Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Báo cũ (4) VIỆT NAM : TU NGHIỆP TẠI NGOẠI QUỐC



VIỆT NAM : TU NGHIỆP NGOẠI QUỐC TRONG CHÍNH SÁCH DU HỌC HIỆN NAY 

Tác giả có đôi điều:
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 4 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 11/6/1974. Bạn đọc bài báo này rồi đem so sánh hiện tình của nước nhà, sau 40 năm dưới mái nhà XHCN để rồi tự rút tiả kết luận. Còn nay, tính đến 2013, Nhà Nước XHCN đã cho đi du học (đúng hơn là "tị nạn giáo dục") 100.000 sinh viên với chi phí lên đến 3 tỷ đô/năm. Với vào khoảng 300.000 nhân tài đã tốt nghiệp đang tha phương cầu thực ở nước ngoài thì khi đọc bài báo dưới đây của miền Nam VN trước 1975, thì không biết bạn sẽ nghĩ gì. Có người sẽ bảo chúng ta đã vào WTO, nên phải chuẩn bị các thanh niên ra thành những công dân quốc tế. Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.

Trong những bài báo trước đăng ở Chính Luận (số 2964, 2965 ngày 5,6/1/1974 và số 3054 ngày 7/6/1974) chúng tôi đã phân tích những lý do thất thoát nhân tài được đào tạo ở ngoại quốc, đưa đến kết quả là chính sách du học của ta hiện nay được xem như là một cuộc đầu tư vô vọng mà chúng tôi đề nghị là nên dẹp hẳn đi (1*). Ý kiến của chúng tôi có vẻ quá khích và ngu dân đối với một số người. Nhưng nếu thực tế mà nhìn, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện giờ của nước ta, ngoại tệ khan hiếm (viện trợ Mỹ giảm do quân đội Mỹ rút lui), xuất cảng nghèo nàn, mà chúng ta dám chi hằng năm 10 triệu MK, bằng 6 tỷ đồng cho 4.500 du học sinh với hy vọng mỏng manh họ sẽ về lại quê hương phục vụ đất nước thì là một cuộc đầu tư quái đản, vì trong khi ấy ngân sách quốc gia chỉ dành 18 tỷ đồng cho 3 triệu học sinh và 100.000 sinh viên.
Chúng tôi rất ý thức là việc dẹp hẳn du học khó lòng thực hiện trong một sớm một chiều. Độc lập đã gần 20 năm, mà chuyện giải quyết các trường tây, trường đầm giữa lòng Sài Gòn còn chưa xong, thì còn nói gì du học đã ăn sâu vào giới trưởng giả giàu tiền lắm bạc, giới trí thức vọng ngoại. 
Nhưng bắt buộc chúng ta phải lựa chọn là nếu đóng cửa du học thì ta mới chú tâm bành trướng trường đại học của chúng ta cũng như nâng cao về mặt phẩm cũng như lượng trong việc đào tạo nhân tài ở tại nước nhà: vì rằng ngày nào mà ngõ du học còn mở, thì các vị có trách nhiệm ở bộ QGGD và phụ huynh học sinh sinh viên chả thiết tha vào việc cải tổ nâng cao nền giáo dục đại học VN, vì rằng con em các vị ấy đã có chỗ ăn học đàng hoàng ở ngoại quốc. Con em họ có học ở đại học "lô canh" đâu mà họ phải lo lắng cho con em kẻ khác. Nếu cửa du học tiếp tục hé mở, thì người ta tiếp tục coi cái mảnh bằng "made in Giao Chỉ" không có "ký lô" nào, như ông Phan Bá Phi đã oán trong tờ Chính Luận ngày 25/4/1974 số 238 (Số phận của bằng cấp Việt Nam).
Hiện giờ, chúng ta đang thi hành một chính sách du học như bên lãnh vực kinh tế. Một mặt chúng ta hô hào phát triển kỹ nghệ, nhưng một mặt dân chúng chê đồ nội tồi, và chính phủ cho phép nhập cảng (hoặc để cho buôn lậu nhập cảng) những món hàng đã sản xuất tại xứ, thì đừng trách kỹ nghệ VN ở trong tình trạng phôi thai, kỹ nghệ gia chán nản vì hàng ngoại bóp chểt hàng nội, và tập cho dân chúng cái tánh "vọng ngoại" kinh niên. Nếu các kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở ngoại quốc được trọng dụng hơn kỹ sư Phú Thọ (nay là ĐH Bách Khoa) hoặc Cử nhân Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, thì làm sao chúng ta không "thả nổi" đại học VN, để rồi chúng ta mỉa mai đại học VN là "học đại". Nếu đại học VN chưa có cái hãnh diện đào tạo những chuyên viên lỗi lạc (mà có ai dám khẳng định là sẽ không có), lỗi không phải tại họ, mà tại cái chính sách đem chuyên viên đào tạo ở ngoại quốc (hàng ngoại) cạnh tranh với chuyên viên bản địa (hàng nội). Đây chưa kể các chuyên viên ngoại quốc (Pháp, Hàn Quốc, Đài loan, Nhật) cạnh tranh với kỹ sư nội trong các công ty có vốn ngoại quốc.
Để loại bỏ cái mặc cảm tự ti cũng như tự tôn giữa hai loại chuyên ngoại nội, và để nâng cao trình độ chuyên môn của chuyên viên được đào tạo tại chỗ, và trong viễn ảnh việc đóng cữa du học, chúng tôi đề nghị tu nghiệp ở ngoại quốc để thay thế một phần nào việc dẹp bỏ du học.
Hiện thời chúng ta đã có một chính sách tu nghiệp, nhưng theo thiển ý, thì chính sách tu nghiệp nảy chả đi đến kết quả cụ thể nào cả.
Trong giới hạn bài báo này, chúng tôi sẽ phân tích chính sách tu nghiệp ở ngoại quốc hiện thời và nêu lên vài ý kiến thay đổi.
Theo nguyên tắc, đi tu nghiệp ở ngoại quốc là dịp học hỏi thu thập thêm kiến thức mới hòng thăng tiến nghề nghiệp, và khi về lại quê hương đem áp dụng những gì mắt thấy tai nghe để thay đổi lề lối làm việc, hoặc những kỹ thuật lỗi thời...Đấy là theo nguyên tắc, nhưng trong thực tế khác xa một trời một vực.
Ở nhằm một cái xứ, mà việc xuất ngoại là một sự khó khăn, nên ai ai cũng háo hức kiếm dịp xin xuất ngoại đi tu nghiệp, đi khảo sát, dự hội thảo quốc tế. 
Nên ta đừng ngạc nhiên lắm khi ông Thượng (viện) hoặc ông Hạ (viện) ai cũng háo hức đi quan sát. Hể gần đến kỳ "bãi khoá", thì hết đoàn đại biểu này đến đoàn đại biểu khác đi quan sát vòng quanh thế giới. Công chức, quân nhân thì chỉ chờ đợi những suất học bổng mà các quốc gia bạn ban bố cho để có dịp "tháo cũi sổ lồng" hít thở cái không khí tự do ở xứ người.
Ở trong cái tâm trạng như thế, việc được đi xuất ngoại được xem như là một ân huệ mà chính quyền ban cho kẻ đi tu nghiệp ngoại quốc. Sở dĩ chúng tôi dùng từ "ân huệ" là để chỉ ngoài việc được hít thở không khí tự do ở xứ người (vì không có chiến tranh), người ta còn có dịp được kiếm một mớ tiền : do việc tiết kiệm được trên số đô la trợ cấp hằng ngày, hoặc do sự sai biệt hối suất giữa giá chính thức và giá chợ đen, hoặc do lợi tức bán hàng ngoại đem về nước. Hiện tượng các vị đại biểu quốc hội ùn ùn đi quan sát, hoặc bị tố cáo buôn lậu, buôn lịch "con heo", buôn xì líp xú chiêng đàn bà, v.v...là vì những lý do vừa kể trên.
Vì thấy cái lợi nhất thời do việc tu nghiệp đem lại, nên có nhiều người ma giáo xin đề cử cho minh đi tu nghiệp những ngành mà mình không chuyên môn. Chúng tôi đươc biết một vị, khá trọng tuổi, không biết tí ti gì về điện toán, mà cũng xin được di tu nghiệp ngành điện toán ở Mỹ. Để rồi khi thi mãn khoá anh em trong đoàn phải duplicate bài giải đưa vào máy tính, và khi về lại VN, vị ấy giữ một chức vụ quan trọng trong ngành điện toán mà vị ấy chả biết mô tê gì cả.
Tu nghiệp cũng là dịp "chuồn êm" ra xứ người, định cư luôn ở ngoại quốc. Phần đông hạng người này là những người đỗ đạt ở ngoại quốc, nhưng "lỡ dại" đã hồi hương phục vụ trong chính quyền. Họ là những người lấy vợ ngoại nghe lời về phục vụ quê hương, nhưng không được dùng đúng chỗ sinh ra bất mãn, hoặc là đồng lương không đủ để cung cấp tiện nghi vật chất cho vợ con, nên họ ẩn nhẫn chờ thời, có dịp được đi tu nghiệp thì dẫn vợ con chuồn êm luôn. Nhiều vị, không thể đem vợ con theo luôn, vì quốc tịch Việt, thì cũng mặc, một mình mình hưởng thụ tự do ở xứ người: đây là trường hợp của một vị bác sĩ, chồng một luật sư nhà ở đường Pasteur, qua tu nghiệp ở Canada rồi ở luôn bên ấy từ 4-5 năm nay, để bà luật một thân một mình nuôi 2 mụn con. Một vị bác sĩ nổi tiếng ở Sai Gon, giáo sư đại học y khoa, không biết có phải bất đồng chính kiến với chính quyền hay không, đã nhân chuyến tu nghiệp bỏ qua Pháp lập nghiệp ở Caen, mặc dù đã trọng tuổi.
Đôi khi người ta cho đi tu nghiệp để thực hiện một ý đồ chính trị. Thí dụ, một vị cổi huy vừa mới nhậm chức, muốn thay thế một số người không thuộc vây cánh mình, không gì nhẹ nhàng hơn và khỏi bị tai tiếng, là đề nghị cho những vị này những cuộc tu nghiệpỏở ngoại quốc. Trong khi ở nhà vị coir huy kia cứ thay thế chỗ ỡing người vắng mặt bởi những người cùng vây cánh với mình. Khi người đi tu nghiệp về, thì thấy chỗ mình đã có người trám chỗ, đành ngồi chơi xơi nước mà thôi.
Nhưng đừng tưởng ai đi tu nghiệp cũng thiệt thòi cả đâu, trái lại là dịp để được thăng quan tiến chức. Đi tu nghiệp là dịp người ta đổi "ngôi", đổi "phương vị", giữ những chức vụ cao hơn không dính dáng chi với chuyên môn đã đi tu nghiệp, nghĩa là những gì học được khi đi tu nghiệp sẽ không được đem áp dụng để cải tiến lề lối làm việc nào đó, nâng cao kỹ thuật nào đó, nhưng đây chỉ là dịp được đi du hí, được lên chức, lên chỉ số.
Đối với các vị bác sĩ, nha sĩ, thì tu nghiệp là một cơ hội bằng vàng để cho nước sơn trên bảng hiệu trước phòng mạch lên hương một chút trước mắt thân chủ bệnh nhân. Nhất là những vị sẵn tự ti thì rất cần nước sơn "tu nghiệp tại John Hopkins", tại Paris, Tokyo, v.v.. để cho bảng hiệu của mình bóng hơn một chút, cho thân chủ tin tưởng è cổ cho các ngài chém.
Tới đây, quý vị đã thấy những lý do chính đáng của việc đi tu nghiệp ở ngoại quốc, nó cũng thế, đã biến thể đến nỗi người ta nghi ngờ kết quả của tu nghiệp.
Chúng tôi không dám vơ đũa cả nắm, ai đi tu nghiệp cũng như thế. Cũng có nhiều vị rất thiện chí học hỏi, rất ý thức về vấn đề tu nghiệp, cho nên khi đi tu nghiệp về lại VN, trong bảng tường trình đã nêu ra nhiều ý kiến xây dựng, cải tổ một lề lối làm việc hoặc kỹ thuật đã lỗi thời. Nhưng phần lớn các đề nghị hay ho đều bị xếp xó vào ngăn kéo. Người ta nại đủ lý do để từ chối khéo để khỏi áp dụng những phương pháp mới, vì các "sếp" rất ngại những thay đổi vuột khỏi tầm kiểm soát của mình. Biết bao nhiêu dự án, đề nghị, đều được "an trí" tại các ngăn kéo, hộc tủ, để rồi có tu nghiệp hay không, công việc đâu vẫn hoàn đấy. Rùa vẫn rùa.
Kể ra những nguyên nhân đưa đến những biến thể làm mất tánh chất cao đẹp của chính sách tu nghiệp, chúng tôi không có hậu ý đả phá, hoặc thiếu tinh thần xây dựng, nhưng tôi muốn lấy con mắt thực tế mà nhìn, đưa ra những nhận xét có thể "chướng tai gai mắt" đối với một số vị, nhưng là trung trực, hầu tìm ra những phương thức cải tiến chính sách tu nghiệp hiện hữu.
Sau đây, chúng tôi xin có vài đề nghị. Chúng tôi rất ý thức là bộ QGGD thường đươc Hội Đồng Văn Hoá Giáo Dục khuyến cáo luôn trong các vấn đề liên quan đển chính sách giáo dục. Những lời khuyến cáo này là "đáng giá ngàn vàng" vì đề nghị được các vị khoa bảng ăn lương do thuế của dân đóng góp mà còn không được nghe theo, huống hồ là đề nghị khuyến cáo của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng bạo gan mạn phép đưa ra đây, vì chúng tôi không cố tìm cách trình diễn cho những đề nghị này, thêm lại không tốn một xu thuế nào của người dân cả.

1. Hai hạng người cần được cho đi tu nghiệp nhiều và thường xuyên là (a) giáo sư đại học, và (b) kỹ sư, cán sự các xí nghiệp tư hoặc quốc doanh. Trong những năm sau này, kỹ thuật tiến nhanh, kiến thức học ở trường cũng lỗi thời rất nhanh. Một kỹ sư, sau 3 năm không đi tu nghiệp coi như bỏ đi. Cứ xem các xí nghiệp tư cũng như công cách quản trị lem nhem, kỹ thuật bê bối thì đủ thấy thiếu tu nghiệp, hoặc tu nghiệp kiểu "làm cho lấy rồi" như đã kể trên. Cứ so sánh các "cua" của các thầy, năm này qua năm nọ, cứ khảo sát trình độ kiến thức của các sinh viên thành tài, thì đủ biết trình độ sư phạm của các thầy ra sao. Trò nào thì thầy nấy.

2. Các ngành và nơi được gởi đi tu nghiệp phải được tuyển chọn đàng hoàng. Phải xem ngành nào chúng ta cần cải tiến, ngành nghề nào cần bành trướng mới gởi người đi tu nghiệp. Chúng ta hiện có cái lý luận hơi kỳ quái như sau: quốc gia bạn đã tặng học bổng, nghĩa là "của cho" thì dại gì mà không hưởng gởi người đi tu nghiệp, nên đã có nhiều chuyện lạm dụng đưa đại người ù ù cạc cạc đi tu nghiệp những ngành nghề không dính líu đến chuyên môn của mình. Chúng ta đừng quên các quốc gia bạn cũng nghĩ xấu về hành động của chúng ta.

3. Khi đi tu nghiệp về, các bản tường trình phải được cấp trên khai thác triệt để, chứ không thể cho "an trí" vào ngăn kéo, hộc tủ. Như vậy, khuyến khích những nhân tài có thiện chí, có khả năng, và tránh được việc đi tu nghiệp ngành này, mà về làm cho ngành khác.

4. Chúng ta cần phải có một chánh sách, kế hoạch rõ ràng về những ngành nghề cần cho đi tu nghiệp. Hiện thời các quốc gia bạn cho học bổng tu nghiệp gì thì ta cũng quơ đại, không xem xét có vào đúng kế hoạch cho đi tu nghiệp của ta hay không.
Chúng tôi xin đan cử một kế hoạch tu nghiệp của Nhật Bản. Năm 1959, khi chúng tôi đang còn là sinh viên du học ở Bordeaux, Pháp, chúng tôi có quen với một sinh viên kỹ sư mại bản (ingénieur commercial) người Nhật, tu nghiệp về pháp văn ở Bordeaux. Chúng tôi hơi ngạc nhiên về ngành học, Pháp văn, và nơi tu nghiệp, Bordeaux (miền tây nam nước Pháp) thay vì Paris. 
Thì anh bạn người Nhật "bật mí" rằng sau khi tu nghiệp xong, anh ta sẽ mở một kênh phân phối hàng Nhật tại các nước Phi châu cựu thuộc địa của Pháp. Bordeaux là nơi có nhiều sinh viên Phi châu theo học. Những sinh viên này sau khi thành tài sẽ là rường cột cho những chánh quyền Phi châu sau này. Trong thời gian tu nghiệp, anh sinh viên người Nhật này sẽ liên lạc móc nối cảm tình, tìm hiểu nguyện vọng của những sinh viên Phi châu này được thể hiện bởi những thị hiếu, cảm nghĩ, v.v.. qua những sản phẩm Pháp mà các sinh viên này tiêu thụ. Anh bạn người Nhật này hoạt động như những điệp viên kinh tế (một loại điệp viên marketing), xem những sản phẩm nào thích hợp cho người Phi châu mà người Nhật sẽ sản xuất sau này thay thế hàng Pháp. (2*). Hằng tháng, anh bạn Nhật phải về Paris để tường trình cho toà đại sứ Nhật cùng các bạn khác tu nghiệp ẩi rác khắp nước Pháp để đúc kết những cái mắt thấy tai nghe, thành một bảng tường trình gởi về Nhật để nghiên cứu thi hành.
Nếu ta học được nơi người Nhật những điều vừa kể trên, bỏ đi cái tính thích trình diễn bên ngoài, mà thực tâm lo cái ruột bên trong, thì may mắn biết bao cho cái đất nước này, và ngày hôm nay khỏi có bài báo tả oán này.

5. Khi lựa những chương trình đưa vào chính sách tu nghiệp, ta nên tránh những chương trình nặng tính trình diễn, tuỳ hứng, nhất thời như những mùa nuôi gà, mùa nuôi chim cút, mùa xây siêu thị, mùa xây sân trượt patin như ta đã thấy trong nhiều năm qua. Chúng ta phải kiên trì theo dõi những chương trình đã hoạch định trong nhiều năm qua, đửng theo kiểu chương trình sau xoá bỏ kết quả của chương trình đi trườc, như chúng ta đang làm trong lĩnh vực kinh tế: chúng ta tốn không biết bao nhiêu ngoại tệ để xây dựng nhà máy, như nhà máy bột giặt LIX chẳng hạn, để ngày nay ta chuyển hướng đóng cửa những nhà máy vừa xây dựng xong, vì bị khủng hoảng năng lượng, ví thiếu nguyên liệu do khan hiếm ngoại tệ, thật là một sự phí phạm kinh khủng. Sở dĩ có tình trạng trên là vì ta thích những dự án mang tính phô diễn, hoặc có tánh cách "folie dé grandeurs", mị dân, hoặc có tánh cách xa vời, như chương trình dân số năm 2000 trong khi dân đói meo. 
Hiện chúng tôi, vẫn còn có cảm tưởng là chúng ta vẫn chưa có nhúng chương trình rõ rệt về tu nghiệp, mặc dầu ta đã có từ lâu bộ Kế Hoạch, bộ QGGD/TN, Tổng Nha Công Vụ: mà nếu có lập những chương trình, thì lại dựa trên những con số thống kê không chính xác, nhắm vào các cơ quan công quyền, bỏ qua các công ty tư nhân, mà chính những công ty này chính là nguồn thu thuế cho ngân sách quốc gia.

6. Khi gởi người đi tu nghiệp, nên khảo sát trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm nghề nghiệp của người được đề cử đi tu nghiệp. Theo thiển ý chúng tôi, thì kỹ sư đi tu nghiệp phải có ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mình sẽ đi tu nghiệp, như vậy mới có những thắc mắc, những khó khăn mà khi mình đi tu nghiệp mong sẽ tìm hiểu những phương thức giúp giải đáp những thắc mắc khó khăn kể trên.

7. Các toà đại sứ VN ở hải ngoại phải có nhiệm vụ theo dõi sự tu nghiệp của người chính phủ gởi đi, nghĩa là thường xuyên lạc với các cơ quan mà người của mình đến tu nghiệp để xem những người này thực sự tu nghiệp không, hay là bận đi du hí. Và phải đòi hỏi cơ quan này cung cấp một bảng tường trình về kết quả tu nghiệp của người mình gởi đi. Ngoài ra, toà đại sứ cũng phải yêu cầu quốc gia nơi mình gởi người đi tu nghiệp phải có biện pháp mạnh đối với những sinh viên tốt nghiệp ngoan cố không chịu hồi hương sau khi tốt nghiệp, để tránh tình trạng lợi dụng tu nghiệp để chuồn êm luôn. Khi còn ở trong nước , thì mỗi lần xuất ngoại tu nghiệp, thì người ta làm tình làm tội hành hạ đủ điều (nào là sưu tra, giấy bảo đảm, chứng nhận không thiếu thuế), nhưng khi ra khỏi nước, thì người đi tu nghiệp hoàn toàn tự do, có đi tu nghiệp hay không, có về hay không, chính quyền VN (cũng như toà đại sứ VN ở hải ngoại) không hề để ý, không hề bận tâm. Lạ thiệt!

8. Chính phủ VN phải thương thảo với quốc gia bạn mà mình sẽ gởi người đi tu nghiệp, về chương trình tu nghiệp. Người mình có cái tật lạ kỳ, là người ta cho chi lấy nấy, không học cách từ chối những cái không đáng lấy, và không biết mình muốn gì. Đừng tưởng bở là người ta thương mình khi người ta cho mình học bổng. Đôi khi đây là cách "nhồi sọ" khéo léo vào đầu óc chúng ta hình ảnh những máy móc thiết bị kỹ thuật mà người ta muốn bán cho mình. Đây chẳng qua là một hình thức quảng cáo trá hình, không hơn không kém.

9. Trước khi đi tu nghiệp, ta phải lên danh sách những điều ta cần tìm hiểu trong thời gia tu nghiệp. Chúng tôi gọi là một checklist. Có như vậy, ta mới biết ta sẽ làm gì khi đi tu nghiệp (chứ không phải thuần tuý đi du hí)

Những điểm chúng tôi vừa đề nghị ở trên xuất phát từ mối ưu tư của chúng tôi trước những phí phạm vô tưởng về nhân lực, về tiền bạc, và về thời gian của thế hệ chúng tôi (và thế hệ trẻ kế tiếp, nếu tiếp tục như thế này),
Sở dĩ chúng tôi mượn những cột báo Chính Luận để nói lên những quan điểm, những nhận xét của chúng tôi liên quan đến du học và tu nghiệp trong chính sách đào tạo nhân tài cho đất nước, không phải chúng tôi cố tình đả phá hoặc quá khích như nhiều người đã lầm tưởng, nhưng trong hiện tình khó khăn của nước nhà, chúng tôi cảm thấy tủi nhục, xót xa, khi đọc báo biết được có bao nhiêu phái đoàn đi cầu viện mà kết quả, chả có bao nhiêu. Làm chúng tôi liên tưởng đến một gia đình nghèo rớt mồng tơi, hổi hả qua nhà hàng xóm mượn tiền để gởi cho thằng con du học ở ngoại quốc biết rằng thành tài nó chả về lại quê hương. Chúng tôi lên tiếng với niềm tin là chính phủ sẽ duyệt lại những chính sách tiêu tiền mà không đem lại kết quả. Trước khi đi cầu viện, chúng ta phải xem xét lại những "mục tiêu tiền hoang phí" của chúng ta, để ngoại nhân nói nặng nói nhẹ, từ chối cầu viện của chúng ta.
Trong chính sách du học và tu nghiệp hiện thời, có đã gần mấy chục năm nay (3*), chúng ta cho đi bao nhiêu, về được bao nhiêu, không ai biết, không cơ quan nào chịu làm thống kê (có lẽ sẽ bị bẽ mặt), chả ai thèm để ý. (4*). Khi nhân tài về nước, sống thế nào, làm được gì cho đất nước, chả ai thèm quan tâm. Chỉ có người trong cuộc, âm thầm chịu đựng, tự xoay sở lấy mà thôi. Chúng tôi buồn là thế, nên buộc lòng phải nói ra.

DƯƠNG QUANG THIỆN
Kỹ sư Điện toán IBM
Sài Gòn ngày 11/6/1974

Ghi chú (25/2/2014)
(1*) Theo tin tức loan tải, thì trong cuộc họp hội đồng nội các ngày 29/5/1974, chính phủ đã quyết định "tạm đình chỉ" không cho sinh viên du học tự túc trong niên khoá 1974-1975, vì lý do tiết kiệm ngoại tệ. Chúng tôi thiết nghĩ việc duyệt xét chính sách du học không liên quan gì đến 2 bài báo (bài cũ số 2 và 3 đã được posted trên blog của Thiện mỗ) mà chúng tôi đã đăng trên Chính Luận. Đây chẳng qua là một trùng hợp ngẫu nhiên, nếu sự duyệt xét này phù hợp với ý kiến của chúng tôi.
(2*) Cho nên sau này hàng Pháp bị Nhật hất cẳng ở châu Phi, rồi tiếp theo là hàng TQ.
(3*) Thiện mỗ nằm trong tốp đầu tiên của chính sách du học này vào đầu năm 1955.
(4*) Nếu các bạn biết tốp chúng tôi đi Pháp 100 người, chỉ có 2 người về là Thiện mỗ và giáo sư vật lý nguyên tử Phan Khắc Hàm. Ông này đã di tản qua Mỹ năm 1975, không biết sống chết ra sao.

1 nhận xét:

  1. Những gì bác viết cách đây 40 năm sao vẫn giống tình trạng như bây giờ - chỉ khác là mức độ trầm trọng hơn cả trăm lần. Theo thống kê mới nhất (nếu không nhớ lầm) thì VN hiện đứng thứ 6 có sinh viên du học tại Mỹ. SV VN hiện đang nuôi trường Mỹ vì phải trả học phí cao gấp mấy lần dân Mỹ... Do đó mới có hiện tượng khá nhiều trường đại học dỗm về VN chiêu sinh...

    Không biết ngoại tệ ở đâu mà người VN đi du học nhiều đến thế, trong khi ấy con em Mỹ muốn có tiến đi học đại học cũng chật vật. Rất nhiều đứa phải đi làm, hoặc đi lính một thời gian mới có tiền đi học...

    Một lần nữa cám ơn bác đã post lại những bài viết xưa để thế hệ chúng cháu học hỏi cách nhìn và suy tư của bậc lão thành.

    Trả lờiXóa