Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Một đời lấy giáo dục nuôi giáo dục

Một đời lấy giáo dục nuôi giáo dục
Thứ ba, 25 Tháng 11 2008 00:00

Nếu được hỏi về người bạn luôn song hành với “Vì ngày mai phát triển” (VNMPT) suốt 20 năm qua, chắc chắn những người thực hiện và bất cứ ai có theo dõi chương trình sẽ bật lên ngay: ông bà Dương Quang Thiện.

Đến với VNMPT từ những ngày đầu tiên: chương trình thứ 3 năm 1989, 20 năm nay nụ cười tươi của bà và đôi chân yếu của ông đã xuất hiện ở khắp nơi: lễ trao học bổng, khánh thành cầu Long Thới ở Nhà Bè, trường học ở Sơn La, nhà lưu trú ở Bình Phước…
 


Ông bà Dương Quang Thiện và các em học sinh Trường Long Thới (Nhà Bè, TP.HCM) trên cây cầu dẫn vào trường - do ông bà tài trợ xây dựng - vừa khánh thành (tháng 12-1989) -Ảnh tư liệu của Tuổi Trẻ

Rất nhiều người đã ngỡ ông bà Dương Quang Thiện là “đại gia” với hàng núi tài sản. Đến thăm ông bà trong ngôi biệt thự nhỏ và yên tĩnh khuất trong một hẻm sâu sẽ ngỡ ngàng trước nếp sống tiết kiệm, giản dị và sự cũ kỹ của những bộ bàn ghế, chiếc giá sách... Sang trọng nhất trong nhà ngoài những chồng sách vở chính là mảnh vườn với những chậu lan, những cây sống đời được chăm sóc công phu mà mỗi chiều ông và bà lại song đôi lặng ngắm.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại sống giữa một thành phố sầm uất như Sài Gòn, tôi sớm hiểu chỉ có học mới thay đổi được tương lai. Học và học giỏi, được tài trợ học bổng du học. Người trao học bổng cho tôi bảo: “Hôm nay tôi giúp anh, nhưng anh không nợ gì chúng tôi cả. Muốn cảm ơn, anh hãy trả món nợ ấy cho những người đi sau anh, những người gặp khó khăn như anh hôm nay”. Câu nói ấy thúc đẩy tôi học và cũng câu nói ấy kéo tôi về với đất nước. Dù đã lấy vợ “đầm” (người Thụy Sĩ - bà Agnès Dương Quang Hofstetter), tôi thổ lộ rằng đất nước tôi cần tôi hơn. Và “bà đầm” đồng ý theo tôi về VN. Khi ấy là năm 1965, tôi 31 tuổi.

Rất nhiều lá thư kết nối với VNMPT chúng tôi nhận được hôm nay là của những SV đã nhận học bổng đợt 3 năm ấy, ai cũng nhắc nhớ ý tưởng ông đã nhắn nhủ: “Sau này khi có điều kiện, các em hãy giúp đỡ những người đi sau mình”.

Trong tư liệu của chương trình VNMPT có ghi lại một câu chuyện tại buổi trao học bổng lần 10 cho các SV ngành điện toán. Trong lúc trò chuyện, ông Dương Quang Thiện chợt hỏi: “Các em học điện toán sau này định làm gì?”. Mọi người nhìn nhau, ngần ngừ. Ông hỏi tiếp: “Có ai dự định sẽ trở về quê nhà làm việc không?”. Một bạn mạnh dạn thưa: e rằng quê nhà lạc hậu, không có điều kiện để theo đuổi và phát huy ngành mình học.

Ông đã kể ra câu chuyện của chính mình: một kỹ sư điện toán của Hãng IBM đã từ châu Âu trở về VN năm 1965, một đất nước lạc hậu lại đang ngập trong chiến tranh, bắt đầu những bước đi đầu tiên của ngành công nghệ thông tin.

Tôi nghĩ nước mình còn nghèo, còn lạc hậu nên sẽ cần mình hơn là nước người đã phát triển. Tôi là kỹ sư người Việt đầu tiên của IBM. Tôi cũng đã đào tạo những lập trình viên đầu tiên ở VN. Năm 1975, nhiều người ra đi. Tôi nghĩ đất nước mình vẫn cần mình.

Khi có khoản tiền kha khá đầu tiên là tiền lương hưu giáo viên của “bà đầm” được Chính phủ Thụy Sĩ chuyển về, ông bà mang ngay đến chương trình VNMPT, “lấy giáo dục nuôi giáo dục”.

Những ngày ấy, bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh bảo “phải tự cứu mình”. Và ở phòng làm việc của tôi, giờ nghỉ trưa xuất hiện một tổ hợp sản xuất ruột bút bi, cung cấp nguyên liệu cho một số công ty bút bi. Cứ vậy đến tận 1996, nhờ thế mà tôi có tiền làm công tác xã hội.

Ông cười thoải mái, nhưng đó chỉ là một thời gian khó. Việc giáo dục nuôi giáo dục, tri thức trả về tri thức mà cả đời ông đã làm mỗi ngày cho đến bây giờ - 74 tuổi, là viết sách giảng dạy tin học, hướng dẫn lập trình. Những cuốn sách mang tên Dương Quang Thiện không thể thiếu trong hành trang của “dân” công nghệ thông tin.

Mỗi ngày ngồi trên máy ít nhất sáu giờ, ông rút hết những kiến thức, kinh nghiệm mình tích lũy được qua bao năm để có được bộ sách hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu nhất cho SV. Tiền kiếm được từ việc bán sách, ông lại lên kế hoạch cho các chương trình học bổng, xây dựng trường học, và tính toán chi tiết sao cho thật là có lợi.

Năm 2003, tôi tài trợ cho một cô SV học bổng cao học nông nghiệp ở Hà Lan, mỗi năm 10.000 USD. Tôi bảo cô ấy phải tìm học thật nhiều kinh nghiệm của nông dân Hà Lan, sau này về nước tìm cách phát triển nông nghiệp giúp bà con nông dân mình.

Hết ba năm, cô về nước và được Công ty Dalat Harfarm mời làm việc. Cô ấy làm hai năm rồi nghỉ, mở một trung tâm nghiên cứu các dự án để tư vấn trồng trọt, tìm đầu ra cho nông sản. Cô ấy còn liên hệ được một tổ chức phát triển nông nghiệp ở Đức tài trợ lập quỹ tín dụng cho vay và luân chuyển vốn cho nông dân. Sắp tới tôi cũng sẽ góp thêm vào quỹ ấy.

Ông say sưa nói về những đòi hỏi, mong muốn của ông với sự phát triển của VNMPT: cần xác định rõ hơn trách nhiệm của các thành viên với thế hệ đi sau; cần dõi theo từng bước đi, từng thành quả của những người đã nhận học bổng… Và cả những gợi ý tưởng chừng vượt sức: Tuổi Trẻ thử đầu tư sâu vào một địa phương, tài trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu địa lý, thổ nhưỡng, con người xem vì sao mà nghèo, làm thế nào để khắc phục, và hãy tài trợ cho các dự án đó.

... Chúng tôi hiểu những gì ông bà Dương Quang Thiện đã dành cả đời mình để theo đuổi, đã chọn chương trình VNMPT để đồng hành và chúng tôi biết mình sẽ còn rất nhiều việc phải làm.



Bức ảnh chúng tôi với cô chú Dương Quang Thiện (giữa) trong dịp trao học bổng Vì ngày mai phát triển lần ba (6-5-1989)
 
PHẠM VŨ
http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/289047/mot-doi-lay-giao-duc-nuoi-giao-duc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét