Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014



Đôi điều về bóc lột
Dương Quang Thiện
25/3/2008

Cách đây khoảng 2 năm, tôi có đọc qua nhiều bài báo của các độc giả đăng trên một số báo tranh luận về việc bóc lột và việc có nên cho đảng viên làm kinh tế hay không, với lý luận rằng đã làm kinh tế thì phải bóc lột, mà đã bóc lột thì không xứng đáng là đảng viên đảng cộng sản. Tôi là một kỹ sư điện toán hành nghề nay đã trên 40 năm chuyên ứng dụng tin học vào quản trị xí nghiệp. Nghề nghiệp bắt buộc phải lý luận một cách lô gic. Do đó, từ bấy đến nay, sau nhiều đêm trăn trở buộc tôi phải viết ra những gì mình suy nghĩ.

Không cần phải vào Internet dùng google để truy ra định nghĩa về bóc lột là gì, vì có thể ta cho rằng định nghĩa này phiến diện kiểu tư bản. Theo tôi, khi hai đối tác A và B có một mối liên hệ với nhau, thì nếu A ở thế thượng phong và B bị yếu thế thì thế nào cũng có sự bóc lột, một hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” hoặc “mạnh được yếu thua”. Nếu A là một chủ tư bản có đồn điền hầm mỏ hoặc nhà máy, còn B là một nông dân hoặc công nhân nghèo, cần việc làm và chỉ có sức lao động đem bán, thì lúc ấy chỉ có thể xảy ra bóc lột giá trị thặng dư của B làm giàu cho A. Tuy nhiên, nếu một tay côn đồ có súng trong tay (nghĩa là ở thế thượng phong) vào một tiệm vàng bắt chủ tiệm (ở thế yếu trước họng súng) đưa tiền vàng cho y, thì có nên xem đây là một vụ bóc lột hay không. Theo tôi là có, vì ta hay dùng từ “trấn lột” trong trường hợp này. Hiện nay, tại các bệnh viện là bên A, để khấu hao nhanh các thiết bị y khoa mắc tiền (như máy siêu âm, máy cắt lớp hoặc máy cộng hưởng từ), người ta bắt buộc bệnh nhân B phải qua tất cả các xét nghiệm (thật ra nhiều khi không cần thiết lắm) mà bệnh nhân, như cá nằm trên miệng thớt, không thể từ chối. Như vậy có nên xem là bóc lột (hoặc trấn lột) hay không? Theo tôi là có. Các bạn có thể tìm thấy vô số ví dụ về hiện tượng bóc lột trong các công ty điện lực, cấp nước, y tế, nông nghiệp, giao thông, nhà cửa, hành chính v.v.. Nói tóm lại, hiện tượng bóc lột xảy ra mọi nơi, mọi lúc tại mọi thể chế chính trị xã hội, không phải cứ gì là chủ tư bản là có bóc lột còn cán bộ cộng sản là không bóc lột. Câu hỏi được đặt ra là vì sao có bóc lột?
.
Theo nhà Phật, cội nguồn của mọi đau khổ trên trần thế là do 3 chữ “Tham Sân Si” mà ra, trong ấy chữ Tham mang tội lớn nhất. Chính vì lòng tham nên mới sinh ra hiện tượng bóc lột. Ta phân biệt từ nặng đến nhẹ là tham quyền, tham tiền và tham sắc. Ta còn có những từ tham ô, tham nhũng, tham danh vọng v.v.. Do đó, những ai nắm quyền trong tay, cộng thêm tham tiền, thì thế nào cũng đi đến bóc lột kẻ khác yếu thế hơn mình. Nếu thứ trưởng bộ Thương mại có quyền cấp quota may mặc, và nếu không tham tiền thì giờ này đâu có vào nhà đá. Ta có thể thấy những ví dụ các cán bộ (toà án, công an, địa chính, tài chính) ở các tỉnh đã trấn lột đất đai của dân thế nào, thế mà họ là đảng viên đã thề khi được kết nạp đảng là không bóc lột dân. Cho nên theo tôi, ai có cái quyền “mở vòi nước” (ta gọi là quyền “xin-cho”) đi đôi với lòng tham tiền bạc thì thế nào cũng đi đến bóc lột kẻ cần “nước để sinh hoạt”. Cuối cùng cái quyền, nếu là độc quyền, một mình một chợ, thì việc trấn lột lại càng tệ hại.

Từ trước đến giờ, người cộng sản cứ cho rằng chỉ có chế độ tư bản là bóc lột con người. Nếu sự thể này là đúng vào những thế kỷ 18, và nửa đầu thế kỷ 19, nhưng về sau cho đến bây giờ thì không còn là đúng nữa, do sự tiến bộ của con người xã hội nói chung. Khi Các Mác đưa ra khái niệm về bóc lột, thì phía công nhân lao động các nước tư bản đã tiếp thu ý kiến này và dùng nó làm vũ khí đấu tranh cho quyền sống của mình qua những cuộc đình công. Do đó, các công nhân lao động phía tư bản đã có những cải thiện trong cuộc sống do những cuộc đình công liên tục. Tuy nhiên, phía chủ nhân dù cho có nhượng bộ nhưng cũng không bỏ cuộc trong việc tìm ra những thặng dư giá trị (add-value): họ nghiên cứu chế tạo ra những máy móc thay thế sức lao động của con người ta đồng thời tìm ra những phương pháp tăng năng suất lao động, hạ giá thành để sản phẩm có thể đến tay nhiều người hơn, kiếm ra lợi nhuận nhiều hơn. Nói cách khác, nhờ những ý tưởng về bóc lột, về giáo dục y tế miễn phí, phúc lợi khi về hưu mà phía cộng sản đã chủ xướng đề ra, mà phía tư bản vì sợ công nhân đình công nên phải nhượng bộ đồng thời thúc đẩy sự hình thành những phương thức quản lý hiệu quả hơn để có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất cũng như trên thương trường để mà “móc hầu bao” người tiêu dùng, nghĩa là cũng lại bóc lột nhưng phần nào ít trực tiếp đi đối với người lao động sản xuất (cơ bắp hoặc chất xám) mà gián tiếp nhiều hơn đối với người tiêu dung. Và cũng từ đó, tại các nước tư bản hình thành những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng trước sự bóc lột quá đáng của giới thương gia tư bản, bằng cách tẩy chay không mua hàng tại các siêu thị của một công ty nào đó. Chẳng hạn vừa rồi các siêu thị của Wal-Mart Canada bị tẩy chay vì đã mua một mặt hàng làm tại Ấn độ sử dụng đến những trẻ gái dưới 12 tuổi.

Với sự ra đời của công nghệ thông tin và Internet, hình thức tìm ra thặng dự trong mọi hoạt động kinh tế (nghĩa là bóc lột) xảy ra một cách tinh vi hơn, không thô bạo trắng trợn như thời Các Mác. Bên B không biết mình đang bị bóc lột, mà còn cảm thấy thoải mái là khác để bên A móc hầu bao của mình. Trong thế giới toàn cầu hoá, Internet và WTO ngày hôm nay, khó lòng mà biết là mình bị bóc lột một cách tinh vi, vì giới tư bản đã chuyển sang dùng công nghệ thông tin ngày càng nhiều, càng sâu đậm để thống trị bên B. Mảng chi phí nào trong giá thành sản phẩm hoặc dịch vụ có thể tiết kiệm được thì họ tiết kiệm để cho lòi ra thặng dư. Thí dụ, chi phí lao động ở các xí nghiệp tại EU hoặc ở Mỹ, Nhật v.v.. không thể thu hẹp nhỏ xuống được nữa do những luật lệ của nước sở tại, thì giới chủ nhân tư bản cho di chuyển nhà máy qua những nước chậm tiến, như Việt Nam chẳng hạn, với giá nhân công rẻ mạt cũng như chi phi về phúc lợi xã hội thấp. Các công ty đa quốc gia cũng không ngại ngùng dời trụ sở chính của họ qua những nước có thuế thấp, như Thuỵ sĩ chẳng hạn, dùng phương tiện Internet để điều khiển giám sát hoạt động của các nhà máy nằm rải rác trên toàn thế giới. Gần đây, nếu Intel dự định đầu tư 650 triệu đô la vào khu công nghệ cao ở TP Hồ Chí Minh, không phải là họ thương tình gì ta, mà vì lao động chất xám của ta rẻ hơn Ấn độ hoặc Trung Quốc và có khả năng về tri thức cao hơn, nghĩa là sẽ đem lại thặng dư giá trị cho Intel nhiều hơn và ổn định hơn. Nói cách khác, việc bóc lột thì không bao giờ dứt, nhưng ngày càng tinh vi, và có bộ mặt thân thiện hơn (như các công ty cấp học bổng cho sinh viên hoặc xây nhà tình thương v.v..) không còn thô bạo trơ trẽn như thời Các Mác.

Với thời đại Internet và công nghệ thông tin, thì thông tin đã tham gia vào việc bóc lột ngày càng chính xác hơn. Thời Các Mác, cơ cấu giá thành bao gồm vốn liếng, và lao động là chính còn bằng sáng chế (nay ta gọi là sở hữu trí tuệ hay thương hiệu gì đó) là thứ yếu. Còn ngày nay, tài sản vô hình và thông tin (là sở hữu trí tuệ) là tài sản chính của xí nghiệp, lao động trở thành thứ yếu. Do đó, khi đàm phán với ta vào việc gia nhập WTO, người Mỹ yêu cầu ta phải tôn trọng sở hữu trí tuệ (trong tin học, đó là phải bỏ tiền ra mua phần mềm thay vì sao chép lậu). Ngày nay, ưu thế cạnh tranh là mối quan tâm của các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại, cho nên trong các xí nghiệp ngày càng nhiều người ta dựa trên hệ thống thông tin để có ưu thế cạnh tranh trong thương trường. Người ta chuyển trọng tâm việc bóc lột từ sản xuất qua phân phối sản phẩm, nghĩa là từ bóc lột người lao động qua bóc lột người tiêu dùng. Việc bóc lột sẽ được diễn theo chiều hướng tự nguyện hơn là ép buộc. Những cuộc nghiên cứu tiếp thị, tiếp sau là những chiêu quảng cáo rồi đến khuyến mãi v.v.. chẳng qua cũng chỉ là móc túi người tiêu thụ một cách êm dịu tự nguyện; không ai gí súng bắt bạn phải mua hàng, nhưng nếu “bị” xem nhiều quảng cáo trên TV lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần (bột giặt Omo, Tide hay dầu gội đầu Clear, Sunsilk chẳng hạn), thì khi vào siêu thị bạn tự động mua mặt hàng Omo hay Clear cho mà coi khi bạn dự định mua các mặt hàng này. Khi bạn mua hàng ở siêu thị rồi trả tiền bằng thẻ tín dụng ở quầy tính tiền, thì bạn đâu có biết thông tin cá nhân của bạn – qua thẻ tín dụng – đã chui vào một căn cứ dữ liệu (mà người ta gọi là data warehouse – kho hàng dữ liệu). Và từ kho dữ liệu đồ sộ này, một phần mềm tin học sẽ nghiên cứu phân tích thị hiếu, sở thích của mảng người tiêu dùng để đề ra chiến lược sản xuất mặt hàng độc đáo, quảng cáo và bán hàng đối với một loại người tiêu thụ đặc biệt được nhắm tới. Những câu quảng cáo điển hình như “đi xe hơi XYZ là người sành điệu”, thì ma nào trong túi rủng rỉnh tiền ai lại không muốn bạn bè khen mình là người sành điệu. Ngày nay, người ta nhân danh tiến bộ khoa học kỹ thuật để bóc lột người tiêu dùng.

Ngày nay ranh giới giúp phân biệt bóc lột hay là không bóc lột rất là mơ hồ. Nếu bạn biết rằng trong những công ty đa quốc gia như Nestlé, hay những công ty cỡ bự như Boeing thì số lượng các công ty vệ tinh cung cấp linh kiện phụ tùng cho các công ty bự này lên hằng chục ngàn. Theo quản lý cổ điển thì tại công ty lớn bao giờ cũng có một kho hàng chứa sẵn linh kiện để sản xuất. Trị giá kho hàng có thể chiếm 20-30% tổng tài sản công ty. Nhưng nay với hệ thống thông tin thì kho hàng teo lại trị giá còn vào 7% tổng tài sản vì giờ đây các công ty vệ tinh có thể kết nối bằng điện tử thẳng vào hệ thống căn cứ dữ liệu của công ty lớn để biết kế hoạch sản xuất cũng như tình trạng tồn kho của công ty lớn này. Như vậy công ty gia công có thể biết lúc nào sản xuất, bao nhiêu, và giao hàng lúc nào. Do đó, chỉ khi cần đến mặt hàng lúc nào thì công ty vệ tinh rót hàng xuống đúng lúc. Phương pháp quản lý này được gọi là JIT (tắt chữ Just In Time, nghĩa là rót hàng đúng lúc, một khái niệm do người Nhật đề xướng). Với việc giảm trị giá tồn kho như thế người ta đã tiết kiệm tiền lãi vay ngân hàng, chi phí bảo quản kho v.v.. đem lại giá trị thặng dư cho xí nghiệp. Như vậy có nên coi là bóc lột không? Chắc là không, vì ở đây phương thức quản lý hoàn toàn do máy tính điều khiển. Ngoài ra, với việc sử dụng hệ thống phần mềm ERP (Enterprise Resources Planning) mà các công ty đa quốc gia hoặc các xí nghiệp hiện đại ngày nay (kể cả ở Việt nam) đang gạt bỏ lần một số chức vụ quản lý trung gian (middle manager) giữa ban lãnh đạo ở tầng trên với nhân viên tác nghiệp ở tầng dưới. Những cán bộ quản lý trung gian này là những trưởng phòng thống kê, kế hoạch, kế toán tồn kho v.v.. những người chuyên làm báo cáo, làm thống kê, tập hợp dữ liệu giờ đây sẽ biến mất thay thế bởi những chương trình phần mềm đặc biệt mà ban lãnh đạo có thể sử dụng bất cứ lúc nào và bất cứ tại đâu trên thế giới để có được báo cáo và thống kê chính xác và kịp thời theo ý muốn của mình. Tất cả những chi phí gián tiếp được tiết kiệm do việc giảm cán bộ trung gian sẽ đem lại giá trị thặng dư cho xí nghiệp, và một lợi thế cạnh tranh. Nói cách khác, giờ đây với sự tiến bộ trong công nghệ thông tin, người ta đã biết bóc lột sức lao động và trí óc của máy tính, và máy tính làm việc không mệt mỏi, không kêu ca than phiền, không đình công đòi tăng lương hoặc phúc lợi xã hội.

Cuối cùng, tôi có hai thắc mắc là cách hành xử của người cộng sản Việt nam khi nắm quyền trước sự bóc lột. Nếu ta lý luận rằng giới chủ nhân tư bản là người bóc lột để có thể giàu có. Người càng giàu thì sự bóc lột của họ càng thậm tệ. Vừa rồi tạp chí Forbes ở Mỹ cho ra danh sách 792 người giàu nhất thế giới, theo đấy Bill Gates, chủ hãng phần mềm tin học Microsoft là người giàu nhất thế giới với gia tài là 50 tỷ đô la. Thế thì phải nói Bill Gates là tay bóc lột số 1 thế giới. Ngoài ra, trong số 50 tỷ phú đô la trên danh sách kể trên phần lớn toàn là chủ các hãng tin học như Dell, Cisco, Apple v.v.. Nghĩa là, ngành tin học là ngành bóc lột nhất trong các ngành nghề. Còn các ngành nghề khác như khai thác hầm mỏ, đồn điền trang trại, chăn nuôi (là các ngành nghề mà Các Mác đã dựa vào đấy đưa ra khái niệm bóc lột) thì lẹt đẹt đi cuối bảng. Nếu tin học là một ngành bóc lộc nhất thế giới, thì sao nhà nước ta lại đang khuyến khích đi làm tin học, cho miễn thuế 4 năm đối với những công ty làm phần mềm tin học. Ngành tin học đang đem lại cho Ấn độ hằng năm trên 20 tỷ đô la, nên ta cũng thèm được như họ. Xem ra thì không ai trong chính quyền tin rằng ngành tin học là ngành bóc lột nhất thế giới (ngành mà tôi gắn bó từ 40 năm nay). Thắc mắc thứ hai của tôi là nếu đã cho tư bản là bóc lột, thì tại sao ta lại kêu gọi các công ty tư bản đa quốc gia đầu tư vào Việt nam để cho những công ty này bóc lột nhân dân hoặc cho xuất khẩu lao động qua các nước tư bản để “bị bóc lột”. Nghĩa là ta không nhất quán với nhận thức về bóc lột, hay là ta đã thay đổi quan điểm nhưng không muốn nói ra (dân miền Nam thường hay gọi cách hành xử này là “nói thế nhưng không phải là thế”).

Để kết luận, theo ý tôi, giờ này không nên nói đến sự bóc lột vì nó đã trở thành lỗi thời và trở nên “vô hình”, và từ này được thay thế bởi một từ khác là “lợi thế cạnh tranh” trong kinh tế, trong hành chính. Một cá nhân, một tổ chức hoặc một quốc gia giờ đây khi làm kinh tế hay hoạt động gì gì đó thì phải làm thế nào tìm ra hoặc tạo nên một lợi thế cạnh tranh trước đối thủ để có thể thu về cho mình lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Nếu ta muốn “dân giàu, nước mạnh” thì ta nên cho mọi công dân, kể cả đảng viên, tham gia vào làm kinh tế, đồng thời tạo một môi trường lành mạnh để mọi người có thể tìm ra một lợi thế cạnh tranh cho mình trong khuôn khổ luật pháp để hoạt động trong thương trường nội địa cũng như ở ngoại quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét