Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Báo cũ (2) : NHÂN TÀI VN ĐÀO TẠO Ở NGOẠI QUỐC ĐANG ĐI VỀ ĐÂU.



Tác giả có đôi điều:
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 2 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 10/2/1974, được đăng trên Chính Luận, một tờ báo lớn nhất của Sài Gòn trước 1975. Nếu bạn biết rằng, năm 2013, Nhà Nước XHCN đã cho đi du học (đúng hơn là "tị nạn giáo dục") 100.000 sinh viên với chi phí lên đến 3 tỷ đô/năm. Với vào khoảng 300.000 nhân tài đã tốt nghiệp đang tha phương cầu thực ở nước ngoài thì khi đọc bài báo dưới đây của miền Nam VM, không biết bạn sẽ nghĩ gì. Có người sẽ bảo chúng ta đã vào WTO, nên phải chuẫn bị thành những công dân quốc tế. Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.


CÁC NHÂN TÀI VIỆT NAM ĐÀO TẠO Ở NGOẠI QUỐC ĐANG ĐI VỀ ĐÂU?

Trong một bài báo trước đăng ở Chính Luận, chúng tôi đã đề cập đến vài khía cạnh của du học và đã đưa ra một vài đề nghị. (1*). Một trong những đề nghị là: nên dẹp hẳn du học, và chúng tôi khẵng định rằng: cuộc du học mà người ta thường mệnh danh là một cuộc đầu tư tinh thần dài hạn, theo thiển ý tôi là một cuộc đầu tư vô vọng. Nhái theo kiểu ông tổng trưởng tài chính: đầu tư du học của chúng ta hiện thời giống như bỏ tiền vào cái thùng không đáy.
Đối với một số phụ huynh học sinh sắp sửa cho con du học, thì đề nghị trên có vẻ quá khích.
Trong giới hạn của bài báo này, chúng tôi cố gắng phân tích một khía cạnh khác của du học để chứng minh lý do đưa ra đề nghị quá khích ở trên.
Khía cạnh chúng tôi muốn đề cập đến là: các nhân tài VN được đào tạo ở ngoại quốc đang đi về đâu? Chúng tôi xin thưa rằng: chỉ trừ một số rất ít chịu hồi hương, còn phần lớn thì sau khi tốt nghiệp đã an cư lạc nghiệp ở xứ người.
Nếu bộ QGGD chịu khó làm một cuộc thống kê tích luỹ số sinh viên du học trong thời gian qua, và số nhân tài tốt nghiệp đã hồi hương, thì sẽ thấy là tỉ lệ số nhân tài "lưu vong" ở ngoại quốc là 80% (2*). Quý vị không ngờ con số cao đến thế. Quá cao đến nỗi tại diễn đàn Hội Việt Mỹ, một nữ trí thức đã lên tiếng báo động : là VN đang bị "băng hoại nhân tài" (bây giờ, ta gọi là "chảy máu chất xám") thất thoát ra ngoại quốc. Một cuộc "băng não" âm thầm và ghê gớm, mà hậu quả là kỹ nghệ nước nhà ở mãi trong tình trạng èo uột, và nền kinh tế của chúng ta sẽ không thoát khỏi tình trạng ấu trỉ, thô sơ.
Nếu ta chịu phân tích kỹ vì sao số nhân tài tốt nghiệp "ham" ở ngoại quốc, thì ta sẽ không ngạc nhiên ở con số 80% kể trên.

1. Lý do thứ nhất: là người sinh viên đã thành hôn với gái ngoại quốc.
Có thể nói là 90% những cuộc hôn nhân này đưa đến kết quả là sinh viên VN thành tài rất ngại đem vợ và con cái về sống ở VN: vì tiện nghi tối thiểu đối với người ngoại quốc không có ở VN. Cũng có người có thiện chí, muốn làm gì đó cho quê hương đất nước, đã thử đem vợ con về lại VN, nhưng cũng phải đi đến những kết luận như sau, sau một thời gian "thử lừa": (a) hoặc ly dị bà vợ ngoại quốc, ở lại VN; (b) hoặc theo vợ ra sống ở ngoại quốc, lấy quốc tịch quốc gia vợ, an cư lạc nghiệp ở xứ người. Trường hợp đầu khá nhiều mà trường hợp sau cũng không ít. Nhưng dầu ở trong trường hợp nào đi nữa, thì người trong cuộc cũng không tránh khỏi một cuộc khũng hoảng nội tâm đáng thương.
Còn những người lấy vợ ngoại quốc, sinh con đẻ cháu ở xứ người, thì đã có công ăn việc làm ổn định, tiện nghi vật chất đầy đủ... Thì dại gì đi đổi một cuộc sống sung túc ở ngoại quốc lấy một cuộc sống đầy phiêu lưu ở quê nhà: phiêu lưu ở chỗ lương hướng có đủ thoả mãn những tiện nghi vật chất tối thiểu cho vợ con hay không?, công việc cỏ thích ứng với tài năng của mình hay không?
Đây là chưa nỏi đến những cảnh cùng khổ, rách rưới ở quê nhà, mà vô tình hay cố ý các truyền hình ngoại quốc cho chiếu lên màn hình TV cũng đã ảnh hưởng khá nhiều việc giữ chân nhân tài VN ở lại quê người. 

2. Lý do thứ hai: Sợ đi quân dịch khi hồi hương.
Có một số sinh viên đã tốt nghiệp, nhưng không chịu hồi hương vì cho rằng VN đang có chiến tranh, nếu về sẽ bị gọi đi quân dịch. Dẫu được miễn dịch một năm khi hồi hương như hiện được áp dụng, thì vấn đề đi quân dịch vẫn còn đó. Họ chỉ trở về khi hoà bình trở lại quê hương.
Lẽ dĩ nhiên là lý do này nếu nói ra là thiếu "chính nghĩa", nên thường thường họ nại một lý do là bất đồng ý kiến với chánh quyền miền Nam (mặc dù họ vẫn nhận tiền chuyễn ngân du học đều đều từ chính quyền miền Nam), nên không muốn về hợp tác, làm việc với một chánh quyền mà họ cho là thối nát, tham nhũng, v.v.. Đây thường là lập luận của phe phãn chiến, do Hà nội giựt dây.
Vì hoà bình không biết bao giờ đến, nên số người này bắt buộc: (a) hoặc tạm kiếm một việc làm ở ngoại quốc, trong khi chờ đợi; (a) hoặc tiếp tục học cao hơn như cao học, tiến sĩ, thạc sĩ.
Nên chúng ta đừng ngạc nhiên cho lắm khi vô số sinh viên VN ra trường kỹ sư, tiến sĩ ở Pháp đâm đầu vào làm việc tại các Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Hoc Quốc Gia CNRS (Centre National de Recherche Scientifique) của Pháp. Vì sao? Vì đời sống ở các trung tâm nghiên cứu chẵng qua là cuộc sống đại học nối dài. Lương không cao (thường 30% ít hơn so với lương ở lĩnh vực tư nhân), nhưng đời sống dễ dàng hơn, không cực nhọc như khi đi làm ở kỹ nghệ. 
Nếu các vị tiến sĩ, với cái bẳng thật to, về lại quê nhà, cũng chưa chắc đủ kinh nghiệm để dẫn dắt kỹ nghệ VN thoát khỏi tình trạng ấu trỉ.
Khi đi kiếm việc làm ở xứ người thì cũng tưởng là tạm thời, nhưng theo thời gian, hoà bình chả thấy ló dạng, cái tạm thời trở thành vĩnh viễn, vì họ đã tậu nhà cữa, mua sắm những tiện nghi vật chất, v.v.. con cái đã theo học các trường ngoại quốc, rễ đã bén ở quê người, thì thử ai dám làm một cuộc phiêu lưu trở về lại quê hương: mà nào dễ dàng gì khi tuổi đã cao mà phải thích ứng với điều kiện sống ở VN là cả một sự khó khăn. Chúng tôi thử kiểm điểm một số bạn bè cùng lứa của chúng tôi, ở Pháp, Bĩ, Đức và Thuỵ Sĩ, thì gần đến 20 cặp trong tình trạng 35-45 tuổi, có công ăn việc làm từ 10-15 năm rồi. Đứng về phương diện cá nhân bạn bè mà nói, thì mình mừng cho họ, nhưng nhìn theo bình diện quốc gia, thì phải xem họ là những người mất đi, những nhân tài một đi mà không hẹn ngày về.

3. Lý do thứ ba: Môn học tốt nghiệp ở ngoại quốc quá cao xa, quá tối tân
Nói ra có vẽ nực cười: muốn kiếm một ông kỹ sư chế tạo bù lon đinh vít thì kiếm không ra, nhưng kiếm một kỹ sư nguyên tữ hạt nhân thì ê hề. Sinh viên VN khi học ở ngoại quốc, chưa bao giờ được hướng dẫn về nhu cầu chuyên viên ở VN, để học một ngành gì khả dĩ ứng dụng được khi về lại quê hương, nên thường học những nghề có vẻ "ăn tiền" (bây giờ ta gọi là "hái ra tiền") ở ngoại quốc như: điện tử, vật lý nguyên tử, khoa học không gian, thuỷ điện. Trong khi ấy những ngành như thẫm định viên kế toán, phân tích tài chính thì không muốn theo học vì văn bằng không "kêu" cho lắm. Một nước chuyên về nông nghiệp, có một bờ biển dài mấy ngàn cây số mà lại thiếu kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư thuỹ sản, kỹ sư chế biến thực phẩm, trong khi ấy thì lại dư kỹ sư vật lý, nguyên tử, không gian.
Tóm lại, là những môn học quá cao siêu, quá tối tân đòi hỏi những máy móc thiết bị quá mắc tiền mà kỹ nghệ VN không tài nào đài thọ nổi, thì thừ hỏi kỹ sư VN nào chịu về làm, để rồi nghề mình bị mai một vì không ai dám dùng.
Viết tới đây, tôi liên tưởng đến anh bạn học người Quảng Nam, tiến sĩ điện tử siêu tần số làm việc cho hãng sữa Nestlé, Thuỵ sĩ, lương tháng tính theo thời giá bằng 1,5 triệu đồng (= 20 lương vàng). Từ 5 năm nay, cứ 3, 4 tháng một lần bà má tới gặp tôi, nhờ tôi khuyên anh bạn hồi hương, vì hai mẹ con xa nhau đã hơn 20 năm. Mặc dầu chúng tôi cắt nghĩa trường hợp đặc biệt của anh bạn khó lòng hồi hương, nhưng là vì con duy nhất, cháu đích tôn dòng họ, bà ta nằng nặc đòi anh bạn hồi hương. Bà ta yên trí đến nổi bà đi xem số tử vi để biết năm bao nhiêu tuổi anh ta sẽ hồi hương.(3*)
Có một bà mẹ khác có con trong trường hợp trên lại thốt lên một câu: "Nếu tôi biết thế, thì tôi đâu có cho nó đi du học làm chi để mất con. Ở đây có nghèo khổ thì ăn dưa ăn muối mà mẹ con còn thấy nhau, còn bây giờ đây mẹ con mỗi người một ngã". Nghe mà đau ruột. Đây không phải là trường hợp lẻ tẻ, nhưng chúng tôi biết vô số trường hợp bi đát, khổ tâm, nói ra không hết.
Nhưng không phải cha mẹ các bậc phụ huynh, ai cũng than thân trách phận như bà mẹ anh bạn kể trên. Có bà mẹ giã đò đánh một cái điện tín nội dung đại loại như sau: "Mẹ sắp chết, con về gấp, cho mẹ gặp lần cuối", thế là thằng con vội vả lấy vé máy bay về thì thấy bà mẹ còn sống nhăn răng, và ông ta bị kẹt luôn vì không được phép xuất ngoại. Có một ông bác sĩ đã từ ông bố luôn, vì ông bố cũng chơi cú lừa kể trên, ông bác sĩ không những bị kẹt luôn mà còn bị gọi đi quân dịch.
Nhưng cũng có những gia đình rất hãnh diện là có con cái có công ăn việc làm ở ngoại quốc, lương bổng cao, sống sung túc ở xứ người. Thường thành phần loại người này là những trí thức trưởng giả, vọng ngoại, coi cái xứ sở này không đáng sống, và thường sẵn sàng bán đi gia tài sự sản, thiên cư lập nghiệp ở xứ người.
Với 3 lý do vừa kể trên, số nhân tài VN thất thoát ra ngoại quốc rất cao không thể tưởng tượng, một cuộc "băng não âm thầm" không hề biết, nhất là số nhân tài thuộc thành phần trí thức của VN.
Chúng tôi có nhận được một bản thống kê từ Thuỵ Sĩ gởi về. Tổng số sinh viên các nước (70 nước cả thảy) học đại học tại Thuỵ Sĩ là 2.100 người. Trong ấy, số sinh viên VN chiếm 600 người (gần 35%) hơn số sinh viên Thổ Nhĩ Kỹ (200 người), Ba Tư (220 người) là những nước tương đối giàu và không có chiến tranh. Nếu chúng ta biết số sinh viên VN được phép chuyển ngân du học nay đã lên 8.500 người, ta cỏ thể ước lượng số nhân tài hiện an cư lập nghiệp ở xứ người lên đến 30.000 người. Một sự phí phạm tài nguyên chuyên viên, một cuộc đầu tư tinh thần vô vọng của chính sách du học hiện thời.
Bây giờ, chúng ta xem những quốc gia nào nhân tài VN đang lập nghiệp. Có thể nói là bất cứ lục địa nào mà người VN đến học, thì họ có thể ở lại lập nghiệp. (4*) : nhưng nước Pháp là nơi phần lớn kiều bào VN chọn làm nơi cư trú, vì tương đối đời sống ở Pháp thích hợp với người VN hơn, chính quyền Pháp rất dễ dãi với dân cựu thuộc địa. Những năm về sau này, từ 1965 trở đi, tình trạng thất nghiệp ở Pháp ngày càng gia tăng, mà số dân cựu thuộc địa (như VN, Algerie, Maroc, Tunisie, và Phi Châu) tốt nghiệp ở Pháp ra, xin việc ngày càng đông, nên chỉnh phủ Pháp ưu tiên cho người có quốc tịch Pháp, chỉ khi chỗ nào mà người Pháp không đủ khả năng hoặc người Pháp chê không làm (thí dụ công nhân quét rác) thì người cựu thuộc địa có thể thay thế.
Thí dụ, các bác sĩ không có quốc tịch Pháp thì không thể mở phòng mạch, chỉ có thể làm những công việc tầm thường ở các bệnh viện công cộng (đây là lẽ đương nhiên, các bác sĩ Pháp không có quyền hành nghề cạnh tranh với bác sĩ VN).
Chúng tôi nhận thấy, là những năm về sau này, số nhân tài VN tốt nghiệp ở Pháp, từ bỏ quốc tịch VN khoác lấy quốc tịch Pháp ngày càng tăng để hưởng bảo hiễm xã hội, quỹ hưu trí. Ngoài ra, khi đã có quốc tịch Pháp, họ có thể về nghĩ hè du lịch một hai tháng ở VN mà khòi bị hạch xách bởi chánh quyền VNCH. Nghĩa là lợi cả đủ mọi bề.
Ở Thuỵ Sĩ, Bĩ, hoặc Đức, thì tình trạng cũng tương tự như ở Pháp, nhưng việc nhập quốc tịch các nước này thì tương đối khó hơn. Thỉ dụ, ở Thuỵ Sĩ phải ở liên tục 10 năm mới có quốc tịch TS, nhưng nếu có vợ người TS thì thời gian này chỉ còn 5 năm.
Có một số đông nhân tài VN lại định cư tại các nước Phi Châu như: Algérie, Tunisie, Maroc, Congo, Sénégal, Côte d'Ivoire, Togo, Cameroun, v.v.. và rất được trọng dụng, vì các nhân tài VN trước đây là đồng môn với các lãnh đạo các chính quyền Phi Châu khi họ cùng học ở Pháp.
Trong thời kỳ tranh đấu dành độc lập, trước 1958, sinh viên phi châu và sinh viên VN cùng đồng cãnh ngộ nên hay giúp đở lẫn nhau. Nên người VN ở Phi châu rất được trọng đãi và thay thế một cách hữu hiệu các chuyên viên Pháp rút khỏi Phi châu. Có một số người VN, mang quốc tịch Pháp, ăn lương Pháp, qua Phi châu làm việc dưới danh nghĩa hợp tác kỹ thuật Pháp (Cooperation Technique Française), vì lương trã cho chuyên viên VN ít hơn, nhưng quyền lợi của Pháp vẫn được bảo đãm. Hồi thế chiến thứ nhất, một số phu mõ VN đã qua Pháp đánh Đức để bảo vệ quyền lợi của Pháp, thì nay nhân tài VN qua Phi châu khai hoá dân Phi châu thay thế Pháp và làm việc bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Phi châu. Mĩa mai thay!
Ở Thuỵ Sĩ, thì nhân tài VN cũng chiếu cố nước này khá nhiều. Nhưng người TS rất lạnh lùng không cởi mỡ như người Pháp, thêm lại lối sau này có phong trào bài ngoại, Schwarzenbach, chống việc sử dụng chuyên viên ngoại quốc, nên khó tìm việc làm ở TS, nên bỏ qua Bresil, Phi châu, Canada, Mỹ.
Vì tiền học ở Mỹ khá cao, chĩ những con nhà khá giả kếch xù mới du học tự túc, nên phần lởn sinh viên du học theo học bổng USAID (Viện trợ Hoa kỳ). Người Mỹ khác người Pháp là sau khi sinh viên VN tốt nghiệp ở Mỹ, thì 24 giờ sau sinh viên tốt nghiệp này phải cuốn gói về VN. Có lẽ đây là một thoả thuận ngầm giữa Mỹ và VNCH. Tuy nhiên, bạn đừng tưởng người Mỹ họ tống tất cã các nhân tài VN về nước, họ cũng khôn, họ âm thầm giữ lại những người VN giỏi có khã năng trở thành những nhà bác học có ích cho nền kỹ nghệ của họ sau này. 
Hồi quân Mỹ còn tham chiến ở VN, thì một số sinh viên VN kiếm tiền bằng cách dạy tiếng Việt cho lính Mỹ trước khi họ qua VN. Nhưng từ khi quân Mỹ rời khỏi VN thì có phong trào mở tiệm ăn ở Mỹ, có vẽ nghề này hái ra tiền.
Mở tiệm ăn thì có chi là là lạ: nhưng chỗ khôi hài ở đây là chỗ: các chủ chốt mở tiệm ăn toàn là dân có bằng cấp kỹ sư, tiến sĩ, MA, MS, v.v.. nghĩa là những nhân tài tốt nghiệp, thay vì hồi hương, họ ở lại nước ngoài kéo dài cuộc sống tha phương, mở "phạn điếm" cầu thực, sống qua ngày.
Đọc tới đây, tôi không biết quý vị nghĩ thế nào về sự băng não trầm trọng thất thoát nhân tài ra ngoại quốc như thế. Chắc quý vị cãm thông đề nghị quá khích của chúng tôi là dẹp hẵn việc du học.
Sở dĩ, chúng tôi có ý nghĩ trên là vì chúng tôi có dịp tiếp xúc với một vị linh mục công giáo: cha Bernardin Wild, (5*), ở Fribourg nhân dịp chúng tôi tu nghiệp tại Thuỵ Sĩ. Cha Bernardin là người chuyên giúp đở sinh viên các nước chậm tiến, bằng cách cho học bổng, cung cấp chỗ trọ và bữa ăn miễn phị. Năm 1957, tôi cũng nhận được một năm học bỗng của cha. Tỉ lệ cấp học bổng cho sinh viên VN năm nào cũng tăng và cao nhất. Một điều kiện nhận học bỗng là sau khi thành tài phải trở về phục vụ quê hương đồng bào. Khi gặp lại tôi, cha bảo rằng từ 2-3 năm nay cha không cấp học bổng cho sinh viên VN nữa, vì không ai chịu về lại VN, kẻ thì lập nghiệp ở TS, người thì qua Phi châu, v.v..Tiền cha cấp học bổng là tiền của bổn đạo đóng góp nên cha không thể đi ngược lại tinh thần ghi trong điều kiện xét cấp học bỗng.
Một người ngoại quốc đã nghỉ như thế, và dứt khoát trong hành động, thì tại sao chúng ta không có lòng tự trọng kiểm điểm lại hành động của mình: nếu ta nhận thấy việc đầu tư vào du học là một cuộc đầu tư vô vọng, vào "một cái thùng khòng đáy" , thì tại sao không dứt khoát chấm dứt du học.
Có người sẽ bảo rằng nếu không cho du học, thì mình có đủ trường ốc để đào tạo chuyên viên hay không, mình cỏ khả năng đào tạo chuyên viên như ở ngoại quốc hay không? Đúng "tiêu chuẩn quốc tế" hay không? Chúng tôi xin hỏi lại một câu: có nên học những môn học mà 20 năm sau ta mới có cơ hội ứng dụng hay không? (Ngụ ý đi học vật lý nguyên tữ cách đây 20 năm). Chúng ta ai cũng biết ở Bĩ cỏ những văn bằng kém xa văn bằng của Pháp, và nước Bì nẳm sát nách nước Pháp qua lại dễ dàng như đi chợ, mà nào có thấy dân Bĩ qua Pháp học đâu? Vì sao? Vì họ đâu có cái tinh thần vọng ngoại như dân ta đâu.
Trong giới hạn của bài báo này, chúng tôi chưa cỏ thể đưa ra ý kiến đào tạo chuyên viên tại đại học VN (mà sẽ là đề tài cho một bài báo tới) đứng trước viễn ảnh đóng cữa du học. Chúng tôi thiết nghĩ sẽ có nhiều khó khăn, sẽ có nhiều người phản đối, và không có gì mà không thể giãi quyết nếu ta có ý chí, có quyết tâm.
Chúng ta thường tự hào là ta có 4000 năm văn hiến, cỏ hội nghị Diên Hồng đã giúp chúng ta làm một viêc phi thường là đánh đuổi được quân Nguyên Mông. Nếu mọi nhân tài VN giống như Trần Bình Trọng đã thốt lên lời thề "thà làm quỳ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc" thì đâu có cảnh 30.000 nhân tài tha phương cầu thực ở xứ người, mà nào dân Việt đâu cỏ mất nước như dân Do Thái cho cam, mà phải tha phương cầu thực.

DƯƠNG QUANG THIỆN
Kỹ sư điện toán IBM
10/02/1974


Ghi chú:
(1*) Rất tiếc là bài báo này, cho người ta mượn đọc, người ta "lũm" luôn không trả lại.
(2*) Con số của năm 2012 do Mỹ cung cấp là 97%, dưới chế độ XHCN.
(3*) Ông bạn này rốt cuộc ở luôn bên Thuỵ Sĩ, qua đời năm 2008, ở tuổi 75.
(4*) Bạn để ý là trong bài này, Thiện mỗ không biết chi về khối CSCN nên Thiện mỗ không dám lạm bàn.
(5*) Các bạn nhận học bỗng theo chương trình Vì Ngày Mai Phát Triễn, thường nghe Thiện mỗ phát biểu câu sau đây: "Các bạn không nợ tôi cái gì cả, các bạn nợ đối với thế hệ đi sau. Nếu sau này bạn giàu cỏ, thì nên giúp đở những kẻ đi sau". Câu nói này là không phải của tôi, mà là của cha Bernardin Wild thuộc dòng tu Oeuvre Saint Justin ở Fribourg, Thuỵ Sĩ. Tôi có nhận học bổng từ cha Bernardin Wild, nên khi tôi rữa tội theo đạo Công Giáo, tôi đã lấy tên thánh là Justin. 



Đã gửi từ iPad của tôi

1 nhận xét:

  1. dear CHú
    bài viết này của chú đã 40 năm rồi mà vẫn còn nguyên tính thời sự, có khác chút bây giờ người ta cho con đi du học là theo phong trào của nhà giàu có tiền (chứ năng lực học thì phải xét lại.....) và cũng là sĩ diện nữa .....họ hàng, người quen của cháu nhiều người cũng như vậy , cho con qua kia màkho6ng biết nó học hành sao ,đế khi qua tới nơi thăm con thì hỡi ơi nó đi làm Nail ....
    góp với chú vài lời cho vui
    chúc chú vui khỏe
    thks/la

    Trả lờiXóa