Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Báo cũ (1) : NGƯỜI VN CÓ BIẾT LÀM KỸ NGHỆ THƯƠNG MẠI ĐƯỢC KHÔNG?

Tác giả có đôi điều:
Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 7/10/1974, được đăng trên Chính Luận, một tờ báo lớn nhất của Sài gon trước 1975. Nhân đọc một câu bình luận của ai đó chê bai hiện VN ta có quá nhiều tiến sĩ mà ta chả có một kỹ nghệ nào đặc sắc như Samsung của Hàn Quốc, hoặc Toyota của Nhật Bản, v.v.. Và ý nói chế độ XHCN ta đang sống không phải là một môi trường tốt cho phát triển. Do đó, tôi cho khỏ lại bài báo tôi viết cách đây 40 năm để bạn đánh giá lại miền Nam VN thế nào để mà so sánh. Bạn tự rút tỉa ra một kết luận sau khi đọc xong bài xong bài này. Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.

NGƯỜI VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM KỸ NGHỆ THƯƠNG MẠI ĐƯỢC KHÔNG?

Đã từ lâu, một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu óc chúng tôi. Nó ám ảnh, ray rứt tâm trí chúng tôi liên hồi. Nên chúng tôi thiết nghĩ phải viết ra đây, trên mặt báo này, để phần nào giải toả ám ảnh. Câu hỏi chúng tôi muốn đặt ra ở đây là : "Người Việt Nam ta có thể làm kỹ nghệ và thương mại (KN/TM) được không?" Chắc có thể có vị sẽ cho là câu hỏi sao ngô nghê, lẩm cẩm thế! Chúng tôi thì không nghĩ thế.

Nếu quí vị là những kẻ như chúng tôi, sinh vào buổi giao thời, ở nhằm lúc mà quý vị là những em nhi đồng "kháng chiến" của thời 1945, lòng náo nức ôm mối hoài bão to tát mơ giúp phát triển quê hương, kỹ nghệ hoá nước nhà, thì giờ đây, cũng như chúng tôi lấy cặp mắt thực tế mà nhìn, với tất cả lòng thành khẩn, quý vị sẽ kiểm điểm lại khoảng đường kỹ nghệ hoá, để rồi quý vị sẽ thấy chỉ là con số không.

Rồi, ông Thiện lại bi quan! Nhiều vị sẽ kêu lên như thế. Có lẽ tánh khí chúng tôi không thích lạc quan tếu (như kiểu "trong một tháng thì quân lực chúng ta sẽ sạch sẽ, trong 3 tháng thì guồng máy chính quyền ta sẽ sạch sành sanh hết tham nhũng") (1*) Do đó, câu hỏi trên nó cứ lởn vởn trong đầu óc chúng tôi hoài. Đôi khi chúng tôi cũng muốn trả lời dứt khoát câu hỏi trên là "người Việt Nam không biết làm KN/TM".

Khẳng định như thế sẽ tổn thương lòng tự ái quốc gia dân tộc của một số vị. Nhưng nếu không khẳng định như thế thì là tự dối lòng. Có thể phải trả lời như thế này: "Người VN ta hiện thời chưa biết làm KN/TM." Có người sẽ hỏi vặn lại. "Dựa trên sự kiện nào, mà dảm bảo là dân VN không biết làm KN/TM?" "Và vì sao thế ?".

Bài báo này chỉ có tham vọng là phân tích những sự kiện để trả lời hai câu hỏi vừa đặt ra.

Điểm thứ nhất làm cho tôi thắc mắc về khả năng phát triển KN/TM của người Việt (trong tạm thời tôi đồng hoa kiều Chợ Lớn là người Việt đi) là đa số những kỹ nghệ, cơ sở TM đều nằm trong tay người ngoại quốc, nếu ta nhìn vào số thương vụ hằng năm từ 1 tỷ đồng trở lên.

Và nếu ta quan sát số tiền ngoại quốc đầu tư vào VN thì cũng thấy rất ít, chỉ có 4,5 triệu Mỹ kim thôi từ 1963-1973. Như vậy, tất cả các cơ sở KN/TM đều có lâu đời từ trước năm 1954. Vốn liếng toàn là của người ngoại quốc (Pháp, Anh, Mỹ). Những công ty quốc doanh đa số là do ngoại quốc để lại như Air VN, Điện Lực, Sai Gon Thuỷ Cục, Công ty Thuỷ Tinh (vừa mới giải thể vì lỗ lã). Nghĩa là đã có cái cơ cấu tổ chức ngoại quốc để lại, mình chỉ đến "tiếp thu" mà thôi, không mất công gầy dựng. Nói cách khác, từ 20 năm nay (lấy 1954 làm mốc) khả năng kiến tạo những KN/TM của người Việt rất là nhỏ nhoi. Và nếu có, thì cũng chỉ là những công ty quốc doanh do vốn quốc gia: như Cogido, Xi Măng Hà Tiên, v.v..

Điểm thắc mắc thứ hai là: nếu nói người Hoa chi phối nền kinh tế VN, thì với việc giàu và có óc kinh doanh hơn người Việt mình, thì tại sao với sức mạnh tiền bạc và hệ thống phân phối hủng mạnh, người Việt gốc Hoa vẫn chưa đủ tài thành lập những công ty thuốc lá diêm quẹt để cạnh tranh với Bastos, MIC, SIFA hoặc đẩy mạnh nhà máy nước ngọt Phương Toàn cạnh tranh với hãng la de nước ngọt BGI, SEGI.

Điểm thắc mắc thứ ba là: trong những năm nói nhiều về việc quốc hữu hoá các công ty ngoại quốc, thì tại sao những công ty sinh lợi nhiều lại không bị quốc hữu hoá. Đâu phải ta ơn nghĩa gì. Đâu phải ta thiếu chuyên viên: lúc mới đầu độc lập thì lý do đứng vững, chứ 20 năm sau không còn lý do khiếm khuyết chuyên viên. Phải chăng ta e ngại là nếu giao cho chuyên viên ta quản trị thì những cái "vú sữa thuế" của các công ty trên sẽ càng khô cạn, thuế vắt không ra.

Điều thắc mắc thứ tư là: những công ty quốc doanh với sự nâng đỡ của chính phủ vẫn ở trong vòng trì trệ, không sinh lợi mà còn gây xì căn đan này đến xì căn đan nọ. Tại sao Công quản Ô tô buýt phải dẹp tiệm? Tại sao cả ban giám đốc công ty Đường phải vào tù? Tại sao phải giải tư Công ty Thuỷ Tinh VN, Công ty Suối Vĩnh Hảo? Phải chăng các công ty này làm ăn lỗ lã triền miên. Các công ty quốc doanh khác làm ăn lời lỗ bao nhiêu, cuối năm không thấy công bố kết toán lời lỗ ra sao cho dân chúng biết. Chỉ nghe những lời đồn đãi như sau: sở dĩ Công ty Hàng không không lời mà cũng không lỗ là vì cố tình quên khấu hao, hoặc khấu hao tí tí những máy móc đốt tiền như máy bay. Hoặc sở dĩ Công ty Điện lực chưa thấy dấu hiệu lời mặc dầu đã tăng giá tiền điện (kể từ 1972, trong vòng 18 tháng, điện đã tăng lên 300%) là vì cho khấu hao máy móc thiết bị của đập Đa Nhim, mặc dầu điện Đa Nhim chưa về tới Sai Gòn. Nếu những lời đồn đãi ở trên là đúng, phải chăng là vì không có những quy tắc kế toán tài chính rành rẽ và kiểm toán gắt gao đối với công ty quốc doanh, nên mới có chuyện lươn lẹo trong khấu hao để che dấu những bê bối trong quản trị xí nghiệp. Ngoài ra, nếu nhìn vào lĩnh vực tư nhân, thì tại sao có những cú vỡ nợ tại các ngân hàng Tín Nghĩa và Nam Việt. Tại sao tiền lời tại các ngân hàng ngoại quốc cao hơn so với ngân hàng VN, mặc dầu được ưu đãi và số thương vụ các ngân hàng VN cao hơn?

Điểm thắc mắc thứ 5 và là thắc mắc cuối cùng là : suốt 10 năm qua (1963-1973), với tổng số ngoại viện ồ ạt đổ vào VN, 5.250 triệu MK và số nhượng tệ của quân đội Mỹ vào khoảng 300 triệu MK mỗi năm (từ 1966-1973), ta chả có xây dựng KN gì thêm ngoài những KN đã có và những KN chế biến một cách tượng trưng, mà tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo gọi là "kỹ nghệ ngọn" sống hoàn toàn nhờ nguyên liệu và bán thành phẩm của ngoại quốc. Để rồi giờ đây, nguồn ngoại viện cạn dần, KN VN sống ngoắc ngoải dựa vào việc có ngoại tệ hay không để mua nguyên liệu. Công ty Đường vì sao ngưng hoạt động? Các công ty Cogido, Cogivina, Sicovina, còn được bao nhiêu tháng tồn kho nguyên liệu? Té ra, trong 10 năm qua, với 7 tỹ MK ngoại viện, ta chỉ có cất villa, xây toàn cao ốc chọc trời làm chỗ ngủ cho lính Mỹ (và để cho các ông to bà lớn hốt bạc qua vụ cho thuê nhà), để rồi giờ đây Mỹ rút đi, các toà buyn đinh để trống loang lổ giống như gái điếm về già. Với 7 tỹ MK viện trợ như thế, mà ta chỉ có một nền KN èo uột, ẻo lả đóng góp chưa tới 8% vào tổng sản phẩm quốc nội.

Sau khi nghe 5 điểm thắc mắc kể trên, chắc quý vị đã đồng ý với chúng tôi là chúng tôi nghi ngờ khả năng làm KN/TM của người VN (kể cả người Việt gốc Hoa) là đúng. Và cũng đừng trách chúng tôi bi quan, khi biết rằng người Việt đâu có ngu si gì cho cam (siêu thông minh là đằng khác), óc cần cù nhẫn nại nổi tiếng từ lâu, và nhất là tài nguyên màu mỡ phong phú, thế thì tại sao ta không làm nên một cuộc "cách mạng KN" như ở Nhật Bản.

Có người, như ông T.T. Thông tin Tôn Thất Thiện, đã oán trách các vua Tự Đức, Minh Mạng đã bỏ mất cơ hội cách mạng như Minh Trị Thiên Hoàng đã làm ở Nhật Bản. Qui trách nhiệm cho những nhân vật lịch sử khi họ không thể tự biện minh, là một việc làm rất dễ. Nếu nhìn vào thập niên vừa qua 1963-1973, ta cũng đã bỏ lỡ cơ hội kỹ nghệ hoá, sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và mặc dầu tiền viện trợ đổ ào ào vào VN. Chúng tôi đã tranh cãi bàn luận nhiều về vấn đề này với bạn bè, người quen, thì tóm lại, ai cũng đưa ra lý do là vì: (1) tại vì chiến tranh; (2) tại vì ta nghèo, không có tư bản; (3) vì chuyên viên ta thiếu, chưa được dùng đúng chỗ, chưa có kinh nghiệm, phải đi lính; (4) tại vì tham nhũng; (5) tại vì không có chính sách kinh tế nhất quán liên tục, nay thế này mai thế nọ, bất nhất liên hồi; (5) tại vì người Mỹ muốn thế, muốn áp đặt một chánh sách tiêu thụ lên người Việt, tiêu thụ sản phẩm Mỹ; (6) tại vì... tại vì... đủ thứ tại vì...Chúng tôi có cảm tưởng là chúng ta đang ca câu : "chẳng tại vì anh, chẳng tại vì em, ...vì trời xui khiến...".

Chính vì không muốn đổ tội cho những yếu tố ngoại lai (đành rằng là có ảnh hưởng, nhưng không nhất thiết) nên chúng tôi thử đi tìm những lý do khả dĩ cắt nghĩa tại vì sao, mãi đến bây giờ vẫn không làm được KN/TM. Chúng tôi xin minh định trước là để làm cái công việc phân tích này, chúng tôi không dựa trên một công trình nghiên cứu xã hội hộc, tâm lý học nào cả, ở Mỹ hoặc ở Tây gì cả...Chúng tôi chỉ lấy trực giác mà suy luận. Có thể là một số quý vị sẽ không đồng ý với chúng tôi trong lối suy luận, nhưng chúng tôi cứ đưa ra, như là để dò dẫm tìm lối đi tìm hiểu cái "chúng ta" sâu hơn để tìm hiểu cái điều "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".

Người xưa thường nói "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" để chỉ 3 yếu tố thành công trong công việc gì đó. Chúng ta thử xem một trong 3 yếu tố kể trên, vấn đề nhân sự.

Khỏi phải nói giông dài: ai cũng biết dân VN là thông minh, lanh lợi, cần cù và nhẫn nại. Nghĩa là chúng ta có tất cả các đức tính để thành công dễ dàng nhanh chóng hơn bất cứ dân tộc chậm tiến khác. Phải qua âu châu châu mỹ mới thấy đại học nào cũng có người Việt chen chân vào học, và bao giờ cũng được xếp vào hạng khá, nếu không nói là xuất chúng. Biết bao nhiêu kỹ sư, tiến sĩ VN đang giúp việc tại các Trung tâm Nghiên cứu CNRS của Pháp, có thể nói VN đang viện trợ kỹ thuật cho Pháp, hơn là ngược lại. Nếu không có tính cần cù và nhẫn nại, thì làm sao ta có thể thực hiện cuộc nam tiến, đồng hoá dân Chàm, dân Miên. Cuối cùng tài lanh lợi, tính tháo vát đã giúp dân ta thích ứng với mọi nghịch cảnh: làm sao chịu đựng được áp lực đô hộ của người tàu, người tây mà không bị diệt chủng? Làm sao chịu đựng được cuộc chiến dai dẳng 30 năm nay mà không bị tự hủy?

Không biết bao nhiêu lần,chúng tôi khám phá một cách thích thú cái khôn lanh và tài thích ứng của người Việt. Sau nhiều năm trời làm việc tại ngoại quốc, ở Thuỵ Sĩ và Pháp, tôi có dịp so sánh cách làm việc của người Việt so với người ngoại quốc. Người Việt có tài thích ứng rất nhanh so với người ngoại quốc, dầu cho kỹ thuật tối tân và khó khăn đến đâu đi nữa. Thí dụ, trong sở điện toán của chúng tôi, (2*), khi chúng tôi nhập khẩu một thiết bị điện toán MDS, chưa bao giờ được sử dụng ở VN, để thay thế máy xuyên kiểm phiếu IBM, thì theo tài liệu được phổ biến ở ngoại quốc, nhân viên phải mất 6 tháng mới sử dụng thuần thục. Thế mà chúng tôi chỉ mất 1 tháng để huấn luyện, và sau 2 tháng nhân viên sử dụng thuần thục và sai rất ít. Người ngoại quốc khi rời VN đi làm nơi khác, bao giờ cũng tiếc nuối sự làm việc lanh lợi, cần mẫn, và thông minh của người Việt. Đây không phải lời khen dối trá, ngoại giao làm ta nở mũi, mà thật tình mà chúng tôi đã nhiều lần nghe khen tận tai.

Thế thì tại sao, người mình có vẻ bết bát trong việc kỹ nghệ hoá nước nhà, tại sao quản trị của ta bê bối, luộm thuộm đến thế? Theo chúng tôi nghĩ có lẽ là chúng ta quá thông minh, quá khôn lanh. Đấy là con dao 2 lưỡi.

Cái khôn của người Việt, chúng tôi gọi là cái khôn đoản kỳ, hoặc khôn vặt, còn cái thông minh là cái "thông minh từ chương". Mỗi người Việt trong chúng ta, ai cũng cho mình là khôn, là thông minh hơn người khác, nên thường coi người khác là ngu đần, là cù lần, có thề bóc lột qua mặt được. Thành thử ở nhà máy nếu có 2 anh chàng kỹ sư cùng làm một chỗ, thì không anh nào chịu anh nào cả. Ở đại học, thì giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, thạc sĩ, vị nào cũng muốn làm khoa trưởng, viện trưởng cả. Chỉ đưa cái bằng cấp chèn ép nhau, đè nhau, chỉ trích nhau. Nếu có hợp tác kinh doanh, mở KN, thì người này coi người bạn hợp tác kia là anh cù lần, mà mình có thể ăn gian, mà mắt, móc túi, qua mặt được. Thành thử, người Việt mình ít chịu hùn hạp, thành lập tổ hợp tác làm ăn: ai cũng sợ người khác ăn gian tiền của mình. Nếu có hùn thì cũng chỉ trong gia đình, thế mà cũng không tránh được việc bà con ăn gian lẫn nhau. Có một người Nhật cho chúng tôi một nhận xét như sau về người Việt: "Một người Việt bằng 10 người Nhật, nhưng 10 người Việt chưa chắc bằng một người Nhật". Đúng thế!

Chính cái khôn, cái tự ái thông minh to bằng bánh xe bò, đã ngăn cản người Việt hợp tác với nhau : vì vậy nếu có hợp tác với nhau, thì KN VN cũng chỉ là những tiểu công nghệ, không có những KN lớn. Chính việc người nào cũng cho mình là cái rốn vũ trụ, ai chả nhường ai, ai chả phục ai, cho nên sự quản trị ở xí nghiệp vì đó sinh ra lủng củng, các ông giám đốc lớn hục hặc nhau, chơi phá bĩnh nhau, mỗi "sứ quân" cát cứ một cõi.

Sự kiện cho mình là khôn, là thông minh, đã đưa đến kết quả là người Việt mình ít chịu làm việc trong tinh thần đồng đội, cái tính vô kỷ luật bất trị cũng từ đấy mà ra. Cứ nhìn cách sống của người Việt ở các chung cư, cư xá thì thấy cái tính cộng đồng của người Việt nó ra sao. Nó xuống dốc một cách thảm tệ.

Nếu nói KN là sự làm việc tập thể, mà không có tinh thần tập thể thì đừng chờ đợi có sự phát triển trong KN này, mà đúng hơn là có sự trì trệ ở đây.

Quý vị thử đem những nhận xét trên vào lĩnh vực chính trị, vào lĩnh vực công quyền, thì quý vị sẽ thấy hiện tượng tương tự như ở KN.

Ai cũng cho mình là khôn, là xuất chúng, là giỏi, nhất là các vị kỹ sư, tiến sĩ đỗ đạt ở ngoại quốc về, thì cái tính tự tôn này nặng lắm, ai cũng muốn nhanh chóng trở thành giám đốc, tổng giám đốc, ai cũng muốn đốt giai đoạn trong bực thang danh vọng và quyền thế. Thành thử ở xí nghiệp VN (hoặc trong cơ quan công quyền cũng thế), ta thấy hiện tượng những kỹ sư mới đỗ đạt ở ngoại quốc về, (nghĩa là chỉ mới có mớ lý thuyết suông trong sách vở, chưa "thử lửa" với cuộc sống thực tại) thì đã được "bơm" lên làm giám đốc, mặc dù kinh nghiệm chưa có tí chi. Hiện tượng thứ 2 là ta thấy đầy dẫy chức vụ lớn như giám đốc, phó giám đốc, phụ tá TGĐ, phụ tá đặc biệt, v.v.. Hiện tượng thứ 3 là ai cũng cho mình là "sư", nên hay kiêm nhiệm chức vụ giám đốc tại nhiều xí nghiệp khác nhau.

Ở lãnh vực công quyền cũng thế. Nếu nói rằng thiếu nhân tài thì cũng có lý lúc ban đầu mới dành độc lập, chứ 20 năm sau mà còn hiện tượng kiêm nhiệm nhiều chức vụ cùng một lúc thì chỉ có thể cắt nghĩa là tham quyền cố vị. Cả 3 hiện tượng vừa kể trên đã cản trở rất nhiều về việc phát triễn kỹ nghệ VN, vì thiếu kinh nghiệm mà đã được nâng lên một chức vụ cao, nhưng vì tự ái to (dựa trên bằng cấp) nên nhiều viên kỹ sư ngồi phòng lạnh, chỉ tay năm ngón, ngại xăn tay áo làm viêc với đám dân thợ, vì sợ thợ cười cái vụng về của mình; vì quá nhiều giám đốc, phụ tá giám đốc, ...thêm lại tánh tự cao tự đại, ai chả phục ai, nên thiếu sự hợp tác; vì kiêm nhiệm chức vụ, nên chả có chú tâm vào quản trị gì cả. Nếu cộng thêm cái hiện tượng đến trễ về sớm (coi như là cái quyền của kẻ làm xếp) thì còn thời giờ đâu mà theo dõi, kiểm soát, đôn đốc công việc ở xí nghiệp. Bê bối, luộm thuộm từ đó mà sinh ra.

Để tóm lược, vì cái khôn lanh quá khôn của người Việt, mà mọi viêc trở nên lủng củng. Ở xí nghiệp, ở cơ quan công quyền, đâu đâu cũng thế.

Và ở TM cũng thế. Xin kể vài câu chuyện để minh chứng điều trên. Kể ra không phải nói xấu người Việt hoặc vạch áo cho người xem lưng, nhưng chắng qua là chúng ta cần suy gẫm mà thay đổi thái độ. Chắc quý vị đã nghe nói đến chuyện xuất cảng đồ gốm và sơn mài hay là đã nghe chuyện xây khách sạn Hyatt tại bến Bạch Đằng? Nếu quý vị biết rằng người ngoại quốc họ than với tôi rằng làm ăn với người VN không được, họ nói người Việt mình "khôn đoản". Nghe mà buồn. Thí dụ, xuất cảng đồ gốm thì chuyến hàng đầu tiên thì đúng theo tiêu chuẫn thoả thuận trong khế ước. Qua chuyến hàng thứ 2, thấy người ta khoái hàng của mình, là bắt đầu ăn gian "phẩm chất" mặt hàng. Cứ tưởng hàng gởi là ngoại quốc phải chấp nhận. Người mình quên rằng ở ngoại quốc họ kiểm phẩm rất gắt gao. Chính các nhà sản xuất đồ gốm VN là dân tài tử, nên đã có thái độ làm ăn chụp giựt, do đó người ngoại quốc họ không tin tài làm ăn của người Việt. Nhiều người ngoại quốc đã than phiền với tôi như thế.

Đấy, quý vị thấy là cái khôn, cái thông minh của người Việt thuộc cái khôn vặt khôn đoản nên rốt cuộc mình chả đi xa hơn ai cả. Vì vậy mình đã bỏ qua một cơ hội bành trướng KN trong khi quân đội Mỹ còn ở VN: với 7 tỷ MK viện trợ, với cái khôn đoản kỳ của mình chỉ biết xây villa, building cho Mỹ thuê, sắm xe hơi, TV, tủ lạnh, ăn chơi phè phỡn, thay vì chắt bóp ngoại tệ lượm được đầu tư vào KN. Các ông lớn ông bé, chỉ có cái khôn đoản kỳ (làm giàu cho nhanh trong thời gian rất ngắn) mà không nhìn về cái trường kỳ, cho nên cơ sự nó mới như thế này.

Bây giờ, chúng ta xem cái thông minh từ chương của người Việt mình. Có lẽ cái giáo dục ở gia đình và ở nhà trường cho ta cái định kiến là học thuộc bài ở sách vở, ở bài giảng của thầy là thông minh, là giỏi, và hy vọng sẽ có cơ hội đứng đầu thiên hạ, có quyền thế sau này. Chính cái học "từ chương" của chúng ta làm mất đi óc suy luận: cái gì giáo sư giảng là sự thật không được nghi ngờ, cái gì thầy "thuyết" là không sai lầm (infaillible). Mấy giáo sư Mỹ khi qua dạy ở VN than trời là sinh viên VN rất thụ động chì biết chép y lời thầy giảng, không có suy luận, chất vấn đối thoại với giáo sư. Kết quả là ta coi bằng cấp rất trọng, là biểu tượng cho cái học tuyệt đỉnh của chúng ta. Và từ đó, chúng ta sinh ra cái tự tôn là một, tự mãn là hai. Có cái bằng kỹ sư, hay cái bằng tiến sĩ, và lỡ ai đó mà không quên kêu "thưa kỹ sư" hoặc "thưa tiến sĩ" thì ta chau mày, phật lòng (hoặc cự nự, phản đối, nếu thuộc hạ quên xứng danh bằng cấp của ta). Cái tự tôn của ta nó to lắm, to hơn bánh xe bò, nên chúng ta tự xem là sau ta không còn ai nữa: thành thử đàn em sau ta nếu cố vươn lên, thì ta cố đè xuống, cản trờ đường tiến thân của chúng. Nếu nhờ cái bằng cấp to tướng của ta, ta kiêm nhiệm nhiều chức vụ, thì ta tiếp tục kiêm nhiệm, cho dù đàm em, đi Tây, đi Mỹ về với bằng cấp tối tân hơn, cũng không thế nổi ta đâu. Thành thử ở xí nghiệp, đại học, cơ quan công quyền, lớp trẻ than là bị lớp già tham quyền cố vị chèn ép lớp trẻ. Mà lớp trẻ khi đã lên địa vị "chóp bu", thì cũng đi vào con đường tự tôn, hành động tương tự như đàn anh cũ đối với mình, nghĩa là chèn ép đàn em đi sau mình.

Tự tôn bao giờ cũng đi đôi với óc tự mãn. Khi đã lên đến địa vị chóp bu, thì coi như là đã thành công, không cỏn cố gắng nữa, ngoài cái cố gắng giữ cho bằng được cái địa vị.

