Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014


CHUYỆN ĂN CẮP & CHUYỆN CÁC CÔ TIẾP VIÊN AIR VIETNAM Ở NHẬT BẢN.

Sáng ra, cô Nấm gởi cho Thiện mỗ cái link này: 


Thiện mỗ đã đọc nhiều bài báo về chuyện ăn cắp vặt của khách du lịch VN ở nước ngoài. Rồi nào là chuyện ăn cắp phần mềm, đạo văn, v.v.. Cuối cùng, trên Facebook, người ta tha hồ chỉ trích, ném đá, đánh võ mồm v.v.. đối với những "tội đồ" mà mình chả hề biết mặt. 

Ngày hôm nay, Thiện mỗ xin hầu bà con về đề tài này, với ước mong là bà con hiểu sâu vấn đế để tránh chỉ trích vô tội vạ.

Theo định nghĩa "ăn cắp" là lấy cái gì đó của người khác không thuộc của mình. Đây là một tội danh không nặng lắm thời buổi bây giờ. Tội danh tương ứng nặng hơn là "ăn cướp" dùng vũ lực, nhẹ vừa vừa là "ăn chặn" (chẳng hạn, tiền cứu trợ đồng bào lũ lụt, tội này thường xảy ra tại các cán bộ đương chức đương quyền). . 

Tuỳ theo thời cuộc, tuỳ theo môi trường quốc gia, hoặc tùy theo đạo lý của nước sở tại nơi xảy ra vụ "ăn cắp" thì hình phạt nặng nhẹ sẽ khác nhau. Tôi nhớ hồi nhỏ, tôi học trường nam ở Nha Trang, thuộc chế độ bảo hộ, tôi đã đọc trọn bộ sách tiếng Pháp của nhà đại văn hào Pháp tên Victor Hugo. Bộ sách mang tên Les Misérables (những kẻ bần cùng). Trong truyện này có một nhân vật tên là Jean Valjean. Khởi đầu câu chuyện, vì nhà nghèo, đông anh em, một đêm nọ Jean đói quá đã lén đập bể kiếng một tiệm bánh mì, vừa thò tay ăn cắp 5 ổ bánh mì thì bị bắt tại trận, và sau đó bị kêu án... 5 năm khổ sai biệt xứ. Một hình phạt nặng "khủng" so với thời buổi bây giờ. Tôi cũng có đọc một loạt sách của nhà văn Anh tên Charles Dickens, trong ấy có quyển Oliver Twist. Ông cậu Twist hồi nhỏ mồ côi cũng thuộc một nhóm chuyên đi móc túi và ăn cắp rất chuyên nghiệp do một tên lưu manh đào tạo có bài bản. Thời buổi nớ, nghèo khổ mới sinh ra ăn cắp ở chợ búa, ăn cướp ở dọc đường liên tỉnh, v.v.. Ở VN thì chuyện ăn cắp là chuyện thường tình, ít khi bị khép tội nặng như ở châu Âu. Ở VN, dân ăn cắp thường xảy ra ở chợ búa. Nhà nghèo, đói sinh ra ăn cắp. Chắc bạn đã nghe dân chợ Cầu Muối, SaiGon, hay gọi loại ăn cắp mang tên "đá cá lăn dưa". Bọn nhỏ này thường hợp đồng tác chiến theo cặp. Một thằng xắng xít giúp đem cá từ dưới bến lên vựa, rồi nhân dịp người ta không để ý là lấy vài con, đá hậu văng thật xa. Thế là chiến hữu ở xa, tha hồ lượm. Do đó mới gọi chúng là loại đá cá lăn dưa.

Nói chung, ông bà ta hồi xưa đã có những câu giáo dục như: "phú quý sinh lễ nghĩa, bần hàn sinh đạo tặc"; "đói cho sạch, rách cho thơm"; "giấy rách phải giữ lấy lề". Mẹ tôi hồi nhỏ bao giờ cũng nhắc đi nhắc lại các câu kể trên, đến độ nhập tâm, nên đối với anh chị em chúng tôi các câu này là câu giữ mình. Còn bây giờ, người ta cho những câu kể trên là của bọn tiểu tư sản, phong kiến, nho giáo không đáng giá bằng 5 điều bác Hồ dạy, còn cha mẹ thì bận túi bụi đi kiếm tiền, giao mọi giáo dục con cái cho nhà trường, còn nhà trường thì bận lo thành tích. Do đó, lớn bé đều là lũ ăn cắp mà không biết, để khi ra ngoại quốc người ta dạy cho mới bẽ mặt. 

Tuy nhiên, nhìn chung suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, thì các nước Âu Mỹ là những nước ăn cắp ăn cướp siêu hạng, những dân nhà giàu tại các nước này cũng ăn cắp ăn cướp tinh vi thần sầu quỷ khóc, qua hằng trăm năm. Còn dân ta, có đi ra ngoại quốc, mới gần chục năm may thì ăn cắp có to tát gì đâu, vài lọ mỹ phẩm, vài cái đồ nội y có gì đâu mà làm ầm ỷ. 

Khi tôi du học và làm việc ở Pháp và Thuỵ Sĩ, vào những năm 1955-1965, thì châu Âu cũng vừa mới thoát khỏi chiến tranh, vết tích chiến tranh nghèo đói vẫn còn hiện diện, các siêu thị Monoprix, Printemps, Galerie Lafayette, ở Pháp hoặc Migros ở Thuỵ Sĩ bắt đầu hình thành. Thì vấn đề người ta ăn cắp hàng ở siêu thị cũng đã bàn cãi tranh luận nhiều. Cuối cùng thì camera được gắn tại các siêu thị để phòng chống ăn cắp. Do đó, không thể nói là người Âu Mỹ không ăn cắp. Có gắn camera từ 1955 trở đi ở Âu Mỹ, có nghĩa là người Âu Mỹ cũng đã quen ăn cắp rồi. Chứ không phải chỉ có dân du lịch VN là ăn cắp. Tôi nhớ, hồi tôi còn ở châu Âu, người ta bàn cũng khá nhiều về cái bệnh ăn cắp gọi là kleptomanie (tiếng Pháp, nghiện ăn cắp), nghĩa là người ăn cắp, thường là phụ nữ, không phải vì nhu cầu, vì thiếu thốn nghèo nàn, mà vì muốn có cái cảm giác mạnh khi bị bắt tại trận. Với những trường hợp này, thường tái diễn nhiều lần, người ta gởi những "bệnh nhân" đặc biệt này cho các bác sĩ tâm lý giải quyết. Và người ta giải quyết nhẹ nhàng, không ồn ào. Như vậy, tại sao làm ầm ỹ đối với người VN? Bạn thử đặt câu hỏi.

Theo bạn bắt cóc là gì? Theo Thiện mỗ, bắt cóc chẳng qua là dùng vũ lực ăn cắp thân xác người nào đó, đem đi bán làm nô lệ, hoặc nhẹ hơn là tống tiền ai đó để thả người này ra. Nghĩa là bắt cóc là một hình thức ăn cắp rất đặc biệt. Thế bạn có biết từ năm 1441 đến thế kỷ 19, các nước Âu Mỹ, trong ấy có Anh, Pháp, Hà Lan và Mỹ chủ yếu, đã qua Phi Châu, bắt cóc dân lành Phi Châu, chở qua Mỹ hoặc Brazil bán cho các chủ đồn điền để làm nô lệ lao động trong các đồn điền này. Các nước châu Âu này có hơn 400 năm để hình thành cái tam giác (Mỹ, Phi châu, châu Âu) buôn nô lệ, nghĩa là làm cái công việc buôn người dã man bỉ ổi. Cái kỳ lạ, là trong các thư viện ở Mỹ cũng như ở châu Âu, tại các bến cảng buôn nô lệ nổi tiếng ở châu Âu như Liverpool (Anh), Nantes, La Rochelle, Bordeaux của Pháp, người ta ghi rất tỉ mỉ các chuyến đi bắt cóc dân da đen rồi đem bán cho Brazil, Mỹ, Cuba, Philippine, v.v.. Người ta tính ra có vào khoảng 20.000 chuyến đi, với các chiến thuyền đồ sộ hoành tráng. Người ta ghi rõ, chủ sở hữu các chuyến đi buôn người là những gia đình giàu có nào, những dòng họ quí tộc nào. Bạn sẽ không ngạc nhiên chi cho lắm, khi những "đại gia" tại các nước Âu Mỹ phần lớn xuất phát sự giàu có của họ từ những phi vụ buôn nô lệ, với số nạn nhân nô lệ da đen lên đến 15 triệu người.
Để rồi giờ đây, qua những đài BBC, hoặc VOA họ dạy khôn dân VN về nhân quyền này nọ, và những chuyện ăn cắp vặt của khách du lịch VN, v.v.. Nếu họ xem lại lịch sử VN, thì họ thấy dân Việt đã đối đãi tử tế, nhân hoà với người Chăm, người Khờ Me thế nào, theo phương châm "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Bây giờ, bạn thử bước qua thế giới hiện đại của ngày hôm nay. Nước nào là nước ăn cắp thông tin cá nhân, tình báo, quân sự, kinh tế, ăn cắp khủng nhất? Bạn biết câu trả lời: ông Anh Cả Cờ Hoa. Nếu không có Snowden phát giác và tung tin, thì ta chả biết rõ ràng bộ mặt thật của Mỹ. Thế mà có một thời khá dài, Mỹ hô hoán liên tục bảo giới quân sự TQ với 2 triệu bộ đội rành tin học , đã nghe lén Mỹ, ăn cắp các kỹ thuật quân sự, v.v.. Từ khi Snowden huýt còi thì cái vụ hô hoán chống TQ cũng im luôn. Bây giờ, thì không ai còn tin cái kiểu "vừa ăn cướp vừa la làng" của Mỹ.

Trong những năm về sau này, tại các nước đông âu, thiếu chi lãnh đạo cao cấp các chính phủ đông âu bị tố là những bằng tiến sĩ của họ bị nhuốm màu "đạo văn". Và họ bị buộc thôi việc. Gần đây nhất, vào đầu năm 2013, là thí dụ của bà Annette Schavan, bộ trưởng bộ giáo dục và nghiên cứu của chánh phủ Đức bị buộc thôi việc, vì luận án tiến sĩ của bà ta đầy "đạo văn" nên đại học Düsseldorf, nơi bà làm tiến sĩ, phải rút học vị của bà ta. Do đó, "đạo văn" không phải là riêng gì của VN, mà của cả thế giới qua nhiều thời đại. Nơi nào chuộng văn bằng, như ở VN chẳng hạn, thì tỉ lệ đạo văn sẽ rất cao, so với các nước khác. 

Từ "đạo văn" qua "đạo trình" (ăn cắp phần mềm) thì không bao xa. Sống trong ngành tin học từ thời khai thiên lập địa của ngành này, Thiện mỗ tôi có thể khẳng định là trong suốt cuộc đời hành nghề của mình, lập trình viên nào cũng "đạo trình" những khúc chương trình (snippet) nhỏ của ai đó trong tay của mình. Bạn đâu có biết, Bill Gates, người mà cả thế giới đều ngưỡng mộ ông ta do cái túi tiền lớn nhất thế giới, bắt đầu sư giàu có của ông ta, vào năm 1972, khi ông ta hợp tác với IBM để "đạo trình" những nghiên cứu gì sau đó, khi ông ta tuyên bố ngưng hợp tác với IBM, ông tung ra phần mềm Windows, làm cho IBM chới với không tài kiện cáo gì được. Do đó, bảo dân VN "đạo trình" là vô lý. Các công ty tin học nào cũng có quá khứ "đạo trình" được che dấu một cách tinh vi, hoặc được thoả thuận sau khi trả một số tiền gì đó. Bạn cứ nhìn thí dụ của cặp Apple/Samsung thì hiểu rõ vấn đề. 

Theo nguyên tắc "bần hàn sinh đạo tặc", nghĩa là giới ăn cắp xuất thân từ giới nghèo mạt rệp, nhưng trong thời buổi kỹ thuật số này, anh giàu nào nhiều tiền lắm của thì tính cách ăn cắp của anh này sẽ tinh vi hơn nhiều, qua mặt biết bao nhiêu là luật lệ. Cũng theo nguyên tắc, doanh thu anh cao thì anh phải trả thuế thu nhập cao. Muốn trả thuế thấp thì chỉ có cách thông đồng với bọn luật sư lưu manh lách luật đế ăn cắp thuế, trốn thuế. Hoặc đăng ký định cư tại các thiên đường trốn thuế như Luxembourg, hoặc Thuỵ Sĩ. Ngoài ra, trong thời đại bùng nổ thông tin, cái điện thoại di động (kèm theo cái sự thông minh) là vật bất ly thân của mọi người. Thế là chiến tranh các bằng sáng chế trong điện thoại di động, điển hình giữa Samsung và Apple. Ông nào cũng tố đối thủ ăn cắp bằng sáng chế của mình. Sau một thời gian đấu đá, chỉ tổ làm giàu cho đám luật sư tư vấn tranh chấp, nên hai to đầu dtdd đành hạ mã tấu quyết tâm ngưng đấu đá để lo sản xuất phân phối hàng. Bạn thấy là số tiền ăn cắp bản quyền lẫn nhau có thể lên đến hàng chục tỉ đô, chứ không phải 5 ổ bánh mì như thời Jean Valjean của Victor Hugo.

Nói tóm lại, ở vào thời đại kỹ thuật số này, thì không phải "bần hàn sinh đạo tặc" mà là "quyền lực sinh đạo tặc", hoặc "lợi ích nhóm sinh đạo tặc". Loại đạo tặc này phổ biến khắp thế giới, nhất là thế giới giàu có, đầy quyền lực, nên khó xử án bỏ tù. Lấy một thí dụ: chiến tranh Irak, khởi sự năm 2003 bởi Bush (con), tổng thống Mỹ, cuối cùng xem ra là một cuộc chiến ăn cắp dầu của Irak bởi liên quân Anh-Mỹ. Tháng 4/2011, Greg Muttitt đã cho xuất bản quyển sách Fuel on The Fire, chứng tỏ việc này. Mặc dầu Mỹ đã rút lui khỏi Irak, nhưng các giếng dầu của Irak vẫn còn nằm dưới quyền kiểm soát của quân Mỹ và Anh. Ai sẽ xử George Bush về việc ăn cắp này? Chả ai cả. Vì ta đây là nước Mỹ. 

Để kết luận, ăn cắp mà không biết chùi miệng bị người bắt tại trận, thì ráng mà chịu trận. Nên học những gì người xưa đã dạy "đói cho sạch, rách cho thơm", "giấy rách phải giữ lấy lề". Hồi nhỏ, khi lớn lên ở Nha Trang, dưới thời tây đô hộ, tụi nhỏ chúng tôi sợ nhất là khi bị tụi tây chửi "a na mít đá đít không đi", ba má mà nghe được câu chửi này là bị một trận đòn nên thân. 



DƯƠNG QUANG THIỆN -- 5/4/2014

1 nhận xét:

  1. Cháu chào bác Thiện - Cháu có tìm hiểu bộ sách Phân Tích Thiết Kế Hệ Thống ( PTTKHT ) do bác viết, nhưng 2 quyển :
    - Tập VII : UML Unified Modeling Language
    - Tập VIII : PT & TKHT Thiên Đối Tượng

    Cháu chờ mãi sao không thấy xuất bản, cháu rất muốn tìm hiểu về 2 quyển sách này. Mong nhận được sự phản hồi từ bác, chúc bác sức khỏe.
    Do không biết địa chỉ Email của bác nên cháu chỉ có thể liên hệ với bác bằng cách này, Mong nhận được sự phản hồi của bác
    Địa chỉ Email của cháu : liemit1984@gmail.com

    Trả lờiXóa