Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Báo cũ (3) - NHÂN TÀI VN ĐƯỢC ĐÀO TẠO Ở NGOẠI QUỐC ĐANG LÀM GÌ Ở VIỆT NAM



Tác giả có đôi điều:
      Bài báo dưới đây mà bạn sẽ đọc là một bài báo cũ số 3 mà Thiện mỗ viết cách đây 40 năm, vào ngày 3/1/1975 được đăng trên Chính Luận, một tờ báo lớn nhất của Sài Gòn trước 1975. Bài báo này viết vào lúc 3 tháng sau đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nếu bạn biết rằng, sau khi hai bài báo (số 2 và 3) phát hành, thì bộ QGGD miền Nam liền thông báo là ngưng cho du học tự túc từ niên khoá 1974-1975 trở đi, lấy lý do bị Mỹ cúp viện trợ, không còn ngoại tệ. Còn nay, tính đến 2013, Nhà Nước XHCN đã cho đi du học (đúng hơn là "tị nạn giáo dục") 100.000 sinh viên với chi phí lên đến 3 tỷ đô/năm. Với vào khoảng 300.000 nhân tài đã tốt nghiệp đang tha phương cầu thực ở nước ngoài thì khi đọc bài báo dưới đây của miền Nam VN trước 1975, thì không biết bạn sẽ nghĩ gì. Có người sẽ bảo chúng ta đã vào WTO, nên phải chuẫn bị các thanh niên ra thành những công dân quốc tế. Thiện mỗ sẽ rất hân hạnh đón nhận những comment.


CÁC NHÂN TÀI VN ĐƯỢC ĐÀO TẠO Ở NGOẠI QUỐC ĐANG LÀM GÌ Ở VN?

Từ mười mấy năm qua, chúng ta đã gởi không biết bao nhiêu sinh viên ưu tú đi du học hoặc đi tu nghiệp tại các nước tiên tiển. Phụ huynh sinh viên cũng như chính quyền chấp nhận hy sinh cho một cuộc đầu tư tinh thần, với ước mong là những người thành tài có một tương lai sáng sủa hơn cha ông, và nhất là sau khi thành tài sẽ đem về những học hỏi ở xứ người kiến thiết quê hương. Nhưng thực tế cho ta thấy rằng một số lớn đã ra đi mà không hẹn ngày về, gây ra một cuộc "băng não" trầm trọng.
Một số còn lại lặng lẽ lục tục hồi hương sau khi tốt nghiệp nói là để phục vụ quê hương đồng bào, kiến thiết xứ sở. Bao nhiêu là mỹ từ óng chuốt làm đẹp cho hành động trở về của các nhân tài tốt nghiệp ở ngoại quốc. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, sau đó chả ai để ý đến những người này họ phục vụ quê hương thế nào, họ làm việc ra sao, họ sống và cảm nghĩ ra sao, việc cho họ du học có đáng đồng tiền bát gạo hay không. Chúng tôi tin chắc rằng phụ huynh sinh viên chả hề đặt những câu hỏi trên để tìm hiểu vấn đề. Tâm trạng chung là sống cho qua ngày, âm thầm chịu đựng, thắc mắc làm chi cho rắc rối.
Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài báo, chúng tôi cố gắng phân tích một khía cạnh cùa vấn đề: tâm lý của những nhân tài tốt nghiệp ở ngoại quốc trở về hoạt động ở quê hương.

TẠI SAO HỒI HƯƠNG ?

Chúng ta thử xem những ai đã hồi hương sau khi tốt nghiệp ở ngoại quốc: 

(1) Có những người dầu muốn hay không cũng buộc lòng phải về nước vì nhiều lý do: (a) Vì luật pháp xứ nhận sinh viên du học bắt buộc thế. Thí dụ: ở Hoa Kỳ, đạo luật PL 555, buộc sinh viên tốt nghiệp phải rời khỏi Hoa Kỳ trong 24 giờ sau khi tốt nghiệp, nếu sinh viên du học theo học bổng. (b) hoặc không được phép hành nghề. Ở Pháp, những năm về sau này, thất nghiệp ngày càng tăng, nên muốn hành nghề phải có quốc tịch Pháp. Do đó, phần lớn sinh viên VN tốt nghiệp chối bỏ quốc tịch Việt, vào quốc tịch Pháp để dễ kiếm việc làm. 

(2) Hạng người thứ hai: là những người sau nhiều  năm làm việc ở xí nghiệp ngoại quốc, nhận ra rằng chỗ đứng của họ thực thụ là tại các xí nghiệp quốc nội. Xã hội ở ngoại quốc quá sung mãn, công việc tại xí nghiệp ngoại quốc trở thành thỏi quen, nhàm chán, không mấy thích thú, không có thách thức, họ chỉ là những chuyên viên tầm thường. Trong khi ấy kỹ nghệ VN đang cần những chuyên viên có óc tiền đạo, khai sơn phá thạch, để kiến tạo một nền kỹ nghệ tiên tiến. Viêc họ làm được gì hay không cho què hương là một chuyện khác, nhưng điều đáng ghi nhận và trân trọng là họ đã can đãm từ bỏ nhúng tiện nghi vật chật ở xứ người trở về lại quê hương.

(3) Có loại người tài năng, chuyên môn, thuộc loại  bình thường, bằng cấp không có gì to tát, "kêu" cho lắm, nhưng tham vọng thì rất lớn. Ở ngoại quốc, họ chỉ là những tiểu tốt vô danh. Nhưng nếu về lại VN, với bề thế gia đình (bây giờ, ta gọi là COCC, hoặc CCCC) họ có cơ hội trở thành những Giám Đốc, Tổng Giám Đốc, Viên trưởng, Khoa trưởng đại học, v.v.. 

(4) Cuối cùng là hạng người rất hiếm: ra đi du học là với chủ đích đem kiến thức về xây dựng quê hương, với ý muốn thay đổi bộ mặt chậm tiến của quê hương. Thành tài là họ trở về quê hương, biết rằng nếu họ ở lại thì tương lai họ sáng sủa đầy triển vọng.

Với bấy nhiêu lý do hồi hương khác biệt, chúng ta sẽ thấy hoạt động của các nhân tài được đào tạo ở ngoại quốc sẽ bị ảnh hưởng khác nhau, vì mỗi người mang một tâm trạng riêng biệt khi về đứng trước môi trường xã hội mà họ phải sống, và nhất là họ phải giúp giãi quyết phát triển.

ĐEM VỀ ĐƯỢC GÌ ?

Bây giờ ta thử đi thêm một bước: tìm hiểu xem những kiến thức, nhất là những kinh nghiệm chuyên môn của những người mà ta chờ đợi một sự góp sức. 
Chúng ta đã nghe nhắc đi nhắc lại đến độ nhập tâm, là gởi người đi du học là để kiến thiết quốc gia, để phát triển kỹ nghệ, để bành trưởng cải thiện nông nghiệp. Nói tóm lại là để tăng tổng sản lượng quốc gia (bây giờ ta gọi là GDP), tăng lợi tức cho người dân. Theo nguyên tắc thì chỉ những ngành nào trực tiếp tăng GDP trong giai đoạn kiến quốc (gọi là "giai đoạn cất cánh") mới thật là ưu tiên. Thí dụ: các ngành cơ khí, công nghệ, hoá học, canh nông, ... Thế mà, trong thực tế 70% sinh viên tốt nghiệp mang về những nghề không giúp ích gì cho nông nghiệp hoặc kỹ nghệ VN, chẵng hạn bác sĩ, dược sĩ, luật sư, xã hội học, phân tâm học, ...
Hoặc những ngành mà sự ứng dụng đang có vẽ xa xôi, mơ hồ như vật lý nguyên từ, khòng gian, ... Hoặc những ngành có vẻ hành chánh như khoa học chính trị, khoa học kinh tế, ...Nghĩa là trong nỗ lực hy sinh gởi người đi du học, ta chỉ thu được vào khoảng 30% mớ kiến thửc có thể dùng bành trướng kỹ nghệ. Thật quá ít. Chả trách mà nền kỹ nghệ và nông nghiệp của ta chưa "cất cánh" nổi, vẫn còn ì ạch một chỗ.
Còn về kinh nghiệm chuyên môn, là một vấn đề quan trọng mà có vẻ ta lơ là. Ai cũng biết sinh viên mới ra trường, thì chỉ là một mớ lý thuyết suông trong nhà trường, chưa bao giờ được "thử lửa". Đây là chưa nói đến có sát thực tế với kỹ nghệ VN không, và khả dĩ ứng dụng tại VN hay không của những kiến thức kể trên. Ở các nước tiên tiến, người ta chấp nhận một thời gian tập sự, ít nhất hai năm, đối với những sinh viên mới ra trường. Thời gian này được gọi là "thời gian đổ bể chai chén", vì chưa có kinh nghiệm nên đổ vỡ thất bại khi người kỹ sư bắt tay vào việc. Thành thử, sinh viên VN vừa mới ra trường ở ngoại quốc, bắt buộc phải chọn một trong hai đường sau đây: (1) một là xin ở lại tập sự 2-3 năm tại một xí nghiệp ngoại quốc lấy kinh nghiệm trước khi về; (2) hai là hồi hương ngay khi giựt xong mãnh bằng.
Cả hai đường đều gặp trắc trở. Nếu xin tâp sự, thì chính phủ không chấp thuận vì trong chính sách du học, không hề có chuyện cho ở lại tập sự 2-3 năm. Hoặc là các xí nghiệp ngoại quốc không chịu tuyển dụng mình khi họ biết mình chỉ tập sự 2-3 rồi rủt lui về VN. Họ có lý, vì họ đâu có dại chịu mọi chi phí đổ bể chai chén trong thời gian tập sự, rồi khi mình vừa có kinh nghiệm thì dông về VN họ chả lợi dụng được chi.
Những năm về sau này, sinh viên VN thành tài khỏ kiếm việc làm tập sự, vì kinh tế ngày càng khó khăn, nên ngoại quốc dành ưu tiên cho con dân họ. Rốt cuộc là đành xách va li về nước nếu không muốn từ bỏ quốc tịch.
Để kết luận, là đa số nhân tài VN tốt nghiệp ở ngoại quốc là thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Những kiến thức học được trong nhà trường chỉ là lý thuyết suông, nông cạn. Đây chính là một trong những yếu tố gây trở ngại giãi thích vì sao kỹ nghệ VN vẫn đang trong vòng ấu trĩ, chậm tiến.
Ngoài ra, trong thời gian sinh viên ở ngoại quốc, thường thiếu sự hướng nghiệp để chọn một nghề thích ứng với hoàn cãnh kinh tế VN. Chúng ta ai cũng biết tình trạng hoạt động của các toà đại sứ lãnh sự VN ở ngoại quốc. Sinh viên không bao giờ nhận được thông tin về kinh tế, nông nghiệp, kỹ nghệ, v.v.. Nếu có được thông tin thì toàn là những dự án, thành tích, dự phóng không đi đôi với thực tế, nghĩa là những con số để trình diễn.

CHÁN CHƯỜNG VỚI THỰC TẾ

Mặc dầu xã hội VN đang ở thời kỳ 1975, nhưng nếu nhìn vế mặt kinh tế xã hội, thì ta đang ở vào thời kỳ 1914 của châu Âu. Người sinh viên VN khi du học qua các nuộc Âu Mỹ thì họ nhảy vọt từ xã hộ 1914 qua môi trường 1975 của Âu Mỹ, nên suốt thời gian ăn học họ chỉ biết môi trường Âu Mỹ. Những khó khăn của xã hội Âu Mỹ từ 1914 đến 1975 họ không bao giờ biết, nên khi về VN họ chê bai những cái xấu xí, những cái thiếu sót ở VN, đồng thời họ đòi hỏi những tiện nghi vật chất mà họ đã quen hưởng thụ khi họ còn ở Âu Mỹ. Họ quên rằng dân Âu Mỹ cũng phải trãi qua 50 năm khó khăn vất vã mới có những tiện nghi ngày hôm nay. Họ đâu có biết rằng trước khi các nhà bác học nguyên tữ Pháp có những phòng thí nghiệm tối tân, thì Joliot Curie và Marie Curie cũng đã thí nghiệm nguyên tử trong nhà xe tồi tàn.
Nói tóm lại đã thiếu kinh nghiệm, lại mang cái tính hường thụ không tốn công, đưa đến tình trạng mà ta thấy hiện nay là các nhân tài ở ngoại quốc về thích ở phòng giấy có máy lạnh hơn là xuống nhà máy sản xuất và thích có các chức vụ lớn để có những quyền lợi vật chất do chức vụ đem đến, như xe hơi, tài xế riêng, biệt thư, cư xá, v.v..
Đây chưa nói đến sự kiện là các nhân tài này thiếu ý chí tự lập, thiếu những đức tính cần thiết của những người đi tiên phong, vì từ lâu từ trong khung cảnh nuông chiều ở gia đình cho tới khi ra ngoại quốc, chỉ biết hướng thụ, nhưng chưa bao giờ biết cố gắng tạo dựng, nên khi về VN họ chóng chán chường, than thiếu cái này thiếu cái kia. Cái chi họ cũng than van khòng như Âu Mỹ. Họ quen ăn cổ mà không biết dọn cổ, chì chực người ta dọn cổ, là a vào chon chỗ ngon lành. Chính vì thế mà ỉt thấy những kỹ nghệ do các nhân tài ở ngoài về tạo dưng nên.

BẤT ỔN VÀ BẤT ỔN

Bây giờ chúng ta xem qua môi trường xã hội VN mà các nhân tài ở ngoài về sinh sống và hoạt động. Có nhiều vấn đề mà họ vấp phải, nhiều trở ngại mà họ phải vượt qua, thí dụ vấn đề lương bổng, quân dịch, và chức vụ. Trong 3 vấn đề vừa kể trên, thì vấn đề quân dịch sẽ ảnh hưởng rất sâu đậm trong việc sử dụng tài nguyên nhân tài ở ngoại quốc về. Vấn đề động viên quân dịch là nỗi ám ảnh thanh niên và phụ huynh sinh viên. Nó là một yếu tố gây trở ngại trong việc hồi hương các nhân tài du học nay đã thành tài. Chính quyền trong cuộc chiến chống Cộng dai dẵng này bị giằng co giữa hai tâm trạng. Tâm trạng thứ nhất là muốn thực thi dân chù trong việc động viên, nghĩa là mọi công dân trong tuổi động viên phải thi hành nghĩa vụ quân dịch như nhau.
Tâm trạng thứ hai là trong nổ lực xây dựng kinh tế, nếu bắt đi quân dịch tất cả các chuyên viên (đã tốn công tốn của đào tạo) thì ai lo kinh tế, ai lo giáo dục. Tẳm trạng sau đây mâu thuẫn với tâm trạng đi trước. Nhưng muốn làm vừa lòng mọi tâm trạng, người ta đã đẻ ra những biện pháp như biệt phái, động viên tại chỗ (ĐVTC) v.v.. Nhưng chính những biện pháp này đã gây ra bất ổn về mặt tinh thần cho mọi người. Người không được biệt phái thì ganh tị với người được biệt phái. Người được biệt phái thì ngồi trên đống lữa, vì cỏ thể ngày mai người ta hứng bất tử, người ta rút lệnh biệt phái trã về Bộ Quốc Phòng. Chính những bất ổn này đã giao động tinh thần giới chuyên viên từ ngoại quốc về, họ là người đã quen sống tự do ở xứ người. Kết quả là họ chả muốn làm gì có tánh cách lâu dài cả. Họ lý luận rất thực tế. "Làm gì cho nhọc công, biết đâu ngày mai, người ta rút lệnh biệt phái." "Thôi thì cứ sống tà tà, được ngày nào hay ngày đó. sống tới đâu hay tới đó."
Chính tình trạng hầu như buông thả của giới chuyên viên ở ngoại về, cho nên nhiều dự án, nhiều chương trình được đề ra cho có lệ, có tính cách đoản kỳ nhất thời, có tính cách phô diễn hơn là thực thụ muốn có kết quả về lâu về dài.
Khi mà đã có những cữa ngỏ biệt phái, ĐVTC như vậy, khỏi phải nói người nào cũng tìm những chỗ cỏ biệt phái, nghĩa là những cơ quan trọng yếu về mặt kinh tế, những xí nghiệp được liệt vào hàng tối cần thiết cho nền kinh tế, cho kỹ nghệ sản xuất. Thành thử, chúng ta thấy các nhân tài đua nhau hoặc chun vào các ngân hàng (Ngân Hàng Quốc Gia, Việt Nam Thương Tín), các xỉ nghiệp ngoại quốc (Shell, Eso..), hoặc các công ty quốc doanh như Điện Lực, Sicovina. Cái quái đản là không cho phép lựa các công ty biệt phái theo chuyên môn mình có, mà chỉ lựa các công ty có biệt phái, ĐVTC.
Kết quả là chúng ta rơi vào tìnih trạng là dùng người khòng đúng chỗ. Ai đời kỹ sư cầu cống lại chui vào ngân hàng, kỹ sư bách khoa lại làm giám đốc hãng hàng không, kỹ sư điện lại giữ chức vụ phụvtas tổng trường kinh tế. Tóm lại, toàn là những chuyện tré cẳng ngỗng. Tình trạng dùng người không đúng chỗ là yếu tố gây ra tâm trạng bất mãn, chán chường, buông thả của giới chuyên viên và sư trì trệ trong công cuộc phát triển đất nước. Chúng tôi thật tình thiết nghĩ là nếu chúng ta thành tâm chiu khó duyệt lại chính sách động viên, định một thời gian quân dịch hợp lý và rõ ràng (4 hoặc 5 năm chẵng hạn) cứ theo đó thì mọi công dân phải thi hành quân dịch không phân biệt chuyên viên ở ngoại quốc về hay ở quốc nội ra. Như vậi ai ai cũng biết mình phải mất một thời gian quân dịch. Sau thời gian ấy mình có quyền xin giải ngủ, lo cho tương lai mình nói riêng và giúp xứ sở nói chung.
Nói về lương bổng, thì chúng tôi thường nghe các chuyên viên ở ngoại quốc về than thở phàn nàn rằng lương chính phủ hoặc xí nghiệp tư trả là lương chết đói. Họ có cái tật lấy lương bổng ở ngoại quốc nhân giá biểu hổi xuất tương đương ra bằng tiền VN để mà so sánh chê bai. Thí dụ, họ bảo rằng nếu họ ở lại Pháp thì lương họ sẽ lãnh là 3.500 quan nghĩa là 500.000 đồng nếu họ về giúp việc ở VN.
Nếu chỉ trả cho họ 70.000 đồng VN (= 1 cây vàng) thì họ bảo là lương chết đói. Có nhiều vị giám đốc cơ quan ở thế kẹt khi có dưới quyền mình những chuyên viên ở ngoại quốc về. Nếu có vị nào chĩ trích lối làm việc cầm chừng của những chuyên viên này, thì được trả lời như sau: "với tiền lương chết đói như vầy thì đừng đòi hỏi chúng tôi làm nhiều hơn làm gì. Chúng tôi đã hy sinh khi về lại VN, chứ nếu ở Mỹ thì lương tôi trên bạc triệu môt thảng. Chẵng qua là bị kẹt quân dịch, chứ không sức mấy mà tôi ở đây. Làm như vầy là tôi tử tế rồi đấy. (Cái giọng điệu này, quý vị có thấy giống giọng điêu của những mari sến - bây giờ ta gọi là ô sin - trước làm cho sở Mỹ, nay vể làm cho các gia đình VN).
Các chuyên viên họ quên rằng với mớ kiến thức còn nông cạn khi chân ướt chân ráo mới ra trường, kinh nghiệm chưa có, họ cũng chã hơn gì kỹ sư, chuyên viên nội địa, ngoài việc nói ngoại ngữ trôi chãy và tính hưởng thụ rất cao. Họ quên rằng cho họ du học để họ về giúp nước với kiến thức thu thập được, chứ không phải để được phục vụ với mức lương tương đương như ở Âu Mỹ. Chính cái điểm này đa số đã quên đi, nên coi như bị bạc đãi, không được đãi ngộ xứ đáng với công sức học hỏi ở xứ người, khi nhận được đồng lương mả họ cho là "mạt rệp", không cung ứng đủ những tiện nghi vật chất như ở Âu Mỹ. Và nếu muốn có, thì kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức vụ, hoặc tham nhũng, hoặc bỏ trốn ra ngoại quốc.
Đồng lương mà mấy vị khoa bảng ở ngoại quốc về cho là yểu kém, chết đói mạt rệp cũng là yếu tố gây bất mãn trong tâm hồn của những người này.
Vấn đề chức vụ, lại là một vấn đề rắc rối, phức tạp. Từ ngày thu hồi chủ quyền quốc gia, vấn đề thiếu hụt chuyên vièn ở mọi ngành là trầm trọng. Số người thành tài ở lại ngoại quốc rất lớn. Số người về rất ít, nên được chiếu cố tận tình. Các vị kỹ sư, tiến sĩ ở ngoại quốc về thường được cho giữ những chức vũ cao như giám đốc, tổng giám đốc, tổng trưởng, v.v..
Nếu ở ngoại quốc thì họ cũng chỉ là một viên kỹ sư tầm thường, bắt đầu tập sự từ dưới lên, lấy kinh nghiệm lần. Nhưng về lại VN, thì đột nhiên được tống lên giữ một chức vụ cao, mà kinh nghiệm chuyên môn và kiến thức còn non nớt, nên đa số không nắm vững ngành mình chỉ huy. Thêm lại "men chiến thắng" đã làm cho các vị ấy say quyền bính. Óc quan liêu đã có sẵn trong đầu, nên sanh ra hách dịch đối với thuộc hạ dưới quyền mình. Ở Tổng Nha Ngân Khố người ta kể nhau rằng một anh kỷ sư tiến sĩ (ingénieur docteur) ở Pháp về, đã mắng tưới một ông lao công đáng tuổi bố mình vì ông này lở gọi anh này là kỷ sư thay vì phải gọi "thưa ông kỷ sư tiến sĩ". 
Lại mang thêm cái bệnh của hầu hết người VN là bệnh hay sợ mất mặt và không thích bị chỉ trích. Vì thiếu kinh nghiệm, không biết rành chuyện cơ quan mình chỉ huy mà không dám hỏi thuộc hạ mình vì sợ mất mặt. Thành thử, phần lớn chỉ huy theo kiểu chỉ tay năm ngón.
Lý thuyết rặt lý thuyết suông trong phòng lạnh, và dùng quyền hành bắt áp dụng nhúng chính sách lệch lạc sai bét. Đôi khi đàn em biết rành việc, biết sếp sai nhưng tảng lờ một là sợ bị sếp giận sếp trù, hai là cũng muốn cho sếp bị vỡ mặt cười chơi. Các vị khoa bản ở âu tây về cứ tưởng là với cái bằng to tướng của mình là có thể biết hết biết hết, chứ đâu có biết trăm hay không bằng tay quen, các ông thông ông ký cỗ lỗ xĩ kia biết viêc nhiều hơn mình. Người thợ già khú đế kia vẫn rành hơn mình về những chi tiết máy móc.
Trong vấn đề chức vụ, chúng tôi nhận thấy một điểm hết sức kỳ quái: là vấn đề kiêm nhiệm nhiều chức vụ cùng một lúc. Không biết nhân tài ở ngoại quốc về giỏi hơn chuyên viên nội nên ôm đồm nhiều chức vụ quan trọng cùng một lúc. Hay là vì lương hướng một nơi sống không đủ, phải đi làm nhiều nơi mới đủ thoã mãn những tiện nghi vật chất. Vì ôm đồm nhiều quá, nên công  việc mỗi nơi đều không chu toàn. Nếu vừa làm ở xí nghiệp vửa làm giáo sưu đại học thì lấy thời giờ đâu soạn bài giãng, nếu không nói là ăn vào giờ của sở. Như vậy, công việc sở chỉ giải quyết qua loa, mặc tình cho thuộc hạ ở dưới làm chi thì lảm, không coi sóc, đôn đốc. Còn nếu không thì bài giảng sẽ được soạn ẩu tã, không đến nơi đến chốn.
Tới đây, chúng tôi thiết nghỉ lả tạm đủ, nên ngừng ở đây để lấy một kết luận.
Đọc tới đây, quý vị có thể rút ra cho mình một kết luận riêng giải đáp những thắc mắc liên quan đến hiên trạng xã hội bao quanh quý vị. Riêng chúng tôi, thì kết luận như sau: chúng  ta kỳ vọng thái quá đối với nhân tài được đào tạo ở ngoại quốc. Chúng ta đặt tin tưởng mù quáng vào những kiến thức được thu thập từ ngoại quốc sẽ làm phép lạ đưa nước ta thoát khỏi chậm tiến. Kỳ vọng cũng như tin tưởng chúng ta đặt không đúng chỗ. Những thần tượng không đáng là thần tượng mà ta đặt trọn niềm tin. Quan điểm của chúng tôi là: sư kiện gởi người đi du học là Không Đáng Đồng Tiền Bát Gạo, nếu ta làm bài toán Giá phí / Hiệu năng (Cost / Benefits) của các chuyên viên này. Họ không đem đến những kết quả mong muốn mà toàn dân đã kỳ vọng đã đặt hết niềm tin.
Chúng tôi thừa hiểu là chúng tôi đã làm phật lòng một số quý vị phụ huynh sinh viên, cũng như các chuyên viên tự mãn (đang ở trên bậc thanh danh vọng). Chúng tôi biết là trung ngôn nghịch nhĩ, lời thật mất lòng. Nhưng biết làm sao hơn.
Với bài nhận định này, chúng tôi hy vọng là không làm cái công việc khuấy động mặt nước ao tù, để rồi đâu vẫn hoàn đấy. Tôi hy vọng là có cái gì sẽ xảy ra nổi dậy thức tỉnh trong lòng mỗi người chúng ta, trong lòng mỗi người thiết tha với tiền đồ tổ quốc. Chúng tôi chỉ mong có thế thôi.

Dương Quang Thiện
Kỷ sư Điện toán IBM
Sai Gon 3/1/1975

1 nhận xét:

  1. Kính gửi anh Thiện

    Em xin cảm ơn anh Thiện đã gửi cho xem 3 bài báo cũ của anh đã viết trước 1975. Ba bài này hay thiệt là hay, theo em nó vẫn có hiệu lực đối với hiện trạng ngày nay của VN ! Anh Thiện đã gửi cho báo chí nào ở VN bây giờ không ?

    Em kính chúc anh luôn mạnh khoẻ và bình an, có những bài như đã viết để làm mở mắt cho nhiều người ... kể cả giới lãnh đạo VN hiện nay.

    Kính thư
    Hoàng Quốc Ơn

    Trả lờiXóa