Với cái óc tự mãn, thì coi cái địa vị như là "nơi dưỡng già" với tất cả các quyền như: đến trễ về sớm, coi những người dưới quyền mình như gia nô, làm việc riêng cho mình, và những quyền lợi vật chất của chức vụ đem đến. Những kiến thức học ở trường, vì tự mãn nên coi như là đủ rồi, không cần trau dồi chi thêm, quên rằng kiến thức kỹ thuật thay đổi rất nhanh, 2-3 năm mà không tu nghiệp, tham khảo sách báo, thì mọi kiến thức đều bị lỗi thời. Chính óc tự tôn tự mãn của các cấp giám đốc là sự cản trở cho việc cải tiến XN. Nhìn vào danh sách các vị giám đốc các xí nghiệp VN và bằng cấp của họ, chúng tôi tự hỏi có bao nhiêu vị biết về khoa quản trị để về quản trị hữu hiệu XN của họ. Chắc là rất ít. Và cũng chắc là phần lớn các vị này không tin vào khoa quản trị, coi như trò lố lăng của các cậu đi học Mỹ về muốn hất cẳng mấy ông già.

Vì tin vào tài học mình trên sách vở, tin vào mảnh bằng nhưng thiếu óc suy luận, óc thực tế và tính quyết đoán, nên cấp điều khiển đã có những quyết định lúng túng, bất nhất. Có lẽ ở gia đình quen tính vâng lời cha mẹ, hoặc trước là nhân viên của tây để lại quen vâng lời thừa hành, nay được đưa vào chức vụ điều khiển nên không biết lấy quyết định. Từ 20 năm nay chúng ta được điều khiển bởi hạng người này, nên đừng ngạc nhiên lắm khi nhìn vào lĩnh vực nào cũng thấy toàn là những chuyện bất nhất lúng túng trong chính sách cũng như trong lề lối quản trị.

Như đã nói trên, là người Việt ít khi chịu hợp tác với ai nhất là trong việc kinh doanh mở KN, chẳng qua là vì không ai tin ai. Thành thử, người có tiền thì lại không có tài, và người có tài lại không có tiền. Thị trường chứng khoán, mặc dầu trên lý thuyết đã có mặt ở VN từ 2 năm nay, nhưng chỉ là cái "bánh vẽ", chưa hình thành một định chế cho phép người có tài và người có tiền hợp tác với nhau khuếch trương KN/TM. Người mình có cái lạ là coi tiền của kẻ khác là "tiền chùa". Tiền của kẻ khác, có thể là tiền chính phủ, tiền của công ty quốc doanh, tiền của thằng bạn ngây thơ hợp tác hùn hạp. Vì coi là tiền chùa, nên xài vô tội vạ, không cần biết quản trị hợp lý để sinh lợi cho công ty, thành thử những hiện tượng đem bà con vào công ty, bày vẽ những chức vụ ma để nhét bà con vào, không kiểm soát để gây thất thoát, v.v.. Chính tình trạng này đã giải thích vì sao có sự trì trệ tại các công ty quốc doanh. Đôi khi người có tiền, khi thuê người có tài làm giám đốc, thì thường ép giám đốc tuyển bà con bất tài vào làm việc, một là để kiểm soát, hai là "ăn cắp nghề". Tóm lại, kỹ nghệ VN toàn là những công ty tiểu công nghệ, làm ăn kiểu xé lẻ, nên khó mà thực hiện được những KN lớn, vận dụng đại tư bản.

Chính vì ta thiếu những quản trị viên trong sạch, có tay nghề, đầy đủ lương tâm nghề nghiệp, chú tâm sinh lợi tiền của kẻ khác như tiền của mình, nên KN ta luôn luôn ấu trĩ, chưa đủ sức đối đầu với các công ty ngoại quốc. Chỉ khi nào chúng ta thay đổi thái độ trong việc hành nghề, thì lúc ấy mới mong phát triển KN. Chỉ khi nào chúng ta bỏ cái kiểu hành nghề kiểu tài tử, làm ăn chụp giựt (nghĩa là hốt bạc nhanh trong một thời gian ngắn) thì chúng ta mới mong cất đầu lên nổi.

Đã nhiều lần chính phủ đã kêu gọi các công ty VN hợp tác lại thành đại công ty (bây giờ ta gọi là tập đoàn) có thể đương đầu với các công ty ngoại quốc, nhưng hình như bất thành: vì công ty nào cũng muốn làm ăn xé lẻ. Đã nói là không ai tin ai, ai cũng xem mình là "sư", nên chả ai nhường ai cả. Kết quả là gì? Ta thấy xuất hiện vô số công ty xuất cảng sơn mài, đồ gốm, vô số công ty xuất cảng tôm đông lạng, công ty sản xuất xe đạp, mà toàn là những công ty kiểu tài tử, không biết quản trị. Rốt cuộc, một số công ty đã vowx nợ, một số khác sắp vỡ nợ. Vì sao? Vì riêng rẽ mỗi công ty phải đầu tư vào chi phí ban đầu thiết lập sơn phết cơ sở, vào trang thiết bị mắc tiền khá nặng. Và công ty nào cũng muốn làm giàu thật nhanh (như cất villa cho Mỹ thuê) mà khả năng kỹ thuật khai thác máy móc lại kém và kiểm phẩm bê bối, thành thử giá thành mắc, và sản phẩm không đạt tiêu chuẩn quốc tế, đưa đến kết quả là nhiều hợp đồng bị huỷ bỏ, người ngoại quốc hết tín nhiệm vào kỹ nghệ gia VN. Thật là buồn!

Nói tóm lại, tôi nhận thấy người Việt mình phí phạm tài nguyên không thể tưởng: nếu quý vị thử kiểm kê số ngoại tệ dùng để nhập cảng số máy móc thiết bị để làm tôm đông lạnh, giờ đây các máy móc thiết bị này trở thành những đống sắt rỉ sét tại các nhà máy đông lạnh đã vỡ nợ, hoặc số ngoại tệ dùng nhập cảng xi măng vật liệu xây cát tráng nền trượt patin, xây siêu thị cao ốc rồi bỏ trống, thì quý vị sẽ thấy một sự phí phạm vô ý thức không thể tưởng tượng nổi: chẳng qua là ta thiếu hợp tác, thiếu tính cộng đồng (ưa ăn xé lẻ một mình) thích cái kinh doanh vị kỷ, ùn ùn đầu tư vào những ngành có vẻ lời.

Để kết luận phần nhân sự này, là chuyên viên ta thừa khả năng, thừa thông minh để thành công.

Số chuyên viên thành tài lêu bêu ở ngoại quốc không thiếu. Nhưng chúng ta thiếu "chất keo" làm cho người Việt ngồi lại làm việc với nhau, là tinh thần đồng đội, tinh thần cộng đồng, ý thức quyền lợi tập thể. Chính "chất keo" này là sức mạnh của dân tộc Nhật Bản, dân tộc Đức mà ta hằng mong ước bắt chước.

Và đừng ngạc nhiên khi người Nhật họ bảo rằng: "Một người Việt bằng mười người Nhật, nhưng mười người Việt không bằng một người Nhật". Họ vừa khen trí thông minh của người Việt, nhưng cũng vừa chê người Việt thiếu tinh thần và kỹ thuật đồng đội. Phải chăng đây là luật thừa trừ của người Việt? Nểu đúng thế, thì là điều bất hạnh cho dân tộc ta. Nhưng chúng tôi thì không tin thế.

Trong ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" chúng tôi đã xem qua yếu tố "nhân hoà". Chúng tôi xin xem tiếp yếu tố "địa lợi". Người Việt mình, từ lớn chí bé, có cái mặc cảm kỳ cục: hả miệng ra là than rằng VN ta là nghèo, không có tiền để khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nếu người ngoại quốc không nhắc nhở cho ta biết đất đai màu mỡ, tài nguyên phong phú, thì ta không biết là nước ta giàu. Thành thử đi đến cái độ mất hết tự trọng, làm cái chi cũng ngửa tay xin viện trợ. Có một viên chức tại USAID (cơ quan viện tượ Hoa Kỳ) tâm sự với chúng tôi: "anh Thiện có biết không, ở Mỹ tôi chỉ là một viên chức quèn, nhưng qua VN bây giờ tôi là một ông vua: nếu anh biết số các cha, các thầy, các viên chức cao cấp của các anh đến xin tôi giúp đỡ cái này, cái nọ. Tôi chưa bao giờ tôi thấy cái chữ ký của tôi quan trọng thế nào". Nghe mà buồn. Chỉ khi nào người ta cúp viện trợ, thì mới hô hào tự túc tự cường.

Thật ra, người Việt không nghèo đâu. Giới thượng lưu, giới nhà giàu VN không nghèo đâu. Giàu hơn người ngoại quốc là đàng khác. Quý vị cứ thử hỏi tất cả người ngoại quốc ở VN họ sẽ trả lời giống như chúng tôi nói. Chúng tôi có cái may mắn làm việc 6 năm trời ở Âu châu, hiểu rõ người ngoại quốc và có thể so sánh khi làm việc tại quê nhà.

Giới tư bản VN có đủ tiền kinh doanh mở mang KN. Nhưng chỉ tiếc là họ không biết dùng tiền, hoặc là dùng bậy không đúng chỗ, hoặc chuyển ra cất tiền ở nước ngoài. Nếu nói nhà giàu mới cho du học nước ngoài, thì không có nước nào trên thế giới như VN (nghèo mà chơi sang) dám chi 6 tỷ bạc để gởi 8.500 sinh viên du học, và để cho khoảng 30.000 ngườt tốt nghiệp an cư lac nghiệp ở xứ người.

Nếu bạn qua Thuỵ Sĩ kiếm giùm tôi được một tiệm ăn có thể chứa 500 thực khách, và những bữa đám cưới 100 người dự tiệc, thì tôi xin đưa đầu cho chặt. Chứ ở Sai Gon loại tiệm ăn này là vô số kể, và những bữa tiệc cưới 100 người dự lả chuyện bình thường. Kiệm ước hay không cũng thế.

Năm 1971, khi chúng tôi về lại Huế, thăm lại mái trường xưa sau 19 năm xa cách, chúng tôi khám phá ra một điều: là đất đai xứ Huế mà người ta cho là nghèo nàn, cằn cỗi, nếu đem so với Pháp hoặc Thuỵ Sĩ, thì xứ Huế giàu hơn nhiều nếu biết khai thác. Đây là chưa nói đến bãi biển Lăng Cô, mà ở châu Âu chưa có bãi biển nào đẹp đến thế, có triển vọng du lịch. Suy nghĩ kỹ thì chẳng qua là chúng ta có định kiến cho miền Trung là nghèo (phải chăng là những bài thơ bài hát đã ảnh hưởng ?), thêm lại bao nhiêu nhân tài xuất xứ từ miền Trung đã bỏ vào Sai Gòn lập nghiệp kiếm danh vọng, nên bỏ bê miền Trung, không chịu đem kỹ thuật về giúp miền Trung khai thác. Nói về sự giàu có trên các miền đất VN khác thì dài lắm.

Nói tóm lại: giới tư bản ta có tiền, đất đai ta màu mỡ phì nhiêu, dân ta làm ăn cần cù, chuyên viên ta đã hấp thụ kỹ thuật ngoại quốc, thì không có lý do gì mà không thành công, không có lý do gì mà mặc cảm. Nhưng thực tế, thì lại khác. Có người cho là lý do "thiên thời", nghĩa là vì chiến tranh. Bao nhiêu chuyện thất bại, người ta đổ tội cho chiến tranh. Bao nhiêu bê bối trong xí nghiệp, người ta cũng quy cho chiến tranh. Người ta đổ lỗi cho chiến tranh, không dám mở mang kinh tế, vì sợ bị VC phá.

Thế thì, khi xây villa cho Mỹ thuê, thế thì ta đặt mục tiêu cho VC đặt chất nỗ thì người không sợ. Tổng kết lại những xí nghiệp bị tàn phá vì chiến tranh đếm trên đầu ngón tay cũng chưa hết. Thành thử đổ lỗi cho chiến tranh là việc làm dễ dàng.

Tới đây, chúng tôi xin tạm ngưng việc phân tích để đi đến một kết luận: là chúng ta có đầy đủ yếu tố để thành công trong việc KN hoá nước nhà và phát triển quốc gia.

Chúng tôi viết bài này không có ý chê trách ai cả. Chúng tôi chỉ phân tích để tìm hiểu vấn đề mà chúng tôi ấm ức tức tối từ lâu. Sẽ có một số vị không cùng ý kiến, và ước mong là sự lên tiếng của chúng tôi không rơi vào một bức tường im lặng làm cho chúng tôi có cảm tưởng là đối thoại với người điếc.

Saigon 7/10/1974
Dương Quang Thiện
Kỹ sư Điện toán IBM

Ghi chú:
(1*) câu nói của Nguyễn Văn Thiệu.
(2*) đây muốn nói đến công ty bia BGI, của Pháp, nay là Sabeco.

3 nhận xét:

  1. Bai viet 40 nam truoc van dung, rat dung la dang khac, voi tinh canh hien nay cua nuoc ta. Con kham phuc ong ve cach dat van de va ly luan chat che.

    Trả lờiXóa
  2. Người Việt mình thiếu cái phiêu lưu mạo hiểm, thiếu cái đi đến tận cùng của sự khám phá. Cho nên dù có thông minh cỡ nào thì cũng không bao giờ đạt đến tầm kỹ nghệ thương mại như Nhật hay Hàn được. Trong lĩnh vực khoa học - nghệ thuật thì khó mà có giải Nobel trong vòng vài trăm năm tới. Cũng vì, cả mấy ngàn năm nay, chúng ta luôn phải sống trong tư thế phòng thủ với ngoại xâm, chứ chưa mấy khi rỗi rãi yên bình để xông tới cả. Với lại, Khổng Tử có nhiều điều hay, nhưng khi choàng cái lý thuyết của vị ấy vào thì khả năng tư duy độc lập bị hạn chế đi nhiều. Cứ chăm chăm tin vào những trật tự của trời đất, của vua tôi, của trên dưới nên nghĩ rằng người có số, vật có mệnh cả, cố cũng vậy thôi. Đó, như ông nói, khôn đoản kỳ, tự cao tự đại, bất hợp tác, vô kỷ luật công với việc thiếu phiêu lưu mạo hiểm, ít cố gắng tới cùng thì làm sao mà làm được việc lớn!
    Thay đổi tư duy từ giáo dục là điều kiện cần để chúng ta có thể tiến lên cùng nhân loại!

    Trả lờiXóa

  3. Con phải in bài này ra vì nó dài quá.

    Đúng là nước mình còn quá nhiều vấn đề nên khó có thể kỷ nghệ, thương mai, người này chỉ chực người kia để ăn cướp trên tay.

    Và chúng ta tự phụ quá nhiều, học là thực học, và áp dụng phải linh hoạt, càng dấn thân vào công việc, con càng ngẫm ra điều này.

    May mắn lớn trong đời của con là được ông giúp đỡ, nói chuyện, chia sẻ, con mới ngẫm nghĩ và thấm thía điều này, để chọn con đường đi cho con, định hướng cho các em con để đừng bị trào lưu xã hội cuốn theo. Con biết ơn ông nhiều lắm.



    Con, Đào thị Hằng, aka Hằng Mắm Ruốc

    Trả lờiXóa