Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014


ÂN SƯ
   Tác giả : Dương Thiệu Tống


28/02/2005 22:46

Mãi đến năm 2001, tôi mới được nghe chính thầy giáo cũ của tôi thời trung học kể lại câu chuyện về một học sinh tật nguyền đã từng được ông giúp đỡ và sau đó đã vượt qua mặc cảm để trở thành một con người thành đạt.

Nhưng thầy chỉ kể lại câu chuyện ấy như một kỷ niệm đẹp của cuộc đời, ở vào tuổi 95, trong một dịp trở lại Việt Nam để được gặp mặt các học trò cũ của thầy từ 70 đến 40 năm về trước. Người thầy già kể lại câu chuyện ấy là thầy George Lefas, một vị thầy khả kính của hầu hết các học sinh Providence (Huế) từ thập niên 1930 cho đến sau này.
Trong buổi tiếp đón thầy ngày hôm ấy, thầy nhắc lại những kỷ niệm cũ, và bằng một giọng thều thào, yếu ớt, thầy kể: “...Cậu bé ấy thông minh, ngoan ngoãn, nhưng lại bị bại liệt một chân từ lúc lên ba tuổi. Một hôm trong giờ ra chơi, tôi thấy cậu bé ấy ngồi một mình ở cầu thang, khóc nức nở. Tôi rất hiểu tâm trạng của cậu ấy nên tìm mọi cách giúp đỡ và khuyến khích cậu ấy vượt qua mặc cảm tật nguyền... Giờ đây, tôi không biết cậu bé năm xưa ấy ở đâu, có mặt trong cuộc gặp gỡ hôm nay và còn nhớ đến câu chuyện ấy hay không, nhưng đối với tôi đó là một kỷ niệm đẹp không bao giờ quên được...”. Nhưng có lẽ thầy Lefas không ngờ rằng chính cậu bé tật nguyền xưa kia của thầy cũng có mặt trong cuộc tiếp đón thầy ngày hôm ấy và cậu vẫn nhớ, có lẽ còn nhớ rõ hơn thầy, những gì thầy đã làm cho cậu vào khoảng năm mươi năm về trước. Cậu bé ấy bây giờ là kỹ sư Dương Quang Thiện. Có lần anh đã kể cho chúng tôi nghe rằng hồi còn đi học anh bị tật ở chân nên luôn luôn bị mặc cảm. Thế rồi một hôm trong giờ ra chơi, anh thấy các bạn đều ra sân chơi bóng đá nhưng anh không thể tham gia cuộc chơi với họ được, tủi thân quá anh ngồi bệt xuống cầu thang khóc nức nở. Thầy Lefas đi ngang qua thấy vậy liền đi kiếm một cây gậy, tập cho anh đi, rồi khuyến khích anh ra chơi bóng với các bạn. Ngay sau đó, thầy đến xưởng mộc của nhà trường thuê làm cho anh một cái nạng. Từ đó, anh cảm thấy phấn khởi, tập đi nạng rất thạo và có thể tham gia vào các hoạt động thể thao, thể dục của nhà trường như một người bình thường!
Sau hôm đó, tôi mới hiểu được vì sao một kỹ sư điện tử, tốt nghiệp Đại học Bordeaux, làm việc cho hãng Bia BGI, có vợ người Thụy Sĩ, bà Agnes Hoftetter, lại nhất quyết ở lại Việt Nam từ sau 1975 và đã bỏ tiền riêng ra xây hàng trăm lớp học ở những vùng nghèo, xa xôi hẻo lánh của miền Trung, cấp hàng trăm học bổng cho những học sinh bất hạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét