Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Báo cũ (5). LÀM THẾ NÀO KỸ NGHỆ VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI TIẾN LÊN



LÀM THẾ NÀO KỸ NGHỆ VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI TIẾN LÊN


Tác giả có đôi điều:
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 5 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 8/12/1974, chỉ cách 4 tháng trước biến cố 1975. Bạn đọc xong bài báo này rồi đem so sánh hiện tình của nước nhà, sau 40 năm dưới mái nhà XHCN để rồi tự rút tỉa ra kết luận thích ứng cho mình. Còn nay, tính đến 2013, nhiều việt kiều hải ngoại cho rằng là sau 40 năm dưới mái nhà XHCN, kỹ nghệ VN chưa cho ra một sản phẩm nào ra hồn nổi tiếng như với Samsung của Hàn Quốc hoặc Sony, Toyota của Nhật, v.v.. . Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.

Làm dân một nước chậm tiến, ai lại không mơ được trực tiếp tham gia vào việc kỹ nghệ hoá nước nhà. Nhưng ước vọng là một chuyện, mà thực tế lại là một chuyện khác. Khi đem đọ thực tế với ước mơ, mới thấy sự thật "phũ phàng", nên chúng tôi mới cho trình bày trên báo Chính Luận bài báo "Người Việt Nam có thể làm kỹ nghệ, thương mại được không?" (1*). Viết bài báo trên, chúng tôi mong muốn giới kỹ nghệ gia và giới chuyên viên thay đổi thái độ làm "kỹ nghệ".
Chúng ta có đủ yếu tố để thành công, nhưng chúng ta thực thụ xắn tay áo làm việc như trâu. Chúng ta vẫn còn giữ thái độ làm ăn kiểu chụp giựt, kiểu ngồi mát ăn bát vàng, hưởng thụ nhiều hơn là cố gắng.
Bài báo ngày hôm nay cố gắng tìm hiểu một khía cạnh khác của vấn đề: giả dụ giới kỹ nghệ gia và giới chuyên viên hiểu ra vấn đề và thay đổi thái độ, thì thử hỏi kỹ nghệ VN có cơ hội tiến lên không? Chúng tôi phải thú thật là chưa tìm ra câu trả lời dứt khoát, một sự khẳng địng rõ ràng: có thể hoặc không có thể. 
Trong khi chờ đợi, chúng tôi thử viết ra những cảm nghĩ rời rạc về kỹ nghệ VN mà chúng tôi đã quan sát trong nhiều năm qua.

1. Điểm thứ nhất đáng nêu ra, mà ai cũng biết rõ ràng là chúng ta chưa có một chính sách rõ ràng mạch lạc về kỹ nghệ. Nếu một ông bộ trưởng bộ QGGD dám tuyên bố chính sách giáo dục của ta là vô chính sách, thì phía kỹ nghệ chả hơn gì. Mà cơ quan đẻ ra chính sách kỹ nghệ là bộ Thương Mại Kỹ nghệ thì ai cũng biết "búa rìu dư luận" đối với các ông đầu não liên tiếp của bộ này ra sao rồi ! Chính sách kinh tế của chúng ta từ nhiều năm qua chẳng khác nào cái "robinet" (vòi nước), khi tắt khi mở, tắt mở liên hồi, kỹ nghệ gia VN chẳng biết mô mà mò. Không có một chính sách liên tục, mai thế này, mốt thế nọ, bất nhất liên hồi.
Nhiều kỹ nghệ gia có thiện chí, muốn làm cái gì đó cho đất nước, đã lỡ dại nghe chính phủ xúi đầu tư vào một kỹ nghệ nào đó mà chính phủ khuyến cáo cổ vũ. Kỹ nghệ vừa bắt đầu sản xuất thì rụp một cái, bằng một thông báo cho phép nhập cảng món hàng đang sản xuất nội địa. Người Việt mình thì đã quen cái tính "vọng ngoại". Hàng ngoại vừa rẻ vừa bền, thế là đồ nội địa đi đong. Kỹ nghệ gia thiện chí đành nhìn bao nhiêu vốn liếng tiêu tùng. Thiện chí thành thối chí.
Trong những năm mà ngoại tệ dồi dào (do viện trợ Mỹ cung cấp và do tiêu xài của lính Mỹ tại chỗ) người ta tha hồ cổ vũ thoả mãn cái "cầu" của dân chúng bằng cách nhập cảng hàng hoá tiêu thụ xả dàn, và cho xây dựng những xí nghiệp "thuộc loại ngọn" chế biến sơ sài sống trên nguyên liệu nhập cảng. Bây giờ, ngoại tệ khan hiếm cạn dần (do Mỹ cúp viện trợ và quân đội Mỹ rút đi), bao nhiêu đoàn đi cầu viện ra đi nay đã về tiu nghỉu. Và những nhà kinh tế gia xưa kia, nay hô hào là ta phải tự túc tự cường, và nhất là kêu gào kỹ nghệ phải chuyển hướng. Thay vì kỹ nghệ đại qui mô lấy nguyên liệu ngoại quốc làm căn bản, nay lui về tiểu công nghệ dùng nguyên liệu nội địa. Nói thì dễ, nhưng bắt tay vào việc là muôn vàn khó khăn. Đâu phải dễ dàng gì đành bỏ hàng tỉ đồng đầu tư vào một nhà máy, rồi quay qua một ngành mà tương lai rẩt là mù mịt.
Ngoài ra người ta cổ vũ đầu tư, rồi người ta đưa ra một chính sách thuế khoá kỳ lạ để giết lần. 
Theo chúng tôi nghĩ, là chúng ta phải có một chính sách kỹ nghệ rõ ràng, thực tiễn và liên tục kéo dài 20, 30 năm. Chứ không thể theo tuỳ hứng của từng ông tổng trưởng. Chúng tôi lấy một thí dụ bên Nhật. Trong mấy chục năm qua, dù cho Mỹ kêu gào thế nào đi nữa, chính phủ Nhật cũng quyết dùng hàng rào thuế quan đánh thật nặng vào máy điện toán Mỹ, và không cho công ty điện toán Mỹ sản xuất tại Nhật, chẳng qua là Nhật muốn bảo vệ ngành điện toán non trẻ của mình, có thời giờ bành trướng ngành điện toán của mình. Và trong hai năm nữa, Nhật sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong ngành điện toán đối với Mỹ cũng như đối với châu Âu trên thị trường quốc tế.
2. Điểm thứ 2 mà chúng tôi thấy là không ổn trong chính sách kinh tế VN: là tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh. Có lẽ chúng ta đang ở vào thế giới tự do, và có đàn anh Hoa Kỳ hỗ trợ hểt mình, nên chúng ta bắt chước cái không khí tự do cạnh tranh tại Hoa Kỳ cũng như tại các nước khối Tự do. Ngoài ra, cái nguyên tắc này rất phù hợp với cái cá tính sặc mùi cá nhân chủ nghĩa của dân tộc Việt mình. Đã từ lâu, chúng tôi gọi cái tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh là tự do đi vào chỗ chết. Và theo chúng tôi biết, là các nước tiên tiến, kể cả nước Mỹ, người ta cũng đang xét lại nguyên tắc trên, theo kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng năng lượng vừa qua : người ta sáng mắt ra vì là nguồn năng lượng, và tài nguyên thiên nhiên của thế giới không còn là vô tận. Như thế, thì không thể vô ý thức phí phạm nguồn tài nguyên, năng lượng kể trên, mà không đi nhanh đến tận thế, tự huỷ. Mà động cơ chính thúc đẩy sự phí phạm là sự tự do cạnh tranh. Tại sao người ta bỏ hàng tỷ MK để nghiên cứu chế tạo ra một chiếc xe mà người ta chỉ sử dụng trong vòng 2-3 năm rồi bỏ? Loại xe này cạnh tranh với loại xe kia. Tại sao người ta tiêu hằng tấn bột giấy, để cho ra những tờ báo dày cả trăm trang (toàn quảng cáo) không thời giờ đọc, để rồi kêu gào thiếu giấy, vì tốc độ phá rừng cung cấp bột giấy không ăn khớp với tốc độ tiêu thụ giấy. 
Trở về Việt Nam: chúng ta ai cũng biết chúng ta đang sống ăn xin, sống nhờ vào viện trợ Mỹ. Ngoại tệ khan hiếm, và ta nhập cảng xi măng để làm gì? Để cất building cho Mỹ thuê, để cán sân trượt patin. Thấy hai ngành này ăn tiền, tha hồ kinh doanh, tha hồ cạnh tranh. Kết quả thế nào ta đã thấy: tự do đi vào chỗ chết. 
Ngoại tệ khan hiếm, nhưng ta vẫn theo nguyên tắc tự do cạnh tranh: ta tha hồ cho thành lập công ty đông lạnh tôm xuất cảng, và tha hồ nhập cảng máy móc thiết bị đông lạnh: kết quả ta tự do siết cổ nhau bằng cách neo giá, và không biết bao nhiêu công ty đã vỡ nợ. Nếu có vị nào lẩm cẩm ngồi tính tổng số ngoại tệ nhập cảng máy móc thiết bị đông lạnh đem so với tổng số ngoại tệ do bán tôm, thì sẽ thấy là ta thua thiệt: ngoại quốc bán được máy móc thiết bị, đồng thời ăn được tôm giá rẻ.
Trong một buổi hội thảo, ông TGĐ Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ đã lên tiếng than rằng đã có nhiều công ty phá sản, và nhiều công ty khác đang trên đà phá sản, ngán ngẩm ngồi nhìn hàng tấn thiết bị bất động: vì thiếu nguyên liệu, vì mãi lực dân chúng giảm, vì lạm phát, ...bao nhiêu công ty đã giảm hoạt đông, và ngưng hoạt động. Và trước tình trạng vỡ nợ của nhiều ngành hoạt động, thì chính quyền nói chung, và bộ KN/TM nói riêng, ai cũng có vẻ thờ ơ, lạnh nhạt, hứa cuội. Chúng tôi có cảm tưởng như chính quyền nhắn nhủ với giới kỹ nghệ gia rẳng: "khi ăn nên làm ra, các anh có kêu chính phủ chia bớt lời của các anh đâu, các anh còn tính trốn thuế là đằng khác. Bây giờ lỗ lã, các anh kêu gào giúp đỡ tài trợ..." Xét cho cùng bên nào cũng có lý cả.
Nhưng cuối cùng thì quốc gia thua thiệt, thua đậm là ở chỗ trong thời gian qua, ngoại tệ đổ vào ào ào mà không vận dụng đúng chỗ để đầu tư vào kỹ nghệ "gốc" đem lại lợi tức về lâu về dài, thì lại dồn đem đầu tư vào những kỹ nghệ dịch vụ như xây villa, building cho Mỹ thuê, mở phòng tắm hơi, quán bar mua vui cho quân đội Mỹ.
Chính trong cái không khí tự do kinh doanh tự do cạnh tranh kéo theo cái tự do xài phí, tự do tiêu thụ làm cho ta chết cứng như bây giờ. Các nhà tư bản, tiền kiếm ra một phần đổ vào đầu tư xây villa, building giờ đây bỏ trống khi quân đội rút lui, một phần khác đem giấu cất ở ngoại quốc, còn dân chúng tiền kiếm ra được đổ vào mua xe hơi, TV, tủ lạnh, quạt máy, honda, v.v..
Trong tình thế chậm tiến hiện thời của nền kinh tế VN, tình trạng thiếu ngoại tệ, thiếu kinh nghiệm kỹ nghệ, chúng ta không thể nhân danh tự do kinh doanh, tự do canh tranh, mà để giới có tiền muốn làm gì thì làm. Chỉnh phủ không thể cổ vũ suông, khuyến khích vô trách nhiệm, mai làm cái này, mốt làm cái nọ, cái đi sau chửi cha hoặc phá sản cái đi trước, v.v.. Một gia đình nghèo, không thể nhân danh sự bình đẳng trong học vấn, để đi vay mượn cho tất cả con cái đều được đi học. Trái lại, phải dồn mọi nỗ lực vào đứa con nào thông minh có khả năng cho nó ăn học để sau này có khả năng ăn nên làm ra, giúp đàn em sau này. Một số khác đành phải hy sinh bỏ học, đi làm giúp đỡ gánh nặng gia đình. Nước Việt ta cũng giống như gia đình nghèo kia. Tư bản ta có rất hạn chế. Nên không thể phân tán mỏng, để làm những việc vô ý thức.
Đã từ lâu, người ta có cảm tưởng là cần phải có một nền kinh tế chỉ huy, mà ta gọi là chỉ huy sáng suốt. Có lẽ người ta sợ lầm tưởng với kiểu kinh tế chỉ huy kiểu CS, nghĩa là chỉ huy tập trung độc tài. Cho nên mới dùng từ chỉ huy sáng suốt, nghĩa là cũng chỉ huy tập trung nhưng mà sáng suốt, không độc tài kiểu CS. Nhưng giới hạn của từ sáng suốt cũng rất mơ hồ: làm thế nào để phân biệt một biện pháp sáng suốt với một biện pháp độc tài. Đấy là điều khó. Có lẽ thấy cái khó khăn phức tạp của một nền kinh tế chỉ huy sáng suốt, và có lẽ không muốn mang vào thân cái chữ "độc tài" (bị ám ảnh bởi chữ độc tài của Ngô Đình Diệm để lại) nên người ta mới để cho tự do: tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh, tự do ma giáo, v.v..
Trong cái không khí đòi hỏi tự do, đòi hỏi ngôn luận như hiện thời, chúng tôi tự hỏi có nên đặt vấn đề tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh hay không? Theo chúng tôi nghĩ là nên lắm, vì trong tình trạng thiếu ngoại tệ, thiếu kinh nghiệm làm kỹ nghệ, ta không thể tiếp tục phung phí tiền bạc, thời giờ để làm những kỹ nghệ không đâu vào đâu cả: chúng tôi rất buồn lòng khi thấy trong thiếu thốn ngoại tệ mà ta đem tiền đi nhập nhựa dẻo PVC để làm trò chơi bằng nhựa cho con nít vô bổ, hoặc làm những cái nia cái thúng bằng nhựa, trong khi ngành nia thúng đan bằng tre nguyên liệu nội địa thì để cho mai một dần. Theo chúng tôi nghĩ, các kỹ nghệ gia, thương gia, những người tha thiết với nền kỹ nghệ nước nhà, nên ngồi lại với nhau hội thảo với chính quyền để tìm ra một đường hướng lâu dài bền vững cho nền kinh tế nước nhà. Những chính sách và biện pháp phải được cam kết và được tôn trọng bởi đôi bên, một khi đã được chấp thuận. Chứ không thể tuỳ hứng nhất thời của một ông tổng trưởng hay bởi một cú thông cáo của bộ TM/ KN mà mọi nỗ lực từ trưởc bị hủy bỏ tiêu tùng không thương tiếc.

3. Điểm thứ ba: mà chúng tôi nhận thấy là kỹ nghệ gia không được hướng dẫn làm ăn. Nếu ở đại học, sinh viên không được hướng nghiệp (học cái gì? Học ở đâu? Ra trường có việc ùam hay không?) thì trong TM/KN, kỹ nghệ gia cũng không được hướng dẫn trong việc đầu tư, trong việc qủan trị. Chúng tôi được biết, có nhiều người có tiền, nhưng không biết dùng tiền làm gì bây giờ. Họ nghe ngóng tin đồn những ngành nào hốt bạc là a đầu vào đầu tư, để rồi vỡ nợ. Thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào là tâm trạng chung của đa số kỹ nghệ gia VN. Vì vậy mà ở VN có những mùa đầu tư quái đản: mùa nuôi gà nuôi chim cút, mùa siêu thị, mùa mở ngân hàng, mùa xây sân trượt patin. Bây giờ là mùa xuất cảng tôm đông lạnh, mùa xuất cảng đồ gốm sơn mài, mùa lên rừng phá rừng đốn gỗ, v.v.. Có nhiều người có tiền, mà đầu tư hùn hạp làm ăn chẳng khác nào mụ bán cá ở ngoài chợ. Thiển cận ơi là thiển cận.
Thỉnh thoảng phía chính quyền, cũng như phía nắm quyền cấp tín dụng, người ta hô hào, cổ vũ kỹ nghệ gia nên đầu tư ngành này, ngành nọ. Kỹ nghệ gia, như chim gặp phải ná vì nhiều lần "vỡ nợ", thì đã thối chí. Những người còn có gan, khôn hơn, xin tín dụng ngân hàng. Giới chửc xét cấp tín dụng là những tài năng trẽ đỗ đạt ở Âu Mỹ về. Cái ngộ nghĩnh là những dự án trên là do các chuyên viên tài ba kể trên nghiên cứu và cũng do họ xét cấp tín dụng. Thành thử ngạc nhiên cho lắm khi giáo sư Hách bảo rằng đa số các dự án được cấp tỉn dụng rơi vào tay ba tàu Chợ Lớn. Người Việt mình chả xơ múi gì. Chẳng qua là các chú chệt chịu chi tiền nhờ các chuyên viên lỗi lạc tài ba kể trên nghiên cứu dự án. Lẽ dĩ nhiên các chuyên viên lỗi lạc kể trên ở trong ruột các cơ quan duyệt xét tín dụng biết rằng phải trình bày dự án theo hình thức nào để dự án có thể chui trót lọt khi cứu xét.
Chúng tôi không gọi là hướng dẫn kỹ nghệ gia, mà là đầu độc kỹ nghệ gia là đúng hơn. Nếu ta nhìn vấn đề một cách toàn vẹn, thì ta thấy rằng: nền kỹ nghệ phát triển đem lại lợi tức đều đặn, tạo công ăn việc làm cho dân chúng, đóng góp thuế cho ngân sách quốc gia, đem lại sự ổn định cho xã hội. Nếu ngược lại ta hướng dẫn kỹ nghệ gia về những dự án hình thức, để dễ phá sản, thì chính ta là người phá hoại nền kinh tế quốc gia. Chúng ta đang tự giết chúng ta. Chúng ta đang ngồi trên chiếc thuyền nan, tự đâm đáy thuyền mà không hề biết. Viết đến đây, chúng tôi liên tưởng đến hai công ty bán máy điện toán ở VN. Công ty đầu bán một máy điện toán cho một công ty đa quốc gia. Cố vấn hướng dẫn thế nào, mà một năm trời, hệ thống chạy cà ạch cà đụi, công ty tiêu tốn trên 600 triệu đồng (= 10 triệu MK). Công ty thứ 2, cũng bán một hệ thống điện toán cho một ngân hàng. Dự án do công ty này nghiên cứu. Thế mà, khi máy về được lắp đặt xong trong tháng 7/1974, thì vỡ lẽ ra là máy thiếu khả năng, nên buộc lòng phải dạm bán. Mà đâu phải rẻ gì. 70 triệu bạc, chứ đâu phải nhỏ nhoi gì. Kết luận của hai câu chuyện kể trên là: những người cố vấn kỹ nghệ gia, thương gia thường chỉ thấy cái lợi nhỏ của mình, hay của công ty mình, mà quên quyền lợi của người mà mình cố vấn, và nhất là quyền lợi quốc gia. Cố vấn để bán hai hệ thống điện toán là cả 400.000 MK, ngoại tệ của nhà nước mất toi, không dùng được. Quốc gia thiệt thòi là thế. Lợi dụng sự mù tịt về điện toán của ban giám đốc để cố vấn bán những hệ thống điện toán là cả một sự thiếu lương tâm nghề nghiệp.
Chúng tôi thiết nghĩ là đến lúc phải thành lập một viện nghiên cứu Kỹ thuật, Thương mại và Quản trị. Viện phải hoàn toàn độc lập, do tư nhân quản lý, và vô vị lợi, sống hoàn toàn trên dịch vụ nghiên cứu. Hiện thời, có nhiều người có tiền, nhưng thiếu kinh nghiệm kỹ nghệ, hoặc quản trị. Hoặc có những kỹ nghệ gia lúng túng trong việc quản trị, không kiếm đâu ra những cố vấn rành nghề, để nhờ cố vấn nghiên cứu những dự án quản trị hợp lý, hoặc huấn luyện nhân viên về một ngành chuyên môn. Theo kinh nghiệm cho thấy, thì ở VN, riêng ngành điện toán, thì cấp chỉ huy rất mù tịt về ngành điện toán, về khả năng máy điện toán, và về khả năng ứng dụng máy điện toán vào quản trị xí nghiệp. Nên khi nghe những kỹ sư mại bản (bây giờ ta gọi là sales engineer) của các công ty điện toán, tán hưu tán vượn về một loại máy nào đó, thì cho đặt thuê hoặc mua đứt hệ thống máy này. Chỉ đến khi máy về, thì mới vỡ lẽ ra là ông chủ sự, hoặc ông chỉ huy cấp trên ù ù cạc cạc về ngành điện toán, chuyên viên thì mới ra lò thiếu kinh nghiệm, nghĩa là đủ thứ lủng cà lủng củng. Trong khi ấy, hằng tháng phải trả 4,5 triệu bạc tiền thuê máy, để cho ra những kết quả sai tùm lum. Một phí phạm vô tưởng.
Một thí dụ khác là việc lục đục của dự án xây dựng nhà máy in bạc của Ngân Hàng Quốc Gia trong tháng 8/1974 vừa qua, với kinh phí đầu tư là 5 tỉ bạc. Dự án được khởi sự nghiên cứu từ 1969. Và NHQG đã gởi đi nhiều chuyên viên thượng thặng chu du nhiều nước để nghiên cứu dự án. Nghiên cứu thế nào, mà cuối tháng 5/1974, Hội Đồng Quản Tri NHQG giao cho một công ty Mỹ American Bank Notes Company thực hiện dự án. Nhưng điều trớ trêu là khi sắp đặt bút ký hợp đồng, thì được biết cái máy VN đặt mua chưa hề tồn tại, nghĩa là chưa được bán ra cái nào cả, đang ở dạng nguyên mẫu (prototype), và nhất là công ty Mỹ trên đang trong vòng khánh tận. Những dữ kiện trên có được là do một công ty Thụy Sĩ cạnh tranh cung cấp, công ty De La Rue Giori tiết lộ bằng một văn thư gởi cho Thống đốc NHQG. Điểm đáng nêu ra ở đây là: một dự án đồ sộ tốn gần 5 tỉ bạc thì không thể nghiên cứu kiểu chơi chơi như mua một chiếc xe hơi, một chiếc du thuyền. Đành rằng HĐQT có thể mù tịt về kỹ thuật, nhưng chuyên viên không thể lơ mơ trong việc nghiên cứu dự án.
Tóm lại là phải có một viện nghiên cứu dự án một cách đàng hoàng. Có đầy đủ phương tiện và nhân sự để nghiên cứu. Ngoài ra, nếu được thành lập, thì là nơi có thể thu hút nhân tài có khả năng nghiên cứu đang mai một tại đại học.
Viện có thể là gạch nối giữa xí nghiệp và đại học. Xí nghiệp của ta hiện thuộc loại cỡ nhỏ, không dám chi tiền cho những kỹ sư, tiến sĩ xuất sắc. Và nếu có chi thì cũng sử dụng họ trong những công viêc tạp nham không phù hợp với chuyên môn tài năng của họ, phí phạm tài năng. Nếu làm việc ở viện, họ có thể nghiên cứu nhiều dự án cho nhiều xí nghiệp. Ngoài ra, viện là nơi thu hút nhiều chuyên viên cho nhiều ngành nghề khác nhau. 
Một dự án có thể đòi hỏi nhiều ngành nghề khác nhau - đa ngành, mà xí nghiệp không tài nào có đủ. Một kỹ sư ở xí nghiệp không thể bao quát mọi vấn đề, không thể nhìn thấy đủ khía cạnh của vấn đề. Thành thử, một dự án mà chỉ có 1 hoặc 2 chuyên viên nghiên cứu là sẽ hỏng bét.
Ngoài ra, theo thiển ý, thì viện nghiên cứu kỹ thuật trên phải hướng dẫn: sự bành trướng xí nghiệp không những về mặt kỹ thuật mà về mặt quản trị. Đối với chúng tôi, mặt kỹ thuật đôi khi có thể vượt qua dễ dàng, nhưng mặt nhân sự là cốt tử, nhưng xí nghiệp có vẻ lơ là. Kỹ nghệ thiếu những người có khả năng nhưng không được sử dụng đúng chỗ. Nếu viện là nơi thanh lọc tài năng hướng về kỹ nghệ, thì đây là điều tốt cho kỹ nghệ.
Nói tóm lại, theo cái nhìn của chúng tôi, thì viện nghiên cứu kỹ thuật, thương mại và quản trị là gạch nối giữa đại học (là kẻ có tài) và kỹ nghệ (là nơi có tiền). Viện sẽ giúp các nhân tài tốt nghiệp có khả năng, có kinh nghiệm, có cơ hội phát triển đầu óc sáng tạo. Viện sẽ giúp các xí nghiệp nghiên cứu các dự án rẻ tiền hơn, đàng hoàng và bảo đảm chất lượng hơn.
Một loại viện nghiên cứu kể trên có thể tìm thấy ở ngoại quốc: ở Thụy Sĩ là viện Institut de Batelle ở Geneve, ở Mỹ là viện Institute of Future ở Connecticut, ở Tây Ban Nha là viện Sociedad es Studio Escientifico de los Problemas de la Industria, el Commercia y al Administracion ở Madrid.
Cuối cùng, chúng tôi mong mỏi là nếu một viện nghiên cứu như thế được hình thành, thì nó phải đưa ra những dự án khả thi, chứ không phải những dự án hình thức để trình diễn như trong thời gian qua. 
Để kết luận bài báo này, các kỹ nghệ gia, các kẻ có tiền, các chuyên viên có tài, muốn thực thụ làm kỹ nghệ, thương mại, họ chỉ có thể thành công nếu có một chánh sách kinh tế liên tục, được lồng trong một nền kinh tế chỉ huy đồng thuận, đồng thời phải được hướng dẫn thật tình, mà Viện Nghiên Cứu là "vật xúc tác" giữa người có tiền và kẻ có tài.
Kỹ nghệ VN có cơ hội tiến lên hay không, là điều chúng tôi thường tự hỏi. Hỏi mà chưa được trả lời thỏa đáng, dầu cho viết đến cuối bài này.

Dương Quang Thiện
Kỹ sư Điện toán IBM
Sài Gòn ngày 8/12/1974

Ghi chú :

(1*) Bài báo cũ số 1, tái xuất bản trên Dương Quang Thiện blog.

Đã gửi từ iPad của tôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét