964, 2965 ngày 5,6/1/1974 và số 3054 ngày 7/6/1974) chúng tôi đã phân tích những lý do thất thoát nhân tài được đào tạo ở ngoại quốc, đưa đến kết quả là chính sách du học của ta hiện nay được xem như là một cuộc đầu tư vô vọng mà chúng tôi đề nghị là nên dẹp hẳn đi (1*). Ý kiến của chúng tôi có vẻ quá khích và ngu dân đối với một số người. Nhưng nếu thực tế mà nhìn, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện giờ của nước ta, ngoại tệ khan hiếm (viện trợ Mỹ giảm do quân đội Mỹ rút lui), xuất cảng nghèo nàn, mà chúng ta dám chi hằng năm 10 triệu MK, bằng 6 tỷ đồng cho 4.500 du học sinh với hy vọng mỏng manh họ sẽ về lại quê hương phục vụ đất nước thì là một cuộc đầu tư quái đản, vì trong khi ấy ngân sách quốc gia chỉ dành 18 tỷ đồng cho 3 triệu học sinh và 100.000 sinh viên.
Chúng tôi rất ý thức là việc dẹp hẳn du học khó lòng thực hiện trong một sớm một chiều. Độc lập đã gần 20 năm, mà chuyện giải quyết các trường tây, trường đầm giữa lòng Sài Gòn còn chưa xong, thì còn nói gì du học đã ăn sâu vào giới trưởng giả giàu tiền lắm bạc, giới trí thức vọng ngoại. 
Nhưng bắt buộc chúng ta phải lựa chọn là nếu đóng cửa du học thì ta mới chú tâm bành trướng trường đại học của chúng ta cũng như nâng cao về mặt phẩm cũng như lượng trong việc đào tạo nhân tài ở tại nước nhà: vì rằng ngày nào mà ngõ du học còn mở, thì các vị có trách nhiệm ở bộ QGGD và phụ huynh học sinh sinh viên chả thiết tha vào việc cải tổ nâng cao nền giáo dục đại học VN, vì rằng con em các vị ấy đã có chỗ ăn học đàng hoàng ở ngoại quốc. Con em họ có học ở đại học "lô canh" đâu mà họ phải lo lắng cho con em kẻ khác. Nếu cửa du học tiếp tục hé mở, thì người ta tiếp tục coi cái mảnh bằng "made in Giao Chỉ" không có "ký lô" nào, như ông Phan Bá Phi đã oán trong tờ Chính Luận ngày 25/4/1974 số 238 (Số phận của bằng cấp Việt Nam).
Hiện giờ, chúng ta đang thi hành một chính sách du học như bên lãnh vực kinh tế. Một mặt chúng ta hô hào phát triển kỹ nghệ, nhưng một mặt dân chúng chê đồ nội tồi, và chính phủ cho phép nhập cảng (hoặc để cho buôn lậu nhập cảng) những món hàng đã sản xuất tại xứ, thì đừng trách kỹ nghệ VN ở trong tình trạng phôi thai, kỹ nghệ gia chán nản vì hàng ngoại bóp chểt hàng nội, và tập cho dân chúng cái tánh "vọng ngoại" kinh niên. Nếu các kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở ngoại quốc được trọng dụng hơn kỹ sư Phú Thọ (nay là ĐH Bách Khoa) hoặc Cử nhân Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, thì làm sao chúng ta không "thả nổi" đại học VN, để rồi chúng ta mỉa mai đại học VN là "học đại". Nếu đại học VN chưa có cái hãnh diện đào tạo những chuyên viên lỗi lạc (mà có ai dám khẳng định là sẽ không có), lỗi không phải tại họ, mà tại cái chính sách đem chuyên viên đào tạo ở ngoại quốc (hàng ngoại) cạnh tranh với chuyên viên bản địa (hàng nội). Đây chưa kể các chuyên viên ngoại quốc (Pháp, Hàn Quốc, Đài loan, Nhật) cạnh tranh với kỹ sư nội trong các công ty có vốn ngoại quốc.
Để loại bỏ cái mặc cảm tự ti cũng như tự tôn giữa hai loại chuyên ngoại nội, và để nâng cao trình độ chuyên môn của chuyên viên được đào tạo tại chỗ, và trong viễn ảnh việc đóng cữa du học, chúng tôi đề nghị tu nghiệp ở ngoại quốc để thay thế một phần nào việc dẹp bỏ du học.
Hiện thời chúng ta đã có một chính sách tu nghiệp, nhưng theo thiển ý, thì chính sách tu nghiệp nảy chả đi đến kết quả cụ thể nào cả.
Trong giới hạn bài báo này, chúng tôi sẽ phân tích chính sách tu nghiệp ở ngoại quốc hiện thời và nêu lên vài ý kiến thay đổi.
Theo nguyên tắc, đi tu nghiệp ở ngoại quốc là dịp học hỏi thu thập thêm kiến thức mới hòng thăng tiến nghề nghiệp, và khi về lại quê hương đem áp dụng những gì mắt thấy tai nghe để thay đổi lề lối làm việc, hoặc những kỹ thuật lỗi thời...Đấy là theo nguyên tắc, nhưng trong thực tế khác xa một trời một vực.
Ở nhằm một cái xứ, mà việc xuất ngoại là một sự khó khăn, nên ai ai cũng háo hức kiếm dịp xin xuất ngoại đi tu nghiệp, đi khảo sát, dự hội thảo quốc tế. 
Nên ta đừng ngạc nhiên lắm khi ông Thượng (viện) hoặc ông Hạ (viện) ai cũng háo hức đi quan sát. Hể gần đến kỳ "bãi khoá", thì hết đoàn đại biểu này đến đoàn đại biểu khác đi quan sát vòng quanh thế giới. Công chức, quân nhân thì chỉ chờ đợi những suất học bổng mà các quốc gia bạn ban bố cho để có dịp "tháo cũi sổ lồng" hít thở cái không khí tự do ở xứ người.
Ở trong cái tâm trạng như thế, việc được đi xuất ngoại được xem như là một ân huệ mà chính quyền ban cho kẻ đi tu nghiệp ngoại quốc. Sở dĩ chúng tôi dùng từ "ân huệ" là để chỉ ngoài việc được hít thở không khí tự do ở xứ người (vì không có chiến tranh), người ta còn có dịp được kiếm một mớ tiền : do việc tiết kiệm được trên số đô la trợ cấp hằng ngày, hoặc do sự sai biệt hối suất giữa giá chính thức và giá chợ đen, hoặc do lợi tức bán hàng ngoại đem về nước. Hiện tượng các vị đại biểu quốc hội ùn ùn đi quan sát, hoặc bị tố cáo buôn lậu, buôn lịch "con heo", buôn xì líp xú chiêng đàn bà, v.v...là vì những lý do vừa kể trên.
Vì thấy cái lợi nhất thời do việc tu nghiệp đem lại, nên có nhiều người ma giáo xin đề cử cho minh đi tu nghiệp những ngành mà mình không chuyên môn. Chúng tôi đươc biết một vị, khá trọng tuổi, không biết tí ti gì về điện toán, mà cũng xin được di tu nghiệp ngành điện toán ở Mỹ. Để rồi khi thi mãn khoá anh em trong đoàn phải duplicate bài giải đưa vào máy tính, và khi về lại VN, vị ấy giữ một chức vụ quan trọng trong ngành điện toán mà vị ấy chả biết mô tê gì cả.
Tu nghiệp cũng là dịp "chuồn êm" ra xứ người, định cư luôn ở ngoại quốc. Phần đông hạng người này là những người đỗ đạt ở ngoại quốc, nhưng "lỡ dại" đã hồi hương phục vụ trong chính quyền. Họ là những người lấy vợ ngoại nghe lời về phục vụ quê hương, nhưng không được dùng đúng chỗ sinh ra bất mãn, hoặc là đồng lương không đủ để cung cấp tiện nghi vật chất cho vợ con, nên họ ẩn nhẫn chờ thời, có dịp được đi tu nghiệp thì dẫn vợ con chuồn êm luôn. Nhiều vị, không thể đem vợ con theo luôn, vì quốc tịch Việt, thì cũng mặc, một mình mình hưởng thụ tự do ở xứ người: đây là trường hợp của một vị bác sĩ, chồng một luật sư nhà ở đường Pasteur, qua tu nghiệp ở Canada rồi ở luôn bên ấy từ 4-5 năm nay, để bà luật một thân một mình nuôi 2 mụn con. Một vị bác sĩ nổi tiếng ở Sai Gon, giáo sư đại học y khoa, không biết có phải bất đồng chính kiến với chính quyền hay không, đã nhân chuyến tu nghiệp bỏ qua Pháp lập nghiệp ở Caen, mặc dù đã trọng tuổi.
Đôi khi người ta cho đi tu nghiệp để thực hiện một ý đồ chính trị. Thí dụ, một vị cổi huy vừa mới nhậm chức, muốn thay thế một số người không thuộc vây cánh mình, không gì nhẹ nhàng hơn và khỏi bị tai tiếng, là đề nghị cho những vị này những cuộc tu nghiệpỏở ngoại quốc. Trong khi ở nhà vị coir huy kia cứ thay thế chỗ ỡing người vắng mặt bởi những người cùng vây cánh với mình. Khi người đi tu nghiệp về, thì thấy chỗ mình đã có người trám chỗ, đành ngồi chơi xơi nước mà thôi.
Nhưng đừng tưởng ai đi tu nghiệp cũng thiệt thòi cả đâu, trái lại là dịp để được thăng quan tiến chức. Đi tu nghiệp là dịp người ta đổi "ngôi", đổi "phương vị", giữ những chức vụ cao hơn không dính dáng chi với chuyên môn đã đi tu nghiệp, nghĩa là những gì học được khi đi tu nghiệp sẽ không được đem áp dụng để cải tiến lề lối làm việc nào đó, nâng cao kỹ thuật nào đó, nhưng đây chỉ là dịp được đi du hí, được lên chức, lên chỉ số.
Đối với các vị bác sĩ, nha sĩ, thì tu nghiệp là một cơ hội bằng vàng để cho nước sơn trên bảng hiệu trước phòng mạch lên hương một chút trước mắt thân chủ bệnh nhân. Nhất là những vị sẵn tự ti thì rất cần nước sơn "tu nghiệp tại John Hopkins", tại Paris, Tokyo, v.v.. để cho bảng hiệu của mình bóng hơn một chút, cho thân chủ tin tưởng è cổ cho các ngài chém.
Tới đây, quý vị đã thấy những lý do chính đáng của việc đi tu nghiệp ở ngoại quốc, nó cũng thế, đã biến thể đến nỗi người ta nghi ngờ kết quả của tu nghiệp.
Chúng tôi không dám vơ đũa cả nắm, ai đi tu nghiệp cũng như thế. Cũng có nhiều vị rất thiện chí học hỏi, rất ý thức về vấn đề tu nghiệp, cho nên khi đi tu nghiệp về lại VN, trong bảng tường trình đã nêu ra nhiều ý kiến xây dựng, cải tổ một lề lối làm việc hoặc kỹ thuật đã lỗi thời. Nhưng phần lớn các đề nghị hay ho đều bị xếp xó vào ngăn kéo. Người ta nại đủ lý do để từ chối khéo để khỏi áp dụng những phương pháp mới, vì các "sếp" rất ngại những thay đổi vuột khỏi tầm kiểm soát của mình. Biết bao nhiêu dự án, đề nghị, đều được "an trí" tại các ngăn kéo, hộc tủ, để rồi có tu nghiệp hay không, công việc đâu vẫn hoàn đấy. Rùa vẫn rùa.
Kể ra những nguyên nhân đưa đến những biến thể làm mất tánh chất cao đẹp của chính sách tu nghiệp, chúng tôi không có hậu ý đả phá, hoặc thiếu tinh thần xây dựng, nhưng tôi muốn lấy con mắt thực tế mà nhìn, đưa ra những nhận xét có thể "chướng tai gai mắt" đối với một số vị, nhưng là trung trực, hầu tìm ra những phương thức cải tiến chính sách tu nghiệp hiện hữu.
Sau đây, chúng tôi xin có vài đề nghị. Chúng tôi rất ý thức là bộ QGGD thường đươc Hội Đồng Văn Hoá Giáo Dục khuyến cáo luôn trong các vấn đề liên quan đển chính sách giáo dục. Những lời khuyến cáo này là "đáng giá ngàn vàng" vì đề nghị được các vị khoa bảng ăn lương do thuế của dân đóng góp mà còn không được nghe theo, huống hồ là đề nghị khuyến cáo của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng bạo gan mạn phép đưa ra đây, vì chúng tôi không cố tìm cách trình diễn cho những đề nghị này, thêm lại không tốn một xu thuế nào của người dân cả.

1. Hai hạng người cần được cho đi tu nghiệp nhiều và thường xuyên là (a) giáo sư đại học, và (b) kỹ sư, cán sự các xí nghiệp tư hoặc quốc doanh. Trong những năm sau này, kỹ thuật tiến nhanh, kiến thức học ở trường cũng lỗi thời rất nhanh. Một kỹ sư, sau 3 năm không đi tu nghiệp coi như bỏ đi. Cứ xem các xí nghiệp tư cũng như công cách quản trị lem nhem, kỹ thuật bê bối thì đủ thấy thiếu tu nghiệp, hoặc tu nghiệp kiểu "làm cho lấy rồi" như đã kể trên. Cứ so sánh các "cua" của các thầy, năm này qua năm nọ, cứ khảo sát trình độ kiến thức của các sinh viên thành tài, thì đủ biết trình độ sư phạm của các thầy ra sao. Trò nào thì thầy nấy.

2. Các ngành và nơi được gởi đi tu nghiệp phải được tuyển chọn đàng hoàng. Phải xem ngành nào chúng ta cần cải tiến, ngành nghề nào cần bành trướng mới gởi người đi tu nghiệp. Chúng ta hiện có cái lý luận hơi kỳ quái như sau: quốc gia bạn đã tặng học bổng, nghĩa là "của cho" thì dại gì mà không hưởng gởi người đi tu nghiệp, nên đã có nhiều chuyện lạm dụng đưa đại người ù ù cạc cạc đi tu nghiệp những ngành nghề không dính líu đến chuyên môn của mình. Chúng ta đừng quên các quốc gia bạn cũng nghĩ xấu về hành động của chúng ta.

3. Khi đi tu nghiệp về, các bản tường trình phải được cấp trên khai thác triệt để, chứ không thể cho "an trí" vào ngăn kéo, hộc tủ. Như vậy, khuyến khích những nhân tài có thiện chí, có khả năng, và tránh được việc đi tu nghiệp ngành này, mà về làm cho ngành khác.

4. Chúng ta cần phải có một chánh sách, kế hoạch rõ ràng về những ngành nghề cần cho đi tu nghiệp. Hiện thời các quốc gia bạn cho học bổng tu nghiệp gì thì ta cũng quơ đại, không xem xét có vào đúng kế hoạch cho đi tu nghiệp của ta hay không.
Chúng tôi xin đan cử một kế hoạch tu nghiệp của Nhật Bản. Năm 1959, khi chúng tôi đang còn là sinh viên du học ở Bordeaux, Pháp, chúng tôi có quen với một sinh viên kỹ sư mại bản (ingénieur commercial) người Nhật, tu nghiệp về pháp văn ở Bordeaux. Chúng tôi hơi ngạc nhiên về ngành học, Pháp văn, và nơi tu nghiệp, Bordeaux (miền tây nam nước Pháp) thay vì Paris. 
Thì anh bạn người Nhật "bật mí" rằng sau khi tu nghiệp xong, anh ta sẽ mở một kênh phân phối hàng Nhật tại các nước Phi châu cựu thuộc địa của Pháp. Bordeaux là nơi có nhiều sinh viên Phi châu theo học. Những sinh viên này sau khi thành tài sẽ là rường cột cho những chánh quyền Phi châu sau này. Trong thời gian tu nghiệp, anh sinh viên người Nhật này sẽ liên lạc móc nối cảm tình, tìm hiểu nguyện vọng của những sinh viên Phi châu này được thể hiện bởi những thị hiếu, cảm nghĩ, v.v.. qua những sản phẩm Pháp mà các sinh viên này tiêu thụ. Anh bạn người Nhật này hoạt động như những điệp viên kinh tế (một loại điệp viên marketing), xem những sản phẩm nào thích hợp cho người Phi châu mà người Nhật sẽ sản xuất sau này thay thế hàng Pháp. (2*). Hằng tháng, anh bạn Nhật phải về Paris để tường trình cho toà đại sứ Nhật cùng các bạn khác tu nghiệp ẩi rác khắp nước Pháp để đúc kết những cái mắt thấy tai nghe, thành một bảng tường trình gởi về Nhật để nghiên cứu thi hành.
Nếu ta học được nơi người Nhật những điều vừa kể trên, bỏ đi cái tính thích trình diễn bên ngoài, mà thực tâm lo cái ruột bên trong, thì may mắn biết bao cho cái đất nước này, và ngày hôm nay khỏi có bài báo tả oán này.

5. Khi lựa những chương trình đưa vào chính sách tu nghiệp, ta nên tránh những chương trình nặng tính trình diễn, tuỳ hứng, nhất thời như những mùa nuôi gà, mùa nuôi chim cút, mùa xây siêu thị, mùa xây sân trượt patin như ta đã thấy trong nhiều năm qua. Chúng ta phải kiên trì theo dõi những chương trình đã hoạch định trong nhiều năm qua, đửng theo kiểu chương trình sau xoá bỏ kết quả của chương trình đi trườc, như chúng ta đang làm trong lĩnh vực kinh tế: chúng ta tốn không biết bao nhiêu ngoại tệ để xây dựng nhà máy, như nhà máy bột giặt LIX chẳng hạn, để ngày nay ta chuyển hướng đóng cửa những nhà máy vừa xây dựng xong, vì bị khủng hoảng năng lượng, ví thiếu nguyên liệu do khan hiếm ngoại tệ, thật là một sự phí phạm kinh khủng. Sở dĩ có tình trạng trên là vì ta thích những dự án mang tính phô diễn, hoặc có tánh cách "folie dé grandeurs", mị dân, hoặc có tánh cách xa vời, như chương trình dân số năm 2000 trong khi dân đói meo. 
Hiện chúng tôi, vẫn còn có cảm tưởng là chúng ta vẫn chưa có nhúng chương trình rõ rệt về tu nghiệp, mặc dầu ta đã có từ lâu bộ Kế Hoạch, bộ QGGD/TN, Tổng Nha Công Vụ: mà nếu có lập những chương trình, thì lại dựa trên những con số thống kê không chính xác, nhắm vào các cơ quan công quyền, bỏ qua các công ty tư nhân, mà chính những công ty này chính là nguồn thu thuế cho ngân sách quốc gia.

6. Khi gởi người đi tu nghiệp, nên khảo sát trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm nghề nghiệp của người được đề cử đi tu nghiệp. Theo thiển ý chúng tôi, thì kỹ sư đi tu nghiệp phải có ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mình sẽ đi tu nghiệp, như vậy mới có những thắc mắc, những khó khăn mà khi mình đi tu nghiệp mong sẽ tìm hiểu những phương thức giúp giải đáp những thắc mắc khó khăn kể trên.

7. Các toà đại sứ VN ở hải ngoại phải có nhiệm vụ theo dõi sự tu nghiệp của người chính phủ gởi đi, nghĩa là thường xuyên lạc với các cơ quan mà người của mình đến tu nghiệp để xem những người này thực sự tu nghiệp không, hay là bận đi du hí. Và phải đòi hỏi cơ quan này cung cấp một bảng tường trình về kết quả tu nghiệp của người mình gởi đi. Ngoài ra, toà đại sứ cũng phải yêu cầu quốc gia nơi mình gởi người đi tu nghiệp phải có biện pháp mạnh đối với những sinh viên tốt nghiệp ngoan cố không chịu hồi hương sau khi tốt nghiệp, để tránh tình trạng lợi dụng tu nghiệp để chuồn êm luôn. Khi còn ở trong nước , thì mỗi lần xuất ngoại tu nghiệp, thì người ta làm tình làm tội hành hạ đủ điều (nào là sưu tra, giấy bảo đảm, chứng nhận không thiếu thuế), nhưng khi ra khỏi nước, thì người đi tu nghiệp hoàn toàn tự do, có đi tu nghiệp hay không, có về hay không, chính quyền VN (cũng như toà đại sứ VN ở hải ngoại) không hề để ý, không hề bận tâm. Lạ thiệt!

8. Chính phủ VN phải thương thảo với quốc gia bạn mà mình sẽ gởi người đi tu nghiệp, về chương trình tu nghiệp. Người mình có cái tật lạ kỳ, là người ta cho chi lấy nấy, không học cách từ chối những cái không đáng lấy, và không biết mình muốn gì. Đừng tưởng bở là người ta thương mình khi người ta cho mình học bổng. Đôi khi đây là cách "nhồi sọ" khéo léo vào đầu óc chúng ta hình ảnh những máy móc thiết bị kỹ thuật mà người ta muốn bán cho mình. Đây chẳng qua là một hình thức quảng cáo trá hình, không hơn không kém.

9. Trước khi đi tu nghiệp, ta phải lên danh sách những điều ta cần tìm hiểu trong thời gia tu nghiệp. Chúng tôi gọi là một checklist. Có như vậy, ta mới biết ta sẽ làm gì khi đi tu nghiệp (chứ không phải thuần tuý đi du hí)

Những điểm chúng tôi vừa đề nghị ở trên xuất phát từ mối ưu tư của chúng tôi trước những phí phạm vô tưởng về nhân lực, về tiền bạc, và về thời gian của thế hệ chúng tôi (và thế hệ trẻ kế tiếp, nếu tiếp tục như thế này),
Sở dĩ chúng tôi mượn những cột báo Chính Luận để nói lên những quan điểm, những nhận xét của chúng tôi liên quan đến du học và tu nghiệp trong chính sách đào tạo nhân tài cho đất nước, không phải chúng tôi cố tình đả phá hoặc quá khích như nhiều người đã lầm tưởng, nhưng trong hiện tình khó khăn của nước nhà, chúng tôi cảm thấy tủi nhục, xót xa, khi đọc báo biết được có bao nhiêu phái đoàn đi cầu viện mà kết quả, chả có bao nhiêu. Làm chúng tôi liên tưởng đến một gia đình nghèo rớt mồng tơi, hổi hả qua nhà hàng xóm mượn tiền để gởi cho thằng con du học ở ngoại quốc biết rằng thành tài nó chả về lại quê hương. Chúng tôi lên tiếng với niềm tin là chính phủ sẽ duyệt lại những chính sách tiêu tiền mà không đem lại kết quả. Trước khi đi cầu viện, chúng ta phải xem xét lại những "mục tiêu tiền hoang phí" của chúng ta, để ngoại nhân nói nặng nói nhẹ, từ chối cầu viện của chúng ta.
Trong chính sách du học và tu nghiệp hiện thời, có đã gần mấy chục năm nay (3*), chúng ta cho đi bao nhiêu, về được bao nhiêu, không ai biết, không cơ quan nào chịu làm thống kê (có lẽ sẽ bị bẽ mặt), chả ai thèm để ý. (4*). Khi nhân tài về nước, sống thế nào, làm được gì cho đất nước, chả ai thèm quan tâm. Chỉ có người trong cuộc, âm thầm chịu đựng, tự xoay sở lấy mà thôi. Chúng tôi buồn là thế, nên buộc lòng phải nói ra.

DƯƠNG QUANG THIỆN
Kỹ sư Điện toán IBM
Sài Gòn ngày 11/6/1974

Ghi chú (25/2/2014)
(1*) Theo tin tức loan tải, thì trong cuộc họp hội đồng nội các ngày 29/5/1974, chính phủ đã quyết định "tạm đình chỉ" không cho sinh viên du học tự túc trong niên khoá 1974-1975, vì lý do tiết kiệm ngoại tệ. Chúng tôi thiết nghĩ việc duyệt xét chính sách du học không liên quan gì đến 2 bài báo (bài cũ số 2 và 3 đã được posted trên blog của Thiện mỗ) mà chúng tôi đã đăng trên Chính Luận. Đây chẳng qua là một trùng hợp ngẫu nhiên, nếu sự duyệt xét này phù hợp với ý kiến của chúng tôi.
(2*) Cho nên sau này hàng Pháp bị Nhật hất cẳng ở châu Phi, rồi tiếp theo là hàng TQ.
(3*) Thiện mỗ nằm trong tốp đầu tiên của chính sách du học này vào đầu năm 1955.
(4*) Nếu các bạn biết tốp chúng tôi đi Pháp 100 người, chỉ có 2 người về là Thiện mỗ và giáo sư vật lý nguyên tử Phan Khắc Hàm. Ông này đã di tản qua Mỹ năm 1975, không biết sống chết ra sao.

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Báo cũ (3) - NHÂN TÀI VN ĐƯỢC ĐÀO TẠO Ở NGOẠI QUỐC ĐANG LÀM GÌ Ở VIỆT NAM



Tác giả có đôi điều:
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 3 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 3/1/1975 được đăng trên Chính Luận, một tờ báo lớn nhất của Sài Gòn trước 1975. Bài báo này viết vào lúc 3 tháng sau đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nếu bạn biết rằng, sau khi hai bài báo (số 2 và 3) phát hành, thì bộ QGGD miền Nam liền thông báo là ngưng cho du học tự túc từ niên khoá 1974-1975 trở đi, lấy lý do bị Mỹ cúp viện trợ, không còn ngoại tệ. Còn nay, tính đến 2013, Nhà Nước XHCN đã cho đi du học (đúng hơn là "tị nạn giáo dục") 100.000 sinh viên với chi phí lên đến 3 tỷ đô/năm. Với vào khoảng 300.000 nhân tài đã tốt nghiệp đang tha phương cầu thực ở nước ngoài thì khi đọc bài báo dưới đây của miền Nam VN trước 1975, thì không biết bạn sẽ nghĩ gì. Có người sẽ bảo chúng ta đã vào WTO, nên phải chuẫn bị các thanh niên ra thành những công dân quốc tế. Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.


CÁC NHÂN TÀI VN ĐƯỢC ĐÀO TẠO Ở NGOẠI QUỐC ĐANG LÀM GÌ Ở VN?

Từ mười mấy năm qua, chúng ta đã gởi không biết bao nhiêu sinh viên ưu tú đi du học hoặc đi tu nghiệp tại các nước tiên tiển. Phụ huynh sinh viên cũng như chính quyền chấp nhận hy sinh cho một cuộc đầu tư tinh thần, với ước mong là những người thành tài có một tương lai sáng sủa hơn cha ông, và nhất là sau khi thành tài sẽ đem về những học hỏi ở xứ người kiến thiết quê hương. Nhưng thực tế cho ta thấy rằng một số lớn đã ra đi mà không hẹn ngày về, gây ra một cuộc "băng não" trầm trọng.
Một số còn lại lặng lẽ lục tục hồi hương sau khi tốt nghiệp nói là để phục vụ quê hương đồng bào, kiến thiết xứ sở. Bao nhiêu là mỹ từ óng chuốt làm đẹp cho hành động trở về của các nhân tài tốt nghiệp ở ngoại quốc. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, sau đó chả ai để ý đến những người này họ phục vụ quê hương thế nào, họ làm việc ra sao, họ sống và cảm nghĩ ra sao, việc cho họ du học có đáng đồng tiền bát gạo hay không. Chúng tôi tin chắc rằng phụ huynh sinh viên chả hề đặt những câu hỏi trên để tìm hiểu vấn đề. Tâm trạng chung là sống cho qua ngày, âm thầm chịu đựng, thắc mắc làm chi cho rắc rối.
Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài báo, chúng tôi cố gắng phân tích một khía cạnh cùa vấn đề: tâm lý của những nhân tài tốt nghiệp ở ngoại quốc trở về hoạt động ở quê hương.

TẠI SAO HỒI HƯƠNG ?

Chúng ta thử xem những ai đã hồi hương sau khi tốt nghiệp ở ngoại quốc: 

(1) Có những người dầu muốn hay không cũng buộc lòng phải về nước vì nhiều lý do: (a) Vì luật pháp xứ nhận sinh viên du học bắt buộc thế. Thí dụ: ở Hoa Kỳ, đạo luật PL 555, buộc sinh viên tốt nghiệp phải rời khỏi Hoa Kỳ trong 24 giờ sau khi tốt nghiệp, nếu sinh viên du học theo học bổng. (b) hoặc không được phép hành nghề. Ở Pháp, những năm về sau này, thất nghiệp ngày càng tăng, nên muốn hành nghề phải có quốc tịch Pháp. Do đó, phần lớn sinh viên VN tốt nghiệp chối bỏ quốc tịch Việt, vào quốc tịch Pháp để dễ kiếm việc làm. 

(2) Hạng người thứ hai: là những người sau nhiều  năm làm việc ở xí nghiệp ngoại quốc, nhận ra rằng chỗ đứng của họ thực thụ là tại các xí nghiệp quốc nội. Xã hội ở ngoại quốc quá sung mãn, công việc tại xí nghiệp ngoại quốc trở thành thỏi quen, nhàm chán, không mấy thích thú, không có thách thức, họ chỉ là những chuyên viên tầm thường. Trong khi ấy kỹ nghệ VN đang cần những chuyên viên có óc tiền đạo, khai sơn phá thạch, để kiến tạo một nền kỹ nghệ tiên tiến. Viêc họ làm được gì hay không cho què hương là một chuyện khác, nhưng điều đáng ghi nhận và trân trọng là họ đã can đãm từ bỏ nhúng tiện nghi vật chật ở xứ người trở về lại quê hương.

(3) Có loại người tài năng, chuyên môn, thuộc loại  bình thường, bằng cấp không có gì to tát, "kêu" cho lắm, nhưng tham vọng thì rất lớn. Ở ngoại quốc, họ chỉ là những tiểu tốt vô danh. Nhưng nếu về lại VN, với bề thế gia đình (bây giờ, ta gọi là COCC, hoặc CCCC) họ có cơ hội trở thành những Giám Đốc, Tổng Giám Đốc, Viên trưởng, Khoa trưởng đại học, v.v.. 

(4) Cuối cùng là hạng người rất hiếm: ra đi du học là với chủ đích đem kiến thức về xây dựng quê hương, với ý muốn thay đổi bộ mặt chậm tiến của quê hương. Thành tài là họ trở về quê hương, biết rằng nếu họ ở lại thì tương lai họ sáng sủa đầy triển vọng.

Với bấy nhiêu lý do hồi hương khác biệt, chúng ta sẽ thấy hoạt động của các nhân tài được đào tạo ở ngoại quốc sẽ bị ảnh hưởng khác nhau, vì mỗi người mang một tâm trạng riêng biệt khi về đứng trước môi trường xã hội mà họ phải sống, và nhất là họ phải giúp giãi quyết phát triển.

ĐEM VỀ ĐƯỢC GÌ ?

Bây giờ ta thử đi thêm một bước: tìm hiểu xem những kiến thức, nhất là những kinh nghiệm chuyên môn của những người mà ta chờ đợi một sự góp sức. 
Chúng ta đã nghe nhắc đi nhắc lại đến độ nhập tâm, là gởi người đi du học là để kiến thiết quốc gia, để phát triển kỹ nghệ, để bành trưởng cải thiện nông nghiệp. Nói tóm lại là để tăng tổng sản lượng quốc gia (bây giờ ta gọi là GDP), tăng lợi tức cho người dân. Theo nguyên tắc thì chỉ những ngành nào trực tiếp tăng GDP trong giai đoạn kiến quốc (gọi là "giai đoạn cất cánh") mới thật là ưu tiên. Thí dụ: các ngành cơ khí, công nghệ, hoá học, canh nông, ... Thế mà, trong thực tế 70% sinh viên tốt nghiệp mang về những nghề không giúp ích gì cho nông nghiệp hoặc kỹ nghệ VN, chẵng hạn bác sĩ, dược sĩ, luật sư, xã hội học, phân tâm học, ...
Hoặc những ngành mà sự ứng dụng đang có vẽ xa xôi, mơ hồ như vật lý nguyên từ, khòng gian, ... Hoặc những ngành có vẻ hành chánh như khoa học chính trị, khoa học kinh tế, ...Nghĩa là trong nỗ lực hy sinh gởi người đi du học, ta chỉ thu được vào khoảng 30% mớ kiến thửc có thể dùng bành trướng kỹ nghệ. Thật quá ít. Chả trách mà nền kỹ nghệ và nông nghiệp của ta chưa "cất cánh" nổi, vẫn còn ì ạch một chỗ.
Còn về kinh nghiệm chuyên môn, là một vấn đề quan trọng mà có vẻ ta lơ là. Ai cũng biết sinh viên mới ra trường, thì chỉ là một mớ lý thuyết suông trong nhà trường, chưa bao giờ được "thử lửa". Đây là chưa nói đến có sát thực tế với kỹ nghệ VN không, và khả dĩ ứng dụng tại VN hay không của những kiến thức kể trên. Ở các nước tiên tiến, người ta chấp nhận một thời gian tập sự, ít nhất hai năm, đối với những sinh viên mới ra trường. Thời gian này được gọi là "thời gian đổ bể chai chén", vì chưa có kinh nghiệm nên đổ vỡ thất bại khi người kỹ sư bắt tay vào việc. Thành thử, sinh viên VN vừa mới ra trường ở ngoại quốc, bắt buộc phải chọn một trong hai đường sau đây: (1) một là xin ở lại tập sự 2-3 năm tại một xí nghiệp ngoại quốc lấy kinh nghiệm trước khi về; (2) hai là hồi hương ngay khi giựt xong mãnh bằng.
Cả hai đường đều gặp trắc trở. Nếu xin tâp sự, thì chính phủ không chấp thuận vì trong chính sách du học, không hề có chuyện cho ở lại tập sự 2-3 năm. Hoặc là các xí nghiệp ngoại quốc không chịu tuyển dụng mình khi họ biết mình chỉ tập sự 2-3 rồi rủt lui về VN. Họ có lý, vì họ đâu có dại chịu mọi chi phí đổ bể chai chén trong thời gian tập sự, rồi khi mình vừa có kinh nghiệm thì dông về VN họ chả lợi dụng được chi.
Những năm về sau này, sinh viên VN thành tài khỏ kiếm việc làm tập sự, vì kinh tế ngày càng khó khăn, nên ngoại quốc dành ưu tiên cho con dân họ. Rốt cuộc là đành xách va li về nước nếu không muốn từ bỏ quốc tịch.
Để kết luận, là đa số nhân tài VN tốt nghiệp ở ngoại quốc là thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Những kiến thức học được trong nhà trường chỉ là lý thuyết suông, nông cạn. Đây chính là một trong những yếu tố gây trở ngại giãi thích vì sao kỹ nghệ VN vẫn đang trong vòng ấu trĩ, chậm tiến.
Ngoài ra, trong thời gian sinh viên ở ngoại quốc, thường thiếu sự hướng nghiệp để chọn một nghề thích ứng với hoàn cãnh kinh tế VN. Chúng ta ai cũng biết tình trạng hoạt động của các toà đại sứ lãnh sự VN ở ngoại quốc. Sinh viên không bao giờ nhận được thông tin về kinh tế, nông nghiệp, kỹ nghệ, v.v.. Nếu có được thông tin thì toàn là những dự án, thành tích, dự phóng không đi đôi với thực tế, nghĩa là những con số để trình diễn.

CHÁN CHƯỜNG VỚI THỰC TẾ

Mặc dầu xã hội VN đang ở thời kỳ 1975, nhưng nếu nhìn vế mặt kinh tế xã hội, thì ta đang ở vào thời kỳ 1914 của châu Âu. Người sinh viên VN khi du học qua các nuộc Âu Mỹ thì họ nhảy vọt từ xã hộ 1914 qua môi trường 1975 của Âu Mỹ, nên suốt thời gian ăn học họ chỉ biết môi trường Âu Mỹ. Những khó khăn của xã hội Âu Mỹ từ 1914 đến 1975 họ không bao giờ biết, nên khi về VN họ chê bai những cái xấu xí, những cái thiếu sót ở VN, đồng thời họ đòi hỏi những tiện nghi vật chất mà họ đã quen hưởng thụ khi họ còn ở Âu Mỹ. Họ quên rằng dân Âu Mỹ cũng phải trãi qua 50 năm khó khăn vất vã mới có những tiện nghi ngày hôm nay. Họ đâu có biết rằng trước khi các nhà bác học nguyên tữ Pháp có những phòng thí nghiệm tối tân, thì Joliot Curie và Marie Curie cũng đã thí nghiệm nguyên tử trong nhà xe tồi tàn.
Nói tóm lại đã thiếu kinh nghiệm, lại mang cái tính hường thụ không tốn công, đưa đến tình trạng mà ta thấy hiện nay là các nhân tài ở ngoại quốc về thích ở phòng giấy có máy lạnh hơn là xuống nhà máy sản xuất và thích có các chức vụ lớn để có những quyền lợi vật chất do chức vụ đem đến, như xe hơi, tài xế riêng, biệt thư, cư xá, v.v..
Đây chưa nói đến sự kiện là các nhân tài này thiếu ý chí tự lập, thiếu những đức tính cần thiết của những người đi tiên phong, vì từ lâu từ trong khung cảnh nuông chiều ở gia đình cho tới khi ra ngoại quốc, chỉ biết hướng thụ, nhưng chưa bao giờ biết cố gắng tạo dựng, nên khi về VN họ chóng chán chường, than thiếu cái này thiếu cái kia. Cái chi họ cũng than van khòng như Âu Mỹ. Họ quen ăn cổ mà không biết dọn cổ, chì chực người ta dọn cổ, là a vào chon chỗ ngon lành. Chính vì thế mà ỉt thấy những kỹ nghệ do các nhân tài ở ngoài về tạo dưng nên.

BẤT ỔN VÀ BẤT ỔN

Bây giờ chúng ta xem qua môi trường xã hội VN mà các nhân tài ở ngoài về sinh sống và hoạt động. Có nhiều vấn đề mà họ vấp phải, nhiều trở ngại mà họ phải vượt qua, thí dụ vấn đề lương bổng, quân dịch, và chức vụ. Trong 3 vấn đề vừa kể trên, thì vấn đề quân dịch sẽ ảnh hưởng rất sâu đậm trong việc sử dụng tài nguyên nhân tài ở ngoại quốc về. Vấn đề động viên quân dịch là nỗi ám ảnh thanh niên và phụ huynh sinh viên. Nó là một yếu tố gây trở ngại trong việc hồi hương các nhân tài du học nay đã thành tài. Chính quyền trong cuộc chiến chống Cộng dai dẵng này bị giằng co giữa hai tâm trạng. Tâm trạng thứ nhất là muốn thực thi dân chù trong việc động viên, nghĩa là mọi công dân trong tuổi động viên phải thi hành nghĩa vụ quân dịch như nhau.
Tâm trạng thứ hai là trong nổ lực xây dựng kinh tế, nếu bắt đi quân dịch tất cả các chuyên viên (đã tốn công tốn của đào tạo) thì ai lo kinh tế, ai lo giáo dục. Tẳm trạng sau đây mâu thuẫn với tâm trạng đi trước. Nhưng muốn làm vừa lòng mọi tâm trạng, người ta đã đẻ ra những biện pháp như biệt phái, động viên tại chỗ (ĐVTC) v.v.. Nhưng chính những biện pháp này đã gây ra bất ổn về mặt tinh thần cho mọi người. Người không được biệt phái thì ganh tị với người được biệt phái. Người được biệt phái thì ngồi trên đống lữa, vì cỏ thể ngày mai người ta hứng bất tử, người ta rút lệnh biệt phái trã về Bộ Quốc Phòng. Chính những bất ổn này đã giao động tinh thần giới chuyên viên từ ngoại quốc về, họ là người đã quen sống tự do ở xứ người. Kết quả là họ chả muốn làm gì có tánh cách lâu dài cả. Họ lý luận rất thực tế. "Làm gì cho nhọc công, biết đâu ngày mai, người ta rút lệnh biệt phái." "Thôi thì cứ sống tà tà, được ngày nào hay ngày đó. sống tới đâu hay tới đó."
Chính tình trạng hầu như buông thả của giới chuyên viên ở ngoại về, cho nên nhiều dự án, nhiều chương trình được đề ra cho có lệ, có tính cách đoản kỳ nhất thời, có tính cách phô diễn hơn là thực thụ muốn có kết quả về lâu về dài.
Khi mà đã có những cữa ngỏ biệt phái, ĐVTC như vậy, khỏi phải nói người nào cũng tìm những chỗ cỏ biệt phái, nghĩa là những cơ quan trọng yếu về mặt kinh tế, những xí nghiệp được liệt vào hàng tối cần thiết cho nền kinh tế, cho kỹ nghệ sản xuất. Thành thử, chúng ta thấy các nhân tài đua nhau hoặc chun vào các ngân hàng (Ngân Hàng Quốc Gia, Việt Nam Thương Tín), các xỉ nghiệp ngoại quốc (Shell, Eso..), hoặc các công ty quốc doanh như Điện Lực, Sicovina. Cái quái đản là không cho phép lựa các công ty biệt phái theo chuyên môn mình có, mà chỉ lựa các công ty có biệt phái, ĐVTC.
Kết quả là chúng ta rơi vào tìnih trạng là dùng người khòng đúng chỗ. Ai đời kỹ sư cầu cống lại chui vào ngân hàng, kỹ sư bách khoa lại làm giám đốc hãng hàng không, kỹ sư điện lại giữ chức vụ phụvtas tổng trường kinh tế. Tóm lại, toàn là những chuyện tré cẳng ngỗng. Tình trạng dùng người không đúng chỗ là yếu tố gây ra tâm trạng bất mãn, chán chường, buông thả của giới chuyên viên và sư trì trệ trong công cuộc phát triển đất nước. Chúng tôi thật tình thiết nghĩ là nếu chúng ta thành tâm chiu khó duyệt lại chính sách động viên, định một thời gian quân dịch hợp lý và rõ ràng (4 hoặc 5 năm chẵng hạn) cứ theo đó thì mọi công dân phải thi hành quân dịch không phân biệt chuyên viên ở ngoại quốc về hay ở quốc nội ra. Như vậi ai ai cũng biết mình phải mất một thời gian quân dịch. Sau thời gian ấy mình có quyền xin giải ngủ, lo cho tương lai mình nói riêng và giúp xứ sở nói chung.
Nói về lương bổng, thì chúng tôi thường nghe các chuyên viên ở ngoại quốc về than thở phàn nàn rằng lương chính phủ hoặc xí nghiệp tư trả là lương chết đói. Họ có cái tật lấy lương bổng ở ngoại quốc nhân giá biểu hổi xuất tương đương ra bằng tiền VN để mà so sánh chê bai. Thí dụ, họ bảo rằng nếu họ ở lại Pháp thì lương họ sẽ lãnh là 3.500 quan nghĩa là 500.000 đồng nếu họ về giúp việc ở VN.
Nếu chỉ trả cho họ 70.000 đồng VN (= 1 cây vàng) thì họ bảo là lương chết đói. Có nhiều vị giám đốc cơ quan ở thế kẹt khi có dưới quyền mình những chuyên viên ở ngoại quốc về. Nếu có vị nào chĩ trích lối làm việc cầm chừng của những chuyên viên này, thì được trả lời như sau: "với tiền lương chết đói như vầy thì đừng đòi hỏi chúng tôi làm nhiều hơn làm gì. Chúng tôi đã hy sinh khi về lại VN, chứ nếu ở Mỹ thì lương tôi trên bạc triệu môt thảng. Chẵng qua là bị kẹt quân dịch, chứ không sức mấy mà tôi ở đây. Làm như vầy là tôi tử tế rồi đấy. (Cái giọng điệu này, quý vị có thấy giống giọng điêu của những mari sến - bây giờ ta gọi là ô sin - trước làm cho sở Mỹ, nay vể làm cho các gia đình VN).
Các chuyên viên họ quên rằng với mớ kiến thức còn nông cạn khi chân ướt chân ráo mới ra trường, kinh nghiệm chưa có, họ cũng chã hơn gì kỹ sư, chuyên viên nội địa, ngoài việc nói ngoại ngữ trôi chãy và tính hưởng thụ rất cao. Họ quên rằng cho họ du học để họ về giúp nước với kiến thức thu thập được, chứ không phải để được phục vụ với mức lương tương đương như ở Âu Mỹ. Chính cái điểm này đa số đã quên đi, nên coi như bị bạc đãi, không được đãi ngộ xứ đáng với công sức học hỏi ở xứ người, khi nhận được đồng lương mả họ cho là "mạt rệp", không cung ứng đủ những tiện nghi vật chất như ở Âu Mỹ. Và nếu muốn có, thì kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức vụ, hoặc tham nhũng, hoặc bỏ trốn ra ngoại quốc.
Đồng lương mà mấy vị khoa bảng ở ngoại quốc về cho là yểu kém, chết đói mạt rệp cũng là yếu tố gây bất mãn trong tâm hồn của những người này.
Vấn đề chức vụ, lại là một vấn đề rắc rối, phức tạp. Từ ngày thu hồi chủ quyền quốc gia, vấn đề thiếu hụt chuyên vièn ở mọi ngành là trầm trọng. Số người thành tài ở lại ngoại quốc rất lớn. Số người về rất ít, nên được chiếu cố tận tình. Các vị kỹ sư, tiến sĩ ở ngoại quốc về thường được cho giữ những chức vũ cao như giám đốc, tổng giám đốc, tổng trưởng, v.v..
Nếu ở ngoại quốc thì họ cũng chỉ là một viên kỹ sư tầm thường, bắt đầu tập sự từ dưới lên, lấy kinh nghiệm lần. Nhưng về lại VN, thì đột nhiên được tống lên giữ một chức vụ cao, mà kinh nghiệm chuyên môn và kiến thức còn non nớt, nên đa số không nắm vững ngành mình chỉ huy. Thêm lại "men chiến thắng" đã làm cho các vị ấy say quyền bính. Óc quan liêu đã có sẵn trong đầu, nên sanh ra hách dịch đối với thuộc hạ dưới quyền mình. Ở Tổng Nha Ngân Khố người ta kể nhau rằng một anh kỷ sư tiến sĩ (ingénieur docteur) ở Pháp về, đã mắng tưới một ông lao công đáng tuổi bố mình vì ông này lở gọi anh này là kỷ sư thay vì phải gọi "thưa ông kỷ sư tiến sĩ". 
Lại mang thêm cái bệnh của hầu hết người VN là bệnh hay sợ mất mặt và không thích bị chỉ trích. Vì thiếu kinh nghiệm, không biết rành chuyện cơ quan mình chỉ huy mà không dám hỏi thuộc hạ mình vì sợ mất mặt. Thành thử, phần lớn chỉ huy theo kiểu chỉ tay năm ngón.
Lý thuyết rặt lý thuyết suông trong phòng lạnh, và dùng quyền hành bắt áp dụng nhúng chính sách lệch lạc sai bét. Đôi khi đàn em biết rành việc, biết sếp sai nhưng tảng lờ một là sợ bị sếp giận sếp trù, hai là cũng muốn cho sếp bị vỡ mặt cười chơi. Các vị khoa bản ở âu tây về cứ tưởng là với cái bằng to tướng của mình là có thể biết hết biết hết, chứ đâu có biết trăm hay không bằng tay quen, các ông thông ông ký cỗ lỗ xĩ kia biết viêc nhiều hơn mình. Người thợ già khú đế kia vẫn rành hơn mình về những chi tiết máy móc.
Trong vấn đề chức vụ, chúng tôi nhận thấy một điểm hết sức kỳ quái: là vấn đề kiêm nhiệm nhiều chức vụ cùng một lúc. Không biết nhân tài ở ngoại quốc về giỏi hơn chuyên viên nội nên ôm đồm nhiều chức vụ quan trọng cùng một lúc. Hay là vì lương hướng một nơi sống không đủ, phải đi làm nhiều nơi mới đủ thoã mãn những tiện nghi vật chất. Vì ôm đồm nhiều quá, nên công  việc mỗi nơi đều không chu toàn. Nếu vừa làm ở xí nghiệp vửa làm giáo sưu đại học thì lấy thời giờ đâu soạn bài giãng, nếu không nói là ăn vào giờ của sở. Như vậy, công việc sở chỉ giải quyết qua loa, mặc tình cho thuộc hạ ở dưới làm chi thì lảm, không coi sóc, đôn đốc. Còn nếu không thì bài giảng sẽ được soạn ẩu tã, không đến nơi đến chốn.
Tới đây, chúng tôi thiết nghỉ lả tạm đủ, nên ngừng ở đây để lấy một kết luận.
Đọc tới đây, quý vị có thể rút ra cho mình một kết luận riêng giải đáp những thắc mắc liên quan đến hiên trạng xã hội bao quanh quý vị. Riêng chúng tôi, thì kết luận như sau: chúng  ta kỳ vọng thái quá đối với nhân tài được đào tạo ở ngoại quốc. Chúng ta đặt tin tưởng mù quáng vào những kiến thức được thu thập từ ngoại quốc sẽ làm phép lạ đưa nước ta thoát khỏi chậm tiến. Kỳ vọng cũng như tin tưởng chúng ta đặt không đúng chỗ. Những thần tượng không đáng là thần tượng mà ta đặt trọn niềm tin. Quan điểm của chúng tôi là: sư kiện gởi người đi du học là Không Đáng Đồng Tiền Bát Gạo, nếu ta làm bài toán Giá phí / Hiệu năng (Cost / Benefits) của các chuyên viên này. Họ không đem đến những kết quả mong muốn mà toàn dân đã kỳ vọng đã đặt hết niềm tin.
Chúng tôi thừa hiểu là chúng tôi đã làm phật lòng một số quý vị phụ huynh sinh viên, cũng như các chuyên viên tự mãn (đang ở trên bậc thanh danh vọng). Chúng tôi biết là trung ngôn nghịch nhĩ, lời thật mất lòng. Nhưng biết làm sao hơn.
Với bài nhận định này, chúng tôi hy vọng là không làm cái công việc khuấy động mặt nước ao tù, để rồi đâu vẫn hoàn đấy. Tôi hy vọng là có cái gì sẽ xảy ra nổi dậy thức tỉnh trong lòng mỗi người chúng ta, trong lòng mỗi người thiết tha với tiền đồ tổ quốc. Chúng tôi chỉ mong có thế thôi.

Dương Quang Thiện
Kỷ sư Điện toán IBM
Sai Gon 3/1/1975

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Báo cũ (2) : NHÂN TÀI VN ĐÀO TẠO Ở NGOẠI QUỐC ĐANG ĐI VỀ ĐÂU.



Tác giả có đôi điều:
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 2 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 10/2/1974, được đăng trên Chính Luận, một tờ báo lớn nhất của Sài Gòn trước 1975. Nếu bạn biết rằng, năm 2013, Nhà Nước XHCN đã cho đi du học (đúng hơn là "tị nạn giáo dục") 100.000 sinh viên với chi phí lên đến 3 tỷ đô/năm. Với vào khoảng 300.000 nhân tài đã tốt nghiệp đang tha phương cầu thực ở nước ngoài thì khi đọc bài báo dưới đây của miền Nam VM, không biết bạn sẽ nghĩ gì. Có người sẽ bảo chúng ta đã vào WTO, nên phải chuẫn bị thành những công dân quốc tế. Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.


CÁC NHÂN TÀI VIỆT NAM ĐÀO TẠO Ở NGOẠI QUỐC ĐANG ĐI VỀ ĐÂU?

Trong một bài báo trước đăng ở Chính Luận, chúng tôi đã đề cập đến vài khía cạnh của du học và đã đưa ra một vài đề nghị. (1*). Một trong những đề nghị là: nên dẹp hẳn du học, và chúng tôi khẵng định rằng: cuộc du học mà người ta thường mệnh danh là một cuộc đầu tư tinh thần dài hạn, theo thiển ý tôi là một cuộc đầu tư vô vọng. Nhái theo kiểu ông tổng trưởng tài chính: đầu tư du học của chúng ta hiện thời giống như bỏ tiền vào cái thùng không đáy.
Đối với một số phụ huynh học sinh sắp sửa cho con du học, thì đề nghị trên có vẻ quá khích.
Trong giới hạn của bài báo này, chúng tôi cố gắng phân tích một khía cạnh khác của du học để chứng minh lý do đưa ra đề nghị quá khích ở trên.
Khía cạnh chúng tôi muốn đề cập đến là: các nhân tài VN được đào tạo ở ngoại quốc đang đi về đâu? Chúng tôi xin thưa rằng: chỉ trừ một số rất ít chịu hồi hương, còn phần lớn thì sau khi tốt nghiệp đã an cư lạc nghiệp ở xứ người.
Nếu bộ QGGD chịu khó làm một cuộc thống kê tích luỹ số sinh viên du học trong thời gian qua, và số nhân tài tốt nghiệp đã hồi hương, thì sẽ thấy là tỉ lệ số nhân tài "lưu vong" ở ngoại quốc là 80% (2*). Quý vị không ngờ con số cao đến thế. Quá cao đến nỗi tại diễn đàn Hội Việt Mỹ, một nữ trí thức đã lên tiếng báo động : là VN đang bị "băng hoại nhân tài" (bây giờ, ta gọi là "chảy máu chất xám") thất thoát ra ngoại quốc. Một cuộc "băng não" âm thầm và ghê gớm, mà hậu quả là kỹ nghệ nước nhà ở mãi trong tình trạng èo uột, và nền kinh tế của chúng ta sẽ không thoát khỏi tình trạng ấu trỉ, thô sơ.
Nếu ta chịu phân tích kỹ vì sao số nhân tài tốt nghiệp "ham" ở ngoại quốc, thì ta sẽ không ngạc nhiên ở con số 80% kể trên.

1. Lý do thứ nhất: là người sinh viên đã thành hôn với gái ngoại quốc.
Có thể nói là 90% những cuộc hôn nhân này đưa đến kết quả là sinh viên VN thành tài rất ngại đem vợ và con cái về sống ở VN: vì tiện nghi tối thiểu đối với người ngoại quốc không có ở VN. Cũng có người có thiện chí, muốn làm gì đó cho quê hương đất nước, đã thử đem vợ con về lại VN, nhưng cũng phải đi đến những kết luận như sau, sau một thời gian "thử lừa": (a) hoặc ly dị bà vợ ngoại quốc, ở lại VN; (b) hoặc theo vợ ra sống ở ngoại quốc, lấy quốc tịch quốc gia vợ, an cư lạc nghiệp ở xứ người. Trường hợp đầu khá nhiều mà trường hợp sau cũng không ít. Nhưng dầu ở trong trường hợp nào đi nữa, thì người trong cuộc cũng không tránh khỏi một cuộc khũng hoảng nội tâm đáng thương.
Còn những người lấy vợ ngoại quốc, sinh con đẻ cháu ở xứ người, thì đã có công ăn việc làm ổn định, tiện nghi vật chất đầy đủ... Thì dại gì đi đổi một cuộc sống sung túc ở ngoại quốc lấy một cuộc sống đầy phiêu lưu ở quê nhà: phiêu lưu ở chỗ lương hướng có đủ thoả mãn những tiện nghi vật chất tối thiểu cho vợ con hay không?, công việc cỏ thích ứng với tài năng của mình hay không?
Đây là chưa nỏi đến những cảnh cùng khổ, rách rưới ở quê nhà, mà vô tình hay cố ý các truyền hình ngoại quốc cho chiếu lên màn hình TV cũng đã ảnh hưởng khá nhiều việc giữ chân nhân tài VN ở lại quê người. 

2. Lý do thứ hai: Sợ đi quân dịch khi hồi hương.
Có một số sinh viên đã tốt nghiệp, nhưng không chịu hồi hương vì cho rằng VN đang có chiến tranh, nếu về sẽ bị gọi đi quân dịch. Dẫu được miễn dịch một năm khi hồi hương như hiện được áp dụng, thì vấn đề đi quân dịch vẫn còn đó. Họ chỉ trở về khi hoà bình trở lại quê hương.
Lẽ dĩ nhiên là lý do này nếu nói ra là thiếu "chính nghĩa", nên thường thường họ nại một lý do là bất đồng ý kiến với chánh quyền miền Nam (mặc dù họ vẫn nhận tiền chuyễn ngân du học đều đều từ chính quyền miền Nam), nên không muốn về hợp tác, làm việc với một chánh quyền mà họ cho là thối nát, tham nhũng, v.v.. Đây thường là lập luận của phe phãn chiến, do Hà nội giựt dây.
Vì hoà bình không biết bao giờ đến, nên số người này bắt buộc: (a) hoặc tạm kiếm một việc làm ở ngoại quốc, trong khi chờ đợi; (a) hoặc tiếp tục học cao hơn như cao học, tiến sĩ, thạc sĩ.
Nên chúng ta đừng ngạc nhiên cho lắm khi vô số sinh viên VN ra trường kỹ sư, tiến sĩ ở Pháp đâm đầu vào làm việc tại các Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Hoc Quốc Gia CNRS (Centre National de Recherche Scientifique) của Pháp. Vì sao? Vì đời sống ở các trung tâm nghiên cứu chẵng qua là cuộc sống đại học nối dài. Lương không cao (thường 30% ít hơn so với lương ở lĩnh vực tư nhân), nhưng đời sống dễ dàng hơn, không cực nhọc như khi đi làm ở kỹ nghệ. 
Nếu các vị tiến sĩ, với cái bẳng thật to, về lại quê nhà, cũng chưa chắc đủ kinh nghiệm để dẫn dắt kỹ nghệ VN thoát khỏi tình trạng ấu trỉ.
Khi đi kiếm việc làm ở xứ người thì cũng tưởng là tạm thời, nhưng theo thời gian, hoà bình chả thấy ló dạng, cái tạm thời trở thành vĩnh viễn, vì họ đã tậu nhà cữa, mua sắm những tiện nghi vật chất, v.v.. con cái đã theo học các trường ngoại quốc, rễ đã bén ở quê người, thì thử ai dám làm một cuộc phiêu lưu trở về lại quê hương: mà nào dễ dàng gì khi tuổi đã cao mà phải thích ứng với điều kiện sống ở VN là cả một sự khó khăn. Chúng tôi thử kiểm điểm một số bạn bè cùng lứa của chúng tôi, ở Pháp, Bĩ, Đức và Thuỵ Sĩ, thì gần đến 20 cặp trong tình trạng 35-45 tuổi, có công ăn việc làm từ 10-15 năm rồi. Đứng về phương diện cá nhân bạn bè mà nói, thì mình mừng cho họ, nhưng nhìn theo bình diện quốc gia, thì phải xem họ là những người mất đi, những nhân tài một đi mà không hẹn ngày về.

3. Lý do thứ ba: Môn học tốt nghiệp ở ngoại quốc quá cao xa, quá tối tân
Nói ra có vẽ nực cười: muốn kiếm một ông kỹ sư chế tạo bù lon đinh vít thì kiếm không ra, nhưng kiếm một kỹ sư nguyên tữ hạt nhân thì ê hề. Sinh viên VN khi học ở ngoại quốc, chưa bao giờ được hướng dẫn về nhu cầu chuyên viên ở VN, để học một ngành gì khả dĩ ứng dụng được khi về lại quê hương, nên thường học những nghề có vẻ "ăn tiền" (bây giờ ta gọi là "hái ra tiền") ở ngoại quốc như: điện tử, vật lý nguyên tử, khoa học không gian, thuỷ điện. Trong khi ấy những ngành như thẫm định viên kế toán, phân tích tài chính thì không muốn theo học vì văn bằng không "kêu" cho lắm. Một nước chuyên về nông nghiệp, có một bờ biển dài mấy ngàn cây số mà lại thiếu kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư thuỹ sản, kỹ sư chế biến thực phẩm, trong khi ấy thì lại dư kỹ sư vật lý, nguyên tử, không gian.
Tóm lại, là những môn học quá cao siêu, quá tối tân đòi hỏi những máy móc thiết bị quá mắc tiền mà kỹ nghệ VN không tài nào đài thọ nổi, thì thừ hỏi kỹ sư VN nào chịu về làm, để rồi nghề mình bị mai một vì không ai dám dùng.
Viết tới đây, tôi liên tưởng đến anh bạn học người Quảng Nam, tiến sĩ điện tử siêu tần số làm việc cho hãng sữa Nestlé, Thuỵ sĩ, lương tháng tính theo thời giá bằng 1,5 triệu đồng (= 20 lương vàng). Từ 5 năm nay, cứ 3, 4 tháng một lần bà má tới gặp tôi, nhờ tôi khuyên anh bạn hồi hương, vì hai mẹ con xa nhau đã hơn 20 năm. Mặc dầu chúng tôi cắt nghĩa trường hợp đặc biệt của anh bạn khó lòng hồi hương, nhưng là vì con duy nhất, cháu đích tôn dòng họ, bà ta nằng nặc đòi anh bạn hồi hương. Bà ta yên trí đến nổi bà đi xem số tử vi để biết năm bao nhiêu tuổi anh ta sẽ hồi hương.(3*)
Có một bà mẹ khác có con trong trường hợp trên lại thốt lên một câu: "Nếu tôi biết thế, thì tôi đâu có cho nó đi du học làm chi để mất con. Ở đây có nghèo khổ thì ăn dưa ăn muối mà mẹ con còn thấy nhau, còn bây giờ đây mẹ con mỗi người một ngã". Nghe mà đau ruột. Đây không phải là trường hợp lẻ tẻ, nhưng chúng tôi biết vô số trường hợp bi đát, khổ tâm, nói ra không hết.
Nhưng không phải cha mẹ các bậc phụ huynh, ai cũng than thân trách phận như bà mẹ anh bạn kể trên. Có bà mẹ giã đò đánh một cái điện tín nội dung đại loại như sau: "Mẹ sắp chết, con về gấp, cho mẹ gặp lần cuối", thế là thằng con vội vả lấy vé máy bay về thì thấy bà mẹ còn sống nhăn răng, và ông ta bị kẹt luôn vì không được phép xuất ngoại. Có một ông bác sĩ đã từ ông bố luôn, vì ông bố cũng chơi cú lừa kể trên, ông bác sĩ không những bị kẹt luôn mà còn bị gọi đi quân dịch.
Nhưng cũng có những gia đình rất hãnh diện là có con cái có công ăn việc làm ở ngoại quốc, lương bổng cao, sống sung túc ở xứ người. Thường thành phần loại người này là những trí thức trưởng giả, vọng ngoại, coi cái xứ sở này không đáng sống, và thường sẵn sàng bán đi gia tài sự sản, thiên cư lập nghiệp ở xứ người.
Với 3 lý do vừa kể trên, số nhân tài VN thất thoát ra ngoại quốc rất cao không thể tưởng tượng, một cuộc "băng não âm thầm" không hề biết, nhất là số nhân tài thuộc thành phần trí thức của VN.
Chúng tôi có nhận được một bản thống kê từ Thuỵ Sĩ gởi về. Tổng số sinh viên các nước (70 nước cả thảy) học đại học tại Thuỵ Sĩ là 2.100 người. Trong ấy, số sinh viên VN chiếm 600 người (gần 35%) hơn số sinh viên Thổ Nhĩ Kỹ (200 người), Ba Tư (220 người) là những nước tương đối giàu và không có chiến tranh. Nếu chúng ta biết số sinh viên VN được phép chuyển ngân du học nay đã lên 8.500 người, ta cỏ thể ước lượng số nhân tài hiện an cư lập nghiệp ở xứ người lên đến 30.000 người. Một sự phí phạm tài nguyên chuyên viên, một cuộc đầu tư tinh thần vô vọng của chính sách du học hiện thời.
Bây giờ, chúng ta xem những quốc gia nào nhân tài VN đang lập nghiệp. Có thể nói là bất cứ lục địa nào mà người VN đến học, thì họ có thể ở lại lập nghiệp. (4*) : nhưng nước Pháp là nơi phần lớn kiều bào VN chọn làm nơi cư trú, vì tương đối đời sống ở Pháp thích hợp với người VN hơn, chính quyền Pháp rất dễ dãi với dân cựu thuộc địa. Những năm về sau này, từ 1965 trở đi, tình trạng thất nghiệp ở Pháp ngày càng gia tăng, mà số dân cựu thuộc địa (như VN, Algerie, Maroc, Tunisie, và Phi Châu) tốt nghiệp ở Pháp ra, xin việc ngày càng đông, nên chỉnh phủ Pháp ưu tiên cho người có quốc tịch Pháp, chỉ khi chỗ nào mà người Pháp không đủ khả năng hoặc người Pháp chê không làm (thí dụ công nhân quét rác) thì người cựu thuộc địa có thể thay thế.
Thí dụ, các bác sĩ không có quốc tịch Pháp thì không thể mở phòng mạch, chỉ có thể làm những công việc tầm thường ở các bệnh viện công cộng (đây là lẽ đương nhiên, các bác sĩ Pháp không có quyền hành nghề cạnh tranh với bác sĩ VN).
Chúng tôi nhận thấy, là những năm về sau này, số nhân tài VN tốt nghiệp ở Pháp, từ bỏ quốc tịch VN khoác lấy quốc tịch Pháp ngày càng tăng để hưởng bảo hiễm xã hội, quỹ hưu trí. Ngoài ra, khi đã có quốc tịch Pháp, họ có thể về nghĩ hè du lịch một hai tháng ở VN mà khòi bị hạch xách bởi chánh quyền VNCH. Nghĩa là lợi cả đủ mọi bề.
Ở Thuỵ Sĩ, Bĩ, hoặc Đức, thì tình trạng cũng tương tự như ở Pháp, nhưng việc nhập quốc tịch các nước này thì tương đối khó hơn. Thỉ dụ, ở Thuỵ Sĩ phải ở liên tục 10 năm mới có quốc tịch TS, nhưng nếu có vợ người TS thì thời gian này chỉ còn 5 năm.
Có một số đông nhân tài VN lại định cư tại các nước Phi Châu như: Algérie, Tunisie, Maroc, Congo, Sénégal, Côte d'Ivoire, Togo, Cameroun, v.v.. và rất được trọng dụng, vì các nhân tài VN trước đây là đồng môn với các lãnh đạo các chính quyền Phi Châu khi họ cùng học ở Pháp.
Trong thời kỳ tranh đấu dành độc lập, trước 1958, sinh viên phi châu và sinh viên VN cùng đồng cãnh ngộ nên hay giúp đở lẫn nhau. Nên người VN ở Phi châu rất được trọng đãi và thay thế một cách hữu hiệu các chuyên viên Pháp rút khỏi Phi châu. Có một số người VN, mang quốc tịch Pháp, ăn lương Pháp, qua Phi châu làm việc dưới danh nghĩa hợp tác kỹ thuật Pháp (Cooperation Technique Française), vì lương trã cho chuyên viên VN ít hơn, nhưng quyền lợi của Pháp vẫn được bảo đãm. Hồi thế chiến thứ nhất, một số phu mõ VN đã qua Pháp đánh Đức để bảo vệ quyền lợi của Pháp, thì nay nhân tài VN qua Phi châu khai hoá dân Phi châu thay thế Pháp và làm việc bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Phi châu. Mĩa mai thay!
Ở Thuỵ Sĩ, thì nhân tài VN cũng chiếu cố nước này khá nhiều. Nhưng người TS rất lạnh lùng không cởi mỡ như người Pháp, thêm lại lối sau này có phong trào bài ngoại, Schwarzenbach, chống việc sử dụng chuyên viên ngoại quốc, nên khó tìm việc làm ở TS, nên bỏ qua Bresil, Phi châu, Canada, Mỹ.
Vì tiền học ở Mỹ khá cao, chĩ những con nhà khá giả kếch xù mới du học tự túc, nên phần lởn sinh viên du học theo học bổng USAID (Viện trợ Hoa kỳ). Người Mỹ khác người Pháp là sau khi sinh viên VN tốt nghiệp ở Mỹ, thì 24 giờ sau sinh viên tốt nghiệp này phải cuốn gói về VN. Có lẽ đây là một thoả thuận ngầm giữa Mỹ và VNCH. Tuy nhiên, bạn đừng tưởng người Mỹ họ tống tất cã các nhân tài VN về nước, họ cũng khôn, họ âm thầm giữ lại những người VN giỏi có khã năng trở thành những nhà bác học có ích cho nền kỹ nghệ của họ sau này. 
Hồi quân Mỹ còn tham chiến ở VN, thì một số sinh viên VN kiếm tiền bằng cách dạy tiếng Việt cho lính Mỹ trước khi họ qua VN. Nhưng từ khi quân Mỹ rời khỏi VN thì có phong trào mở tiệm ăn ở Mỹ, có vẽ nghề này hái ra tiền.
Mở tiệm ăn thì có chi là là lạ: nhưng chỗ khôi hài ở đây là chỗ: các chủ chốt mở tiệm ăn toàn là dân có bằng cấp kỹ sư, tiến sĩ, MA, MS, v.v.. nghĩa là những nhân tài tốt nghiệp, thay vì hồi hương, họ ở lại nước ngoài kéo dài cuộc sống tha phương, mở "phạn điếm" cầu thực, sống qua ngày.
Đọc tới đây, tôi không biết quý vị nghĩ thế nào về sự băng não trầm trọng thất thoát nhân tài ra ngoại quốc như thế. Chắc quý vị cãm thông đề nghị quá khích của chúng tôi là dẹp hẵn việc du học.
Sở dĩ, chúng tôi có ý nghĩ trên là vì chúng tôi có dịp tiếp xúc với một vị linh mục công giáo: cha Bernardin Wild, (5*), ở Fribourg nhân dịp chúng tôi tu nghiệp tại Thuỵ Sĩ. Cha Bernardin là người chuyên giúp đở sinh viên các nước chậm tiến, bằng cách cho học bổng, cung cấp chỗ trọ và bữa ăn miễn phị. Năm 1957, tôi cũng nhận được một năm học bỗng của cha. Tỉ lệ cấp học bổng cho sinh viên VN năm nào cũng tăng và cao nhất. Một điều kiện nhận học bỗng là sau khi thành tài phải trở về phục vụ quê hương đồng bào. Khi gặp lại tôi, cha bảo rằng từ 2-3 năm nay cha không cấp học bổng cho sinh viên VN nữa, vì không ai chịu về lại VN, kẻ thì lập nghiệp ở TS, người thì qua Phi châu, v.v..Tiền cha cấp học bổng là tiền của bổn đạo đóng góp nên cha không thể đi ngược lại tinh thần ghi trong điều kiện xét cấp học bỗng.
Một người ngoại quốc đã nghỉ như thế, và dứt khoát trong hành động, thì tại sao chúng ta không có lòng tự trọng kiểm điểm lại hành động của mình: nếu ta nhận thấy việc đầu tư vào du học là một cuộc đầu tư vô vọng, vào "một cái thùng khòng đáy" , thì tại sao không dứt khoát chấm dứt du học.
Có người sẽ bảo rằng nếu không cho du học, thì mình có đủ trường ốc để đào tạo chuyên viên hay không, mình cỏ khả năng đào tạo chuyên viên như ở ngoại quốc hay không? Đúng "tiêu chuẩn quốc tế" hay không? Chúng tôi xin hỏi lại một câu: có nên học những môn học mà 20 năm sau ta mới có cơ hội ứng dụng hay không? (Ngụ ý đi học vật lý nguyên tữ cách đây 20 năm). Chúng ta ai cũng biết ở Bĩ cỏ những văn bằng kém xa văn bằng của Pháp, và nước Bì nẳm sát nách nước Pháp qua lại dễ dàng như đi chợ, mà nào có thấy dân Bĩ qua Pháp học đâu? Vì sao? Vì họ đâu có cái tinh thần vọng ngoại như dân ta đâu.
Trong giới hạn của bài báo này, chúng tôi chưa cỏ thể đưa ra ý kiến đào tạo chuyên viên tại đại học VN (mà sẽ là đề tài cho một bài báo tới) đứng trước viễn ảnh đóng cữa du học. Chúng tôi thiết nghĩ sẽ có nhiều khó khăn, sẽ có nhiều người phản đối, và không có gì mà không thể giãi quyết nếu ta có ý chí, có quyết tâm.
Chúng ta thường tự hào là ta có 4000 năm văn hiến, cỏ hội nghị Diên Hồng đã giúp chúng ta làm một viêc phi thường là đánh đuổi được quân Nguyên Mông. Nếu mọi nhân tài VN giống như Trần Bình Trọng đã thốt lên lời thề "thà làm quỳ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc" thì đâu có cảnh 30.000 nhân tài tha phương cầu thực ở xứ người, mà nào dân Việt đâu cỏ mất nước như dân Do Thái cho cam, mà phải tha phương cầu thực.

DƯƠNG QUANG THIỆN
Kỹ sư điện toán IBM
10/02/1974


Ghi chú:
(1*) Rất tiếc là bài báo này, cho người ta mượn đọc, người ta "lũm" luôn không trả lại.
(2*) Con số của năm 2012 do Mỹ cung cấp là 97%, dưới chế độ XHCN.
(3*) Ông bạn này rốt cuộc ở luôn bên Thuỵ Sĩ, qua đời năm 2008, ở tuổi 75.
(4*) Bạn để ý là trong bài này, Thiện mỗ không biết chi về khối CSCN nên Thiện mỗ không dám lạm bàn.
(5*) Các bạn nhận học bỗng theo chương trình Vì Ngày Mai Phát Triễn, thường nghe Thiện mỗ phát biểu câu sau đây: "Các bạn không nợ tôi cái gì cả, các bạn nợ đối với thế hệ đi sau. Nếu sau này bạn giàu cỏ, thì nên giúp đở những kẻ đi sau". Câu nói này là không phải của tôi, mà là của cha Bernardin Wild thuộc dòng tu Oeuvre Saint Justin ở Fribourg, Thuỵ Sĩ. Tôi có nhận học bổng từ cha Bernardin Wild, nên khi tôi rữa tội theo đạo Công Giáo, tôi đã lấy tên thánh là Justin. 



Đã gửi từ iPad của tôi

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Báo cũ (1) : NGƯỜI VN CÓ BIẾT LÀM KỸ NGHỆ THƯƠNG MẠI ĐƯỢC KHÔNG?

Tác giả có đôi điều:
Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 7/10/1974, được đăng trên Chính Luận, một tờ báo lớn nhất của Sài gon trước 1975. Nhân đọc một câu bình luận của ai đó chê bai hiện VN ta có quá nhiều tiến sĩ mà ta chả có một kỹ nghệ nào đặc sắc như Samsung của Hàn Quốc, hoặc Toyota của Nhật Bản, v.v.. Và ý nói chế độ XHCN ta đang sống không phải là một môi trường tốt cho phát triển. Do đó, tôi cho khỏ lại bài báo tôi viết cách đây 40 năm để bạn đánh giá lại miền Nam VN thế nào để mà so sánh. Bạn tự rút tỉa ra một kết luận sau khi đọc xong bài xong bài này. Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.

NGƯỜI VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM KỸ NGHỆ THƯƠNG MẠI ĐƯỢC KHÔNG?

Đã từ lâu, một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu óc chúng tôi. Nó ám ảnh, ray rứt tâm trí chúng tôi liên hồi. Nên chúng tôi thiết nghĩ phải viết ra đây, trên mặt báo này, để phần nào giải toả ám ảnh. Câu hỏi chúng tôi muốn đặt ra ở đây là : "Người Việt Nam ta có thể làm kỹ nghệ và thương mại (KN/TM) được không?" Chắc có thể có vị sẽ cho là câu hỏi sao ngô nghê, lẩm cẩm thế! Chúng tôi thì không nghĩ thế.

Nếu quí vị là những kẻ như chúng tôi, sinh vào buổi giao thời, ở nhằm lúc mà quý vị là những em nhi đồng "kháng chiến" của thời 1945, lòng náo nức ôm mối hoài bão to tát mơ giúp phát triển quê hương, kỹ nghệ hoá nước nhà, thì giờ đây, cũng như chúng tôi lấy cặp mắt thực tế mà nhìn, với tất cả lòng thành khẩn, quý vị sẽ kiểm điểm lại khoảng đường kỹ nghệ hoá, để rồi quý vị sẽ thấy chỉ là con số không.

Rồi, ông Thiện lại bi quan! Nhiều vị sẽ kêu lên như thế. Có lẽ tánh khí chúng tôi không thích lạc quan tếu (như kiểu "trong một tháng thì quân lực chúng ta sẽ sạch sẽ, trong 3 tháng thì guồng máy chính quyền ta sẽ sạch sành sanh hết tham nhũng") (1*) Do đó, câu hỏi trên nó cứ lởn vởn trong đầu óc chúng tôi hoài. Đôi khi chúng tôi cũng muốn trả lời dứt khoát câu hỏi trên là "người Việt Nam không biết làm KN/TM".

Khẳng định như thế sẽ tổn thương lòng tự ái quốc gia dân tộc của một số vị. Nhưng nếu không khẳng định như thế thì là tự dối lòng. Có thể phải trả lời như thế này: "Người VN ta hiện thời chưa biết làm KN/TM." Có người sẽ hỏi vặn lại. "Dựa trên sự kiện nào, mà dảm bảo là dân VN không biết làm KN/TM?" "Và vì sao thế ?".

Bài báo này chỉ có tham vọng là phân tích những sự kiện để trả lời hai câu hỏi vừa đặt ra.

Điểm thứ nhất làm cho tôi thắc mắc về khả năng phát triển KN/TM của người Việt (trong tạm thời tôi đồng hoa kiều Chợ Lớn là người Việt đi) là đa số những kỹ nghệ, cơ sở TM đều nằm trong tay người ngoại quốc, nếu ta nhìn vào số thương vụ hằng năm từ 1 tỷ đồng trở lên.

Và nếu ta quan sát số tiền ngoại quốc đầu tư vào VN thì cũng thấy rất ít, chỉ có 4,5 triệu Mỹ kim thôi từ 1963-1973. Như vậy, tất cả các cơ sở KN/TM đều có lâu đời từ trước năm 1954. Vốn liếng toàn là của người ngoại quốc (Pháp, Anh, Mỹ). Những công ty quốc doanh đa số là do ngoại quốc để lại như Air VN, Điện Lực, Sai Gon Thuỷ Cục, Công ty Thuỷ Tinh (vừa mới giải thể vì lỗ lã). Nghĩa là đã có cái cơ cấu tổ chức ngoại quốc để lại, mình chỉ đến "tiếp thu" mà thôi, không mất công gầy dựng. Nói cách khác, từ 20 năm nay (lấy 1954 làm mốc) khả năng kiến tạo những KN/TM của người Việt rất là nhỏ nhoi. Và nếu có, thì cũng chỉ là những công ty quốc doanh do vốn quốc gia: như Cogido, Xi Măng Hà Tiên, v.v..

Điểm thắc mắc thứ hai là: nếu nói người Hoa chi phối nền kinh tế VN, thì với việc giàu và có óc kinh doanh hơn người Việt mình, thì tại sao với sức mạnh tiền bạc và hệ thống phân phối hủng mạnh, người Việt gốc Hoa vẫn chưa đủ tài thành lập những công ty thuốc lá diêm quẹt để cạnh tranh với Bastos, MIC, SIFA hoặc đẩy mạnh nhà máy nước ngọt Phương Toàn cạnh tranh với hãng la de nước ngọt BGI, SEGI.

Điểm thắc mắc thứ ba là: trong những năm nói nhiều về việc quốc hữu hoá các công ty ngoại quốc, thì tại sao những công ty sinh lợi nhiều lại không bị quốc hữu hoá. Đâu phải ta ơn nghĩa gì. Đâu phải ta thiếu chuyên viên: lúc mới đầu độc lập thì lý do đứng vững, chứ 20 năm sau không còn lý do khiếm khuyết chuyên viên. Phải chăng ta e ngại là nếu giao cho chuyên viên ta quản trị thì những cái "vú sữa thuế" của các công ty trên sẽ càng khô cạn, thuế vắt không ra.

Điều thắc mắc thứ tư là: những công ty quốc doanh với sự nâng đỡ của chính phủ vẫn ở trong vòng trì trệ, không sinh lợi mà còn gây xì căn đan này đến xì căn đan nọ. Tại sao Công quản Ô tô buýt phải dẹp tiệm? Tại sao cả ban giám đốc công ty Đường phải vào tù? Tại sao phải giải tư Công ty Thuỷ Tinh VN, Công ty Suối Vĩnh Hảo? Phải chăng các công ty này làm ăn lỗ lã triền miên. Các công ty quốc doanh khác làm ăn lời lỗ bao nhiêu, cuối năm không thấy công bố kết toán lời lỗ ra sao cho dân chúng biết. Chỉ nghe những lời đồn đãi như sau: sở dĩ Công ty Hàng không không lời mà cũng không lỗ là vì cố tình quên khấu hao, hoặc khấu hao tí tí những máy móc đốt tiền như máy bay. Hoặc sở dĩ Công ty Điện lực chưa thấy dấu hiệu lời mặc dầu đã tăng giá tiền điện (kể từ 1972, trong vòng 18 tháng, điện đã tăng lên 300%) là vì cho khấu hao máy móc thiết bị của đập Đa Nhim, mặc dầu điện Đa Nhim chưa về tới Sai Gòn. Nếu những lời đồn đãi ở trên là đúng, phải chăng là vì không có những quy tắc kế toán tài chính rành rẽ và kiểm toán gắt gao đối với công ty quốc doanh, nên mới có chuyện lươn lẹo trong khấu hao để che dấu những bê bối trong quản trị xí nghiệp. Ngoài ra, nếu nhìn vào lĩnh vực tư nhân, thì tại sao có những cú vỡ nợ tại các ngân hàng Tín Nghĩa và Nam Việt. Tại sao tiền lời tại các ngân hàng ngoại quốc cao hơn so với ngân hàng VN, mặc dầu được ưu đãi và số thương vụ các ngân hàng VN cao hơn?

Điểm thắc mắc thứ 5 và là thắc mắc cuối cùng là : suốt 10 năm qua (1963-1973), với tổng số ngoại viện ồ ạt đổ vào VN, 5.250 triệu MK và số nhượng tệ của quân đội Mỹ vào khoảng 300 triệu MK mỗi năm (từ 1966-1973), ta chả có xây dựng KN gì thêm ngoài những KN đã có và những KN chế biến một cách tượng trưng, mà tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo gọi là "kỹ nghệ ngọn" sống hoàn toàn nhờ nguyên liệu và bán thành phẩm của ngoại quốc. Để rồi giờ đây, nguồn ngoại viện cạn dần, KN VN sống ngoắc ngoải dựa vào việc có ngoại tệ hay không để mua nguyên liệu. Công ty Đường vì sao ngưng hoạt động? Các công ty Cogido, Cogivina, Sicovina, còn được bao nhiêu tháng tồn kho nguyên liệu? Té ra, trong 10 năm qua, với 7 tỹ MK ngoại viện, ta chỉ có cất villa, xây toàn cao ốc chọc trời làm chỗ ngủ cho lính Mỹ (và để cho các ông to bà lớn hốt bạc qua vụ cho thuê nhà), để rồi giờ đây Mỹ rút đi, các toà buyn đinh để trống loang lổ giống như gái điếm về già. Với 7 tỹ MK viện trợ như thế, mà ta chỉ có một nền KN èo uột, ẻo lả đóng góp chưa tới 8% vào tổng sản phẩm quốc nội.

Sau khi nghe 5 điểm thắc mắc kể trên, chắc quý vị đã đồng ý với chúng tôi là chúng tôi nghi ngờ khả năng làm KN/TM của người VN (kể cả người Việt gốc Hoa) là đúng. Và cũng đừng trách chúng tôi bi quan, khi biết rằng người Việt đâu có ngu si gì cho cam (siêu thông minh là đằng khác), óc cần cù nhẫn nại nổi tiếng từ lâu, và nhất là tài nguyên màu mỡ phong phú, thế thì tại sao ta không làm nên một cuộc "cách mạng KN" như ở Nhật Bản.

Có người, như ông T.T. Thông tin Tôn Thất Thiện, đã oán trách các vua Tự Đức, Minh Mạng đã bỏ mất cơ hội cách mạng như Minh Trị Thiên Hoàng đã làm ở Nhật Bản. Qui trách nhiệm cho những nhân vật lịch sử khi họ không thể tự biện minh, là một việc làm rất dễ. Nếu nhìn vào thập niên vừa qua 1963-1973, ta cũng đã bỏ lỡ cơ hội kỹ nghệ hoá, sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và mặc dầu tiền viện trợ đổ ào ào vào VN. Chúng tôi đã tranh cãi bàn luận nhiều về vấn đề này với bạn bè, người quen, thì tóm lại, ai cũng đưa ra lý do là vì: (1) tại vì chiến tranh; (2) tại vì ta nghèo, không có tư bản; (3) vì chuyên viên ta thiếu, chưa được dùng đúng chỗ, chưa có kinh nghiệm, phải đi lính; (4) tại vì tham nhũng; (5) tại vì không có chính sách kinh tế nhất quán liên tục, nay thế này mai thế nọ, bất nhất liên hồi; (5) tại vì người Mỹ muốn thế, muốn áp đặt một chánh sách tiêu thụ lên người Việt, tiêu thụ sản phẩm Mỹ; (6) tại vì... tại vì... đủ thứ tại vì...Chúng tôi có cảm tưởng là chúng ta đang ca câu : "chẳng tại vì anh, chẳng tại vì em, ...vì trời xui khiến...".

Chính vì không muốn đổ tội cho những yếu tố ngoại lai (đành rằng là có ảnh hưởng, nhưng không nhất thiết) nên chúng tôi thử đi tìm những lý do khả dĩ cắt nghĩa tại vì sao, mãi đến bây giờ vẫn không làm được KN/TM. Chúng tôi xin minh định trước là để làm cái công việc phân tích này, chúng tôi không dựa trên một công trình nghiên cứu xã hội hộc, tâm lý học nào cả, ở Mỹ hoặc ở Tây gì cả...Chúng tôi chỉ lấy trực giác mà suy luận. Có thể là một số quý vị sẽ không đồng ý với chúng tôi trong lối suy luận, nhưng chúng tôi cứ đưa ra, như là để dò dẫm tìm lối đi tìm hiểu cái "chúng ta" sâu hơn để tìm hiểu cái điều "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".

Người xưa thường nói "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" để chỉ 3 yếu tố thành công trong công việc gì đó. Chúng ta thử xem một trong 3 yếu tố kể trên, vấn đề nhân sự.

Khỏi phải nói giông dài: ai cũng biết dân VN là thông minh, lanh lợi, cần cù và nhẫn nại. Nghĩa là chúng ta có tất cả các đức tính để thành công dễ dàng nhanh chóng hơn bất cứ dân tộc chậm tiến khác. Phải qua âu châu châu mỹ mới thấy đại học nào cũng có người Việt chen chân vào học, và bao giờ cũng được xếp vào hạng khá, nếu không nói là xuất chúng. Biết bao nhiêu kỹ sư, tiến sĩ VN đang giúp việc tại các Trung tâm Nghiên cứu CNRS của Pháp, có thể nói VN đang viện trợ kỹ thuật cho Pháp, hơn là ngược lại. Nếu không có tính cần cù và nhẫn nại, thì làm sao ta có thể thực hiện cuộc nam tiến, đồng hoá dân Chàm, dân Miên. Cuối cùng tài lanh lợi, tính tháo vát đã giúp dân ta thích ứng với mọi nghịch cảnh: làm sao chịu đựng được áp lực đô hộ của người tàu, người tây mà không bị diệt chủng? Làm sao chịu đựng được cuộc chiến dai dẳng 30 năm nay mà không bị tự hủy?

Không biết bao nhiêu lần,chúng tôi khám phá một cách thích thú cái khôn lanh và tài thích ứng của người Việt. Sau nhiều năm trời làm việc tại ngoại quốc, ở Thuỵ Sĩ và Pháp, tôi có dịp so sánh cách làm việc của người Việt so với người ngoại quốc. Người Việt có tài thích ứng rất nhanh so với người ngoại quốc, dầu cho kỹ thuật tối tân và khó khăn đến đâu đi nữa. Thí dụ, trong sở điện toán của chúng tôi, (2*), khi chúng tôi nhập khẩu một thiết bị điện toán MDS, chưa bao giờ được sử dụng ở VN, để thay thế máy xuyên kiểm phiếu IBM, thì theo tài liệu được phổ biến ở ngoại quốc, nhân viên phải mất 6 tháng mới sử dụng thuần thục. Thế mà chúng tôi chỉ mất 1 tháng để huấn luyện, và sau 2 tháng nhân viên sử dụng thuần thục và sai rất ít. Người ngoại quốc khi rời VN đi làm nơi khác, bao giờ cũng tiếc nuối sự làm việc lanh lợi, cần mẫn, và thông minh của người Việt. Đây không phải lời khen dối trá, ngoại giao làm ta nở mũi, mà thật tình mà chúng tôi đã nhiều lần nghe khen tận tai.

Thế thì tại sao, người mình có vẻ bết bát trong việc kỹ nghệ hoá nước nhà, tại sao quản trị của ta bê bối, luộm thuộm đến thế? Theo chúng tôi nghĩ có lẽ là chúng ta quá thông minh, quá khôn lanh. Đấy là con dao 2 lưỡi.

Cái khôn của người Việt, chúng tôi gọi là cái khôn đoản kỳ, hoặc khôn vặt, còn cái thông minh là cái "thông minh từ chương". Mỗi người Việt trong chúng ta, ai cũng cho mình là khôn, là thông minh hơn người khác, nên thường coi người khác là ngu đần, là cù lần, có thề bóc lột qua mặt được. Thành thử ở nhà máy nếu có 2 anh chàng kỹ sư cùng làm một chỗ, thì không anh nào chịu anh nào cả. Ở đại học, thì giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, thạc sĩ, vị nào cũng muốn làm khoa trưởng, viện trưởng cả. Chỉ đưa cái bằng cấp chèn ép nhau, đè nhau, chỉ trích nhau. Nếu có hợp tác kinh doanh, mở KN, thì người này coi người bạn hợp tác kia là anh cù lần, mà mình có thể ăn gian, mà mắt, móc túi, qua mặt được. Thành thử, người Việt mình ít chịu hùn hạp, thành lập tổ hợp tác làm ăn: ai cũng sợ người khác ăn gian tiền của mình. Nếu có hùn thì cũng chỉ trong gia đình, thế mà cũng không tránh được việc bà con ăn gian lẫn nhau. Có một người Nhật cho chúng tôi một nhận xét như sau về người Việt: "Một người Việt bằng 10 người Nhật, nhưng 10 người Việt chưa chắc bằng một người Nhật". Đúng thế!

Chính cái khôn, cái tự ái thông minh to bằng bánh xe bò, đã ngăn cản người Việt hợp tác với nhau : vì vậy nếu có hợp tác với nhau, thì KN VN cũng chỉ là những tiểu công nghệ, không có những KN lớn. Chính việc người nào cũng cho mình là cái rốn vũ trụ, ai chả nhường ai, ai chả phục ai, cho nên sự quản trị ở xí nghiệp vì đó sinh ra lủng củng, các ông giám đốc lớn hục hặc nhau, chơi phá bĩnh nhau, mỗi "sứ quân" cát cứ một cõi.

Sự kiện cho mình là khôn, là thông minh, đã đưa đến kết quả là người Việt mình ít chịu làm việc trong tinh thần đồng đội, cái tính vô kỷ luật bất trị cũng từ đấy mà ra. Cứ nhìn cách sống của người Việt ở các chung cư, cư xá thì thấy cái tính cộng đồng của người Việt nó ra sao. Nó xuống dốc một cách thảm tệ.

Nếu nói KN là sự làm việc tập thể, mà không có tinh thần tập thể thì đừng chờ đợi có sự phát triển trong KN này, mà đúng hơn là có sự trì trệ ở đây.

Quý vị thử đem những nhận xét trên vào lĩnh vực chính trị, vào lĩnh vực công quyền, thì quý vị sẽ thấy hiện tượng tương tự như ở KN.

Ai cũng cho mình là khôn, là xuất chúng, là giỏi, nhất là các vị kỹ sư, tiến sĩ đỗ đạt ở ngoại quốc về, thì cái tính tự tôn này nặng lắm, ai cũng muốn nhanh chóng trở thành giám đốc, tổng giám đốc, ai cũng muốn đốt giai đoạn trong bực thang danh vọng và quyền thế. Thành thử ở xí nghiệp VN (hoặc trong cơ quan công quyền cũng thế), ta thấy hiện tượng những kỹ sư mới đỗ đạt ở ngoại quốc về, (nghĩa là chỉ mới có mớ lý thuyết suông trong sách vở, chưa "thử lửa" với cuộc sống thực tại) thì đã được "bơm" lên làm giám đốc, mặc dù kinh nghiệm chưa có tí chi. Hiện tượng thứ 2 là ta thấy đầy dẫy chức vụ lớn như giám đốc, phó giám đốc, phụ tá TGĐ, phụ tá đặc biệt, v.v.. Hiện tượng thứ 3 là ai cũng cho mình là "sư", nên hay kiêm nhiệm chức vụ giám đốc tại nhiều xí nghiệp khác nhau.

Ở lãnh vực công quyền cũng thế. Nếu nói rằng thiếu nhân tài thì cũng có lý lúc ban đầu mới dành độc lập, chứ 20 năm sau mà còn hiện tượng kiêm nhiệm nhiều chức vụ cùng một lúc thì chỉ có thể cắt nghĩa là tham quyền cố vị. Cả 3 hiện tượng vừa kể trên đã cản trở rất nhiều về việc phát triễn kỹ nghệ VN, vì thiếu kinh nghiệm mà đã được nâng lên một chức vụ cao, nhưng vì tự ái to (dựa trên bằng cấp) nên nhiều viên kỹ sư ngồi phòng lạnh, chỉ tay năm ngón, ngại xăn tay áo làm viêc với đám dân thợ, vì sợ thợ cười cái vụng về của mình; vì quá nhiều giám đốc, phụ tá giám đốc, ...thêm lại tánh tự cao tự đại, ai chả phục ai, nên thiếu sự hợp tác; vì kiêm nhiệm chức vụ, nên chả có chú tâm vào quản trị gì cả. Nếu cộng thêm cái hiện tượng đến trễ về sớm (coi như là cái quyền của kẻ làm xếp) thì còn thời giờ đâu mà theo dõi, kiểm soát, đôn đốc công việc ở xí nghiệp. Bê bối, luộm thuộm từ đó mà sinh ra.

Để tóm lược, vì cái khôn lanh quá khôn của người Việt, mà mọi viêc trở nên lủng củng. Ở xí nghiệp, ở cơ quan công quyền, đâu đâu cũng thế.

Và ở TM cũng thế. Xin kể vài câu chuyện để minh chứng điều trên. Kể ra không phải nói xấu người Việt hoặc vạch áo cho người xem lưng, nhưng chắng qua là chúng ta cần suy gẫm mà thay đổi thái độ. Chắc quý vị đã nghe nói đến chuyện xuất cảng đồ gốm và sơn mài hay là đã nghe chuyện xây khách sạn Hyatt tại bến Bạch Đằng? Nếu quý vị biết rằng người ngoại quốc họ than với tôi rằng làm ăn với người VN không được, họ nói người Việt mình "khôn đoản". Nghe mà buồn. Thí dụ, xuất cảng đồ gốm thì chuyến hàng đầu tiên thì đúng theo tiêu chuẫn thoả thuận trong khế ước. Qua chuyến hàng thứ 2, thấy người ta khoái hàng của mình, là bắt đầu ăn gian "phẩm chất" mặt hàng. Cứ tưởng hàng gởi là ngoại quốc phải chấp nhận. Người mình quên rằng ở ngoại quốc họ kiểm phẩm rất gắt gao. Chính các nhà sản xuất đồ gốm VN là dân tài tử, nên đã có thái độ làm ăn chụp giựt, do đó người ngoại quốc họ không tin tài làm ăn của người Việt. Nhiều người ngoại quốc đã than phiền với tôi như thế.

Đấy, quý vị thấy là cái khôn, cái thông minh của người Việt thuộc cái khôn vặt khôn đoản nên rốt cuộc mình chả đi xa hơn ai cả. Vì vậy mình đã bỏ qua một cơ hội bành trướng KN trong khi quân đội Mỹ còn ở VN: với 7 tỷ MK viện trợ, với cái khôn đoản kỳ của mình chỉ biết xây villa, building cho Mỹ thuê, sắm xe hơi, TV, tủ lạnh, ăn chơi phè phỡn, thay vì chắt bóp ngoại tệ lượm được đầu tư vào KN. Các ông lớn ông bé, chỉ có cái khôn đoản kỳ (làm giàu cho nhanh trong thời gian rất ngắn) mà không nhìn về cái trường kỳ, cho nên cơ sự nó mới như thế này.

Bây giờ, chúng ta xem cái thông minh từ chương của người Việt mình. Có lẽ cái giáo dục ở gia đình và ở nhà trường cho ta cái định kiến là học thuộc bài ở sách vở, ở bài giảng của thầy là thông minh, là giỏi, và hy vọng sẽ có cơ hội đứng đầu thiên hạ, có quyền thế sau này. Chính cái học "từ chương" của chúng ta làm mất đi óc suy luận: cái gì giáo sư giảng là sự thật không được nghi ngờ, cái gì thầy "thuyết" là không sai lầm (infaillible). Mấy giáo sư Mỹ khi qua dạy ở VN than trời là sinh viên VN rất thụ động chì biết chép y lời thầy giảng, không có suy luận, chất vấn đối thoại với giáo sư. Kết quả là ta coi bằng cấp rất trọng, là biểu tượng cho cái học tuyệt đỉnh của chúng ta. Và từ đó, chúng ta sinh ra cái tự tôn là một, tự mãn là hai. Có cái bằng kỹ sư, hay cái bằng tiến sĩ, và lỡ ai đó mà không quên kêu "thưa kỹ sư" hoặc "thưa tiến sĩ" thì ta chau mày, phật lòng (hoặc cự nự, phản đối, nếu thuộc hạ quên xứng danh bằng cấp của ta). Cái tự tôn của ta nó to lắm, to hơn bánh xe bò, nên chúng ta tự xem là sau ta không còn ai nữa: thành thử đàn em sau ta nếu cố vươn lên, thì ta cố đè xuống, cản trờ đường tiến thân của chúng. Nếu nhờ cái bằng cấp to tướng của ta, ta kiêm nhiệm nhiều chức vụ, thì ta tiếp tục kiêm nhiệm, cho dù đàm em, đi Tây, đi Mỹ về với bằng cấp tối tân hơn, cũng không thế nổi ta đâu. Thành thử ở xí nghiệp, đại học, cơ quan công quyền, lớp trẻ than là bị lớp già tham quyền cố vị chèn ép lớp trẻ. Mà lớp trẻ khi đã lên địa vị "chóp bu", thì cũng đi vào con đường tự tôn, hành động tương tự như đàn anh cũ đối với mình, nghĩa là chèn ép đàn em đi sau mình.

Tự tôn bao giờ cũng đi đôi với óc tự mãn. Khi đã lên đến địa vị chóp bu, thì coi như là đã thành công, không cỏn cố gắng nữa, ngoài cái cố gắng giữ cho bằng được cái địa vị.

Với cái óc tự mãn, thì coi cái địa vị như là "nơi dưỡng già" với tất cả các quyền như: đến trễ về sớm, coi những người dưới quyền mình như gia nô, làm việc riêng cho mình, và những quyền lợi vật chất của chức vụ đem đến. Những kiến thức học ở trường, vì tự mãn nên coi như là đủ rồi, không cần trau dồi chi thêm, quên rằng kiến thức kỹ thuật thay đổi rất nhanh, 2-3 năm mà không tu nghiệp, tham khảo sách báo, thì mọi kiến thức đều bị lỗi thời. Chính óc tự tôn tự mãn của các cấp giám đốc là sự cản trở cho việc cải tiến XN. Nhìn vào danh sách các vị giám đốc các xí nghiệp VN và bằng cấp của họ, chúng tôi tự hỏi có bao nhiêu vị biết về khoa quản trị để về quản trị hữu hiệu XN của họ. Chắc là rất ít. Và cũng chắc là phần lớn các vị này không tin vào khoa quản trị, coi như trò lố lăng của các cậu đi học Mỹ về muốn hất cẳng mấy ông già.

Vì tin vào tài học mình trên sách vở, tin vào mảnh bằng nhưng thiếu óc suy luận, óc thực tế và tính quyết đoán, nên cấp điều khiển đã có những quyết định lúng túng, bất nhất. Có lẽ ở gia đình quen tính vâng lời cha mẹ, hoặc trước là nhân viên của tây để lại quen vâng lời thừa hành, nay được đưa vào chức vụ điều khiển nên không biết lấy quyết định. Từ 20 năm nay chúng ta được điều khiển bởi hạng người này, nên đừng ngạc nhiên lắm khi nhìn vào lĩnh vực nào cũng thấy toàn là những chuyện bất nhất lúng túng trong chính sách cũng như trong lề lối quản trị.

Như đã nói trên, là người Việt ít khi chịu hợp tác với ai nhất là trong việc kinh doanh mở KN, chẳng qua là vì không ai tin ai. Thành thử, người có tiền thì lại không có tài, và người có tài lại không có tiền. Thị trường chứng khoán, mặc dầu trên lý thuyết đã có mặt ở VN từ 2 năm nay, nhưng chỉ là cái "bánh vẽ", chưa hình thành một định chế cho phép người có tài và người có tiền hợp tác với nhau khuếch trương KN/TM. Người mình có cái lạ là coi tiền của kẻ khác là "tiền chùa". Tiền của kẻ khác, có thể là tiền chính phủ, tiền của công ty quốc doanh, tiền của thằng bạn ngây thơ hợp tác hùn hạp. Vì coi là tiền chùa, nên xài vô tội vạ, không cần biết quản trị hợp lý để sinh lợi cho công ty, thành thử những hiện tượng đem bà con vào công ty, bày vẽ những chức vụ ma để nhét bà con vào, không kiểm soát để gây thất thoát, v.v.. Chính tình trạng này đã giải thích vì sao có sự trì trệ tại các công ty quốc doanh. Đôi khi người có tiền, khi thuê người có tài làm giám đốc, thì thường ép giám đốc tuyển bà con bất tài vào làm việc, một là để kiểm soát, hai là "ăn cắp nghề". Tóm lại, kỹ nghệ VN toàn là những công ty tiểu công nghệ, làm ăn kiểu xé lẻ, nên khó mà thực hiện được những KN lớn, vận dụng đại tư bản.

Chính vì ta thiếu những quản trị viên trong sạch, có tay nghề, đầy đủ lương tâm nghề nghiệp, chú tâm sinh lợi tiền của kẻ khác như tiền của mình, nên KN ta luôn luôn ấu trĩ, chưa đủ sức đối đầu với các công ty ngoại quốc. Chỉ khi nào chúng ta thay đổi thái độ trong việc hành nghề, thì lúc ấy mới mong phát triển KN. Chỉ khi nào chúng ta bỏ cái kiểu hành nghề kiểu tài tử, làm ăn chụp giựt (nghĩa là hốt bạc nhanh trong một thời gian ngắn) thì chúng ta mới mong cất đầu lên nổi.

Đã nhiều lần chính phủ đã kêu gọi các công ty VN hợp tác lại thành đại công ty (bây giờ ta gọi là tập đoàn) có thể đương đầu với các công ty ngoại quốc, nhưng hình như bất thành: vì công ty nào cũng muốn làm ăn xé lẻ. Đã nói là không ai tin ai, ai cũng xem mình là "sư", nên chả ai nhường ai cả. Kết quả là gì? Ta thấy xuất hiện vô số công ty xuất cảng sơn mài, đồ gốm, vô số công ty xuất cảng tôm đông lạng, công ty sản xuất xe đạp, mà toàn là những công ty kiểu tài tử, không biết quản trị. Rốt cuộc, một số công ty đã vowx nợ, một số khác sắp vỡ nợ. Vì sao? Vì riêng rẽ mỗi công ty phải đầu tư vào chi phí ban đầu thiết lập sơn phết cơ sở, vào trang thiết bị mắc tiền khá nặng. Và công ty nào cũng muốn làm giàu thật nhanh (như cất villa cho Mỹ thuê) mà khả năng kỹ thuật khai thác máy móc lại kém và kiểm phẩm bê bối, thành thử giá thành mắc, và sản phẩm không đạt tiêu chuẩn quốc tế, đưa đến kết quả là nhiều hợp đồng bị huỷ bỏ, người ngoại quốc hết tín nhiệm vào kỹ nghệ gia VN. Thật là buồn!

Nói tóm lại, tôi nhận thấy người Việt mình phí phạm tài nguyên không thể tưởng: nếu quý vị thử kiểm kê số ngoại tệ dùng để nhập cảng số máy móc thiết bị để làm tôm đông lạnh, giờ đây các máy móc thiết bị này trở thành những đống sắt rỉ sét tại các nhà máy đông lạnh đã vỡ nợ, hoặc số ngoại tệ dùng nhập cảng xi măng vật liệu xây cát tráng nền trượt patin, xây siêu thị cao ốc rồi bỏ trống, thì quý vị sẽ thấy một sự phí phạm vô ý thức không thể tưởng tượng nổi: chẳng qua là ta thiếu hợp tác, thiếu tính cộng đồng (ưa ăn xé lẻ một mình) thích cái kinh doanh vị kỷ, ùn ùn đầu tư vào những ngành có vẻ lời.

Để kết luận phần nhân sự này, là chuyên viên ta thừa khả năng, thừa thông minh để thành công.

Số chuyên viên thành tài lêu bêu ở ngoại quốc không thiếu. Nhưng chúng ta thiếu "chất keo" làm cho người Việt ngồi lại làm việc với nhau, là tinh thần đồng đội, tinh thần cộng đồng, ý thức quyền lợi tập thể. Chính "chất keo" này là sức mạnh của dân tộc Nhật Bản, dân tộc Đức mà ta hằng mong ước bắt chước.

Và đừng ngạc nhiên khi người Nhật họ bảo rằng: "Một người Việt bằng mười người Nhật, nhưng mười người Việt không bằng một người Nhật". Họ vừa khen trí thông minh của người Việt, nhưng cũng vừa chê người Việt thiếu tinh thần và kỹ thuật đồng đội. Phải chăng đây là luật thừa trừ của người Việt? Nểu đúng thế, thì là điều bất hạnh cho dân tộc ta. Nhưng chúng tôi thì không tin thế.

Trong ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" chúng tôi đã xem qua yếu tố "nhân hoà". Chúng tôi xin xem tiếp yếu tố "địa lợi". Người Việt mình, từ lớn chí bé, có cái mặc cảm kỳ cục: hả miệng ra là than rằng VN ta là nghèo, không có tiền để khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nếu người ngoại quốc không nhắc nhở cho ta biết đất đai màu mỡ, tài nguyên phong phú, thì ta không biết là nước ta giàu. Thành thử đi đến cái độ mất hết tự trọng, làm cái chi cũng ngửa tay xin viện trợ. Có một viên chức tại USAID (cơ quan viện tượ Hoa Kỳ) tâm sự với chúng tôi: "anh Thiện có biết không, ở Mỹ tôi chỉ là một viên chức quèn, nhưng qua VN bây giờ tôi là một ông vua: nếu anh biết số các cha, các thầy, các viên chức cao cấp của các anh đến xin tôi giúp đỡ cái này, cái nọ. Tôi chưa bao giờ tôi thấy cái chữ ký của tôi quan trọng thế nào". Nghe mà buồn. Chỉ khi nào người ta cúp viện trợ, thì mới hô hào tự túc tự cường.

Thật ra, người Việt không nghèo đâu. Giới thượng lưu, giới nhà giàu VN không nghèo đâu. Giàu hơn người ngoại quốc là đàng khác. Quý vị cứ thử hỏi tất cả người ngoại quốc ở VN họ sẽ trả lời giống như chúng tôi nói. Chúng tôi có cái may mắn làm việc 6 năm trời ở Âu châu, hiểu rõ người ngoại quốc và có thể so sánh khi làm việc tại quê nhà.

Giới tư bản VN có đủ tiền kinh doanh mở mang KN. Nhưng chỉ tiếc là họ không biết dùng tiền, hoặc là dùng bậy không đúng chỗ, hoặc chuyển ra cất tiền ở nước ngoài. Nếu nói nhà giàu mới cho du học nước ngoài, thì không có nước nào trên thế giới như VN (nghèo mà chơi sang) dám chi 6 tỷ bạc để gởi 8.500 sinh viên du học, và để cho khoảng 30.000 ngườt tốt nghiệp an cư lac nghiệp ở xứ người.

Nếu bạn qua Thuỵ Sĩ kiếm giùm tôi được một tiệm ăn có thể chứa 500 thực khách, và những bữa đám cưới 100 người dự tiệc, thì tôi xin đưa đầu cho chặt. Chứ ở Sai Gon loại tiệm ăn này là vô số kể, và những bữa tiệc cưới 100 người dự lả chuyện bình thường. Kiệm ước hay không cũng thế.

Năm 1971, khi chúng tôi về lại Huế, thăm lại mái trường xưa sau 19 năm xa cách, chúng tôi khám phá ra một điều: là đất đai xứ Huế mà người ta cho là nghèo nàn, cằn cỗi, nếu đem so với Pháp hoặc Thuỵ Sĩ, thì xứ Huế giàu hơn nhiều nếu biết khai thác. Đây là chưa nói đến bãi biển Lăng Cô, mà ở châu Âu chưa có bãi biển nào đẹp đến thế, có triển vọng du lịch. Suy nghĩ kỹ thì chẳng qua là chúng ta có định kiến cho miền Trung là nghèo (phải chăng là những bài thơ bài hát đã ảnh hưởng ?), thêm lại bao nhiêu nhân tài xuất xứ từ miền Trung đã bỏ vào Sai Gòn lập nghiệp kiếm danh vọng, nên bỏ bê miền Trung, không chịu đem kỹ thuật về giúp miền Trung khai thác. Nói về sự giàu có trên các miền đất VN khác thì dài lắm.

Nói tóm lại: giới tư bản ta có tiền, đất đai ta màu mỡ phì nhiêu, dân ta làm ăn cần cù, chuyên viên ta đã hấp thụ kỹ thuật ngoại quốc, thì không có lý do gì mà không thành công, không có lý do gì mà mặc cảm. Nhưng thực tế, thì lại khác. Có người cho là lý do "thiên thời", nghĩa là vì chiến tranh. Bao nhiêu chuyện thất bại, người ta đổ tội cho chiến tranh. Bao nhiêu bê bối trong xí nghiệp, người ta cũng quy cho chiến tranh. Người ta đổ lỗi cho chiến tranh, không dám mở mang kinh tế, vì sợ bị VC phá.

Thế thì, khi xây villa cho Mỹ thuê, thế thì ta đặt mục tiêu cho VC đặt chất nỗ thì người không sợ. Tổng kết lại những xí nghiệp bị tàn phá vì chiến tranh đếm trên đầu ngón tay cũng chưa hết. Thành thử đổ lỗi cho chiến tranh là việc làm dễ dàng.

Tới đây, chúng tôi xin tạm ngưng việc phân tích để đi đến một kết luận: là chúng ta có đầy đủ yếu tố để thành công trong việc KN hoá nước nhà và phát triển quốc gia.

Chúng tôi viết bài này không có ý chê trách ai cả. Chúng tôi chỉ phân tích để tìm hiểu vấn đề mà chúng tôi ấm ức tức tối từ lâu. Sẽ có một số vị không cùng ý kiến, và ước mong là sự lên tiếng của chúng tôi không rơi vào một bức tường im lặng làm cho chúng tôi có cảm tưởng là đối thoại với người điếc.

Saigon 7/10/1974
Dương Quang Thiện
Kỹ sư Điện toán IBM

Ghi chú:
(1*) câu nói của Nguyễn Văn Thiệu.
(2*) đây muốn nói đến công ty bia BGI, của Pháp, nay là Sabeco.