Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Báo cũ (7) KIỂM SOÁT

KIỂM SOÁT

Tác giả có đôi điều:
Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 7 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 18/03/1975, chỉ sau 10 ngày giải phóng Ban Mê Thuột. Bạn đọc xong bài báo này rồi đem so sánh ra sao của hiện tình đất nước, sau 40 năm dưới mái nhà XHCN để rồi tự rút tỉa ra những kết luận riêng thích ứng cho mình.

***********

KIỂM SOÁT

Ở nhằm cái thời đại nguyên tử này, chúng ta khó lòng mà hình dung một cái xe hơi mà không có một cái thắng. Cái thắng chỉ có cái công dụng là giúp ta tránh lao đầu vào chỗ chết. Thế mà, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có vẻ lơ là chúng ta hiện đang sống trong một cái xã hội hầu như đã đánh mất cái thắng từ lâu rồi. Không có gì kiểm soát ta cả: cái thắng "lương tâm" đã bị đánh mất từ khuya, nên ta có thể tham nhũng trắng trợn trên tiền tử tuất, tiền cô nhi quả phụ, trên tiền cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, tiền sức khoẻ thanh niên, v.v.. Cái thắng "trách nhiệm" đã đánh rơi từ hồi nào không biết, nếu ta quản trị bê bối các công ty quốc doanh được chính phủ giao cho trọng trách điều khiển, thì cũng kệ thây, tiền của quốc gia là "tiền chùa", ta chả có trách nhiệm gì cả. Cái thắng "bổn phận" nó đi ngủ xó mô chẳng hiểu, nên nghĩa vụ đối với quốc gia, ta không hề biết, nên mới có chuyện lính ma, lính kiểng để mà bàn ra tán vào. Bổn phận là cái chi chi, nên ta bất cần khi dân chỉ vào mặt ta gọi là trọc phú gian thương.
Chúng ta, hiện là những con người vô kiểm soát. Thành thử, đã mất thắng, thì tuột dốc hồi nào không hay. Cái xã hội mà ta đang sống, ta thấy là nó đang tuột dốc không phanh kinh khủng. Ta đã là người gây ra sa đoạ, mà cũng là nạn nhân của sự sa đoạ. Chẳng qua là ta thiếu cái thắng kiểm soát. Chúng ta đã nghe nói quá nhiều về vấn đề kiểm soát, về kiểm kê, về tự kiềm chế, về thanh tra, về thanh sát. Nó gắn liền với những vụ xì căng đan thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, những vụ buôn lậu có còi hụ, những vụ tham nhũng tại các cơ quan công quyền, những vụ đầu cơ tích trữ trong thương trường, v.v..
Mỗi lần có chi đổ bể, chúng ta nhao nhao đòi chính phủ đòi kiểm soát gắt gao, đòi chế tài gian thương, đòi điều tra người này, người nọ. Đôi khi cảm thấy bất lực, ta kêu gọi đến "thượng tôn pháp luật", hoặc kêu gọi giới lãnh đạo chính quyền bắt chước ngoại quốc mà "tự xử" (từ chức), hoặc trình diễn hơn, ta cho tổ chức thắp đuốc với mong muốn soi sáng lương tâm người cầm đầu. Rồi thời gian qua đi, ta cảm thấy chả có chi tiến triển thay đổi, lần hồi ta ngán ngẩm chứng kiến cuộc xuống dốc không những vật chất mà lẫn tinh thần của xã hội miền Nam VN.
Có lẽ chúng ta quá chú tâm đến vấn đề kiểm soát bên ngoài (mà ta gọi là kiểm soát hành chánh, pháp lý) mà ta đòi hỏi nhà nước phải thực hiện, trong khi ấy cái kiểm soát nội tâm của mỗi người trong chúng ta, thì lại bỏ qua không nói đến. Chúng ta chỉ chú trọng đến những biện pháp kiểm soát đối với người cạnh bên, hoặc đối với gian thương, nhưng chúng ta quên bẵng tự kiểm soát (còn gọi là tự kềm chế, hoặc tự chế) những hành động của chúng ta xem mình có trực tiếp giúp gian thương, giúp tham nhũng hay không. Người ngoại quốc thường hay bảo: người VN đầy rẫy mâu thuẫn: lời nói không đi đôi với việc làm, hành động ít khi đi đôi với lời nói.
Lấy một thí dụ: bà má tôi hay chê chánh quyền tham nhũng, hay ăn hối lộ. Có một đêm, chúng tôi chở bà đi thăm một người bà con ở Chợ Lớn về, vì trời tối căm không đèn đường nên không biết mình đi vào đường một chiều. Thế là khi ra đầu đường phía kia bị cảnh sát thổi còi, đành để cho ông "bạn dân" làm biên bản xử phạt. Bà má ở trong xe chạy ra, cầm tờ giấy 500đ hối lộ xin bỏ qua. Chúng tôi cực nhọc lắm mới nói nổi bà già làm thế là làm thối nát nhân viên chánh quyền.
Lên xe sau khi đã nhận giấy phạt, bà già vẫn cằn nhằn: "mày rõ thối. Thì cho nó tiền cho nó xong. Ngày mai phải lên bót lấy giấy tờ. Có phải mất thời giờ hay không. Đúng là cái dân đi tây về (1*) điên điên, không ai như mầy".
Suy cho cùng, thì bà già rất thực tế: chửi chánh quyền tham nhũng thối nát là một chuyện, đưa hối lộ làm chánh quyền tham nhũng lại là một chuyện khác. Đối với bà già, hai chuyện này hầu như không dính dáng gì với nhau. Và với hầu hết người Việt cũng như thế. Chỉ những thằng điên đi tây đi mỹ về thì điên điên khùng khùng. Chúng ta hô hào phải có những biện pháp kiểm soát, mà cũng chính chúng ta là người đi ngược lại hoặc lắt léo đối với những biện pháp kiểm soát được đề ra.
Cứ nhìn xung quanh chúng ta, thì thấy vô số biện pháp kiểm soát đề ra để bảo vệ cuộc sống của dân chúng, thì người trong chính quyền làm lơ hoặc mách nước cho dân chúng vi phạm hoặc "lách" các biện pháp kiểm soát kể trên. Lấy một thí dụ: là việc xây cất nhà cửa. Chúng ta đã có những luật lệ về xây cất nhà cửa, luật lệ về chỉnh trang thành phố. Hồi thời đệ nhất cộng hoà (thời Ngô Đình Diệm) người ta còn tôn trọng các luật lệ trên, nhưng thời nay người ta tha hồ xây cất bậy bạ, nhất là từ khi quân đội Mỹ ồ ạt đổ vào VN. Đến nỗi thành phố Sài Gòn, hỗn danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, nay trở thành "hủi cùi". Buồn thay! Đôi khi chính chánh quyền đi ngược lại những luật lệ, do mình đặt ra. Có ai đi trên đường Hai Bà Trưng, giữa góc đường Lê Thánh Tôn và công trường Lam Sơn, bộ QGGD đã cho xây một nhà xe ăn lên lề đường, rồi cho chặt mấy cây phượng vĩ vừa mới lú, có biết đâu là chánh quyền thành phố đã vi phạm những luật lệ mình đã đề ra. Chánh phủ đang làm gương xấu cho dân chúng.
Nói tóm lại, là từ trên xuống, chúng ta đã không tự chế, tự kiểm. Chúng ta đang còn là nít phải chờ người lớn đứng sau lưng "cảnh sát" mới chịu làm. Ông cảnh sát mà ngoảnh đi là chúng ta làm bậy. Lắm lúc, chúng ta thông đồng với kẻ có phận sự kiểm soát để làm bậy là đằng khác.
Chúng tôi thường thắc mắc là tại sao những vấn đề liên quan đến kiểm soát là hầu như không thành công đối với người VN. (2*) Nếu thế, thì là điều bất hạnh đối với VN. Vì nếu không kiểm soát, thì coi như không có cái thắng, xã hội ta sẽ xuống dốc (thật ra, thì nó đang tuột dốc, ai ai cũng thấy), và lúc ấy, chỉ có nước đi làm nô lệ cho ngoại bang (Mỹ đang chờ đó) thì vừa.
Bài báo ngày hôm nay chỉ muốn nói lên những nhận xét về "kiểm soát" để tìm hiểu một cách cặn kẽ một vấn đề rất thời sự mà cũng rất sanh tử đối với xã hội miền Nam hiện thời.
Khi nói đến kiểm soát, thì bao giờ chúng ta cũng hướng về phía chánh quyền: đòi hỏi chánh quyền phải có những biện pháp kiểm soát. Còn chúng ta thì xem như là người ngoài cuộc, đứng xem ông chánh quyền kiểm soát ra sao. Tại một buổi thuyết trình tại Hội Lions Sài Gòn Đông, về "Chính sách Thương mại và Tiếp tế trong việc Phát triển Kinh tế", ông TT Nguyễn Văn Diệp, bị chất vấn về kiểm soát giá cả, đã trả lời một cách thẳng thắn mà cũng rất thực tế "với số lượng nhân viên dưới quyền ông, thì không tài nào kiểm soát giá cả, chỉ có người tiêu thụ mới có thể kiểm soát gian thương". Đối với đa số thính giả hiện diện, thì phát biểu trên là sự thú nhận sự bất lực của chính quyền. Nhưng theo chúng tôi nghĩ thì ông Diệp không thể không biết những mánh khoé "mị dân" của những người đi trước (nghĩa là chính phủ "hứa cuội" sẽ có những biện pháp kiểm soát gắt gao), vì làm như thế là quá dễ dãi, ông Diệp lại đặt vấn đề kiểm soát không phải chỉ là nhiệm vụ của chính quyền, mà còn là phải từ phía nhân dân nói chung, hoặc từ phía người tiêu thụ nói riêng.
Nếu chúng ta ai cũng ùn ùn đi mua xăng khi nghe nói xăng sắp tăng giá, thì đừng trách cây xăng tìm cách găm hàng, tạo khan hiếm giả tạo để tăng giá. Nếu nghe rỉ tai là gạo sắp khan hiếm, thì dân chúng ào ào đi mua, thì làm sao trách được gian thương không tìm cách tạo khan hiếm giả tạo để móc túi người tiêu dùng. Biết người ta bán quá giá mà cứ a đầu vào mua, và không hề quan tâm đi báo với chính quyền kẻ bán quá giá, trong khi ấy nhao nhao đòi chính quyền chặt đầu gian thương : đây chính là sự mâu thuẫn kinh niên của người VN ta.
Ở VN ai cũng có thể nhận thấy là chúng ta có quá nhiều kiểm soát, chúng ta đặt quá nhiều giấy tờ kiểm soát. Thế mà, công việc kiểm soát vẫn không chạy, thế mới lạ. Ngạn ngữ Pháp có câu : "Qui controle trop, controle rien" (ai kiểm soát quá nhiều, thì chả kiểm soát gì cả). Chúng ta đã đặt nhiều thanh tra ngân hàng để thanh tra hoạt động của các ngân hàng, thế mà Tín Nghĩa NH, Nam Việt NH vẫn qua mặt Ngân Hàng Quốc Gia đều đều. Rồi ta lại đặt thêm ủy ban kiểm tra các thanh tra này. Rồi nếu không chạy thì ta lại đặt thêm một "siêu ủy ban" để kiểm tra ủy ban kiểm tra này, v.v.. Rồi đủ thứ uỷ ban thanh tra, kiểm tra, điều tra, v.v..
Phải thật tình mà nhận xét là người VN ta không có óc kiểm soát. Bản tính người Việt là hiền hoà không thích gây sự, muốn yên ổn, không muốn gây thù chuốc oán. Có lẽ câu "dĩ hoà vi quý" là câu châm ngôn hành động của người Việt ta. Khi ở vào chức vụ kiểm soát ai đó, hoặc kiểm soát cái gì đó, thì không thể nào tránh đụng độ với ai.
Thành thử, những người tự cho mình là "có học" thường không thích chọn cái ngành kiểm soát, thanh tra vì sợ đụng chạm và nhất là sợ mặc cảm : "bới lông tìm vết", "vạch lá tìm sâu", "mách lẻo", "chó săn", v.v.. Và nếu ở trong tình thế bắt buộc phải thanh tra, kiểm soát, thì cũng "cả nể", nhân nhượng, "chín bỏ làm mười", thông cảm, cho qua, ...Chính vì vậy, chúng tôi lo ngại là trong kỹ nghệ, khâu kiểm phẩm là rất quan trọng, mà vào tay người VN là không xong, có thể xảy ra bê bối. (3*). Cứ tưởng tượng các kỹ nghệ đồ ăn thức uống, bào chế dược phẩm, mà không kiểm phẩm đàng hoàng, thì sức khoẻ người tiêu dùng ra sao? Người Việt hay thích làm vừa lòng mọi người (chúng tôi gọi là tính ba phải) nên kiểm soát là chuyện vạn bất đắc dĩ e ngại đụng chạm nên thường xí xoá bỏ qua.(4*).
Thành thử, trước khi đi đến vấn đề kiểm soát, thì mọi người phải ý thức lại vai trò của kiểm soát viên: ai cũng muốn có kiểm soát, nhưng chả ai muốn làm nghề kiểm soát viên. Vì ai cũng nghĩ rằng hành động của kiểm soát viên, tự thân chả đẹp đẽ gì, chuyện bới lông tìm vết, chuyện "chó săn" thất đức hại người. Thật ra phải can đảm cùng mình, nhất là phải chấp nhận cô đơn, và phải sẵn sàng hứng chịu chống đối trả thù khi lãnh nhận nhiệm vụ kiểm soát và thi hành đúng phận sự. Chúng tôi là người rất thấm thía khi hành nghề điện toán (bây giờ ta gọi là IT). Vào các xí nghiệp, cứ hỏi xem có ai thích mấy ông điện toán IBM hay không. Trăm người như một sẽ trả lời là không. Chẳng qua là vì máy điện toán tìm ra những sai lầm lỗi lầm khi người ta làm bằng tay, thành thử chả ai thích máy điện toán, vì nó quá gay gắt và hay xoi bói. Nếu mọi người đừng để tâm thù hằn kiểm soát viên và ý thức rằng kiểm soát chẳng là phá bĩnh, gây khó khăn mà là cần thiết cho đời sống của chúng ta, thì lúc ấy kiểm soát mới hữu hiệu.
Một điểm mà chúng ta ít để ý đến là cái giá phải trả khi đòi hỏi kiểm soát: kêu gào chánh phủ phải tăng cường kiểm soát, nhưng ít ai ý thức là kiểm soát sẽ tốn bao nhiêu tiền cho ngân sách quốc gia. Không phải chỉ đề nghị kêu gào kiểm soát là đủ. Phải xem xét thêm cái giá ta phải trả để kiểm soát có đáng đồng tiền bát gạo hay không, hay chỉ tổ gây khiếm hụt cho ngân sách, gây lạm phát cho nền kinh tế. Có ai thử làm bài toán về chi phí lương, nhân viên, tiền chiết cựu phòng ốc, tiền điện nước, tiền giấy tờ văn phòng v.v.. khi ông cựu TGĐ Nguyễn Hải B. tuyển người vào (hình như 3, 4 ngàn người gì đó) để lo việc truy thu thuế, rồi đem so với số tiền thuế truy thu được, thì thấy rõ là đáng đồng tiền bát gạo hay không. Chúng tôi tin chắc là không.
Khi mà ta đã ý thức là phải trả một cái giá gì đó khi muốn kiểm soát, thì lúc ấy ta mới đặt ra nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, và mỗi giải pháp là một tổn phí phải trả, để mà lựa chọn so sánh, và tiêu chuẩn là biện pháp nào ít tốn kém cho ngân sách quốc gia, mà có thể đi đến kết quả mong muốn và không thất nhân tâm. Thường tình, ta theo cái lý luận là kết quả phải hiệu quả 100%, một kết quả lý tưởng, nên phải cân nhắc cái giá phải trả với kết quả mong muốn. Thí dụ: nếu kết quả 80% phải tốn 100 đồng, còn kết quả 100% thì phải tốn 1.000 đồng. Khác biệt kết quả 20% như vậy tốn 900 đồng. Nếu cái lợi do 20% đem lại 300 đồng trong khi ấy phải tổn phí 900 đồng, lớn hơn 300 đồng, như vậy là không đáng đồng tiền bát gạo, chẳng khác nào vác búa tạ để chỉ đập được vài con muỗi tép riu. Thật là vô bổ.
Chúng ta phải quan niệm lại vấn đề kiểm soát. Đây không phải là một vấn đề được đặt ra để mà chơi, mà là cả một môn khoa học. Ở khoa vật lý tự động, có môn "điều khiển tự động" (servomécanisme) chuyên nghiên cứu các hệ thống điều khiển tự động. Trong mỗi hệ thống, bao giờ cũng có hiện tượng "lồng lộn" (emballement) làm cho hệ thống trở nên bất ổn. Chúng ta có một thí dụ rất dễ hiểu đối với hiện tượng lồng lộn : khi cái micro trên bục diễn thuyết thình lình rú lên chát chúa điên tai, thì đấy là hiện tượng lồng lộn trong hệ thống khuếch đại điện tử.
Để tránh hiện tượng lồng lộn kể trên, bao giờ hệ thống cũng phải có một bộ phận được gọi là "hồi kiểm" (feedback control) hợp tác với bộ phận "định chuẩn" để kiểm soát và sửa sai lập tức khi thấy có dấu hiệu lồng lộn chớm nở. Ngoài ra, bộ phận hồi kiểm có nhiệm vụ kiểm soát hiệu năng của hệ thống. Nếu thấy kém thì tăng lên đúng theo tiêu chuẩn. Nếu đem áp dụng vào hành chánh, thì hiện tượng lồng lộn tương đương với tham nhũng. Bộ phận hồi kiểm là Giám Sát Viện, là Ủy Ban Thanh Tra, là ngành Bộ Tư Pháp. Bộ phận định chuẩn đặt ra tiêu chuẩn là ngành Lập Pháp, đặt ra những luật lệ, tiêu chí kiểm soát để bộ phận hồi kiểm theo đấy mà làm việc.
Như vậy, ta có thể thấy 2 điểm: (1) Điểm thứ nhất: 3 bộ phận (hoạt động chính, hồi kiểm, và định chuẩn) bắt buộc phải hoạt động một cách hoàn toàn độc lập với nhau và vô tư (nói theo ngôn ngữ đời thường) nghĩa là nếu bộ phận hồi kiểm (tư pháp) không làm đúng chức năng kiểm soát đúng theo tiêu chuẩn (luật pháp) thì hiện tượng lồng lộn (tham nhũng) sẽ xuất hiện trong bộ phận thi hành (hành pháp). Nói theo kiểu thời sự, nếu trong một quốc gia các bộ phận hành pháp, tư pháp, và lập pháp cấu kết với nhau làm một, thì sẽ xảy ra tham nhũng,độc tài, lồng lộn bất ổn (5*). (2) Điểm thứ hai : là bộ phận hồi kiểm phải phản ứng nhanh nhẹn kịp thời, điều chỉnh sửa sai nếu hiện tượng lồng lộn có mòi chớm nở. Từ điểm này, ta có thể suy luận việc làm của Giám Sát Viện (GSV). Giờ này (1975) mà GSV hậu kiểm các chứng từ, chi tiêu của ngân sách năm 1971, 1972 để tìm tham nhũng thì là một công việc hết sức vô duyên. Giờ này là giờ điện toán, mà vẫn giữ những phương pháp kiểm soát kiểu "xe bò", thì tài nào mà tham nhũng coi GSV chả có ký lô nào?
Lấy một thí dụ khác về hoạt động của GSV: là kiểm kê tài sản của các công chức để phát hiện tham nhũng. (6*). Nguyên tắc thì xem ra hay ho lắm, nhưng trong thực tế, là điều vô tưởng, ví nó thiếu cái điểm căn bản về mặt tâm lý: là kiểm kê tài sản để phát hiện tham nhũng trong giới chức chánh quyền. Nhưng theo tâm lý người đời, thì những người mang tội tham nhũng (nhưng chưa được khui ra), nếu bị bắt kê khai, thì chả bao giờ họ kê khai đúng sự thật liên quan đến tài sản của họ cả. Vì rằng, nếu kê khai đúng sự thật thì chẳng khác nào tự mình mở nút thòng lọng đưa cổ vào cho GSV siết.
Một ông đầu tỉnh mua nhà ở Sai Gon, thì không ai dại gì đứng tên mình cả, ông giao cho mẹ vợ đứng tên, thì sức mấy mà ông kê khai ra. Như vậy, những bản kiểm kê tài sản mà người ta ký ở dưới chẳng qua là những tờ giấy lộn, đưa cho GSV làm việc chơi cho vui. Lẽ dĩ nhiên là chả ai để ý đến tiền đã chi ra cho các giấy tờ này, rồi tiền lương trả cho nhân viên ngồi kiểm soát các tờ giấy lộn này. Theo chúng tôi, thì nên bỏ đi cái kiểu kiểm kê tài sản kiểu trên, vì nó vô duyên thêm lại tốn tiền ngân sách quốc gia vô ích.
Có nhiều cách kiểm kê gián tiếp, không cho đương sự biết, thông qua các dữ liệu nằm rải rác trong các bộ phủ : (a) nếu ta có hồ sơ lý lịch của toàn dân (do bộ nội vụ kiểm soát, điều hành) thì những mối liên hệ vợ chồng con cái cha mẹ nội ngoại có thể biết rõ rành (và nhanh chóng, nếu ta điện toán hoá các hồ sơ dữ liệu này; (b) nếu ta có hồ sơ địa bộ, điền thổ (do cơ quan thuế vụ kiểm soát); (c) nếu ta tổ chức thu thập dữ liệu từ buôn bán (thuế TVA), mua sắm xe cộ (sở giao thông công chánh), mua bán nhà cửa (thuế thổ trạch), tiền trong các trương mục ngân hàng, v.v.. thì ta cỏ thể biết rõ tài sản của các ông bà lớn, mà khỏi bắt họ kê khai làm gì cho mất công. Và phải khai thác các dữ liệu đúng lúc khi có manh nha tham nhũng. Phải sử dụng máy điện toán vào việc này thì mới mong nhanh chóng và chính xác.
Khi thấy một ông tổng trưởng có dấu hiệu tham nhũng quỹ Phân Xuất Quân Bình thì phải báo động ngay, chứ đâu lại chờ ông ăn nát nước, tụt chức, rồi mới lôi ông ra toà.
Ngoài ra, người Việt mình hay quan niệm kiểm soát theo tinh thần chế tài, nghĩa là chỉ chực doạ phạt. Chì hăm he doạ phạt, nhưng rốt cuộc không phạt gì cả, dân sinh lờn, coi hăm doạ của chính quyền không ký lô nào cả. Phải quan niệm lại kiểm soát trong chiều hướng ngừa sai, điều chỉnh sai.
Thành thử, khi đề ra hoặc thành lập một hệ thống hoạt động gì đó, thì phải tiên liệu thiết đặt một hệ thống kiểm soát sai lầm, chứ đừng chờ khi hệ thống hoạt động làm bậy, mới thiết lập bộ phận kiểm soát, thì đã quá trễ, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Lấy một thí dụ : người ta thành lập không biết bao nhiêu là công ty quốc doanh, và cơ quan tự trị, thế mà tới giờ này, 1975, không cỏ một hệ thống kế toán thống nhất cho ra hồn, để kiểm soát hoạt động knh tế, tài chính của các công ty kể trên, thành thử đừng trách các công ty này tham nhũng đều đều, phung phí tiền bạc quốc gia một cách vô thưởng vô phạt.
Một thí dụ khác đang làm trò cười cho thiên hạ là: chuyện bắt các nhà nhập cảng phân bón công bố trên báo chí danh sách những nhà buôn được phân phối phân bón. Sau cái vụ xì căng đan phân bón, cái kiểu kiểm soát này, xem ra nó kỳ kỳ sao đấy. Người ta gọi đấy là kiểm soát và yên tâm ngủ yên, sẽ không xảy ra trong tương lai một vụ xì căng đan khác. Nếu có xì căng đan thuốc bảo vệ thực vật, chắc người ta cũng sẽ làm như thế.
Cuối cùng, chúng tôi "cắn cỏ lạy các quan" là đừng ôm đồm quá nhiều việc. Kiểm soát nhiều chỉ tổ làm cho tham nhũng sinh sôi nẩy nở và làm phiền hà dân chúng. Quá nhiều giấy tờ kiểm soát, và có quá nhiều cơ quan kiểm soát trùng dụng, như thí dụ gần đây về bài trừ buôn lậu. Đã có uỷ ban bài trừ buôn lậu, bây giờ lại bày ra Hội đồng Trung ương Bài trừ Buôn lậu. Chúng tôi có cảm tưởng cái vị "dân sự" nào đó được bổ nhiệm làm lớn có mặc cảm là "dân nhảy dù" giữa cái đám chuyên nghiệp nên không muốn dính dáng, nên muốn thành lập một "uỷ ban ê kíp" phe ta để dễ làm việc. Kết quả là ngân sách quốc gia phải đài thọ một lúc hai uỷ ban bài trừ buôn lậu: một uỷ ban ngồi chơi xơi nước, một uỷ ban tập tễnh làm nghề kiểm soát.
Và chính quyền cũng nên cho chúng tôi biết một chính sách kiểm soát rõ ràng mạch lạc. Chứ dân chúng hiện thời đang đứng trước một mê hồn trận, khi thế này, khi thế khác. Ông này tới thì đặt ra một lề lối kiểm soát thế này, ông khác tới thì chê ông trước tồi, bỏ đi lối kiểm soát cũ, đặt ra một lối kiểm soát mới. Dân chả biết mô mà mò, thế là mồi ngon cho tham nhũng.
Ngoài ra, khi kiểm soát phải tránh phí phạm tài nguyên quốc gia. Không biết quý vị nghĩ thế nào khi đọc báo biết là một chốt kiểm soát nọ bắt được một chuyến buôn lậu gạo không có giấy phép chuyên chở. Rồi để cho xe gạo nằm dưới trời mưa, làm cho gạo mục không xài cho nuôi heo, trong khi chờ đợi làm thủ tục lôi ra toà. Đành rằng nhân viên kiểm soát làm đúng phận sự kiểm soát, nhưng việc để cho gạo bị mưa, phải đổ cho heo ăn, là một tội phá hoại làm hao tài sản quốc gia. (7*).
Nói tóm lại, mọi biện pháp kiểm soát mà chính quyền đề ra sẽ trở nên vô ích, nếu dân chúng không ý thức cái công dụng của kiểm soát, và người dân không tham gia vào việc kiểm soát. Chỉ có người dân biết tự chế, tự kiểm, và kiểm soát chính quyền qua kênh báo chí, thì lúc ấy xã hội mới có cái thắng hữu hiệu, tránh nạn tham nhũng, tránh nạn lộng quyền của giới chính quyền.

DƯƠNG QUANG THIÊN
Kỹ sư điện toán IBM
Sai Gon ngày 18/03/1975

Ghi chú : 9/03/2014
(1*) Tôi du học Pháp về, có vợ Thuỵ Sĩ, nên khi hành động gì, hơi khác người ở đây, thì bà già cứ rủa là "đồ đi tây về, khùng ơi là khùng".
(2*) Vào lúc tôi viết bài này, miền Nam chưa biết kiểm soát ma tuý là gì, trong khi ấy trong quân đội Mỹ đã có đường dây buôn ma tuý từ tam giác vàng qua ngõ Thái Lan đi vào bụng những lính Mỹ tử trận ở VN chở về Mỹ theo đường hàng không. Còn bây giờ, thì là loạn.
(3*) Bạn có thấy ông Trần Văn Truyền, cựu tổng thanh tra nhà nước, đã cho thanh tra Vinashin 11 lần mà không thấy sai chi cả, cho đến khi vỡ ra Vinashin nợ đến 86.000 tỉ đồng, mà ông Truyền vẫn được về hưu an toàn.
(4*) Trong thời buổi XHCN, thì bây giờ người ta lợi dụng kiểm soát để tha hồ tham nhũng, móc túi thiên hạ.
(5*). Nguyên lý 3 bộ phận độc lập kể trên của servomécanisme, rất khoa học được áp dụng cho hành chánh công quyền là hành pháp, tư pháp, và lập pháp được triển khai bởi Jean Jacques Rousseau, người Pháp, không được chấp thuận về tính độc lập của 3 bộ phận bởi nhà nước VN XHCN, do đó tham nhũng có thể lộng hành ở VN.
(6*) Sao mà giống như ở VN thời XHCN thế, và 40 năm đã trôi qua.
(7*). Sao mà giống chuyện xe cá ở U Minh Thượng, Cà Mau, bị để cho mấy chục tấn cá bị thối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét