Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Báo cũ (9). THAM NHŨNG VÀ TẬP ĐOÀN CÔNG CHỨC


THAM NHŨNG VÀ TẬP ĐOÀN CÔNG CHỨC

Tác giả có đôi điều: 
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 9, và cũng là số chót, mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 23/02/1975, đăng trên báo Chính Luận, chỉ cách biến cố 1975, hơn 2 tháng. Bạn đọc xong bài báo này rồi đem so sánh hiện tình của nước nhà, sau 40 năm dưới mái nhà XHCN để rồi tự rút tỉa ra những kết luận thích ứng cho mình. Còn nay, tính đến nay 2014, người ta vẫn đang bàn đến bài trừ tham nhũng bằng cách bắt cán bộ kê khai tài sản. Bao nhiêu cán bộ sẽ kê khai, bao nhiêu không, ..Ai sẽ lo kiểm tra các bản kê khai này, thời gian xem xét sẽ bao lâu, khi nào thì xử các vụ án tham nhũng, ... Đây là những câu hỏi không biết ai sẽ trả lời. Thét rồi, người ta so sánh tham nhũng như những bãi cứt trâu, người ta cố tình kéo dài để chúng trở thành "cứt trâu để lâu hoá bùn". Bạn cố ráng mà vui vẻ với bụi cứt trâu bay trong không khí.

THAM NHŨNG VÀ TẬP ĐOÀN CÔNG CHỨC

Trong mấy tháng vừa qua, qua báo chí, TV, cũng như qua việc chứng kiến biểu tình (và chống biểu tình), chúng ta đã nghe và thấy nói quá nhiều về việc chống tham nhũng của cha Thanh và của TT Thiệu. Mỗi đàng chống tham nhũng mỗi cách. Còn đa số người dân thì đang chờ đợi một cái gì, tâm trạng giống như tâm trạng người đi xem đấu võ đài.
Người dân thì đã nếm mùi tham nhũng, từ việc đi lính đi tráng, từ việc xin xỏ giấy tờ hành chánh làm ăn, v.v.. Ai cũng biết có tham nhũng, và lẽ đương nhiên ai cũng muốn chống tham nhũng, đòi hỏi chánh quyền chống tham nhũng. Chính TT Thiệu đã bảo tham nhũng là "quốc nạn", đã cảnh cáo là ta có thể mất nước vì hoạ tham nhũng thay vì thất trận. Nếu TT Thiệu đã "tuyên bố một cách xanh rờn" như thế, thì tất cả chính quyền đã đả thông tư tưởng như TT đã nêu ra. Nghĩa là tóm lại: từ dân ngu khu đen cho đến giới chức chánh quyền, kể cả TT, ai ai cũng đồng ý (bây giờ gọi là nhất trí): là có tham nhũng, và phải chống tham nhũng để cứu nước vì nó là "quốc nạn", có thể mất nước như chơi.
Chưa bao giờ có một sự đồng lòng từ trên xuống như thế. Nhưng cái rắc rối nó lòi ra liền khi đặt những câu hỏi sau đây: ai tham nhũng, vì sao "người nớ" tham nhũng, làm cách gì "người nớ" về sau không thể tham nhũng, phải trừng trị ra sao, khi đúng là "ngườ nớ" tham nhũng.
Hiện giờ, chúng ta đang làm cái việc tố cáo những kẻ tham nhũng, rồi đòi hỏi phải trừng trị kẻ có hành vi tham nhũng. Nhưng ít ai chịu trả lời 2 câu hỏi: (1) vì sao có tham nhũng; (2) làm sao ngăn ngừa nạn tham nhũng. Hiện giờ, chúng ta đang làm cái công việc của một bà mẹ sáng ra thấy có đứa con đái dầm trên giường, đi tìm thủ phạm rồi lôi nó ra đánh một trận rồi thôi. Chả cần tìm hiểu vì sao nó đái dầm. Tự bảo trăng rằm thì trăng tròn, lớn lên thì sẽ hết đái dầm. Đối với hoạ tham nhũng người ta tự nhủ vận nước nó thế. Phải chờ cho hết thời mạt vận.
Trong chiều hướng đi tìm hiểu vì sao có tham nhũng, chúng tôi đã có lần đề cập đến vấn đề này trên mặt báo Chính Luận, với hai bài báo: "Tham nhũng và Dân tộc tính VN" và "Tham nhũng và Phụ Nữ VN". (1*) Hôm nay chúng tôi trở lại với vấn đề tham nhũng với khía cạnh khác: "Tham nhũng với tập đoàn công chức". Chúng tôi rất ý thức, bài báo này sẽ gây ra nhiều ngộ nhận, nhiều chống đối. Khi chúng tôi ngỏ ý viết bài báo này, thì nhiều người bạn ngăn lại bảo đừng đụng tới "ổ kiến lửa" này. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ rằng: trong một cộng đoàn nào cũng có kẻ xấu người tốt. Phân tích cái xấu của một tập đoàn, không có nghĩa là chê trách, chống đối tập đoàn này, chẳng qua là muốn tìm hiểu căn nguyên của cái xấu này. Ở xã hội ta, loại người "mèo khen mèo dài đuôi" thì đầy dẫy, nên không ưa ai chỉ trích chê bai mình, dù biết rằng "dòi trong ruột dòi ra". Nếu có ông viện trưởng đại học nào đó có can đảm thú nhận trước công chúng trong một buổi diễn thuyết về những cái bê bối của đại học, thì liền bị ông bộ trưởng bộ QGGD xài xể bảo rằng "vạch áo cho người xem lưng", đâu có biết rằng cái áo mình mặc đã tả tơi từ lâu rồi, không cần vạch thì dân ngu khu đen cũng đã thấy cái lưng bê bối từ lâu rồi.
Chúng tôi cũng biết rằng "mía sâu có đốt, nhà dột có nơi", nói đến "tập đoàn công chức", chúng tôi xin minh định trước là chúng tôi không dám vơ đũa cả nắm. Chúng tôi không có ý nói tất cả tập đoàn công chức đều tham nhũng. Chỉ một phần nào thôi (2*).
Trong quá khứ, ông Phó phụ trách chống tham nhũng bảo rằng "nếu bỏ tù hết công chức tham nhũng thì lấy ai làm việc". Nói như thế, có nghĩa là mặc nhiên công nhận từ trên xuống dưới, ai ai trong chính quyền, trong giới công chức quân nhân (còn gọi "công quân cán cảnh", nghĩa là công chức, quân nhân, cán sự, cảnh sát) cũng đều có "máu mê tham nhũng". Gần đây, TT Thiệu đã hứa là làm sạch tham nhũng trong quân đội trong 1 tháng, làm sạch tham nhũng trong cơ quan công quyền trong 3 tháng. Nếu so sánh 1,2 triệu quân kể cả địa phương quân với 300.000 công chức, mà bài trừ tham nhũng trong quân đội chỉ mất 1 tháng, còn trong công chức mất 3 tháng, nghĩa là khó đến 12 lần, như vậy nạn tham nhũng trong công chức là khá trầm trọng. Ngoài ra, nếu ta biết trước đó, chính phủ đã gởi công chức xuống Vũng Tàu "học tập cách mạng" để phục vụ nhân dân, hữu hiệu hơn (nghĩa là bớt tham nhũng). Nếu đã dám chi 8 tỉ bạc, để cách mạng hoá công chức, rồi lại tuyên bố như trên, thì không nói ra, TT xem tập đoàn công chức là loại người phải ra công "tôi luyện" (roughneck).
Trước khi đi sâu vào vấn đề tham nhũng trong giới công chúc, chúng tôi nghĩ nên đặt hạn chế đối với vấn đề tham nhũng.
Theo chúng tôi nghĩ thì "chỉ ai có quyền, nắm quyền, mới có cơ hội tham nhũng". Một bà bán bánh bèo ngoài chợ, không thể tham nhũng vì bà ta không có cái quyền ảnh hưởng lên người nào cả. Cái "quyền" ở đây không giới hạn vào các "ông tai to mặt lớn", ngồi trên, vì đôi khi "có tiếng mà không có miếng". Một anh tuỳ phái ở một văn phòng bộ nào đó, một khi có cái "quyền chuyển hồ sơ" tận tay ai đó, hoặc có cái "quyền dẫn dắt cho vào gặp ông lớn" là đã có cơ hội tham nhũng. Anh tuỳ phái giữ một chức vụ rất nhỏ nhoi trong hệ thống hành chánh công quyền, nhưng không vì vậy mà anh ta không có cơ hội tham nhũng. Thành thử ta có thể kết luận sơ bộ một nguyên lý thứ nhất là: chỉ tham nhũng khi người ta có quyền, và quyền này không bắt buộc gắn liền vào một chức vụ. Cái quyền này nó mông lung lắm nhưng theo chúng tôi nghĩ nó giống như cái vòi nước (robinet), khi mở khi tắt. Người nào nắm cái quyền mở vòi nước hoặc đóng lại vòi nước, thì người ấy có cơ hội tham nhũng (3*). Nhà cháy, anh lính chữa lữa cầm vòi nước chữa cháy là đã có quyền trên đám cháy. Một ông tổng trưởng có cái quyền biết trước một hai ngày giá đường sẽ tăng (hoặc giá xăng dầu) thì ông ta có cơ hội tham nhũng kiếm được hàng tỉ bạc. Một anh lính hoặc cảnh sát quèn, nếu có quyền chụp mũ một anh dân lành là VC là có quyền tham nhũng. Thành thử, muốn biết trong hệ thống nào đó, chỗ nào sẽ xảy ra tham nhũng thì chỉ xem chỗ nào có "quyền mở đóng vòi nườc". (Bây giờ gọi là cơ chế xin-cho).
Tóm lại, là ông công chức nào nắm cái quyền gì đó, thì ông ta có cơ hội tham nhũng, nếu lương tâm của ông ta đội nón ra đi hồi nào không biết.
Đã từ lâu, người ta tự hỏi: vì sao công chức chánh quyền ngày càng tham nhũng. Người ta không trả lời, nhưng trong thâm tâm, người ta đã có câu trả lời: đó là vì công chức ĐÓI. Người xưa có câu: "Đói ăn vụng, túng làm càn". Vì đói sinh ra tham nhũng. Nhưng nếu ta hỏi tiếp. Vì sao công chức đói. Thì được trả lời rằng: đồng lương công chức là cố định, mà vật giá thì leo thang, lạm phát thì phi mã, v.v.. Nếu hỏi tiếp: vì sao vật giá leo thang, lạm phát phi mã. Thìbđược trả lời: là tại vì có chiến tranh. Bây giờ, ta hỏi ngược lại: nếu không có chiến tranh thì tham nhũng sẽ biến mất hay không. Người ta trả lời: nếu không có chiến tranh thì sẽ không còn tham nhũng.(4*). Chúng tôi không tin như thế. Nhìn về nước Do Thái có chiến tranh từ thời lập quốc đến nay, xem có tham nhũng hay không. Hay xem nước Ethiopie hoặc các nước Phi Châu không có chiến tranh (ngoài vài mống nổi loạn loe ngoe) thế mà tham nhũng quá trời. Nam Dương và Phi Luật Tân cũng thế. Thành thử, chiến tranh là một thành tố gây tham nhũng, nhưng không phải là một yếu tố quyết định. Nên ta phải tìm hướng khác để suy gẫm.
Ai cũng biết công chức đói meo, đồng lương không đủ sống. Rồi người ta đâm ra luyến tiếc cái thời vàng son, thời công chức "tối sâm banh sáng sữa bò". Bây giờ, vì đói công chức sinh ra tham nhũng. Muốn chống tham nhũng, thì phải tăng lương cho công chức. Mà tăng lương, thì giá cả bên ngoài rục rịch leo thang. Chúng ta lại trở về cái vòng luẩn quẩn không bao giờ chấm dứt được.
Để tránh tăng lương cho công chức, quân nhân, vì chỉ làm mồi cho gian thương lên giá, nên người ta tổ chức bán hàng rẻ cho quân nhân ở Quân Tiếp Vụ, và cho công chức ở Tổng Cục Tiếp Tế. Những chuyện bê bối ở TCTT thì ta nghe nói dài dài như chuyện dài nhân dân tự về. Nói tóm lại cuộc sống người công chức chả hồng tí nào.
Theo chúng tôi nghĩ, là chúng ta phải quan niệm lại vai trò của công chức. Người công chức là người cung cấp một dịch vụ nào đó cho người dân (chứ không phải làm cha thằng dân) đổi lấy một đồng lương nhất định. Đồng lương này do dân đỏng góp qua nhiều sắc thuế. Thuế chỉ là tiền dịch vụ trả cho viêc người công chức cung cấp dịch vụ. Dịch vụ chẳng qua là một món hàng, nên có cái giá phải trả. Nếu giá dịch vụ quá cao (nghĩa là thuế đánh lên đầu dân quá cao) thì công chức chả phục vụ tí ti gì cả, chỉ có bóc lột dân là đúng hơn. Trong một nền kinh tế tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh (bây giờ gọi là kinh tế thị trường) thì mọi nghiệp vụ sản xuất, thương mại, người ta đều phải tính giá sản phí (cost). Phải làm thế nào giá thành sản phẩm rẻ chừng nào hay chừng nấy đến tay người tiêu dùng. Người ta đặt ra những luật lệ tránh độc quyền, tránh cạnh tranh bất hợp lệ để tránh làm giá quá đáng. Thành thử trong kinh doanh, người ta đặt ra khoa quản trị xí nghiệp để làm thế nào giá thành càng ngày càng rẻ nhưng vẫn không bị lỗ. Theo chúng tôi nghĩ, dịch vụ người công chức cung cấp cũng phải theo luật lệ quản trị. Công chức phải được quản lý thế nào, mà giá dịch vụ đến tay người dân ngày càng rẻ càng tốt. Như vậy, lương công chức bắt buộc phải bằng lương tư chức. Hiện thời, ai cũng biết lương tư chức cao xấp 2 đến 3 lần lương công chức.
Thành thử, ta nghe nói nhiều cơ quan công quyền đòi hỏi quy chế tự trị, để có thể có lương ngang bằng lương tư chức (nhưng hiệu quả công việc có ngang bằng với bên tư chức hay không thì không nghe nói đến).
Nếu công chức được trả lương ngang bằng tư chức, thì không có chuyện nhân tài bên cơ quan công quyền bò ra làm ngoài (nếu không bị ràng buộc bởi việc đi quân dịch) để lại mấy anh cù lần trong giới công chức. Ngoài ra, nếu đã nói đồng quyền lợi như với người tư chức, thì người công chức cũng có thể phải bị sa thải như bên tư chức, nếu không đạt được hiệu quả công việc. Chính cái tình trạng được bảo đảm an ninh suốt đời một khi đã vào ngạch, nên người công chức bất cần hiệu năng công việc của mình. Xếp có quyền chuyển công tác của mình, có quyền cho ta ngồi chơi xơi nước, nhưng không có quyền sa thải ta, vì ta là công chức.
Theo chỗ tôi được biết, thì trên thế giới chỉ có Đan Mạch là quản lý công chức theo mục tiêu để tính giá thành của mỗi dịch vụ của công chức. Công chức ăn lương cao hơn tư chức, nhưng có thể bị ngưng chức và bị sa thải bất cứ lúc nào. Một khi đã bảo quản trị công chức theo mục tiêu, cho ăn lương cao hơn tư chức, mà ngân sách bị hạn chế không thể đưọc tăng vì thuế sẽ quá cao trên mức chịu đựng cúa người dân. Lúc này chỉ có nước là sa thải những công chức nào "vô tích sự".
Đây là điều mà ở VN không ai dám làm. Ai cũng biết là guồng máy chính quyền miền Nam hiện nay quá cồng kềnh nặng nề. Khối lượng công chức hiện thời đã lên đến 300.000 người, cao hơn 3 lần so với thời kỳ ông Diệm. Mà đa số các bà và các cô. Chúng tôi không tin là khối công việc bây nhiều hơn 3 lần so với thời kỳ ông Diệm để phải tăng số công chức lên 3 lần như thế.
Công viêc hành chánh chẳng qua giống như khí trời. Nó có thể co, mà cũng có thể giãn, và giãn vô chừng. Cứ đi vào công sở xem bầu không khí làm việc của công chức. Nó giãn nở một cách không thể tưởng tượng được. Trong công sở, ai cũng biết có nhiều "lớp" công chức. Lớp ở đây giống như lớp đất, lớp đá. Mỗi lớp công chức là bà con thân thuộc của một ông lớn nào đó. 
Ông đi nhưng ông để lại những bà con thân thuộc ông đem vào. Ông khác tới, không tin tưởng gì những công chức ông trước để lại, cho ngồi chơi xơi nước, rồi đem vào những người thuộc ê kíp mình. Và cứ thế lớp này chồng chất lên lớp kia. Thành thử mà khối lượng công chức cứ thế mà tăng. Ngoài ra, theo thời gian, người ta lập ra ủy ban này, hội đồng nọ, phần lớn trùng dụng, hoặc là theo thời gian ủy ban đã lỗi thời nên cho ngồi chơi nước, ăn lương ngân sách quốc gia.
Tóm lại, là nếu tăng lương cho công chức, xấp 3 lần chẳng hạn, để cho họ khỏi đói và tham nhũng, thì giảm số lượng công chức xuống còn 1/3 bằng thời kỳ ông Diệm. Sẽ có người phản đối chúng tôi bảo rằng: trong cái thời buổi gạo châu củi quế, thất nghiệp rần rần, sa thải công chức lấy chi họ sống, chỉ tổ gây thêm bất ổn xã hội. Thêm lại sẽ có cái màn tham nhũng: kẻ ở người đi. Ai sẽ được ở lại làm công chức, ai sẽ bị cho về vườn. Có gì bảo đảm là sẽ không có bất công trong việc lựa chọn người ở lại. Chúng tôi rất đồng ý lập luận trên. Nhưng vấn đề được đặt ra là: chúng ta đang ngồi trên một chiếc xe hàng, và đang leo dốc. Xe thì chở đầy người, dốc thì cao, xe đã cũ kỷ ì ạch leo dốc không nổi. Nếu cứ thế, thì xe không tài nào leo dốc, mà có cơ xe tuột dốc lăn xuống hố. Thử hỏi anh tài xế sẽ xử lý ra sao? Chỉ có nước mời khách hàng xuống, ráng lê bước leo dốc, rồi qua khỏi dốc sẽ tiếp tục cuộc hành trình. Trong chuyến hành trình thì có thể để các ông già bà lão con nít ở lại xe, người trai tráng xuống xe, chứ trong công chức không thể để kẻ vô tích sự, hoặc các cô các bà sáng tối chỉ ngồi dũa đánh móng tay hoặc ngồi đan áo len, tán gẫu. Cái khác nhau là thế.
Bây giờ, thử đặt một câu hỏi khác. Giả thử công chức sẽ được trả lương đủ sống, thì tham nhũng có tuyệt nòi không? Vì từ trước đến giờ, người ta lý luận là vì đói nên mới tham nhũng, bây giờ lương đủ sống rồi thì có còn tham nhũng hay không? Thế nào là đủ sống? Theo chúng tôi suy nghĩ thì phải định nghĩa thế nào là đủ sống? Tâm lý người đời cho thấy là chả ai bằng lòng với số phận của mình cả (trừ mấy nhà tu hành phật giáo thời xa xưa chủ trương diệt dục). Nhất là lương thì không bao giờ cho là đủ cả. Những người nhỏ ở dưới thì còn an phận thủ thường, chứ mấy quan lớn ở trên thì lương mấy cũng không vừa cái lòng tham không đáy của họ. Những người thời xưa, tham vọng rất ít (họ được giáo dục như thế) chứ những công chức trẻ bây giờ, tuổi trẻ tài cao, tham vọng lớn lắm, muốn sống nhanh sống vội sống cuồng, nên lương cao bao nhiêu cũng không đủ. Thành thử, cho dù tăng lương cho công chức để đủ sống, thì theo chúng tôi tham nhũng có thể giảm đi ở hạ tầng, chứ ở thượng tầng công chức, thì chúng tôi hơi nghi ngờ. Chúng tôi càng nghi ngờ thêm khi thượng tầng gồm những công chức trẻ, tài ba, bằng cấp to, đỗ đạt lớn, cách tham nhũng của họ thần sầu quỉ khóc, trong đông chu liệt quốc chưa hề ghi chép. 
Nói tóm lại, tăng lương cho công chức, nhưng không tăng thuế, bằng cách giảm xuống số lượng công chức chưa chắc đã có công hiệu hoàn toàn đánh tan tham nhũng. Thế thì phải thêm liều thuốc nào nữa?
Chúng ta thử đi sâu vào hệ thống công chức. Hệ thống công chức được đặt ra là để cung cấp những dịch vụ cho dân chúng. Khoa học mà nói, dựa trên khoa vật lý, thì sự hiện diện của một hệ thống được tạo ra là để làm cái gì đó, mà ta gọi là mục tiêu. Và người ta nhận thấy, hệ thống nào cũng có những hiện tượng "lồng lộn" (emballement) làm sai cái mục tiêu được chỉ định. Để tránh sai lầm của hệ thống, người ta thường thêm vào một bộ phận nhỏ gọi là "hồi kiểm" (feedback control) để kiểm soát, đồng thời chỉnh sữa sai lầm của hệ thống. Cũng chưa hết. Đời là một cuộc biến đổi không ngừng (bể dâu). Do đó, một hệ thống cũng phải thay đổi, tránh lạc hậu có nguy cơ bị đào thải. Tiêu chuẩn phải được đề ra, để mà bộ phận hồi kiểm dựa vào đấy so sánh kiểm soát sửa sai. Hệ thống tiêu chuẩn được đặt ra. Tóm lại, một hệ thống hoàn hảo bao giờ cũng phải có một bộ phận hoạt động để thự hiện mục tiêu được đặt ra, một bộ phận định chuẩn cho bộ phận hoạt động làm việc đúng mục tiêu, và cuối cùng bộ phận hồi kiểm (là cái thắng). Khoa học thành lập các bộ phận kể trên cho một hệ thống, thường được gọi là servomécanisme (tiếng Pháp). Áp dụng vào hành chánh công quyền, ta cũng có 3 bộ phận tương đương là: hành pháp để hoạt động, lập pháp để đặt ra những tiêu chuẩn (là luật) và tư pháp là bộ phận hồi kiểm kiểm soát hoạt động của hành pháp tránh lộng quyền (lồng lộn). Nếu hai bộ phận lập pháp và tư pháp không làm việc (hoặc bị hủ hoá, bị làm cho tê liệt) thì hệ thống hoạt động muốn làm gì thì làm, hiện tượng lồng lộn (lộng quyền) sẽ xảy ra, tham nhũng chỉ là một hiện tượng lồng lộn của hệ thống công quyền. Những tối cao pháp viện, những đoàn thanh tra, kiểm tra thanh sát là những bộ phận hồi kiểm. Nếu những bộ phận này làm việc không đúng mức, và hoàn toàn độc lập vô tư, thì không trách hành chánh đã "lộng hành" tham nhũng.(5*) Người ta bảo tư pháp cấu kết (thật ra bị buộc nghe theo) với hành pháp, chúng tôi gọi là court-circuité, nối tắt, nói theo dân kéo điện. Bộ phận hồi kiểm có đó nhưng cũng như không, bị nối tắt, qua mặt.
Như đã nói trên, chỉ tham nhũng khi người ta có mội cái quyền gì đó. Quyền mở hay tắt cái vòi nước "ân huệ" : vòi nước cung cấp dịch vụ, vòi nước kiểm soát, vòi nước định chuẩn. Không cần giảng ai cũng biết: trong một hệ thống nước, nếu có nhiều robinet, nhiều khuỷu (coude), nhiều đường lên xuống liên hồi, thì áp lực nước sẽ giảm đi. Những nơi có robinet, là nơi có quyền cho chảy hay không cho chảy (bây giờ gọi là cơ chế xin-cho), các cái khuỷu là những điều kiện này nọ, những giấy tờ hành chánh rườm rà, lôi thôi. Nếu muốn một hệ thống chạy đàng hoàng, thì phải phân tích lại hệ thống, cắt bỏ đi những cái robinet lạm quyền, những cái khuỷu vô lý, những ống nước chạy lên chạy xuống vô ích. Tăng lương công chức chưa đủ, phải phân tích lại hệ thống dịch vụ công quyền. 
Phải dùng những phương tiện điện tử, điện toán, cơ khí thay thế những con người làm tắc nghẽn việc cung cấp dịch vụ cho dân chúng. (Bây giờ, ta gọi là cải cách hành chính).
Khi người dân đến một cơ quan công quyền xin được cung cấp một dịch vụ nào đó: thì phải có giấy tờ này, giấy tờ nọ, chứng chỉ này chứng chỉ nọ. Thí dụ, cơ quan A bắt người dân phải có giấy tờ của cơ quan B, rồi cơ quan B bảo người dân phải có giấy chứng nhận của cơ quan C. Chỉ nội một công việc nhỏ nhoi phải đi 3 nơi A, B, C. Đôi khi cơ quan B đặt điều. Nếu chịu "chi địa" một chút, thì cơ quan B cũng có thể cung cấp chứng nhận khỏi cần đến C. Cái vô lý, là dân phải chạy 3 cửa. Câu hỏi chúng tôi thường tự hỏi là: tại sao 3 cơ quan A, B, C không tự mình liên lạc với nhau, xác nhận với nhau, mà phải bắt dân chạy chờ chực chỗ này, rồi qua chạy chờ chực chỗ kia, tạo ra một quá tải vô ích. Tại sao Bộ Cựu Chiến Binh không liên lạc thẳng với bộ Tổng Tham Mưu để có những thông tin liên quan đến một người lính tử trận, mà phải bắt thân nhân người lính đi tới đi lui để lập hồ sơ xin tiền tử tuất, kéo dài từ năm này qua năm nọ.
Chính giữa các cơ sở công quyền, người công chức đã xây tnhững bức tường "bè phái" kiên cố thay vì những chiếc cầu thông cảm hợp tác nên tham nhũng dễ bề sinh sôi nẩy nở. Người dân bắt buộc phải qua những cửa ải, lọt qua những bức tường hành chánh, không biết đường đi nước bước dễ làm mồi cho tham nhũng. Không phải chỉ người dân Việt đâu. Cả người ngoại quốc khi vào đầu tư ở VN cũng phải qua những thủ tục hành chánh rườm rà rắc rối của hành chánh VN. Họ hết ham, nếu không nói là điên đầu. Mà người ngoại quốc là họ không quen hối lộ, cứ theo thủ tục mà làm. Thấy thủ tục nó kéo dài ra, lâu lắc, họ đâu có biết có nhiều đường đi nước bước, nếu biết thông cảm. Còn người Việt mình thì cứ tưởng người ngoại quốc ai cũng giàu như Mỹ, tưởng đầu tư vào VN là bở béo, tung ra những thủ tục làm khó làm dễ, bắt người ta "thông cảm" (nghĩa là "xì tiền"), thét rồi người ngoại quốc chán ngán bỏ cuộc, rút lui đầu tư đi đầu tư nơi khác. Chắc là người công chức biết rất rõ là mình đang phá hoại chính sách đầu tư của nhà nước.
Tóm lại, phải coi lại hệ thống hành chánh, bỏ bớt những thủ tục hành chánh rườm rà. Từ năm này qua năm nọ, người ta kêu gào khản cổ giản dị hoá thủ tục hành chính, mà sao thủ tục hành chính, nó giống như sán "xơ-mít", nó cứ dài ra, thành một cái nùi rối rắm. Ngoại tệ trở nên hiếm hoi, bao nhiêu phái đoàn đi xin viện trợ về tay không, thế mà mình nhập cảng bừa bãi giấy stencil (có cơ quan nhập cảng 1 triệu MK trong năm 1974), giấy photocopie, bột giấy, tất cả chỉ để cung ứng cho cái bệnh ngốn giấy của hành chánh VN.
Tóm lại, phải bỏ bớt cái quyền "giả tưởng" bằng cách giản dị hoá thủ tục hành chánh, vì mỗi lần đặt ra một thủ tục hành chánh là đã đem lại một cái quyền gì đó cho người cứu xét thủ tục này.
Ngoài ra, phải xem xét lại vấn đề quản trị hệ thống hành chính công quyền. Theo nguyên tắc công chức được tuyển vào là để cung cấp một dịch vụ gì đó cho dân chúng. Mỗi dịch vụ có cái giá của nó, gọi là giá thành dịch vụ, nói theo sản xuất kinh doanh. Mỗi dịch vụ phải tìm cho ra một đơn vị đo lường để tính toán. Thí dụ: phòng đánh máy, thì số thư phải đánh trong một tháng là bao nhiêu. Đối với thuế vụ, thì số hồ sơ người thọ thuế phải được xử lý là bao nhiêu. Đối với bệnh viện, thì số bệnh nhân được điều trị là đơn vị đo lường. Hệ thống công sở đã được chia thành nha sở, như vậy dịch vụ đã thuần nhất. Chỉ cần tính tất cả sở phí về nhân viên, về nhà cửa văn phòng, về điện nước, v.v.. thì tính ra giá thành mỗi dịch vụ, lúc ấy sẽ biết nơi nào tiêu, nơi nào tiêu ít. Thí dụ: lấy tất cả số tiền chi cho các dân biểu, nghị sĩ, cộng thêm các chi phí tài xế, xe cộ, v.v.. Rồi chia cho số luật ban hành trong năm, thì quý vị sẽ thấy luật của ta cao nhất thế giới, mà chả ra cái trò trống gì cả. Xin quí vị đừng cười, sự thật là thế. Phải đặt trọng tâm là tìm ra giá thành dịch vụ công cộng rẻ chừng nào hay chừng nấy.
Ngoài ra, loại dịch vụ, loại dự án công tác, có thể là tân tạo, có thể biến đổi, có thể mất đi. Phải làm thế nào công chức không được nằm một chỗ, phải di động từ dịch vụ này qua dịch vụ kia, từ dự án này qua dự án kia. Phải tận dụng khả năng chuyên môn của một công chức vào một dự án. Chính cái việc một kỹ sư X được tuyển dụng vào bộ A, nhưng có bộ B lại cần cái chuyên môn của kỹ sư X nhưng không tài xin biệt phái qua giúp làm dự án. Đã từ lâu, người ta kêu gào là dùng người không đúng chỗ, chẳng qua là vì sự chia cắt cứng nhắc từng nha sở. Mỗi bộ phủ, nha sở đều có những bức tường ngăn cách vô hình, có nhiều nha thì việc nhiều người ít, có nha thì việc ít, người nhiều, phần lớn ngồi chơi xơi nước. Ngay ở bệnh viện, nhiều nữ y tá phụ mổ khan hiếm xin khản cổ không có, ngược lại nữ nhân viên choai choai thì thừa mứa, ngồi không tán gẫu.
Phải làm thế nào có một hồ sơ lý lịch chuyên môn, các khoảng thời gian tham gia các dự án của người công chức (hình như người ta đang làm thì phải). Mỗi dự án mỗi dịch vụ phải ấn định thời gian hoạt động, các phương tiện vật chất và nhân sự và phương pháp đánh giá kiểm tra hoạt động. Chỉ cần sử dụng máy điện toán là có thể sắp xếp, phân công các công chức trên các dịch vụ hoặc dự án. Sau khi hoàn thành công tác, thì công chức sẽ được trả về pool để nhận công tác mới, như vậy công chức không có cơ may mọc rễ ở một nơi náo để có thể tham nhũng. Và sau một dự án dịch vụ, người ta phải định lượng lại giá thành của dự án dịch vụ để xem hiệu quả công việc của công chức ra sao. Hiện giờ, người ta chỉ biết khoe thành tích là làm được cái này cái nọ, nhưng không cho biết hao tốn bao nhiêu đối với ngân sách quốc gia, và dân đã bị gọi "chi" bao nhiêu cho hệ thống tham nhũng. Cái này thì người ta im lìm. Lấy một thí dụ: tuyển một nhân viên thuế vụ tốn hết 250.000 đ/năm để truy thu thuế đem về được 50.000đ thì xem như vậy có đáng đồng tiền bát gạo của dân chúng hay không? Phải xem xét lại vấn đề hiệu năng của công chức. Ai cũng biết hiệu năng công chức giảm, giảm ở nha sở nào, giảm bao nhiêu. Không ai có ý niệm rõ ràng. Thành thử, khi nói đến chuyện chấn chỉnh cơ quan công quyền, mà không ai có một ý niệm rõ ràng, thì làm sao tránh được chuyện vá víu qua loa.
Tóm lại công chức phải được quản trị một cách khoa học. (Người Việt mình, từ trên xuống dưới thích nói khoa học), vì công chức là một thành tố trong việc tính giá thành dịch vụ của một dự án. Ở các nước châu Âu như Anh, Pháp, Thuỵ điển, Đan Mạch, Đức, từ 5 năm nay, người ta sử dụng máy điện toán để quản lý công chức và các phương tiện cơ sở vật chất (văn phòng, xe vộ, văn phòng phẩm, v.v..) công quyền để hướng tới một kiểu quản lý được gọi là quản trị theo mục tiêu (gestion par objectif). Những mục tiêu này có thể là những dự án đồ sộ, những dự án công ích liên quan đến nhiều bộ phủ nha sở. Người ta dùng những kỹ thuật được gọi là RCB (rationalisation des choix budgétaires - hợp lý hoá những chọn lựa ngân sách) để chi tiêu hợp lý trong mỗi dự án, vì người ta biết rằng có nhiều cách thực hiện dự án, mỗi cách có cái giá phải trả, do đó phải chọn cách nào rẻ tiền, nhưng vẫn bảo đảm kết quả. Vì bài toán thường khá phức tạp nên người ta sử dụng phương tiện điện toán.
Bây giờ, ta đi thêm một bước nữa. Đặt giả thuyết là công chức đã có một mức lương đủ sống, đã được quản trị một cách hợp lý (không có hiện tượng dùng người không đúng chỗ, hoặc ngồi chơi xơi nước) thì thử hỏi có còn tham nhũng hay không. Chúng tôi chưa chắc đã dứt được. Không phải chúng tôi bi quan hay đa nghi. Chẳng qua là tham nhũng chỉ sinh sôi nảy nở khi có một môi trường thích hợp. Do đó, muốn ngăn chặn tham nhũng, thì chỉ có cách là làm cho môi trường này trở thành "vô trùng" (aseptique).
Cho dù các công chức nhỏ ở dưới bớt tham nhũng, cho dù một số thủ tục đẻ ra quyền đã được lọc bỏ bớt, cho dù việc quản lý công chức đã được, nhưng các ông to đầu ở trên vẫn tiếp tục tham nhũng chả kể trời đất gì, thì phải làm thế nào?
Cái thời xa xưa, khi các nho sĩ ra làm quan, còn lấy đạo đức Khổng Mạnh ra làm nề nếp cai trị dân gian, chứ thời nay, sau 100 năm độ hộ của thực dân Pháp và 20 năm sống với Mỹ, kẻ sĩ tân thời ngày nay giỏi khoa học kỹ thuật của Âu Mỹ, nhưng lại bỏ mất cái đạo đức làm người của người xưa, nên tham nhũng tưới hột sen luôn, tham nhũng trên tiền tử tuất, tham nhũng trên sức khỏe của bệnh nhân, v.v.. Nghĩa là tham nhũng một cách vô hậu.
Vô số trí thức khoa bảng ngày nay chỉ dùng cái khoa học kỹ thuật của Âu Mỹ để che đậy cái túi tham vô đáy của mình: thử hỏi "người ta" được chia bao nhiêu phần trăm tiền huê hồng, khi cho nhập cảng thả dàn xe hai bánh honda dưới chiêu bài khoa học phải thoả mãn nhu cầu của thị trường tiêu thụ của dân chúng.
Làm sao trừng trị những vụ tham nhũng to tổ bố. (6*). Ai cũng biết tiền lôi theo quyền, quyền kéo theo sức mạnh (lực), sức mạnh đẻ ra tiền. Làm sao chặt được cái vòng "quyền, lực, tiền". Làm thế nào trừng trị những kẻ tham nhũng có những "gốc bự" bao che. Đã bao lần người ta kêu gào "bứng gốc bự", mà gốc bự vẫn cứng như đá vững như đồng. Không lẽ dùng các câu thần chú của thời xa xưa: như "thượng tôn pháp luật", "thượng bất chánh, hạ tắc loạn" để mong giảm tác hại của nạn tham nhũng. (7*) Hay người ta sẽ bày trò "đêm canh thức soi sáng lương tâm kẻ tham nhũng", quên rằng lương tâm kẻ sĩ bây giờ đã bị đánh cắp từ lâu rồi. Hay là người ta kêu gọi tánh tự xử của người Nhật, hoặc bắt chước gương các ông cựu thủ tướng Đức Willy Brandt, cựu thủ tướng Nhật, Tanaka. Nhưng người ta quên rằng đã tham nhũng là phải ù lì, mà đã ù lì thì làm sao mà tự xử được. Khi mà tham sân si đã chế ngự lòng người rồi, thì tự xử là cái chi chi. Cứ xem cách Thượng viện kêu gào từ chức khuyến cáo từ chức đối với ông đầu não "phân bón" thì đủ biết hiệu lực của tự xử.
Tới đây, chúng tôi xin kết thúc phần phân tích hiện trạng tham nhũng ở miền Nam để bạn biết đường mà lần, nếu bạn được giao quyền dẹp tan nạn tham nhũng. Còn theo lời của linh mục Trương Bá Cần, giám đốc Phong trào Thanh Lao Công, của phía công giáo, thì miền Bắc không hề biết tham nhũng là gì. Tin hay không là tuỳ bạn.

DƯƠNG QUANG THIỆN
Kỹ sư điện toán IBM
Saigon, 23/02/1975


Ghi chú: (14/3/2014)
(1*) Hai bài báo này đã bị đánh mất, khi cho người quen mượn đọc. Nhờ 3 bài báo này mà Thiện mỗ một thời nổi tiếng ở miền Nam trước giải phóng 1975.
(2*) Bây giờ Ông Tổng Bí Thư N P Trọng bảo là "chỉ một bộ phận nhỏ"
(3*) Bây giờ ta gọi cái vòi nước là "cơ chế xin-cho".
(4*) Cuộc chiến đã qua đi gần 40 năm, mà tham nhũng vẫn còn đó, càng trầm trọng hơn, không biết khi nào là tai biến mạch máu tham nhũng.
(5*) Trong vụ Vinashin, đoàn thanh tra do ông Trần v Truyền cầm đầu thanh tra 11 lần mà không thấy nợ của Vinashin lên đến 86.000 tỉ, và các ông thanh tra vẫn tỉnh bơ, được về hưu an toàn.
(6*) Hồi thời 1975, làm chi có những vụ "siêu to tổ bố" như bây giờ: vụ Vinashin, vụ bầu Kiên, vụ Huyền Như, v.v..
(7*) Thời nay, người ta kêu gọi học tập đạo đức Hồ Chí Minh, thay thế đạo đức Khổng Mạnh của thời phong kiến.
Đã gửi từ iPad của tôi

1 nhận xét:

  1. Chú kính mến,

    Đúng là hết thuốc chữa. Hồi xưa chống không nổi thì nay còn tinh vi hơn, nhức nhối hơn làm sao chống nổi? L

    Cháu - CHUONG

    Trả lờiXóa