Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Báo cũ (6). MẤT HƯỚNG


MẤT HƯỚNG

Tác giả có đôi điều: 
Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 6 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 7/2/1975, chỉ cách 3 tháng trước biến cố 1975. Bạn đọc xong bài báo này rồi đem so sánh hiện tình của nước nhà, sau 40 năm dưới mái nhà XHCN để rồi tự rút tỉa ra những kết luận thích ứng cho mình. Còn nay, tính đến 2013, người ta đang đòi hỏi một cuộc cải tổ toàn diện rộng lớn nền giáo dục VN, vì rằng mỗi năm nhà nước chi chuyển tiền 3 tỷ đô la cho 100.000 du học sinh, với sự trở về nước sau khi thành tài chưa tới 5%, (ta mỉa mai gọi con em chúng ta đang xin "tị nạn giáo dục") và hiện có 300.000 người thành tài đang ở ngoại quốc tha phương cầu thực... Không biết khi nào thì họ sẽ hồi hương xây dựng quê hương? 
***********

Những năm về sau này, vấn đề giáo dục ở trung học, cũng như ở đại học đã được đề cập khá nhiều. Người ta đem ra mổ xẻ, tranh luận, kèm theo những khuyến cáo với cái hy vọng mỏng manh là nếu hành pháp thương tình thì nghe giùm cho. Nhưng kinh nghiệm cho ta thấy là những buổi hội thảo để mổ xẻ những vấn đề giáo dục (cũng như các khoá hội thảo vế nhân dụng, về tái thiết, về năng lượng, v.v..) ít khi kèm theo những hành động cụ thể. Người ta hội thảo để mà hội thảo. Thế thôi. Chúng tôi có cái cảm tưởng ai ai cũng ý thức là cái "nhà giáo dục" của ta nó "dơ dáy" tứ bề, đủ mọi vấn đề phải giải quyết, cái nào cũng có vẻ ưu tiên cả, nhưng không ai biết phải dọn dẹp thế nào, chỗ nào dọn trước, chỗ nào dọn sau. Người thấy vấn đề thì lại không có quyền sửa đổi, nếu có đưa ra khuyến cáo thì cũng sẽ bị lãng quên. Kẻ có thẩm quyền giải quyết thì lại trù trừ, bất nhất Cho nên với thời gian, những vấn đề khó khăn cứ chồng chất, chờ giải quyết. Phía tư nhân cũng như phụ huynh học sinh, dầu cho ý thức của sự lủng củng trong nền giáo dục của VN, thì giao khoán cho các nhà làm giáo dục. Trong khi chờ đợi, mỗi người tự xoay xở lấy, với mong chờ một tình thế sáng sủa hơn.
Biết đại học mình nó bê bối, nhưng chả ai muốn làm gì hơn, ngoài việc "chạy thuốc" cho con cái mình du học ở ngoại quốc (bây giờ ta gọi mỉa mai là "tị nạn giáo dục", 2/2014) để cho con cái đỡ khỏi thiệt thòi. Thế rồi, ai cũng bằng lòng cho sự khôn ngoan của mình, có biết đâu là mình đang trốn chạy cái thực tại mà đáng ra mình phải cùng quốc gia giải quyết vấn đề.
Chính chúng tôi thường thắc mắc là đại học VN đang đi về đâu? Chúng ta đã tìm ra một đường hướng mới cho giáo dục VN chưa? Chúng tôi đã nghe nói nhiều về những buổi hội thảo, những bài báo, những đề nghị cải tổ giáo dục: nào là giáo dục phải khai phóng, phải thực tiễn, giáo dục phải trở về nguồn, nào là giáo dục phải nhân bản, ...(1*). Người ta đang kêu gào đại học phải thực tiễn (nhưng trong lòng thì lại muốn thực dụng như kiểu Mỹ) đừng quá từ chương, phải đi sát với nền kinh tế nước nhà, với nhu cầu phát triển quốc gia. (Nói cách khác bỏ đi cái học kiểu Pháp, mà chọn lấy cái học kiểu Mỹ).
Nhưng nếu nhìn cho tận cùng vấn đề, thì chúng tôi có cảm tưởng là khi suy tưởng về giáo dục VN, thì hình như "luống cày" của nền giáo dục đô hộ nô dịch của Pháp để lại vết hằn khá sâu trong mọi suy tưởng của chúng ta. Hồi trước, ta nghĩ giáo dục theo kiểu Pháp, ngày nay theo kiểu Mỹ. Ngoài Bắc chắc nghĩ giáo dục theo kiểu Nga Sô, Trung Cộng. Hiện giờ, ta vẫn đang còn bị ám ảnh, bị "thôi miên" bởi nền giáo dục hướng về kỹ thuật Âu Mỹ. Tưởng rằng cái giáo dục nặng về kỹ thuật, về quản trị (của các nước tiên tiến) sẽ giúp ta khỏi cảnh chậm tiến. Cho nên ở VN ta, cha mẹ phụ huynh học sinh sinh viên, cũng như chính quyền, cứ nghĩ rằng bất cứ giá nào cũng cho con em xuất ngoại du học. Các viện văn hoá Pháp, Đức, Nhật, Mỹ, đều được giới trẻ chiếu cố tận tình. Nghĩa là, cái chi cũng hướng ngoại, coi như đây là cái "chìa khoá" thoát ly cảnh chậm tiến.
Với những định kiến như trên, thì không trách là chúng ta chưa tìm được một nền giáo dục thích ứng cho con em chúng ta. Các vị khoa bảng ở Pháp về, thì suy nghĩ theo kiểu Pháp, các vị ở Mỹ về thì cho Mỹ tốt. Đã có lần chúng tôi gọi nền giáo dục VN là nồi lẩu "thập cẩm", hoặc là giáo dục "giỏ cua" (cua bò tứ hướng, ông nào cũng cho giáo dục nước đào tạo mình là "sư"). Rất buồn khi gọi như vậy.
Theo chúng tôi nghĩ, ta phải quan niệm lại vấn đề giáo dục VN trong hiện tình kinh tế xã hội của Việt Nam. Công việc này đáng lẽ ta phải làm cách đây 30 năm (nghĩa là từ 1945), chúng ta đã không làm. Hậu quả thế nào, các cuộc hội thảo, tranh luận, mấy năm về sau này, đã nói lên rồi. Nói lên để thức tỉnh một số người. Rồi sao nữa? Đây là câu hỏi mà chúng tôi hằng mong có sự trả lời.
Bài báo ngày hôm nay không ngoài tham vọng là góp phần rất nhỏ mọn nói lên vài nhận xét liên quan đến giáo dục VN, hầu giúp ta quan niệm lại giáo dục VN trong một chiều hướng khác.
Từ trước đến giờ, các đấng cha mẹ khi con cái ăn học, chỉ mong con cái thành đạt để có địa vị cao sang trong xã hội. Nghĩa là đi học để sau này ra làm "quan" (bây giờ gọi là cán bộ) với tất cả quyền cao thế trọng. Cái quan niệm quan liêu đã ăn sâu vào trí óc của chúng ta từ lâu rồi (mặc dầu ta gọi là đang ở trong một nền dân chủ cộng hoà). Tiếp theo, là nền giáo dục đô hộ của thực dân Pháp: đi học để đi làm công chức, vào ngạch. Sau khi độc lập (1954 trở đi) đi học là để trở thành giám đốc, tổng giám đốc, bộ trưởng, tổng trưởng, v.v..chiếm những chỗ mà trước đây dân Pháp nắm giữ. Nói cách khác, đi học cho cao, để có địa vị cao sang kèm theo các quyền lợi vật chất gắn liền với chức vụ. Với cái đầu óc mà ta cho là thực dụng, các đấng cha mẹ, nghĩ rằng chỉ có đi du học ở ngoại quốc, thì con mình mới có chỗ tốt trong xã hội khi hồi hương, mới được người ta trọng vọng. Chứ văn bằng nội địa không có "kí lô" nào, không bảo đảm cho lắm. Chính vì vậy mà (ngoài lý do trốn quân dịch) mới có hiện tượng du học xô bồ, học tại bất cứ quốc gia nào.
Ngoài ra, người ta ai ai cũng lý luận rập khuôn như sau: muốn thoát cảnh nghèo đói, chậm tiến, thì phải canh tân và kỹ nghệ hoá. Muốn thế, thì học cái kỹ thuật của âu tây, giống như Nhật Bản. Và các vị lão thành cách mạng (như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu,...) đã cổ vũ khuyến khích như thế.
Có lẽ đã nghe nói nhiều như thế, được lặp đi lặp lại nhiều lần, nên ta đã vô tình yên trí như thế. Đã mấy chục năm nay, ta đã bắt chước Nhật Bản, gởi người đi học tứ xứ (2014, hiện ta có người đi học trên 100 quốc gia), thế mà tại sao giờ đây ta ngồi than là kỹ nghệ chả thấy tiến chút nào, nông nghiệp vẫn còn ấu trĩ, đại học thì cứ học đại, v.v. .? Hành chánh cồng kềnh đầy tham nhũng. Các quốc gia bạn đã viện trợ kỹ thuật và cấp học bổng vô số kể. Thế mà chậm tiến, vẫn ở trong vòng chậm tiến. Người ta đã viện đủ lý do giải thích biện minh cho sự kiện này: nào là tư bản ta nghèo, vì ta đang có chiến tranh. Cái giáo dục ta có trì trệ, nếu đại học ta là từ chương là học đại, tất cả là do chiến tranh. Mọi lỗi lầm gì người ta cũng đổ vào "thùng rác" chiến tranh.
Chúng tôi thì nghĩ khác. Khi chúng ta gởi người đi du học tại các nước Âu Mỹ, chúng ta quên một điều rất quan trọng mà ta bỏ qua: là tại các nước tiên tiến, cấu trúc các ngành kỹ nghệ đã có sẵn được gầy dựng qua nhiều thời kỳ khó khăn, vất vả, các cơ quan công quyền hành chánh cũng đã có sẵn nền móng. Từ 80-90% sinh viên tốt nghiệp khi ra trường là đi vào vận hành bộ máy hành chánh công quyền và hạ tầng cơ sở kỹ nghệ, và thay thế lớp người sắp hưu trí. Còn lại 10-20% sinh viên ra trường tiếp tục đi làm tiến sĩ đi vào Nghiên cứu & Phát triển (gọi là R&D) để bành trướng và phát triển kỹ nghệ khoa học sau này.
Thành thử, khi ta gởi người đi du học, thì người ta cũng chỉ dạy cho sinh viên những căn bản để điều khiển vận hành cái bộ máy hành chánh và kỹ nghệ đã có sẵn.
Điều chúng ta không chịu tìm mà học, mà chắc chả có ai chịu dạy ta học, (vì giáo dục để cho em người ta học mà!) là làm thế nào điều động nhân lực, tài lực, công nghệ để từ 2 bàn tay trắng mà vả nên hồ, từ con số không mà làm nên kỹ nghệ. Lập xong thì phải quản trị thế nào để đẻ ra tiền. Chính chúng ta không được đào tạo huấn luyện thành những người có đầu óc tiền đạo khai sơn phá thạch.
Được gởi đi du học, ta chỉ có học cái tinh thần hưởng thụ vật chất ở xứ người, hoặc học những cái gì cao siêu tiên tiến chỉ có thể ứng dụng ở xứ người. Một số đông sinh viên du học khi thành tài, thường quan niệm rằng khi hồi hương có việc cho họ làm: phải có nhà máy để họ làm giám đốc, hoặc tổng giám đốc, phải có "labo" để làm thí nghiệm chơi chơi. Bây giờ, nếu hỏi ngược lại: chính phủ là ai? Nếu không nói là những người không có diễm phúc đi du học, vì thuộc loại "cù lần", vì không đỗ hạng ưu để được du học (tiêu chuẩn du học được đặt như thế). Nếu những người ở lại thuộc loại cù lần, thì làm sao nghĩ ra những kỹ nghệ tối tân (mà lấy tiền ở đâu) để các nhân tài tốt nghiệp có thể nói tài khoe tướng. Nói tóm lại, ở VN hiện thời, học ở VN ra, hoặc tốt nghiệp ở ngoại quốc về, cái học của các vị khoa bảng cũng chỉ làm chuyên, hoặc làm công chức các bộ phủ, hoặc tư chức cho các công ty ngoại quốc, hoặc các công ty quốc doanh có sẵn. Cái học để ta đi xin việc làm, chứ không phải cái học để tạo công ăn việc làm cho dân chúng, hoặc tạo dựng mới kỹ nghệ. Cái oái oăm là có nhiều bà vô học, nhưng có tài tháo vát, có óc sáng kiến gầy dựng được những sản nghiệp giỏi hơn cả các vị khoa bảng với cái bằng to tướng. Các chú ba tàu Chợ Lớn đâu có gởi con đi du học ngoại quốc nhiều như người Việt ta, nhưng đa số các xí nghiệp là do họ nắm giữ. Thực tế, là như vậy đó.
Nói tóm lại, là chúng tôi hơi nghi ngờ cái kết quả của các cuộc gởi người du học ở ngoại quốc, cũng như cái lối rập khuôn giáo dục Âu Mỹ cho VN. Nó cho ra những cái văn bằng chỉ 3-4 năm sau đã lỗi thời, chứ nó không cho ta những con ngưởi mang đặc tính tiền đạo khai sơn phá thạch. Chính cái điểm này là quan trọng đối với chúng tôi, mà ít ai để ý.
Cái quan điểm thứ hai mà ta thường quan niệm rất ư là hồ đồ: là chì cần thu thập thật nhiều các kiến thức, có văn bằng thật cao (bây giờ là bằng tiến sĩ) là có thể làm giám đốc, lãnh đạo một cơ quan hoặc điều khiển một xí nghiệp. 
Ngay từ tấm bé, chúng ta được huấn luyện "nhồi sọ" theo cái quan điểm sai lầm kể trên: chúng ta chúi mũi vào học, chỉ biết học và học. Để cho có cái mảnh bằng thật cao, cố đứng đầu lớp. Rồi khi giựt được địa vị cao sang thì coi như là xong, tự mãn. Từ ngay trong lòng gia đình, ta được đào luyện theo mẫu người luôn luôn bị ám ảnh bởi cái ma lực của mảnh bằng. Phải có cái bằng tiến sĩ, kỹ sư, hoặc ít nhất cũng phải cử nhân. Không cần biết mình có khả năng hay không, miễn có cái bằng cho khỏi mất mặt với bà con. Trong số trí thức khoa bảng của chúng ta, không biết bao nhiêu người bằng học ra là một nghề, nhưng khi hoạt động thì lại là một ngành nghề khác, mà ngành này học theo kiểu tài tử. Kỹ sư công nghệ đi làm giám đốc tín dụng ngân hàng, kỹ sư điện lại đảm trách giám đốc tài chính ngân hàng.
Nói cách khác, cái học của ta nó không đi đôi với cái hành, những kiến thức học ở xứ người không thể đem áp dụng vào xứ ta, giúp phát triển quốc gia: có lẽ kiến thức đi đôi với thực tế (vì ngành học quá cao siêu, quá xa xôi, không đất dụng võ), hoặc kiến thức thì có đấy, nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực hành, hoặc là tình trạng quân dịch, không cho phép chọn đất dụng võ.
Ngoài ra, chúng ta mang nặng cái định kiến phân chia giai cấp "sĩ, nông, công, thương" từ ngàn xưa để lại. Cái học hiện thời của chúng ta chỉ hướng tới trở thành những kẻ sĩ, dầu cho kẻ sĩ bây giờ không học những đạo lý thánh hiền hoặc ngâm thơ vịnh trăng như hồi xưa.
Kẻ sĩ bây giờ dưới dạng những kỹ sư, tiến sĩ, bác sĩ, v.v.. chỉ biết nói chuyện lý thuyết, ngồi bàn giấy ra lệnh, nghiên cứu trên giấy tờ, chứ thật tình chả muốn xắn tay áo làm việc với công nhân, chẳng qua là mang người cái định kiến "sĩ", "công" mà ra. Khi chúng tôi còn là sinh viên du học ở Pháp, chúng tôi cũng có cái quan niệm sai lầm kể trên. Có lần, chúng tôi được một gia đình Thụy Sĩ mời về nghỉ dưỡng trong 3 tháng hè. Gia đình này có một tiệm hạ thịt và bán thịt (bouchrerie-charcuterie) và một tiệm ăn. Ông chủ là một tay đồ tể, đồng thời chế biến gia súc như giăm bông, xúc xích, v.v.. Người con trai trưởng theo học ngành hạ thịt, và "hoả đầu quân". Gia đình khá giàu, chúng tôi hỏi ông bà giàu như thế, sao không cho con cái đi học ngành kỹ sư, bác sĩ, mà chọn những ngành đồ tể, mở quán ăn, nghèo hèn như thế. Bà chủ trả lời rằng: chúng tôi không cần danh vọng và chức tước, chúng tôi cần những công dân làm việc ra hồn, ngành đồ tể đâu có phải là nghề hèn mọn, cũng phải học 3-4 năm, có bằng chứng nhận mới được hành nghề, chứ phải chơi chơi đâu. Chúng tôi phải mất một thời gian mới bỏ được cái quan niệm "sĩ, nông, công, thương" sai lầm kể trên, mang sẵn trong đầu óc chúng tôi.
Theo chúng tôi nghĩ, thì chúng ta phải suy nghĩ lại giá trị công việc làm: nghề chân tay không thể mãi mãi là hèn kém so với nghề trí óc. Nếu từ nhỏ, ta đã hướng nghiệp con cái về cái nghiệp làm thầy làm thợ, thì cái hậu quả trước mặt là dân trí thức thất nghiệp ngày càng nhiều, loại trí thức "nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi", loại trí thức vác bằng đi xin việc làm, thay vì loại trí thức sử dụng những kiến thức tạo những công ăn việc làm cho những người vô học.
Thành thử, chúng ta đang ở trong cái vòng luẩn quẩn: là số người đi học ứng dụng thực tế thì ít, mà số người đi học lý thuyết hoặc ứng dụng vào những trò lông bông thì nhiều: số chuyên viên nghiên cứu trên giấy tờ, thì ngày càng nhiều, nhưng người đi vào ứng dụng thực tế ngày càng ít. Ngày xưa, các ông nhà nho rành tứ thư ngũ kinh thì được nể trọng, còn ngày nay toán lý hoá đầy bụng người ta mới cho là cao siêu. Có nhiều vị giám đốc, toán học thì cừ lắm, nhưng những bài toán tầm thường về kế toán lãi lỗ, về quản trị, thì không thèm để ý, vì quá nhỏ nhoi ti tiện, thành thử việc quản trị xí nghiệp để ra sao thì ra. Chúng ta được giáo huấn theo chiều hướng trở thành những người hùng toán lý hoá, về bằng cấp cao, về các lý thuyết mới lạ ở Âu Mỹ (chẳng hạn vận trù học - operation research, về trí tuệ nhân tạo...), nhưng những con người tầm thường lý thuyết đi đôi với thực hành, đôi khi nhỏ nhoi thì ta được khuyến dụ là nên tránh xa. Thành thử có chuyện nực cười (và đau lòng) xảy ra ở VN: là chuyện lúa gạo. Với bao nhiêu tiền bạc, gởi người đi du học tứ xứ, nhân tài ta thừa mứa, kẻ có đầu óc, lý thuyết kinh tế, chính trị học đâu có thiếu gì, thế mà nội cái chuyện thu mua lúa gạo, lập kho an toàn, lập hệ thống tồn trữ và phân phối, chúng ta đã nghe nói từ cái hồi mồ ma ông Diệm, cho đến bây giờ. Tiền đã đổ không biết bao nhiêu là tỉ bạc vào chương trình Người Cày Có Ruộng (NCCR), vào Tổng Cuộc Tiếp Tế, nay là Tổng Cuộc Thực Phẩm. Vốn liếng của TCTP nay đã trên 100 tỉ, thì không thể nói là không có tiền.
Thế mà, mấy chục năm qua, những chuyện quá đỗi tầm thường như chuyện lúa gạo, mà cũng không giải quyểt xong. Cứ mỗi lần là ta quy trách nhiệm cho gian thương, cho ba tàu Chợ Lớn, cho chiến tranh, cho đủ thứ lý do. Lâu lâu ta dở trò pháp trường cát (ám chỉ vụ xử tử Tạ Vinh, ba tàu đầu cơ lúa gạo), chế tài, ... để doạ suông. Thật ra, ta vẫn mãi mãi là những anh đồ nho tân thời "đọc sách ngâm thơ". Sách bây giờ, không phải là tứ thư ngũ kinh, mà là sách toán, lý, hoá, hoặc sách nói về lý thuyết kinh tế Keynes, hoặc kinh tế chính trị Mac Lê... chứ cái thực tại đời sống gia đình, quốc gia, ta giao trọn cho "mẹ đĩ" quán xuyến, cho "gia nhân" điều hành, cho "ba tàu" chi phối.
Ngoài ra, chúng ta đang được đào luyện theo một chiều hướng mà chúng tôi gọi là giáo dục chuyên chế, giáo dục anh hùng cá nhân. Cha mẹ nào cũng khuyến khích con mình học cho giỏi để đứng đầu lớp, là mục đích tối hậu của cuộc đời con trẻ.
Ở nhà, thì cha mẹ tránh cho con những phiền luỵ của cuộc đời, những thiếu thốn vật chất, hoặc dấu con cái những ưu tư kinh tế gia đình, để con cái yên tâm học tập, nuôi dỡng con cái trong một môi trường giả tạo, mà chúng tôi gọi là "môi trường chân không" (vacuum). Học sinh, sinh viên chỉ biết học, học đến mụ người để được đứng đầu lớp, để được bằng khen, để thi ra thủ khoa, ...chúng ta muốn trở thành những người hùng trong lớp, hoặc khi thi ra trường. Đặc tính của chủ nghĩa anh hùng cá nhân là tính tư tôn tự mãn (đi đến độc tài không bao xa) quá lớn, xem bạn học đồng môn, hoặc những đồng nghiệp là những đối thủ cạnh tranh triển vọng, coi tập thể như con số không, coi ý kiến tập thể không ra gì, không đáng để ý. Chính cái tinh thần cá nhân chủ nghĩa đã đưa ta đến tình trạng mà người Pháp đã có lần phát biểu rằng "trong lỗ rún của người Việt, là một ông quan đang ngủ". Những chuyện tham quyền cố vị, nghi kỵ, chụp mũ, đố kỵ, chẳng qua là hậu quả của tinh thần anh hùng cá nhân chủ nghĩa kể trên.
Ngoài ra, cái giáo dục hiện chúng ta đang hấp thụ là quá chuyên chế. Ở gia đình, ta đã học cái tinh thần: "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy", hoặc "cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Ở trường, thì trên bục giảng thầy "thuyết" một hồi, học sinh sinh viên thì lo ghi ghi chép chép, không bao giờ dám thắc mắc, chất vấn, đặt vấn đề, vì hoặc sợ "phạm thượng", hoặc sợ thầy bị mất mặt lỡ gặp phải vấn đề thầy bị bí, không trả lời được. Chuyên chế đến nỗi, nghe người ta kể lại trường luật, thí sinh bị đánh hỏng vì chẳng qua dùng không đúng từ chuyên môn thầy đã dạy ở trường.
Trong tinh thần này, tính chất chuyên chế nó đè nặng: là học sinh sinh viên không có quyền thắc mắc, đặt vấn đề về những lời giảng của người lớn. Chúng ta đã được giáo huấn: phải làm theo lời chỉ dạy, không thắc mắc bàn cãi gì hết. Lời giảng, cũng như kinh nghiệm của người đi trước phải y theo như đinh đóng cột. Với tinh thần giáo dục chuyên chế như trên, học sinh sinh viên không có quyền thử tìm kiếm kinh nghiệm riêng cho bản thân, vì "cá không ăn muối cá ươn" (bây giờ, người ta bỏ cá vào tủ đông thì hết ươn) mà phải học kinh nghiệm của người đi trước (có thể là quí báu, nhưng đôi khi đã lỗi thời), và không có quyền lấy quyết định vì người lớn đã lấy quyết định rồi: từ nơi ăn chốn ở, nơi học hành, kể cả việc dựng vợ gả chồng.
Thành thử, đừng ngạc nhiên cho lắm sự khiếm khuyết tính tự lập, óc xông xáo nơi người trẻ (dù là trí thức) của chúng ta: cái chi cũng tuỳ thuộc vào cha mẹ, ra trường cũng nhờ ô dù (piston) của cha mẹ họ hàng để có chỗ tốt. Ở sở, thì tuỳ thuộc vào "sếp". Cái tinh thần chuyên chế và "nâng bi" vì thế mà chúng ở trong đầu chúng ta. Ta chuyên chế với thuộc hạ ở dưới cho rằng những gì ta viết ta nói là không sai lầm, nhưng ta "nâng bi" sếp trên chẳng qua là để tránh búa tạ chuyên chế của sếp ở trên nện xuống.
Thành thử, những cái cảnh ông tổng giám đốc ở trên phát biểu bậy bạ về một vấn đề gì đó, thì các giám đốc ở dưới im re không lên tiếng, đôi khi còn hùa theo cái bậy của sếp, chúng ta thấy đầy dẫy những trường hợp này trong các cơ quan công quyền ở VN. Người xưa ta thường xách "Khồng Tử nói", " Mạnh Tử viết" làm châm ngôn hành động, thì nay ta chìa ra nào "Tổng Thống dạy", "Tổng Thống phán..."
Đây chẳng qua là vì cái giáo dục chuyên chế của chúng ta, đi ngược lại trào lưu dân chủ mà ta hằng mong ước.
Tới đây, chúng tôi thiết nghĩ, nếu muốn nói hết các vấn đề của con bệnh giáo dục VN, thì còn nhiều vấn đề phải nói, mà chúng tôi thì không tài nào bao quát hết mọi vấn đề. Chúng tôi chỉ nói lên những vấn đề chúng tôi suy ngẫm. 
Sinh ra nhằm buổi giao thời, lúc mà chế độ nho học biến dạng nhường chỗ cho cái học tân thời, mà lại cái tân học nô dịch, nhưng chúng tôi rất buồn nhận thấy là chúng ta vẫn chưa tìm ra một đường hướng chính sách giáo dục, cả trong gia đình lẫn trong học đường, có thể nói lên cái cá tính của dân tộc Việt, đồng thời vừa không tách rời khỏi cộng đồng kỹ thuật của thế giới văn minh, hoặc những ưu tư kinh tế của nhân loại. Ngoài ra, một chính sách giáo dục khả dĩ giúp chúng ta thoát khỏi chậm tiến, nhưng vẫn không làm mất những nét văn hoá độc đáo của dân tộc Việt.
Ai ai cũng nhận thấy cái giáo dục lai căng của chúng ta, nhưng ai cũng cảm thấy bất lực, không biết sửa từ lâu. Ngày qua ngày, tạm thời vá víu.
Nếu có ai hỏi chúng tôi có những ước mơ gì trước trạng huống giáo dục VN hiện thời : thì xin thưa là nếu chúng tôi có một cái quyền (một phép lạ) thì chúng tôi sẽ bắt giam tất cả những ai làm giáo dục, thiết tha với giáo dục. Giam suốt 4, 5 tháng tại một khách sạn sang trọng như LangBiang Palace ở Đà Lạt, tuyệt đối không cho họ về hú hí với vợ con. Một loại hội nghị Diên Hồng giáo bắt buộc. Họ buộc lòng phải nặn đẻ cho ra một chính sách giáo dục lô gic có thể áp dụng trong một thời gian dài 40-50 năm, không bị lỗi thời, xong mới thả họ ra. Chứ các hội thảo hiện thời chỉ nói suông, khải ngứa đôi chút cho vui. Các ông lớn làm giáo dục, thì mãi bận lo khánh thành cái này, tặng huy chương cái kia, liên hoan đâu đó, nên không có thời giờ suy nghĩ đến nơi đến chốn.
Trong khi ấy giới trẻ MẤT HƯỚNG đang kêu gào, cho đến bao giờ ??? Chả ai biết.
Không biết cái ước mơ trên có "điên điên khùng khùng" đối với quý vị hay không?

Dương Quang Thiện
Kỷ sư Điện toán IBM
Sài Gòn, 7/2/1975

Ghi chú:
(1*) 28/2/2014 - chép tới đây làm tôi nhớ đọc trong blog của một việt kiều ca ngợi nền giáo dục của miền nam vn rất là khai phóng, thực tiễn, trở về nguồn, v.v.. làm như miền nam vn đã thực hiện các điều này, trong khi bài báo của tôi đăng trên Chỉnh Luận, ngày 7/2/1975, hai tháng trước giải phóng thì lại nói chưa có. Cái nực cười, hiện thời ở VN, là trong những bài báo của các nhà làm giáo dục VN thì gần đây cũng đòi hỏi những điều kể trên, v.v.. khi bàn về cải tổ giáo dục VN.

Đã gửi từ iPad của tôi

3 nhận xét:

  1. Em cảm ơn anh Thiện đã chuyển cho xem một bài rất chí lý !
    Hồi xưa giới lãnh đạo đã ngu như vậy và nay còn ngu hơn gấp nhiều lần khi họ cho rằng những gì họ nói, họ làm là trí tuệ nhất trên đời.
    Không biết bao giờ mới khá nổi ! Ai tai, ai tai !!!

    Kính chúc anh Thiện luôn được khoẻ mạnh và bình an, những bài viết của anh đến được những tay lãnh đạo hiện nay để họ mở mắt cho ... đỡ ngu.

    HQO

    Trả lờiXóa
  2. đất nước nào cũng vấp phải thảm trạng này, liệu có mấy ai suy nghĩ được như tác giả, nhân tài thời nào cũng như lá mùa thu...

    Trả lờiXóa
  3. Dạ. Con đã đọc 2 lần liên tục và cảm nhận tính hiện thực của giáo dục (qua bài viết), gần 40 năm mà như vẫn còn nguyên. Bác Thiện thật xuất sắc trong định hướng giáo dục. Ngưỡng mộ Bác từ lâu, hôm nay mới được Bác khai trí cho. Xin phép Bác cho con được share bài viết cho cộng đồng mạng.
    Con là Tùng, con rể của Má Điệp, đã hân hạnh gặp Bác cách đây 14 năm khi đưa Má Điệp đi thăm Bác.

    Trả lờiXóa