Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

CHUYỆN CỦ

Cuộc Trò Chuyện Tại Ngôi Nhà 84A/7...
(30.09.2006, 10:41 am GMT+7)

Đó là một ngày mưa dầm dề. Những đóa hoa lan nhảy nhót vui tươi trong khu vườn xinh đẹp của ông bà Dương Quang Thiện. Các sinh viên Đại học An Giang đã nhận học bổng mang tên người kỹ sư tin học này đã trò chuyện cùng ông, chứng kiến niềm say mê của ông khi nói về tin học. 



Vì yêu mến những người đang xây dựng Đại học An Giang.
Từ năm 2001, học bổng Dương Quang Thiện được trao cho sinh viên trường Đại học An Giang dù ông Thiện chưa từng đặt chân tới mảnh đất này trước đó. Ông tâm tình: "Đơn giản là vì sự mến mộ và tin yêu những con người đang xây dựng Đại học An Giang". Lúc đầu mỗi suất học bổng trị giá 1.000.000đ/sinh viên, sau đó tăng lên 1.500.000đ/ sinh viên. Đến năm học 2006-2007, đã có 450 sinh viên Đại học An Giang được tiếp sức đến trường bằng học bổng Dương Quang Thiện. Năm ngoái, ông Thiện có ý định dừng trao học bổng này tại Đại học An Giang để đến một nơi khác nhưng bà Agnes, vợ ông lắc đầu: "Không được". Bà nói: "Sinh viên An Giang còn khổ lắm". Ông hóm hỉnh: "Lời của bà là mệnh lệnh đối với tôi". Ông bà khẳng định: "chúng tôi sẽ trao Học bổng Dương Quang Thiện cho sinh viên Trường Đại học An Giang cho đến chết".
Năm nay ông Thiện 73 tuổi. Bà Agnes 80 tuổi. Cả hai vẫn còn nhớ rất nhiều kỉ niệm xưa: lúc học ở Pháp, lúc làm việc ở Thụy Sĩ, lúc về Việt Nam làm kỹ sư tin học cho IBM. Bà có niềm vui đọc những lá thư sinh viên khắp nơi gửi tới. Có những lá thư bất ngờ, ấn tượng; có những lá thư vụng về viết khúc trước đoán được khúc sau.
Bên trong căn nhà số 84A/7, hai bà chăm sóc khu vườn với rất nhiều chậu phong lan đủ màu sắc. Ông có niềm vui viết sách và đã xuất bản hơn 50 đầu sách về tin học. Ở tuổi 73, bộ Net toàn tập (tám tập - sáu quyển lý thuyết và hai quyển thực hành) vừa phát hành của ông được rất nhiều người quan tâm. Đó không chỉ là bộ sách tâm huyết của cây cổ thụ trong làng tin học mà còn là tâm tư gửi đến thế hệ trẻ. Sinh viên tin học có thể tự học toàn diện về Net và C#. Ánh mắt, giọng nói hào hứng của ông truyền đến người nghe niềm đam mê và những ưu tư của người kỹ sư chưa bao giờ thôi nghĩ về tin học và lý thuyết Quản lý hệ thống. "Kĩ sư Công nghệ thông tin được đào tạo của chúng ta hiện nay mới sẵn sàng trở thành lập trình viên, đi gia công phần mềm, hệ thống cho các nước phát triển. Nhân công giá rẻ ở các nước thuộc thế giới thứ ba đang ngày đêm cày bừa cho những công ty phần mềm tầm cỡ trụ sở tuốt ở Mỹ hay Châu Âu. Việt Nam muốn tiến bộ, muốn không bị phụ thuộc và công nghệ nước ngoài thì phải viết cho được những phần mềm quản lý hệ thống phục vụ các đơn vị trong nước: Phần mềm tính điểm tuyển sinh, phần mềm quản lí nhân công, quản lý hàng hóa bán lẻ...". Bộ sách Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin trong quản trị xí nghiệp sắp ra mắt của ông Thiện là dành cho những sinh viên ra trường muốn ứng dụng tin học vào trong hệ thống quản trị xí nghiệp.
Để tri ân một tấm lòng...
"...Khi tôi còn trẻ, cha làm y tá, nhà nghèo, gia đình chỉ có thể cho tôi một tấm vé máy bay để sang Pháp du học. Cái chân có tật (ông Thiện phải cần sự hỗ trợ của một cây nạng. NV) nên không thể học ngành Nông Nghiệp theo mơ ước lúc đầu, tôi học ngành điện tử tại Đại học Bordeaux". Lúc đó cậu sinh viên nghèo Dương Quang Thiện phải đi săn học bổng để có tiền ăn học. Một lần, trượt học bổng của Pháp nhưng một ông cha người Thụy Sĩ đã hỗ trợ ông. Những lời cảm ơn đã được nói ra rất nhiều lần mà nhưng món nợ ân tình đâu bao giờ trả nổi. Như hiểu nỗi lòng người sinh viên Việt Nam, vị linh mục ôn tồn: "Anh đừng cảm ơn tôi gì hết. Khi nào anh ăn nên làm ra thì hãy nhớ đến những người đi sau".
Từ năm 1989 đến nay, không biết bao nhiêu học bổng mang tên Dương Quang Thiện đã đến với sinh viên TP HCM, các tỉnh miền Trung, miền Tây, hàng trăm ngôi nhà được xây dựng để hỗ trợ giáo viên nghèo, các phòng học, phòng ở được xây dựng khang trang cho học sinh ở Đăk Nông... Tất cả là để tri ân một tấm lòng.
Đoạn hồi ức đó cũng là lời nhắn gửi của ông bà Dương Quang Thiện đến các sinh viên đã và sẽ nhận học bổng này. Một là học giỏi. Hai là hãy nhớ đến những người đi sau.
Ngày 6-10-2006, 75 sinh viên Đại học An Giang sẽ nhận học bổng Dương Quang Thiện lần thứ 6. Ông bà không hứa sẽ có mặt. Bà mới xuất viện tuần trước. Sức khỏe đã tốt hơn nhưng đi xa là việc khó khăn dù ai cũng mong đợi sự có mặt của hai người.
Đã có nhiều sinh viên của Đại học An Giang chưa bao giờ biết mặt ông bà Dương Quang Thiện, và sẽ còn có nhiều sinh viên không được nắm bàn tay nhăn nheo của ông bà để nói lời cảm ơn được ghi sâu nơi đáy lòng của họ. Điều ấy không sao cả, miễn là sau này "khi ăn nên làm ra, hãy nhớ đến thế hệ sau". Từ Sài Gòn, hai mái đầu bạc ấy vẫn hướng về sinh viên đại học An Giang với rất nhiều yêu thương trìu mến.

Hồng Vân.
Ảnh: Vân - Tèo 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét