Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Báo cũ (8) MỘT QUAN ĐIỂM VỀ DU HỌC VÀ ĐÀO TẠO CHUYÊN VIÊN



MỘT QUAN ĐIỂM VỀ DU HỌC & ĐÀO TẠO CHUYÊN VIÊN VIỆT NAM 

Tác giả có đôi điều: 
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 8 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 5/1/1974, đăng trên báo Chính Luận, chỉ cách biến cố 1975, hơn một năm. Bạn đọc xong bài báo này rồi đem so sánh hiện tình của nước nhà, sau 40 năm dưới mái nhà XHCN để rồi tự rút tỉa ra những kết luận thích ứng cho mình. Còn nay, tính đến 2013, người ta đang đòi hỏi một cuộc cải tổ toàn diện rộng lớn nền giáo dục VN, vì rằng mỗi năm nhà nước chi chuyển tiền 3 tỷ đô la cho 100.000 du học sinh, với sự trở về nước sau khi thành tài chưa tới 5%, (ta mỉa mai gọi con em chúng ta đang xin "tị nạn giáo dục") và hiện có 300.000 người thành tài đang ở ngoại quốc tha phương cầu thực... Không biết khi nào thì họ sẽ hồi hương xây dựng quê hương? 
***********
Ngày 19/12/1973, nhật báo Chính Luận đăng tải cuộc phỏng vấn khoa trưởng trường đại học Y Nha Saigon để làm sáng tỏ những thắc mắc của giới phụ huynh học sinh và sinh viên về số tiền lớn mà người sinh viên VN phải đóng góp để mua dụng cụ học tập. Đọc xong bài phỏng vấn, chúng tôi có cảm tưởng rằng còn nhiều khía cạnh của vấn đề đào tạo chuyên viên từ trước đến nay cứ bị che dấu. Nhân dịp thực trạng của sự đào tạo y sĩ và nha sĩ VN được công khai thảo luận trên báo chí, người viết bài này xin đóng góp vài ý kiến về giáo dục, giới hạn vào hai lĩnh vực: du học và đào tạo chuyên viên VN.

CÂU CHUYỆN DU HỌC

Trong phần này, chúng tôi không bàn đến những gì có tính cách lý thuyết, nhưng chỉ trình bày những khía cạnh của vấn đề du học (người viết là người đã du học và làm việc nhiều năm ở ngoại quốc và đã có nhiều cơ hội mắt thấy tai nghe nhiều điều, nhưng vì thấy có nhiều điều không được nêu lên cho đồng bào biết, nên sẽ ghi lại vắn tắt những điều này).
Điều đầu tiên cần nói ngay là: lý do du học. Khi nói đến sự du học thì hầu như ai cũng nghĩ tới lý do chính đáng là: du học là một sự đầu tư tinh thần dài hạn. Người ta "hy vọng" là sinh viên VN sau khi tốt nghiệp ở ngoại quốc, sẽ hồi hương phục vụ đất nước, phục vụ đồng bào. Lý do ấy chính đáng, cho nên từ 1954 (sau Điện Biên Phủ, và hiệp định Geneve) tới nay, tuy miền Nam trải qua nhiều đổi thay, nhưng không có triều đại nào dám thay đổi những căn bản của chánh sách du học, mặc dù trong thâm tâm giới hữu trách, họ cũng thấy rõ rằng chính sách du học này không đem lại những kết quả mong muốn. Nếu có thay đổi, thì cũng là thay đổi nơi du học. Thí dụ, trước kia là Pháp, nay thêm Mỹ châu, Úc châu hoặc Á châu. Tóm lại, thế giới không có xứ nào vừa nghèo lại xài sang như VN: bị chiến tranh tàn phá trong nhiều năm liền, mà cứ cho sinh viên du học đều đều. Năm 1972, người viết được đi tu nghiệp tại Thuỵ Sĩ, quê vợ. Và tại đây, một linh mục Thụy Sĩ, chuyên giúp đỡ sinh viên ngoại quốc học ở Thụy Sĩ, đã đặt câu hỏi thế này: "Ngày nào tôi cũng thấy trên TV cảnh tàn phá ở VN. Người ta nói xứ anh nghèo, vậy mà sao tôi thấy sinh viên VN các anh ngày càng nhiều ở Thụy Sĩ, và sinh viên VN nhiều tiền hơn sinh viên Thụy Sĩ. Đây là điều khó hiểu đối với tôi." Tôi chả trả lời nổi câu hỏi nhức nhối này. (1*)
Ngoài lý do tinh thần, còn có một số lý do phụ nhưng ngày càng trở nên quan trọng, và chẳng bao giờ người ta đề cập đến trên giấy tờ hoặc trên báo chí. Những lý do thầm kín này là: bằng cấp ngoại quốc được trọng dụng hơn bằng nội địa; du học ngoại quốc sẽ khỏi bị kêu đi lính; ở xứ người lương bổng cao, tiện nghi vật chất đẳy đủ, không có chiến tranh. Những lý do thầm kín này đã biến việc du học thành "hiện tượng du học" mà mục tiêu cao cả có thể được định nghĩa tóm tắt là: (1) trốn tránh nghĩa vụ quân; (2) hùng hục đi tìm tiện nghi vật chất và lợi ích cá nhân ở xứ người. Nếu có nhà giáo dục VN nào can đảm đề nghị dẹp hẳn du học thì sẽ bị những người có con em đang trốn lính ở ngoại quốc, gán cho cái tội là muốn áp dụng chánh sách ngu dân.
Điểm thứ hai là nơi du học. Quốc gia nào được tiếng là tiên tiến là dân VN ào ào xin vào học. Nơi du học không được thuần nhất như vậy, cho nên đừng ngạc nhiên cho lắm khi thấy chúng ta đang chịu đựng một nền "giáo dục thập cẩm, tả pín lù".
Phần đông phụ huynh sinh viên ít khi để ý đến nơi ăn chốn ở của con em mình cũng như môi trường xã hội nơi họ gởi con em đến học. Dường như sau khi tiễn con em ra phi trường, rồi tháng tháng gởi tiền đều đều cho con là kể như cha mẹ đã chu toàn bổn phận đối với con cái. Đôi khi, có người nhiều tiền của, ra nước ngoài đi thăm con thì cũng chỉ biết cho con thêm tiền và thấy nó mạnh khoẻ là mừng rồi.
Sinh viên ở nước nào cũng vậy, họ sống một thế giới riêng biệt, sinh viên VN ở ngoại quốc cũng thế. Những tiện nghi vật chất mà sinh viên VN được hưởng thụ ngay khi họ đặt chân lên xứ người đã làm cho họ loá mắt. Do đó, họ không còn phải tự cố gắng, vì đã có tiền cha mẹ gởi tới đều đặn. Sinh viên VN họ không bao giờ ý thức rằng sở dĩ các nước châu Âu đạt đến sự sung mãn về tiện nghi vật chất như ngày nay, là vì họ cũng đã trải qua nhiều thập kỷ cơ cực, khó khăn. Đang ở một xứ nghèo, sinh viên VN tự nhiên bỗng nhảy vọt vào một môi trường sung túc, cho nên mọi ý chí cố gắng đều bị tê liệt. Ở VN, việc mua một chiếc xe hơi là chuyện rất khó, nhưng ở các nước tiên tiến, mua một chiếc xe hơi không phải là chuyện gì ghê gớm, vỉ điều kiện mua xe và thanh toán rất là khá dễ dàng.
Đi từ môi trường VN đến môi trường ngoại quốc, thoạt đầu, thế nào sinh viên VN cũng so sánh 2 môi trường. Tại sao nước mình phải khổ cực, sống chen chúc, giấy tờ hành chánh bố ráp lôi thôi, còn ở xứ người không thấy những khó khăn ấy. Từ việc so sánh, suy luận vội vã, rồi đi đến kết luận tất cả vì chiến tranh. Vì vậy mà tư tưởng "phản chiến" (đồng nghĩa với việc nghe theo miền Bắc, CS) xâm nhập vào tâm hồn sinh viên VN khá mau và dễ dàng.
Còn một lý do thầm kín của đời sống sinh viên VN ở ngoại quốc mà ít khi người ta chịu tìm hiểu: đó là lối sống tập thể của sinh viên VN. Ở VN thì được cưng chiều, thì khi ra xứ người cái gì cũng phải tự lo lấy. Đôi khi lại còn gặp khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng, nhất là những năm gần đây, căn bản ngoại ngữ của sinh viên VN ngày càng tệ. Gặp trường hợp đó, thì phản ứng tự nhiên là đi tìm người đồng hương. Thủ đoạn của CS miền Bắc là lập những ủy ban tiếp đón sinh viên miền Nam mới sang. Một chiến dịch tuyên truyền thiên Cộng rất khoa học bắt đầu. Nếu sinh viên nào lật tẩy trò ma giáo của CS thì lập tức bị chúng cô lập. Vì sống xa nhà, nên sinh viên VN thường tụ tập với nhau để nấu các món ăn của quê nhà, và thường hay bàn cãi chính trị. Mục đích của những tụ tập này là để cho qua thời gian cũng như để tìm không khí ấm áp của gia đình. CS miền Bắc thừa dịp này để lái câu chuyện chỉ trích các chính sách của chính quyền miền Nam.
Còn có những lý do thầm kín khác gây ra nạn thất thoát nhân tài được đào tạo ở ngoại quốc, xin tóm tắt như sau: (1) cuộc hôn nhân của sinh viên VN với gái ngoại quốc, làm cho số người thành tài không muốn hồi hương vì sợ vợ con sống cực khổ ở quê nhà; (2) khi nhận học bổng của các nước bạn, thì nước ta không cần suy tính đắn đo. Học bổng nào cũng được, không cần suy tính các môn học ấy về sau có thích ứng đối với hoàn cảnh kỹ nghệ của ta hay không, không quan tâm. Kết quả là nhiều môn học quá cao siêu, không cho phép sinh viên tốt nghiệp thi thố tài năng, vì thiếu phương tiện, cơ sở thí nghiệm, v.v..; (3) chiến tranh kéo dài, học xong về sợ bị gọi đi lính.

Nếu tiếp tục chính sách này, và không chịu kiểm điểm lại kết quả của cuộc đầu tư vô vọng này, thì mãi mãi kỹ nghệ nước ta vẫn èo uột. Các nhân tài có về nước thì các xí nghiệp của ta cũng chưa đủ khả năng thu hút họ.

MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ...

1. Đề nghị thứ nhất. Dẹp hẳn việc xuất ngoại du học nghề. Chỉ có việc dẹp du học thì đại học VN mới chịu cố gắng cải tiến. Người viết xin nhấn mạnh là đề nghi dẹp hẳn du học, chứ không nói đóng cửa du học tu nghiệp. Việc du học hiện thời là một đầu tư vô vọng, thì sao lại phải tiếp tục. Hiện có 30.000 nhân tài tốt nghiệp không chịu hồi hương, tha phương cầu thực. Thiết tưởng, ngày nào cửa ngõ du học còn mở (mở hé hoặc mở toang thì cũng thế) thì những người cầm quyền để mặc đại học VN ra sao thì ra, vì con em họ đã yên ổn học hành ở ngoại quốc. Dẹp du học, thì mỗi năm quốc gia sẽ tiết kiệm ít nhất được 6 tỉ bạc (tiền chuyển ngân hằng năm cho 8.000 du học sinh). Đây là một số tiền rất lớn, có thể dùng vào việc cải tiến hệ thống đại học VN. 

2. Đề nghị thứ hai. Phải quan niệm lại chính sách đào tạo nhân tài: cải tổ đại học, nhất là đại học kỹ thuật. Về chính sách đào tạo thì nên quan niệm rằng một chuyên viên tốt nghiệp là một sản phẩm hoàn tất (end product) của đại học kỹ thuật. Sản phẩm này phải tới tay người tiêu thụ là các xí nghiệp, các cơ quan công quyền, và các cơ sở dịch vụ. Để tránh "lạm phát" làm mất giá trị văn bằng, nên dò tìm thị trường tiêu thụ (bây giờ, ta gọi là làm marketing).
Như vậy, bộ QGGD phải phối hợp với bộ Kế Hoạch và bộ Kinh Tế để biết số lượng nhu cầu về chuyên viên, với bộ Lao Động và Nha Thống Kê để biết số xí nghiệp tiêu thụ chuyên viên, và với các sứ quán VN ở hải ngoại để biết số sinh viên tốt nghiệp có cơ may hồi hương, hầu tính lại số chuyên viên sẽ được "sản xuất" trong nước. Nói tóm lại, đại học VN phải thực tiễn, đừng đào tạo lơ mơ để rồi sinh viên ra trường chẳng dùng gì được hết.
Khi đã có con số về nhu cầu chuyên viên, thì lúc này mới nói đến các phương tiện vật chất để đào tạo chuyên viên. Từ nhiều năm qua, khi nói đến tiền, thì người ta có thói quen than thở là nước ta nghèo (2*) thì lấy đâu ra tiền để mở mang đại học nói riêng, giáo dục nói chung. Và người ta lại quen bình thản kết luận là phải xin viện trợ ngoại quốc đi mất (nghĩa là ngửa tay xin tiền của Mỹ). Vì đã quen ngửa tay xin viện trợ cho nên cái tự trọng của dân tộc ta gần như không còn nữa. Nếu không muốn ngửa tay xin viện trợ, nếu muốn tự lực cánh sinh, thì nên nghĩ đến 3 loại người trực tiếp liên hệ đến việc kiếm ra tiền tài trợ đại học. Đó là phụ huynh học sinh sinh viên, các xí nghiệp, và chính phủ. Khi con em còn ở bậc tiểu học và trung học, cha mẹ thường chấp nhận chi từ 1.000 đến 3.000 đồng hằng tháng, chưa kể tiền thuê thầy kèm cặp ở nhà. Đến khi cho con đi du học ngoại quốc thì phí tổn lại càng cao hơn. Việc này chứng tỏ phụ huynh học sinh VN nào cũng chịu hy sinh bỏ ra nhiều tiền để con em mình có được một nền giáo dục tốt.
Chúng tôi thiết nghĩ rằng, nếu trong nước có một nền giáo dục tốt, thì các phụ huynh học sinh sẽ sẵn sàng đóng góp vào việc đào tạo nhân tài. Nếu các bậc cha mẹ không đủ tiền, thì ngân hàng có thể cho vay với lãi suất nhẹ. Khi sinh viên ra trường, có công ăn việc làm, thì lần lần sẽ hoàn trả tiền cho ngân hàng. Hơn nữa, các ngân hàng bao giờ cũng liên lạc mật thiết với các xí nghiệp cũng như với các cơ sở thương mãi, nên có đủ yếu tố để hướng nghiệp cho các sinh viên.
Các xí nghiệp là nơi sẽ tiêu thụ nhân tài trong tương lai, thì cũng phải tham gia một phần vào chi phí đào tạo nhân tài. Nếu đã coi sinh viên tốt nghiệp là một sản phẩm hoàn tất, thì người tiêu thụ sản phẩm này phải trả một khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, một loại TVA giáo dục, trả trước. Người viết xin phép nhắc các nhà làm luật VN về thuế khoá là kể từ 1972, nước Pháp bắt buộc các xí nghiệp tư hay công sử dụng 10 nhân viên trở lên phải đóng góp vào "quỹ đào tạo đại học". Khoảng đóng góp ấy vào khoảng 0,8% trên tổng số lương nhân viên, và sẽ tăng lên đến 2% vào năm 1976. Tiền đóng góp này sẽ được chước giảm khi tính thuế lợi tức xí nghiệp.
Người viết tin rằng giới công thương kỹ nghệ gia VN sẵn sàng đóng góp vào việc đào tạo chuyên viên. Tuy nhiên, nếu họ có đóng góp, thì cũng phải cho họ có tiếng nói trong việc đào tạo chuyên viên, vì họ là người sẽ tiêu thụ sau này sản phẩm do đại học cho ra lò. Nghĩa là phải cỏ sự liên lạc mật thiết giữa đại học kỹ thuật và xí nghiệp. Ý kiến của các công thương kỹ nghệ gia có thể được xem như là điều kiện sách (cahier des charges) để các trường đại học kỹ thuật theo đấy mà đào tạo.
Cuối cùng là tài trợ của nhà nước. Chính phủ chắc chỉ có thể tài trợ một phần. Ngoài ra, nên nghĩ đến việc tài trợ của các tổ chức quốc tế, như Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB). Số ngoại tệ tiết kiệm được do bỏ hẳn du học cũng là một ngân khoản đáng nể để mở mang đại học kỹ thuật. 
Ngoài ra, cũng xin lưu ý đến một vấn đề: đó là vấn đề viện trợ kỹ thuật ngoại bang. Lối sau này, phía dân sự cũng như quân sự, người ta rất dễ dãi trong việc nhận viện trợ, nhận cố vấn. Kết quả là mình không tin tài của mình, và chỉ có lời của các cố vấn là khuôn vàng thước ngọc. Viết đến đây, tôi liên tưởng đến một việc. Năm 1965, tôi ở Pháp du học về làm cho công ty IBM France, chuyên về máy điện toán IBM 360, loại tối tân nhất vào thời ấy. Vào lúc ấy, tôi đề nghị trang bị máy IBM 360, thì bị một cố vấn Mỹ ở MACV bác bỏ, muốn đưa máy điện cơ kế toán (gọi là máy unit record) phế thải cổ lỗ xĩ của quân đội Mỹ vào. Phải chật vật lắm, viên chỉ huy trưởng Trung Tâm An Bài Điện Tử mới chịu nghe lời tôi dùng tiền ngân sách quốc phòng thuê máy IBM 360, thay vì nhận viện trợ của MACV?
Viện trợ bao giờ cũng đi đôi với một hậu ý gì đó. Đồ viện trợ chẳng qua là đồ thặng dư, hoặc là món quà biếu quảng cáo, với hậu ý là người nhận quà sẽ quen ăn món quà tặng sẽ mua thêm và sẽ là người tiêu thụ trong tương lai. Cho nên, ta không nên mừng khi nghe nói Đức hoặc Nhật viện trợ một bệnh viện với máy móc thiết bị y khoa tối tân nhất. Nói không lấy làm mừng vì lý do dễ hiểu là sau một hai năm sử dụng thì máy móc sẽ trục trặc. Người Việt mình có biệt tài phá máy móc viện trợ một cách nhanh không thể tưởng, vì chả hề nghĩ tới việc tu bổ bảo dưỡng theo định kỳ. 
Chuyên viên VN không rành sửa chữa, phụ tùng linh kiện lại không có, thôi đành phải mời chuyên gia và cho nhập linh kiện phụ tùng để cho sửa chữa. Nếu không thì chỉ có việc xếp xó lại máy móc, trở về làm bằng tay như trước. Chúng ta nên nhớ, là các nhà sản xuất thiết bị họ sống nhờ bán phụ tùng linh kiện, tư vấn, sửa chữa hơn là bán nguyên chiếc một thiết bị. 

3. Đề nghị thứ ba: Phải cho đại học kỹ thuật một cơ chế tự trị. Xin đừng hiểu lầm rằng tự trị là muốn làm gì thì làm. Chữ tự trị ở đây là tự trị tài chính, quản trị nhân sự, giảng huấn, và cơ sở vật chất giáo dục, nhưng đường hướng giáo dục thì phải theo chính sách của bộ QGGD phối hợp với kỹ nghệ thảo ra. Phải coi đại học kỹ thuật là một xí nghiệp chuyên lo "sản xuất chuyên viên", nhân tài cho đất nước.
Đối với nhân viên giảng huấn, thì thiết tưởng phải lo cho họ một mức lương hậu hĩnh, thì họ mới thiết tha và tận tâm. Lẽ dĩ nhiên là họ phải được tuyển chọn kỹ càng.
Ngoài các điều kiện vật chất, phải giải quyết vấn đề quân dịch đối với ban giảng huấn trong độ tuổi phải đi quân dịch. Hiện thời, ta có 7.000 sinh viên du học được miễn quân dịch, thì tại sao không áp dụng cho các giáo sư đại học một khi bãi bỏ du học. Cho giáo sư được triển hạn, hoặc hoãn nhập ngũ một năm, chỉ gây bất ổn về mặt tinh thần đối với những ai hưởng chế độ này. Họ chẳng muốn làm việc gì lâu dài. Hơn nữa, mỗi năm lại phải làm lại giấy tờ, lôi thôi và rắc rối, chỉ làm mồi cho tham nhũng.
Các giáo sư nên được tuyển chọn theo khế ước, thí dụ khế ước kéo dài 3 năm. Sau đó, khế ước hoặc có thể được tiếp tục, hoặc bị chấm dứt, tuỳ theo quyết định của ban quản trị. Nghĩa là phải cho giảng viên biết rõ ràng nếu được tuyển dụng, thì họ sẽ có những quyền lợi nào, đổi lại họ phải có những nghĩa vụ gì. Phải có những bảo đảm tối thiểu những quyền lợi vừa nêu trên thì ít nhất mới mong thu hút nhân tài.
Về việc trang bị dụng cụ kỹ thuật cho sinh viên thực tập và cơ sở giường ốc, thì nên lựa những dự án thiết thực và nhất là ngân sách phải có khoản dành cho bảo trì sữa chữa. Dân ta quen xài sang, nhưng không bao giờ dự trù ngân sách bảo trì sữa chữa. Ta được nước Mỹ viện trợ nhiều xe đổ rác tối tân, nhưng chỉ qua hai ba năm sau thì trở thành phế thải vì chả bao giờ chịu duy tu bảo dưỡng. Nếu quý vị có dịp qua Paris du lịch, thì quý vị sẽ thấy xe buýt tại thành phố này đã có tuổi trên 30 năm.
Tỏm lại đề nghị thứ ba là cho đại học kỹ thuật một qui chế tự trị, để đạt mục tiêu nào đó, mà bộ QGGD đồng nghiên cứu với đại học. Trong ngành quản trị, người ta gọi là quản trị theo mục tiêu, một ngành quản trị rất thịnh hành ở các nước Bắc Âu để đo lường hiệu năng của các đơn vị hành chánh (công quyền hoặc tư nhân).

4. Đề nghị thứ tư: Phải mở rộng cánh cửa tu nghiệp ngoại quốc. Theo ý kiến riêng của người viết thì thời gian tu nghiệp dưới 3 tháng là không bổ ích chi cả so với chi phí đi và về. Vì rằng, ít nhất cũng một hai tháng mới có thể thích nghi với môi trường sống ở xứ người. Có hai loại người phải cho đi tu nghiệp thường xuyên là: các kỹ sư xí nghiệp hoặc các vị giữ chức vụ hành chánh quan trọng, và giáo sư đại học. Phải quan niệm rằng, sau hai ba năm sau khi ra trường, thì kiến thức học ở trường nay đã lỗi thời. Nhưng không nên cho kỹ sư hoặc giáo sư mới ra trường đi tu nghiệp ngay. Phải cho họ hảnh nghề hai ba năm để họ va chạm với thực tế, rồi sau đó mới cho họ đi tu nghiệp ngoại quốc.

5. Đề nghị thứ năm: Nên tài trợ việc nhập cảng sách và tạp chí kỹ thuật và chuyên môn bán với giá hạ cho sinh viên, giáo sư và kỹ sư. Hiện thời, muốn có một tạp chí kỹ thuật để đọc, phải bỏ ra 1.000-1.500 đồng một số (lương bình quân 40.000 đồng/tháng, vàng 70.000 đồng/lượng). Hiện thời, hai nước Đại Hàn và Nhật in lại vô số sách kỹ thuật cùa các nước tiên tiến, rồi cho bán ra bằng 1/3, 1/4 giá nguyên thuỷ. Nếu mua lại sách ở hai xứ này thì giảm đi một số ngoại tệ nhập cảng sách. Cũng nên nghĩ đến một nguồn khác để tài trợ việc nhập sách kỹ thuật: đó là phiếu UNESCO. Và cũng nên nhắc lại là sau 1945, chính phủ Nga ra lệnh các đại sứ quán Nga trên khắp thế giới, thu lượm mua tất cả các sách kỹ thuật rồi gởi về Nga nghiên cứu và học hỏi. Có lẽ việc này, chính phủ đứng ra làm thì thiết thực hơn là lo xẻt thủ tục du học.
Ngoàivra, bộ QGGD nên hợp tác với bộ Kinh tế lập một cơ quan theo dõi các bằng sáng chế ở ngoại quốc. Những cái mà ta gọi là know how, nên mua về sản xuất lấy thay vì nhập cảng.

6. Đề nghị chót: Tiếng Việt nên dạy ở đại học. Hai ngoại ngữ Anh và Pháp nên được dạy theo phương pháp thính thị cưỡng bách (méthode forcée d'audiovisuel).

DƯƠNG QUANG THIỆN
Kỹ sư Điện toán IBM
Saigon 5/1/1974

Ghi chú:
(1*) Vừa rồi, 1/2014, một vk Mỹ cũng đã hỏi tôi một câu như thế. Một câu hỏi 40 năm sau chưa trả lời được.
(2*) Bây giờ cũng thế. Nghèo mà đám chi 3 tỉ đô hằng năm để "tu" trọn 3 tỉ lít bia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét